Thứ Hai, 20/02/2012 15:20

“Giấy khám sức khỏe ngân hàng”: Vé thông hành

Dù NHNN không công bố về “sức khỏe” của từng NH để phân nhóm (do đây là vấn đề nhạy cảm) nhưng lãnh đạo nhiều NHTM đã biết mình được xếp vào nhóm nào, bởi NHNN đã làm việc với từng NH. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng liệu tiêu chí phân nhóm theo Chỉ thị 01 của NHNN có xảy ra chuyện các NHTM “chạy cửa sau” để xin “nâng cấp sức khỏe”?

Kẻ mừng, người hồi hộp

Lãnh đạo DaiABank vừa cho biết DaiABank được xếp vào nhóm 2. Thông tin này không quá bất ngờ vì dù là NH bậc trung và nhỏ nhưng năm qua DaiABank có kết quả kinh doanh khá tốt, tỷ lệ nợ quá hạn thấp.

Khác với một số NHTM nhỏ nợ trả chậm trên thị trường 2 (liên NH), DaiABank là chủ nợ trên thị trường 2 và dòng vốn chủ yếu đổ vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh nên tăng trưởng khá an toàn và bền vững.

Với những NHTM nhóm 4 dù không được tăng trưởng tín dụng nhưng hoạt động huy động và cho vay vẫn diễn ra dưới sự kiểm soát, giám sát chặt chẽ của NHNN, nhằm hướng các NHTM này cơ cấu lại hoạt động, kinh doanh an toàn và tránh đổ vỡ dây chuyền cho hệ thống.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc VPBank, cho biết dù chưa nhận giấy phép chính thức từ NHNN nhưng VPBank tin chắc mình sẽ được tăng trưởng tín dụng ở mức 17%. Tuy nhiên, theo ông Hưng mức này cũng không có gì lạc quan, bởi VPBank chỉ được tăng thêm 7.000 tỷ đồng.

“Chỉ cần nhu cầu khách hàng cũ, cho vay thẻ tín dụng, tiêu dùng bình thường… đã cạn room. Vì vậy, trong bối cảnh thị trường khó khăn, dù doanh nghiệp rất thiếu vốn nhưng NH cũng phải chọn ngành cho vay, trong đó ưu tiên tín dụng xuất khẩu, thậm chí với nhập khẩu cũng phải hạn chế vì vốn rất hữu hạn” - ông Hưng nói.

Một số NHTM nhỏ khác lại tỏ ra thận trọng. Cuối tuần qua, lãnh đạo NH N. vui vẻ cho biết đã nhận được thông tin từ NHNN xếp NH mình vào nhóm 2, nhóm được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tối đa 15%. Theo đó, NH N. sẽ tập trung nguồn vốn vào đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, với hạn mức từ 10 tỷ đồng trở xuống.

Còn NH V. dự đoán NH mình có thể ở nhóm 3 (nhóm được tăng tín dụng tối đa 8%). Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo NH khác khẳng định V. đang nằm trong nhóm 4, nhóm chờ NHNN xử lý và chỉ định hợp nhất, sáp nhập.

Trong hệ thống NHTMCP, nhóm G12+1 (gồm 12 NH lớn chiếm 85% thị phần) chắc chắn cầm “tấm vé” ở nhóm 1, như vậy cơ hội vào nhóm 1 cho những NHTM nhỏ có sức khỏe tốt rất ít, mà chỉ có thể ở nhóm 2.

Riêng những NHTM nhóm 4, không loại trừ khả năng đang “chạy” để được nâng lên nhóm 3 nhằm thoát khó khăn trước mắt trong kinh doanh (huy động và cho vay), về dài hạn sẽ giải quyết sau.

Theo một chuyên gia NH, trong lộ trình tái cơ cấu hệ thống NHTM hiện nay, NHNN sẽ thực hiện theo nguyên tắc “ném chuột không vỡ bình”, trong đó dù phân loại sức khỏe nhưng NHNN không công bố NHTM yếu kém như là giải pháp cần thiết để bảo vệ các NH này, tránh những ảnh hưởng lan tỏa.

Tuy nhiên, NHNN sẽ mạnh tay xử lý những NHTM yếu kém, không nể tình hay “nuông chiều” dẫn đến các NHTM này vẫn tạo vỏ bọc bên ngoài hoạt động lành mạnh, tốt đẹp trong khi thực tế bên trong đang tìm cách lách luật qua mặt cơ quan quản lý, khách hàng và nhà đầu tư.

Chặt hay lỏng?

Theo Công văn 674, NHNN tính toán tăng trưởng tín dụng của hệ thống NHTM gồm: dư nợ cho vay bằng nguồn vốn ủy thác của tổ chức khác không phải NH; trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành lần đầu và mua trên thị trường thứ cấp.

Năm ngoái, Thông tư 28 của NHNN đã yêu cầu các điều kiện mua TPDN khá ngặt nghèo nên không phải NHTM nào cũng được cấp giấy phép mua TPDN từ NHNN. Lúc đó NHNN chỉ tính TPDN trên thị trường thứ cấp, nhưng năm nay tính cả trên thị trường sơ cấp. Tuy vậy, vấn đề này không quá khó với các NHTM.

Khách hàng giao dịch tại Sacombank. 

Theo lãnh đạo một NH cổ phần, dù NH được cấp giấy phép mua TPDN nhưng ông sẽ không mua trong năm nay vì thời điểm này chưa thích hợp. Hơn nữa, khi tính tăng trưởng tín dụng bao gồm TPDN và ủy thác đầu tư, NHNN tính mức tăng tín dụng của năm nay dựa trên số dư ủy thác đầu tư và TPDN của năm ngoái.

Thí dụ, năm ngoái NHTM A. có dư nợ 7.000 tỷ đồng, 3.000 tỷ đồng là TPDN, tổng cộng có 10.000 tỷ đồng. Năm nay được tăng 17% tín dụng, tức được tăng thêm 1.700 tỷ đồng, nếu không mua TPDN, số tiền này là tín dụng. Vì thế, về mặt nào đó nếu NHTM nào có số dư về ủy thác đầu tư và TPDN những năm trước lớn, năm nay mức tăng trưởng tín dụng sẽ cao, tức vẫn có lợi chứ không bị thiệt.

Một vấn đề đang được các NH quan tâm là nếu ở vào nhóm 4, không được tăng trưởng tín dụng, hệ lụy theo đó không nhỏ. Chẳng hạn, có những hợp đồng tín dụng giải ngân theo tiến độ dự án, nếu năm nay đến thời điểm giải ngân nhưng do ở nhóm 4, NH sẽ không được giải ngân, khả năng bị khách hàng khiếu kiện là điều dễ xảy ra.

Ngoài ra, khi bước vào mùa ĐHCĐ tới đây, NH nhóm 4 khó có thể giấu việc này trước cổ đông bởi kế hoạch lợi nhuận phải trình cổ đông thông qua. Khi đó cổ phiếu những NH này có thể bị bán tháo. Và nếu cổ đông biết cũng khó giữ bí mật với người gửi tiền, dẫn đến khả năng huy động bị sụt giảm là điều có thể.

Tháo gỡ phần nào về lo ngại trên, một lãnh đạo NHTM cho biết năm 2012 các NHTM nhóm 4 không được tăng trưởng tín dụng, nhưng không có nghĩa không được huy động và cho vay. Bởi các NH này vẫn có số dư nợ cũ, chỉ cần thu hồi về và cho vay lại trong hạn mức tín dụng cũ.

Đặc biệt, với những dự án vay vốn đang hiệu quả NHNN còn khuyến khích các NHTM giải ngân tiếp để hoàn thiện dự án nhằm giúp thu hồi vốn an toàn, giảm tỷ lệ nợ xấu.

Dịu Ngân

sài gòn đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   Ông Nguyễn Đức Kiên: Nên giảm lãi suất ngay (20/02/2012)

>   Khổ sở với 5 "chiêu" siết nợ của ngân hàng (20/02/2012)

>   Những ngân hàng được phân loại đầu tiên (20/02/2012)

>   Lãi suất huy động vàng tăng lần đầu tiên trong năm (20/02/2012)

>   Thua kiện, Agribank phải trả cho khách hàng 38,5 tỷ đồng (19/02/2012)

>   Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại (19/02/2012)

>   Tiền gửi: Ngắn hạn và dài hạn (19/02/2012)

>   Ngân hàng nước ngoài chuyển mình (19/02/2012)

>   Giảm lãi suất: Cửa hẹp cho sự trì hoãn (19/02/2012)

>   Chỉ tiêu tín dụng đã đến các ngân hàng (18/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật