Chủ Nhật, 13/11/2011 11:15

Giải pháp ngăn chặn tín dụng đen: Hình sự hay chính sách kinh tế

Xã hội đã và đang nhìn nhận về khu vực tín dụng phi chính thức theo hướng khá tiêu cực. Hiện tại các cơ quan chức năng cũng đã và đang ngăn chặn, xử lý các vụ việc dưới góc độ hình sự là chính. Việc nhìn nhận vấn đề này trên góc độ kinh tế, tài chính có thể gợi lên câu hỏi là “tín dụng đen” nên ngăn chặn bằng hình thức hình sự hay bằng các giải pháp chính sách kinh tế, tài chính ?

Nguyên tắc vàng tín dụng! Sách giáo khoa về tín dụng ngân hàng đều hướng tới một tổng về tín dụng là: cần biết người vay tiền là ai, họ làm gì, tại sao họ chấp nhận lãi suất cao quá mức.

Cảnh báo bẫy lãi suất

Như vậy, nguyên tắc tín dụng ngân hàng khác nguyên tắc cho vay ngoài ngân hàng, như người cho vay cầm đồ (khu vực phi chính thức) là ở chỗ:  khi cho người ta vay tiền thì ngân hàng cần phải biết người vay tiền là ai và họ dùng số tiền của ngân hàng để làm gì và làm sao người đi vay lại có thể trả lãi và trả gốc cho mình. Khảo sát sơ bộ và thông tin báo chí về các  vụ vỡ nợ tín dụng đen thời gian qua như ở Phú Xuyên, Hà Nội... cho thấy, người cho vay thông thường bị người huy động có các chiêu bài để che đậy bằng cách này hay cách khác về mục đích họ vay tiền để làm gì, huy động tiền lớn như vậy để làm gì và làm sao họ lại có lãi và có khả năng trả lãi cao như vậy (hàng trăm % một năm).

Tuy nhiên, lãi suất cao thường đi đôi với rủi ro mất vốn cao.  Có người nói rằng, việc phân biệt vàng thật vàng giả nhiều khi cũng khó và điều đó thật đúng khi môi trường kinh doanh có phần lộn xộn và nhiều người đang cố gắng vươn lên để trở thành người giàu trong xã hội như hiện nay. Tuy nhiên, nguyên tắc vàng trong thị trường tài chính, tiền tệ là lãi suất chính là chỉ báo về tình trạng tài chính của người đi vay nợ và người ta cũng thường cảnh báo rằng “nơi nào rủi ro cao là nơi lãi suất cao”. Nhìn lại những vụ vỡ hụi thời kỳ những năm 1980 tại VN và khảo sát gần đây cho thấy, các đối tượng khát vốn vẫn thường dùng bài khá truyền thống là “siêu lãi suất”. Lãi suất cao khủng khiếp hàng chục phần trăm/tháng là mồi câu vốn vô cùng hấp dẫn. Như vậy, lãi suất cao một cách lạ thường ở VN vẫn rõ ràng là nơi bất thường, ít nhất là tình hình tài chính của người đi vay ở vào trạng thái gay cấn, mất cân đối nghiêm trọng và sau đó có thể là sự lừa đảo dây chuyền.

Dấu hiệu của một vài vụ lừa đảo theo các bài học quốc tế cho thấy, đối tượng đi huy động thường tỏ ra rất giàu có, hào phóng và bề ngoài rất “xịn” và mục tiêu của đối tượng này là làm thế nào đó lôi kéo được càng nhiều người vào cuộc chơi càng tốt. Trong cuộc chơi lãi suất cao (hay lợi nhuận cao) này, đối tượng lấy tiền của “người đến sau” trả lãi cao cho “người đến trước”... Đối tượng này cố gắng tạo ra dòng chảy càng mạnh càng tốt với sự tham gia của ngày càng nhiều người càng tốt... và họ chính là người cầm trịch cuộc chơi và đợi đến khi lượng tiền mà đối tượng thu được ở “cuối nguồn” đã đủ lớn thì hắn bắt đầu tuyên bố phá sản (theo cách này hay cách khác hoặc bỏ chạy). Người ta thường nghĩ và có sai lầm rằng, hình thức hay mô hình “tín dụng đen” chỉ diễn ra ở khu vực phi chính thức. Trong thực tế, hình thức na ná như lừa đảo kiểu lãi suất cao, lợi nhuận cao vẫn có và đã diễn ra khá phổ biến ở cả khu vực chính thức khi thiếu sự giám sát thị trường của các cơ quan chức năng. Ngay tại Mỹ, các vụ việc Quỹ đầu tư với lợi nhuận cao, siêu lợi nhuận (như Bernard Madoff...) là những ví dụ về sự lừa đảo có hệ thống ngay cả thị trường chính thức.

Những gợi ý bằng... giải pháp kinh tế

Quan sát cho thấy, hiện tại xã hội có nhìn nhận về khu vực tài chính phi chính thức với thái độ khá tiêu cực và khi nói về “tín dụng đen” thường là liên tưởng đến những nguy cơ đổ vỡ hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản... Và do đó cách tiếp cận để ngăn chặn tình trạng tín dụng đen dường như chỉ bởi các biện pháp thiên về hình sự. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ kinh tế vĩ mô vi mô hay cụ thể hơn là từ góc độ tài chính thì có thể có những  gợi ý về giải pháp khác:

Thứ nhất, nhà nước cần duy trì tăng tưởng kinh tế vĩ mô ở mức phù hợp với nguồn lực (vốn) hiện có. Người ta thường nghĩ rằng, tín dụng đen không có liên quan gì đến kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, lý thuyết kinh tế học vĩ mô đã chỉ ra rằng, nếu tăng trưởng quá nóng sẽ dẫn đến tình trạng thiếu  nguồn lực như lao động chất lượng cao và nguồn vốn... Tình trạng nền kinh tế lúc nào cũng sẵn sàng cho một cuộc đua lãi suất ở cả khu vực tài chính chính thức và kể cả  khu vực thị trường tài chính phi chính thức (trong đó có tín dụng đen) hiện nay dễ nổi lên câu hỏi cho các nhà kinh tế cần trả lời rằng liệu  tăng trưởng kinh tế VN thời gian qua có quá nóng?

Thứ hai, nâng cao trình độ dân trí về tài chính ngân hàng, tăng cường ý thức phân biệt hay cảnh giác rủi ro mắc “bẫy” lãi suất/lợi nhuận cao cho xã hội sẽ tránh được sự cuốn hút của dân chúng vào các dây chuyền tín dụng đen và sau đó là vỡ nợ tín dụng đen. Bài học ở Phú Xuyên (Hà Nội) vừa qua đã cho thấy, người dân do cả tin nên đã rất dẽ mắc vào các loại “bẫy lãi suất cao” hay “bẫy bánh vẽ” bởi bề ngoài hào nhoáng, tài sản lớn, sự giầu sang...

Nguyên tắc vàng trong thị trường tài chính, tiền tệ - lãi suất chính là chỉ báo về tình trạng tài chính của người đi vay nợ. Hãy tránh xa những nơi có lãi suất cao một cách bất thường và đó là cách mà người có tiền tự bảo vệ mình.

Thứ ba, kiểm soát chặt chẽ sự tăng trưởng tín dụng ở khu vực ngân hàng. Chưa có nghiên cứu nào chỉ ra sự liên thông hệ thống tín dụng đen và các NHTM gần đây ở VN. Tuy nhiên, đã có một vài vụ vỡ nợ diễn ra trong đó có liên quan đến ngân hàng cho thấy nếu có sự cho vay mà không kiểm soát được đối tượng vay tiền của ngân hàng để làm gì thì sẽ có nguy cơ ảnh hưởng của tín dụng đen đến tín dụng chính thức; Bài học ở VN những năm 1980 cho thấy đã có sự liên thông giữa vỡ “hụi” và vỡ nợ hàng loạt của các quỹ tín dụng nhân dân thời đó; Gần đây có vài vụ có tên “cho vay đảo nợ” làm cho ta liên tưởng đến sự tín dụng đên và tín dụng chính thức.

Thứ tư, ngăn “tín dụng đen” len vào khu vực chính thức! Như đã nêu, và thực tế cho thấy, tại VN đã có một vài dấu hiệu về tín dụng đen  đã và đang “len” vào khu vực tài chính chính thức dưới các hình thức này hay hình thức khác.

Ai cũng mong và nghĩ rằng, ngân hàng hay Cty nào đó được phép huy động vốn như bằng trái phiếu (khu vực chính thức) là an toàn hơn tín dụng đen. Nhưng nếu nghĩ ngân hàng là nơi an toàn tuyệt đối và cứ thấy ngân hàng nào tăng lãi suất là dân chúng đi rút tiền ở nơi này để gửi hết tiền vào nơi siêu lãi suất”  lại có thể mắc bẫy lãi suất cao. Trong thực tế, ngân hàng nào quản lý thanh khoản kém sẽ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán  cũng là nơi huy động bằng mọi giá và thường đưa ra siêu lãi suất. Điều này gợi ý cho người gửi tiền về dấu hiệu ngân hàng có vấn đề và hãy tránh xa những nơi có lãi suất cao một cách bất thường. Đó là cách mà người gủi tiền tự bảo vệ mình vì hiếm khi và ít NH lại tự công khai hay công bố họ đang có vấn đề về tài chính. Khi DN nào đó  vay tiền (thậm chí dưới hình thức như phát hành trái phiếu) với lãi suất khủng cũng là đáng nghi ngờ.

Một cảnh báo nữa là một số Cty lỗ vẫn trả cổ tức khủng! Thời gian qua, trên thị trường VN có khá nhiều tin đồn đâu đó về có Cty nào đó lỗ vẫn trả cổ tức rất cao. Rõ ràng hình thức này chẳng khác gì “tín dụng đen” trả lãi suất cao khủng để huy động, còn đây là Cty thua lỗ, trả cổ tức qua đó để huy động thêm vốn hoặc có hình thức trục lợi khác. Hơn nữa nguyên tắc tài chính cũng bị vi phạm khi quá trình tăng vốn và sử dụng vốn nhà đầu tư cũng chẳng thể kiểm soát được vốn của mình đang được sử dụng vào đâu mà thông tin tài chính chủ yếu  nghe theo tin đồn dạng “thực thưc, hư hư” không được kiểm chứng hoặc nếu được kiểm toán thì thường là công bố quá muộn.

ThS Lê Văn Hinh

Diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Tiền nhàn rỗi, nên đầu tư vào đâu (12/11/2011)

>   Công ty tài chính 100% vốn nước ngoài đã chính thức hoạt động (11/11/2011)

>   Những ngộ nhận về tín dụng đen (11/11/2011)

>   BĐS và ngân hàng: Từ cảnh báo của đại biểu Quốc hội (10/11/2011)

>   Rửa tiền ở ta quá dễ (10/11/2011)

>   “Chính sách tiền tệ đừng để doanh nghiệp “chết oan”! (07/11/2011)

>   Thủ tướng yêu cầu theo dõi thông tin vụ tiền polymer (05/11/2011)

>   Tìm “thuốc” cho thị trường vốn (05/11/2011)

>   Rửa tiền: Cứ chia nhỏ là “thoát”? (04/11/2011)

>   Góc khuất tín dụng bất động sản (04/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật