Khổ sở với 5 "chiêu" siết nợ của ngân hàng
5 loại “con nợ” ngân hàng phải dùng các biện pháp “siết” với nhiều cấp độ khác nhau. Cấp độ 1 nhẹ cũng liên tục “nã” điện thoại nhắc nhở. Cấp độ khác thì “quăng” xích bắt xe, hay túm cái gì sờ, nắm được…
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tình hình nợ xấu tại các ngân hàng thương mại gia tăng khá lớn. Nợ xấu chung của hệ thống ngân hàng ở mức 3,3% tổng dư nợ, cao hơn so với mức 2,14% vào cuối năm 2010. Trong năm 2011 đã có khoảng gần chục ngân hàng có tình trạng nợ xấu tăng so với năm 2010.
NHNN đã có cảnh báo về tình trạng này, bởi đây cũng là một trong những tiêu chí để phân loại nhóm các ngân hàng được cấp tăng trưởng tín dụng trong năm 2012.
Cũng chẳng phải chờ NHNN thúc giục, nhiều ngân hàng đã rốt ráo đốc thúc thu hồi các khoản nợ tín dụng bằng nhiều chiêu “độc” khác nhau.
Cấp độ 1: Nhẹ nhàng “nã” điện thoại
Trong nghiệp vụ ngân hàng, có thể hiểu nôm na nợ xấu là các khoản vay quá hạn. Nhưng khoản vay quá hạn cũng được chia thành nhiều lại, trong đó cơ bản có 5 loại, đó là: loại 1 gồm các khoản vay quá hạn dưới 10 ngày; loại 2 là khoản vay quá hạn từ 10-90 ngày; từ 90-120 ngày là loại 3; loại 4 là từ 120-360 ngày và loại 5 là nợ trên 1 năm.
Xác định nợ xấu đến mức nào còn phụ thuộc vào tài sản đảm bảo hoặc các thứ mà khách hàng đem ra để đảm bảo được nghĩa vụ của họ tại ngân hàng. Ngoài ra còn một số tiêu chí khách mà ngân hàng đặt ra.Cũng được hiểu theo cách thông thường, nợ quá hạn rợi vào loại 1, loại 2, ngân hàng chưa sốt sắng bằng nợ loại 3, 4,5.
Theo lời của lãnh đạo một ngân hàng, trong tình hình khó khăn chung hiện nay, chuyện doanh nghiệp dây dưa nợ là có thực, thậm chí rất nhiều, với con số nợ hàng chục, hàng trăn nghìn tỷ. Ngân hàng không chỉ chăm chăm nghĩ đến chuyện đi đòi nợ mà cũng cùng doanh nghiệp nghĩ “nát nước, nát cái” làm sao nguồn vốn cho vay đó sinh lời cao, hoặc không thì cũng phải bảo toàn được vốn. Công việc kiểm soát sau vay vẫn là nghiệp vụ cần thiết của mỗi ngân hàng. Trường hợp buộc phải xử lý nợ là cực chẳng đã.
Cái việc “cực chẳng đã” này cũng có nhiều cách khác nhau. Với “con nợ” thuộc nhóm 1,2 thì ngân hàng cũng chỉ gửi văn bản nhắc nhở.
Bộ phận thu hồi nợ của ngân hàng T cho biết: “Thông thường khách hàng nợ quá hạn, ngân hàng phải thông báo cho khách hàng (quá hạn bao nhiêu ngày) và việc này gây tổn hại đến mức độ nào về tài chính ra sao, về giao dịch sau này với ngân hàng như thế nào. Song song với đó là sắp xếp các cuộc hẹn với khách hàng để làm sao họ đề ra được phương án xử lý nợ quá hạn đó….”.
Tuy vậy những biện pháp thông thường đó vẫn khó đạt kết quả cao. Nhiều nhân viên đi thu hồi nợ phải nghĩ ra nhiều chiêu bắt nợ khác nhau.
Gọi điện thoại nhắc nhở doanh nghiệp khoản nợ đến kỳ phải trả là nhẹ nhàng nhất trong các biện phá xử lý nợ quá hạn. Có nhân viên ngày chỉ gọi 1 cuộc điện thoai, nhưng có nhân viên sốt ruột phải “nã” liên tiếp một ngày phải gọi vài ba cuộc. Gọi đến chừng nào họ hứa “một ngày đẹp trời” nào đó sẽ trả tiền mới thôi.
Cuối năm là thời điểm phải trả nợ nhiều nhất, có nhân viên sốt sắng thu nợ tới mức phải cảnh báo “con nợ” hẹn trả nợ nếu không muốn bị giông cả năm vì sẽ bị gọi điện đòi nợ vào… mùng một Tết.
Cấp độ 2: “Ăn vạ” ngược
Anh NTH, chuyên viên ngân hàng T cho biết, với mức nợ xấu hơn (loại 3 trở lên) thì bộ phận xử lý nợ của ngân hàng sẽ phải có cách hiệu quả hơn. Ngoài việc ngân hàng sẽ quản lý nguồn thu của khách hàng qua tài khoản của khách để cấn trừ nợ, nhân viên thu nợ sẽ phải tìm cách khác.
Cũng theo lời anh NTH, bộ phận này có nhiều cán bộ đòi nợ rất chuyên nghiệp. Họ có thể đến đơn vị của “con nợ” và ngồi nhiều ngày, nhiều giờ, thấy tiền về, hàng về là ngay lập tức “túm” ngay.
Rắn mặt hơn, “con nợ” tránh mặt ở cơ quan thì ngân hàng sẽ “tận tình” đến tận nhà ngồi “ăn vạ” , đến chừng nào có được để có được cam kết cụ thể trả nợ của khách hàng.
Anh NTH cho biết thêm, trường hợp nhân viên ngân hàng đến “ăn vạ” ngồi tại đơn vị khách hàng nợ tiền thì ngân hàng không khuyến khích , đó là nghiệp vụ riêng của mỗi nhân viên. Ngân hàng chỉ yêu cầu nhân viên đôn đốc khách hàng trả nợ.
Cấp độ 3: Làm cho 'con nợ" thấy xấu hổ
Khi khách hàng đi vay thì thường phải có thế chấp một tài sản nào đó có thể sờ, nắm được như xe cộ, nhà cửa, hàng hóa...vv.. Nhưng hiện nay ngân hàng có nhiều loại vay khác nhau, trong đó vay tín chấp là loại vay dùng uy tín là tài sản thế chấp. Khoản vay này chủ yếu là vay nhỏ cho mục đích tiêu dùng (khoảng vài chục triệu đến trăm triệu đồng). Đây là loại khó thu hồi nợ nhất, bởi không có tài sản bảo đảm chẳng khác nào ngân hàng nắm đầu không tóc.
Một trong những biện pháp ngân hàng hay dùng để thu nợ kiểu loại này là đánh vào uy tín của cá nhân khách hàng. Phải làm sao họ cảm thấy xấu hổ vì đã chót vay mà không trả nổi.
Có “con nợ” chịu cảnh “trát” của ngân hàng gửi về địa phương nơi cư trú và cả nơi làm việc, thông báo khoản nợ. Với những người của công chúng thì càng dễ, vì chỉ cần lên mặt báo do trây ì nợ đã đủ khiến họ mất mặt.
Cấp độ 4: “Quăng” xích khóa xe
Nếu công an có chuyện quăng lưới bắt xe vi phạm thì ngân hàng cũng có chiêu “quăng” xích bắt xe nợ.Nhân viên đi thu hồi nợ phải "rình", cứ nhìn thấy xe là phải xích khóa lại, rồi chờ đôi bên liên quan đến xử lý nợ.
Những năm trước bất động sản có tính thanh khoản cao thì nay ô tô là tài sản có tính thanh khoản cao nhất. Ô tô cũ bán vẫn được giá hơn nhiều so với các tài sản khác.
Bên cạnh đó bắt xe còn dễ hơn nhiều tài sản khác. Có trường hợp, đất thế chấp ở trong làng. Khi cán bộ ngân hàng đến xử lý thu hồi nợ, cả họ hàng ra đuổi, cán bộ phải bỏ của chạy lấy người.
Cấp độ 5: Dằn mặt kiểu xã hội đen
Tại phiên họp quốc hội hồi cuối năm qua, đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến (tỉnh Long An) đã đề cập đến vấn đề xuất hiện một loại tội phạm mới lợi dụng việc siết chặt tín dụng của ngân hàng để làm khó doanh nghiệp, không cho đảo nợ, thu hồi nợ trước hạn, tín dụng đen… để mua rẻ, chiếm doanh nghiệp.
Trên thực tế, cũng có những chuyện dằn mặt kiểu xã hội đen. Tuy nhiên cách thức như đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến đề cập ở quy mô lớn và có sự cấu kết tinh vi.
Trưởng bộ phận thu nợ một ngân hàng cổ phần cho tiết lộ: “Với ngân hàng sẽ không có chuyện đó bởi còn liên quan tới uy tín, thương hiệu và pháp luật. Nếu phải dùng đến xã hội đen thì có thể là cá nhân người của ngân hàng dùng uy tín của mình để tạo điều kiện cho khách hàng được vay vốn. Nhưng khi khách hàng không trả nợ được thì cá nhân đó phải có trách nhiệm thu hồi nếu không muốn bị cách chức, đuổi việc. Do đó sẽ có chuyện cá nhân đó nhờ đến bàn tay của giới giang hồ đi đòi hộ…”.
Cách đòi nợ này không cần “đao to búa lớn” gì, chỉ cần đến gặp “con nợ” và nói tên một anh chị nào đó có tiếng trong giới đòi nợ thuê và nhắc đến một khoản nợ ( không nhắc tên ngân hàng), thế là đủ để “con nợ” hiểu đã đến lúc phải trả nợ nếu không muốn xử theo luật rừng.
Cấp độ 5: Bó tay và lôi nhau ra tòa
Với mức nợ xấu hơn (loại 3 trở lên) thì bộ phận xử lý nợ có giải pháp tiến hành tố tụng khi cần thiết. Có thể khiến khách hàng luôn luôn bị đưa vào tình trạng sẵn sàng bị kiện ra tòa. Trường hợp khởi kiện là lựa chọn cuối cùng của ngân hàng khi không thu hồi được nợ.
Giám đốc chi nhánh một ngân hàng khác cho biết, khi khách hàng nợ, ngân hàng cũng coi đó như việc của mình , bởi đó là khoản tiền ngân hàng bỏ ra để đầu tư. Khách hàng nợ cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng mất lợi nhuận, chứ không hẳn là chăm chăm cứ đến ngày đến tháng là đòi nợ.
“Ngân hàng cũng muốn hướng đến khách hàng vay là quan hệ lâu dài. Chính tài sản đảm bảo là nhà xưởng, hàng hóa..doanh nghiệp sản xuất ra để có nguồn thu. Nếu ngân hàng xử lý tài sản đó thì họ cũng không có nguồn thu nào để trả và dẫn đến việc gián đoạn việc sản xuất, kinh doanh, khi đó khách hàng đó chỉ “chết” mà không đỡ được…”, vị giám đốc chia sẻ.
Đinh Bách
vnmedia
|