Thứ Năm, 17/11/2011 07:29

Miếng pho-mát trên bẫy chuột!

Qua những vụ vỡ tín dụng đen, có thể thấy, niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng, thị trường bất động sản, chứng khoán đang bị xói mòn.

Tín dụng “đen” là cụm từ mà dân gian hay dùng để chỉ các dạng huy động và cho vay tín dụng không qua hệ thống ngân hàng, không đăng ký kinh doanh, cũng như chưa được cấp phép và chịu sự quản lý chính thức bởi bất cứ cơ quan quản lý Nhà nước nào. Đặc trưng cơ bản của tín dụng “đen” là có lãi suất huy động và cho vay cao, trong khi thủ tục thì vô cùng đơn giản so với các hoạt động tín dụng ngân hàng.

Điểm lại các vụ vỡ nợ được công bố trong thời gian gần đây, có thể thấy quy mô các vụ vỡ nợ là ở mức rất nghiêm trọng. Số tiền mà các chủ nợ không thể trả được đã lên tới hàng chục, hàng trăm thậm chí cả ngàn tỉ đồng. Điển hình là các vụ vỡ nợ của Huỳnh Thị Huyền Như (TP.HCM), của các gia đình ở Hà Nội như Quang - Quyên, Hảo - Dậu, Chinh - Chúc. Tổng cộng quy mô của tất cả các vụ vỡ nợ này theo thông tin được các báo chí cung cấp tương đương bằng vốn điều lệ của một NHTM cỡ vừa.

Vay mượn trên thị trường chợ đen có hệ số rủi ro rất cao và việc vỡ nợ xảy ra không có gì... bất thường. Tuy nhiên, khi có nhiều chủ nợ tầm cỡ đồng thời tuyên bố mất khả năng chi trả thì câu chuyện đã chuyển sang một ý nghĩa khác. Thông thường, các quỹ tín dụng đen huy động với mức lãi suất từ 3 - 5%/tháng và sau đó cho vay dao động từ 2.000 - 3.000 đồng/1.000.000 đồng/ngày, tương ứng với 6 - 9%/tháng, tức khoảng từ 72 - 108%/năm (tính theo lãi đơn). Các trường hợp vay nóng, mức lãi vay có thể lên tới 5.000 - 10.000 đồng/1.000.000 đồng/ngày. Để có thể trả lãi được mức lãi suất cao như vậy, các hoạt động kinh doanh từ nguồn tín dụng đen tất yếu thuộc loại có mức rủi ro cao, thu hồi vốn nhanh như đầu cơ "lướt sóng" bất động sản, chứng khoán, vàng...

Nếu trước đây, quy mô của mỗi vụ vỡ nợ tín dụng đen chỉ ở mức vài chục tỷ đồng, thì hiện đã lên tới con số hàng trăm tỷ đồng và không ngoại trừ khả năng sẽ tăng lên mức cao hơn. Điển hình là vụ vỡ nợ ở Cầu Giấy với quy mô hơn 500 tỷ đồng, ở Đan Phượng khoảng 300 tỷ đồng, Phú Xuyên khoảng 400 tỷ đồng, Hà Đông gần 200 tỷ đồng… Trong đó, các đối tượng trong vụ vỡ nợ ở Phú Xuyên, Đan Phượng đã thực hiện cùng lúc nhiều hình thức huy động tín dụng, với thủ đoạn vay tiền, hành vi lừa đảo rất tinh vi.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán, bất động sản khá trầm lắng, chi phí đầu tư, sản xuất ngày càng tăng, các chủ dự án gặp rất nhiều khó khăn khi tìm kiếm lợi nhuận. Nhiều chủ đầu tư từng huy động vốn vay ngân hàng để lướt sóng hoặc đầu cơ chứng khoán, bất động sản, nay không có khả năng thanh toán, buộc phải tìm đến nguồn tín dụng "đen" với lãi suất cao. Bên cạnh đó, do thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, nhưng khó vay được vốn ngân hàng, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải tìm đến kênh tính dụng đen. Không có khả năng trả nợ trong khi lãi mẹ đẻ lãi con, hậu quả tất yếu là các con nợ phải tuyên bố phá sản, gây nên tình trạng đổ vỡ dây chuyền.

Qua những vụ vỡ tín dụng đen, có thể thấy, niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng, thị trường bất động sản, chứng khoán đang bị xói mòn khi một lượng tiền nhàn rỗi khổng lồ đang đổ vào các đường dây tín dụng "đen". Nhiều người có xu hướng sẵn sàng chấp nhận cuộc chơi mang tính siêu rủi ro để thu được lợi nhuận kếch xù. Trong trường hợp này, ngoài tâm lý hám lợi, sự mất cảnh giác của người dân, cũng phải nhắc tới trách nhiệm của các tổ chức, ngành nghề và chính quyền địa phương. Họ đã không phát huy tốt vai trò kiểm tra, thẩm định tính khả thi của những dự án, không quyết liệt ngăn chặn kịp thời những hành vi nguy hiểm, giúp người dân tránh được rủi ro khi góp vốn.

Rõ ràng, hàng loạt vụ đổ vỡ tín dụng "đen" đang gây thiệt hại lớn đến tài sản của nhiều người dân, đồng thời tác động tiêu cực tới đời sống kinh tế - xã hội. Vì vậy, đã đến lúc, các cơ quan chức năng phải vào cuộc một cách mạnh mẽ, áp dụng các biện pháp đồng bộ, như kiên quyết truy tố những chủ nợ lừa đảo, tạm giữ chủ nợ mất khả năng thanh toán, niêm phong, thu giữ tài sản... để xử lý hậu quả các vụ vỡ tín dụng "đen". Bên cạnh đó, việc áp dụng linh hoạt các giải pháp điều chỉnh tài chính như giãn nợ, khoanh nợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư vào sản xuất - kinh doanh cũng góp phần hạn chế việc đổ vỡ tín dụng dây chuyền. Ngoài ra, phải tăng cường tuyên truyền để người dân không bị mờ mắt trước thủ đoạn trả lãi suất cao của chủ đường dây tín dụng "đen".

Nhà báo & Công luận

Các tin tức khác

>   Luật phòng chống rửa tiền: Đừng làm 'cho có' (17/11/2011)

>   Rửa tiền: “Đọc luật là lách được ngay” (16/11/2011)

>   Sàn giao dịch hàng hóa ảo SCX 2011: Hơn 100.000 giao dịch được khớp (16/11/2011)

>   Tội phạm rửa tiền: Băng ngầm chưa lộ sáng (14/11/2011)

>   Bà Phạm Chi Lan: 'Tiền bẩn' dễ thành 'tiền sạch' (14/11/2011)

>   Giải pháp ngăn chặn tín dụng đen: Hình sự hay chính sách kinh tế (13/11/2011)

>   Tiền nhàn rỗi, nên đầu tư vào đâu (12/11/2011)

>   Công ty tài chính 100% vốn nước ngoài đã chính thức hoạt động (11/11/2011)

>   Những ngộ nhận về tín dụng đen (11/11/2011)

>   BĐS và ngân hàng: Từ cảnh báo của đại biểu Quốc hội (10/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật