Thứ Tư, 16/11/2011 10:12

Rửa tiền: “Đọc luật là lách được ngay”

“Tôi có cảm giác, ban soạn thảo luật vì sức ép cam kết quốc tế đã vội vàng trình Quốc hội một dự luật có quá nhiều kẽ hở”.

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) đã nhận xét như vậy tại phiên họp lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo luật Phòng, chống rửa tiền, hôm 15/11. Đồng quan điểm với đại biểu Nam, khá nhiều ý kiến của các đại biểu khác bày tỏ sự quan ngại về tính “lỏng lẻo” của dự án luật nêu trên khi được đưa ra áp dụng trong cuộc sống.

Trước đó, trong báo cáo thẩm tra dự án luật trên của Ủy ban Kinh tế, cơ quan này cũng đã lưu ý sự thiếu chặt chẽ trong một số quy định của dự luật, đặc biệt là việc quy định các khoản tiền, giao dịch có giá trị lớn mới bị cho là “có dấu hiệu rửa tiền”.

Theo đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên), từ trước đến nay ở Việt Nam, phương thức rửa tiền phổ biến nhất vẫn là đầu tư vào doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản... qua ngân hàng chỉ một tỷ lệ nhỏ. Chính vì vậy, việc giao cho Ngân hàng Nhà nước là đầu mối chịu trách nhiệm chính và chỉ ấn định các giao dịch thông qua tín dụng ngân hàng mới bị coi là có dấu hiệu rửa tiền là không hợp lý.

Bên cạnh đó, khá nhiều hành vi nằm ngoài giao dịch ngân hàng nhưng cũng ẩn chứa mục đích rửa tiền như tham nhũng, hối lộ, biếu xen, cho, tăng, khuyến mại... lại không được đề cập trong dự luật.

Một số đại biểu khác băn khoăn, tại sao quy định “cá nhân có ảnh hưởng chính trị có liên quan đến rửa tiền” chỉ là người nước ngoài, mà không quy định đối với người Việt? Chính quy định này vừa khiến cho luật thêm phần nhạy cảm trong quan hệ ngoại giao, vừa có thể bỏ lọt những tội phạm trong nước.

Phát biểu về một số hạn chế của dự luật, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, thực ra Việt Nam phải ban hành luật này chỉ là nhằm đáp ứng cam kết quốc tế (về chống rửa tiền) chứ không phải là đòi hỏi cấp thiết của cuộc sống như các luật khác.

Do vậy, liệu ban soạn thảo đã lường hết các mặt trái của dự luật hay chưa, bởi khi luật ra đời thì các giao dịch sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn nhiều, ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân cũng như chủ quyền an ninh quốc gia. Đại biểu nhấn mạnh đến quyền tự chủ của của Việt Nam trong dự luật.

Ngoài ra, một điều khoản liên quan đến “tài trợ cho khủng bố” được ban soạn thảo đưa vào trong dự thảo luật phòng, chống rửa tiền cũng không nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu.

“Tôi không tán thành việc đưa vấn đề tài trợ khủng bố vào trong dự luật, bởi hầu hết các đại biểu phát biểu sáng nay đều phản đối. Chúng ta không phải vì quá chậm trễ trong cam kết chống khủng bố mà ép Quốc hội phải thông qua điều khoản này. Không nên vì áp lực mà xâm phạm đến quyền lợi của cá nhân”, đại biểu Lê Việt Trường (An Giang) nói.

Bình luận về sự “lỏng lẻo” của dự luật, đại biểu Dương Trung Quốc gói gọn trong một câu “nếu tôi là người rửa tiền, chỉ cần đọc luật là tôi sẽ lách được ngay”.

Không những thế, đại biểu Quốc cũng băn khoăn tại sao chúng ta đã có hẳn một văn bản dưới luật về phòng, chống rửa tiền từ khá lâu nhưng đến nay không thực thi được.Chính Đó cũng là lý do vì sao nhiều tội phạm trên thế giới vẫn xem Việt nam là nơi rửa tiền... lý tưởng.

Vấn đề mà đại biểu Quốc nêu ra chính là kỷ luật giao dịch tài chính của chúng ta quá kém. Cấm cửa này thì đối tượng sẽ đi bằng cửa khác. Cho nên, theo đại biểu, ở Việt Nam chỉ cần mua một căn hộ cao cấp là có thể rửa được cả triệu USD.

Cũng theo đại biểu Quốc, chính vì tính phức tạp, tinh vi của các hành động rửa tiền, nên việc dự thảo giao cho Ngân hàng Nhà nước là cơ quan soạn thảo và đầu mối chính là chưa hợp lý.

“Đây giống như một quy chế để ngân hàng tự bảo vệ mình. Làm như vậy, ngân hàng không chỉ vừa đá bóng vừa thổi còi mà là chúng ta đang giao cho ngân hàng một con dao hai lưỡi. Chừng nào chúng ta còn sử dụng nhiều tiền mặt, nhiều vàng, USD thì vẫn vô phương cứu chữa”, đại biểu Dương Trung Quốc nói.

Quan điểm nên giao cho Bộ Công an chủ trì trong phòng, chống rửa tiền cũng nhận được khá nhiều sự đồng tình của các đại biểu. Bởi lẽ, để giám sát được hoạt động rửa tiền cần phải có tính liên ngành, đặc biệt là nghiệp vụ phát hiện, điều tra cũng như các chế tài xử lý.

Một kẽ hở khác của dự luật được đại biểu Trần Hoàng Ngân (Tp.HCM) chỉ ra, đó là các điều khoản quy định liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu. Với tổng giá trị kim ngạch năm 2010 lên tới 160 tỷ USD, năm nay dự kiến 200 tỷ USD, theo đại biểu đây là lĩnh vực rất thuận lợi cho các hoạt động rửa tiền.

“Tôi rất e rằng việc rửa tiền sẽ ẩn trong các hoạt động xuất nhập khẩu, nhưng trong dự thảo chỉ dành có 3 dòng để phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực này”, đại biểu Ngân lo ngại.

Bảo Anh

tbktvn

Các tin tức khác

>   Sàn giao dịch hàng hóa ảo SCX 2011: Hơn 100.000 giao dịch được khớp (16/11/2011)

>   Tội phạm rửa tiền: Băng ngầm chưa lộ sáng (14/11/2011)

>   Bà Phạm Chi Lan: 'Tiền bẩn' dễ thành 'tiền sạch' (14/11/2011)

>   Giải pháp ngăn chặn tín dụng đen: Hình sự hay chính sách kinh tế (13/11/2011)

>   Tiền nhàn rỗi, nên đầu tư vào đâu (12/11/2011)

>   Công ty tài chính 100% vốn nước ngoài đã chính thức hoạt động (11/11/2011)

>   Những ngộ nhận về tín dụng đen (11/11/2011)

>   BĐS và ngân hàng: Từ cảnh báo của đại biểu Quốc hội (10/11/2011)

>   Rửa tiền ở ta quá dễ (10/11/2011)

>   “Chính sách tiền tệ đừng để doanh nghiệp “chết oan”! (07/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật