Chủ Nhật, 19/02/2012 10:45

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại

Không thể phủ nhận những bước tiến vượt bậc cũng như những thành tựu đáng kể của hệ thống ngân hàng trong những năm vừa qua với mạng lưới cung cấp dịch vụ ngân hàng phong phú, phục vụ mọi thành phần kinh tế. Song, hệ thống này cũng đang bộc lộ không ít những hạn chế, yếu kém với mô hình quản trị cũ.

Giống như một chiếc xe đi quá nhanh trong thời gian dài, hệ thống ngân hàng Việt Nam cần một cuộc bảo dưỡng, đại tu hướng đến một hệ thống phát triển lành mạnh và an toàn. Nói cách khác tái cơ cấu hệ thống ngân hàng hiện nay đang là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, mang tính quyết định đến sự thành công của toàn bộ chương trình tái cấu trúc nền kinh tế.

Điều kiện cần cho tái cơ cấu hệ thống ngân hàng

Mục tiêu tăng trưởng hợp lý. Trước tiên, trên phương diện vĩ mô, mục tiêu tăng trưởng kinh tế cũng cần phải được “cơ cấu lại”. Không nên đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao bằng mọi giá, mà là một mức tăng trưởng hợp lý, bền vững. Cần cân bằng lại các cơ cấu để đảm bảo phát triển và tăng trưởng bền vững như cơ cấu xuất nhập khẩu, cơ cấu ngành sản xuất, cơ cấu đầu tư, cơ cấu ngân sách...

Tái cấu trúc là hướng tới việc sắp xếp, nâng cao khả năng quản trị điều hành của NHTM để đảm bảo an toàn hệ thống, hình thành hệ thống các NHTM có sức mạnh tài chính thực sự, khả năng quản lý, kiểm soát rủi ro, quản trị doanh nghiệp tốt.

Hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý. Đây là vấn đề cần ưu tiên để tái cơ cấu ngân hàng nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp điều hành chính sách tài khóa - tiền tệ. Hiện nay, ở lĩnh vực ngân hàng vẫn còn khá nhiều bất cập, bất ổn trong thực thi các quy định pháp luật về đăng ký thành lập và hoạt động ngân hàng, tiến độ tăng vốn điều lệ, thanh tra giám sát rủi ro hệ thống, quản trị nhân lực, trình độ năng lực công nghệ ngân hàng tối thiểu... Quá trình hoàn thiện thể chế nên được xem xét kỹ trên cả ba mặt: đánh giá đúng thực trạng, định hướng sửa đổi bổ sung; cập nhật mức độ thích nghi trong hoàn cảnh mới, và đưa ra giải pháp then chốt nhằm nâng cao hiệu lực thực thi.

Rà soát lại quy mô của hệ thống. Để xây dựng một hệ thống ngân hàng thực sự “khỏe mạnh” hơn, cần phải giảm về số lượng các ngân hàng thương mại (NHTM), các chi nhánh cũng như các tổ chức tín dụng phù hợp với mức tăng trưởng trên dưới 100 tỉ đô la Mỹ như hiện nay. Muốn như vậy, trước hết cần phải quản lý tốt ngay trong khâu cấp phép thành lập ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Rà soát lại để thực hiện nghiêm điều 55 (tỷ lệ sở hữu cổ phần) của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, trên cơ sở đó đánh giá, xử lý các trường hợp mà những cá nhân, doanh nghiệp lớn nắm cổ phần chi phối trong một hoặc nhiều ngân hàng nhiều hơn mức được luật quy định.

Giải quyết nợ xấu và lên kế hoạch cho hậu tái cơ cấu. Nhìn lại, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 14,7% trong năm 2001 xuống 5% vào năm 2005, nhưng từ năm 2006 lại bùng lên. Bởi vậy, cần tập trung vào nợ xấu và hệ thống giám sát rủi ro để tình trạng này không lặp lại. Phải rà soát lại toàn bộ hệ thống quản trị rủi ro ở các NHTM hoạt động có hiệu quả hay không, quy chế thế nào, xử lý rủi ro ra sao; và các hoạt động kiểm soát giám sát tại chỗ của các NHTM. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các tổ chức tín dụng (TCTD) cần hoạch định chiến lược phát triển phù hợp, xây dựng và tiến hành các biện pháp tái cấu trúc để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững.

Một trong những giải pháp được cho là hữu hiệu nhất để tái cơ cấu ngân hàng hiện nay chính là khuyến khích sáp nhập, hợp nhất, mua lại các NHTM và các TCTD. Đây được coi là giải pháp giúp hình thành những định chế tài chính lớn hơn, mạnh hơn, có khả năng trụ vững trong một môi trường cạnh tranh ngày một trở nên khốc liệt, qua đó lành mạnh hóa hệ thống tài chính ngân hàng.

Hiểu đúng về sáp nhập, hợp nhất

Hiện nay hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp cũng đã tương đối đồng bộ, hoàn chỉnh. Trên cơ sở đó, ngày 11-2-2011, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 04/2010/TT-NHNN quy định việc sáp nhập, hợp nhất và mua lại TCTD nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động này.

Tuy nhiên cũng cần phải hiểu đúng sáp nhập, giải thể ở đây là hướng về hiệu quả trong hoạt động chứ không phải là ngân hàng nhỏ thì bị sáp nhập vào ngân hàng lớn. Thực tế hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay hoạt động kém bài bản, cách xa các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Vì vậy, nhân dịp này các ngân hàng dù sáp nhập hay không cũng nên xem xét và điều chỉnh lại các hoạt động của mình. Tái cấu trúc là hướng tới việc sắp xếp, nâng cao khả năng quản trị điều hành của NHTM để đảm bảo an toàn hệ thống, hình thành hệ thống các NHTM có sức mạnh tài chính thực sự, khả năng quản lý, kiểm soát rủi ro, quản trị doanh nghiệp tốt.

Xu hướng sáp nhập, giải thể trong lĩnh vực ngân hàng cũng diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc, Singapore... Tuy nhiên, mua bán, sáp nhập ngân hàng ở các quốc gia này không phải để khắc phục yếu kém, bất ổn mà vì sáp nhập có lợi hơn. Do vậy, sáp nhập giải thể để tái cấu trúc như ở nước ta đồng thời cũng phải thay đổi toàn diện phương thức, cơ chế, quy trình làm việc. Cũng nên cử ra cá nhân, cơ quan cụ thể chịu trách nhiệm thực hiện, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Lúc đó thì sáp nhập có làm cũng như không làm.

Sáp nhập, hợp nhất như thế nào?

Bởi mục tiêu của việc sáp nhập là để làm lớn mạnh các ngân hàng yếu. Như vậy, phải sáp nhập một ngân hàng yếu với một ngân hàng mạnh. Câu hỏi đặt ra là, liệu các ngân hàng mạnh có đồng ý hay không vì khi sáp nhập nghĩa là họ phải lãnh cả những khoản nợ khó đòi và nợ xấu của ngân hàng yếu? Trong khi thực tế, các vấn đề nội tại của ngành ngân hàng xuất phát từ việc phát triển thiếu định hướng, thiếu tiêu chí, thiếu phân loại rõ ràng các ngân hàng.

Có thể nhận thấy, các ngân hàng hiện nay đều có chiến lược, đối tượng khách hàng, dịch vụ... giống nhau. Ví dụ như ngân hàng nào cũng cho vay ngoại tệ, cho vay bất động sản hay nông nghiệp... Vì vậy mới dẫn đến tình trạng chèn ép, lôi kéo khách hàng của nhau trong khi không thiếu mảng dịch vụ lại bị bỏ ngỏ.

Hơn nữa việc sáp nhập, hợp nhất lâu nay xuất phát từ việc phân biệt các ngân hàng lớn, ngân hàng nhỏ, trong khi chúng ta chưa có tiêu chí nào để phân biệt. Đặc biệt, bất kỳ quốc gia nào cũng đều cần có cả ngân hàng lớn và nhỏ để cung cấp dịch vụ tài chính cho mỗi phân khúc kinh tế.

Chính vì thế Ngân hàng Nhà nước cũng cần phải có lộ trình phù hợp cho quá trình sáp nhập, hợp nhất, mua bán các ngân hàng. Nên kiểm tra, rà soát lại thực trạng hoạt động của các ngân hàng và các ngân hàng cũng nên tự đánh giá lại năng lực hoạt động, năng lực cạnh tranh của mình để có giải pháp cụ thể trong tái cơ cấu. Các ngân hàng khi sáp nhập, hợp nhất không nên hướng đến mục tiêu xây dựng ngân hàng to lớn hơn mà phải tập trung vào mục tiêu xây dựng ngân hàng “mạnh” bằng việc đa dạng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm quyền lợi, an toàn của người gửi tiền, nâng cao năng lực quản lý, kiểm tra, giám sát bảo đảm chất lượng tài sản...

Mục tiêu lớn của tái cơ cấu đó là tạo một hệ thống ngân hàng đa dạng về loại hình, quan hệ sở hữu và quy mô; trong đó có các ngân hàng đủ mạnh để có thể cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, có các ngân hàng làm trụ cột cho cả hệ thống ngân hàng trong nước và có các ngân hàng có quy mô nhỏ và vừa hoạt động trong những phân khúc thị trường khác nhau.   

Có thể nói tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã và đang là vấn đề cấp thiết không chỉ đối với riêng ngành ngân hàng mà đối với toàn bộ nền kinh tế. Vì vậy, không chỉ Ngân hàng Nhà nước  mà các cơ quan chức năng, bộ ngành đều phải cùng chung tay thực hiện. Mặt khác, đây là một vấn đề lớn nên không thể nóng vội trong quyết định, cần phải tính toán kỹ lưỡng trong từng bước hành động để xây dựng nên một hệ thống ngân hàng phát triển lành mạnh, làm nền tảng cho việc tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế trong tương lai.

Minh Khuê

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Tiền gửi: Ngắn hạn và dài hạn (19/02/2012)

>   Ngân hàng nước ngoài chuyển mình (19/02/2012)

>   Giảm lãi suất: Cửa hẹp cho sự trì hoãn (19/02/2012)

>   Chỉ tiêu tín dụng đã đến các ngân hàng (18/02/2012)

>   Hạ lãi suất: Cần thêm mệnh lệnh từ Thủ tướng? (18/02/2012)

>   Lãi suất Vietcombank vừa giảm, vừa… tăng (18/02/2012)

>   Tỷ giá USD/VND gần và xa… (18/02/2012)

>   Cung dồi dào, giá USD tiếp tục giảm (18/02/2012)

>   Huy động vàng: “Vướng” lãi suất (17/02/2012)

>   Thời điểm hiện tại người dân nên giữ VNĐ (17/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật