Thứ Sáu, 11/11/2011 06:41

Những ngộ nhận về tín dụng đen

Nhận thức được phần nào sự rủi ro có thể đến với mình khi chấp nhận "cuộc chơi", nhưng nhiều người tham gia tín dụng "đen" lại dễ có tâm lý mình sẽ chỉ tham gia lướt sóng, ngắn hạn, kiểu "ăn non" và rút ra an toàn trước khi thị trường bị vỡ

Tín dụng "đen" là cụm từ mà dân gian hay dùng để chỉ các dạng hoạt động  tín dụng dân sự không qua hệ thống ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng chính thức nào, không đăng ký kinh doanh, cũng như chưa được cấp phép, không tuân thủ  và cũng không chịu sự quản lý chính thức bởi bất cứ cơ quan quản lý Nhà nước hữu quan nào. Tín dụng "đen" thường diễn ra như những hoạt động ngầm, trong nội bộ  những người có liên quan, không ồn ào, có lãi suất huy động và cho vay cao, trong khi thủ tục thực hiện thì vô cùng đơn giản so với các hoạt động  tín dụng ngân hàng chính thức hiện hành.

Tồn tại từ lâu ở Việt Nam, cũng như ở nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới, tín dụng "đen" có hình thức khá đa dạng, với quy mô, hệ quả ngày càng khó lường và nguyên nhân đến từ nhiều phía, song có những ngộ nhận chung cần tránh sau:

Thứ nhất, ngộ nhận về lợi nhuận và cơ hội" lướt sóng" trong tín dụng "đen"...

Tham gia tín dụng "đen" cả người vay và cho vay đều dễ có sự ngộ nhận và kỳ vọng vào mức lợi nhuận cao, dễ dãi trực tiếp từ  lãi suất tín dụng này mang lại, hoặc từ những cơ hội kinh doanh được triển khai bằng nguồn tín dụng "đen".

Người vay có thể  đang cháy bạc, khát nước và cần tiền chi trả cho những tổn thất do dính vụ rớt giá sâu và kéo dài khi lướt sóng  nhầm  trong các phi vụ chứng khoán và nhà đất; hay cần vốn để kinh doanh chụp giựt "quả lớn" mà họ thường tự ám thị mình đã nắm chắc phần thắng "trong tầm tay". Thông thường, vào dịp cuối năm, nhu cầu trả nợ cùng với các hoạt động vay mượn cho nhu cầu kinh doanh và tiêu dùng, tệ nạn cờ bạc tăng cao khiến cho lãi suất nhanh chóng đội lên và quy mô tín dụng cũng theo đó mà mở rộng.

Người cho vay thường là người có tiền tích trữ mà không muốn gửi hay kinh doanh ngân hàng với lãi suất thấp; hoặc đơn giản chỉ là người huy động trung gian để hưởng chênh lệch lãi suất hay hoa hồng hấp dẫn, "thuận mua vừa bán": từ  lãi suất "hữu nghị" chỉ 0,15% một ngày, tương ứng 4,5% một tháng, 54% một năm cho các khoản vay ngắn hạn từ năm ngoái, hiện đã lên tới 10.000 đ./triệu đ/ ngày, tương đương với 30%/tháng và 360%/ năm. Cá biệt, tại Hà Nội, gần đây có hiện tượng cho vay với lãi suất 30-40%/tháng (360-480% / năm). Nhưng phổ biến hơn cả vẫn là mức 5.000-6.000 đ/triệu đ/ ngày, tương đương với khoảng trên dưới 200%/năm (khoảng gần 20% một tháng), gần gấp đôi so với hồi giữa năm nay và luôn cao gấp hơn hàng chục lần lãi suất chính thức của bất kỳ ngân hàng nào cùng thời điểm so sánh.

Cơ chế "hoạt động đa cấp" (nhiều trung gian tài chính và ăn dầy) trong tín dụng "đen" càng khiến cho mức độ và biên độ chênh lệch lãi suất ngày càng lớn, thậm chí cao thêm tới 2-3 lần lãi suất gốc...Càng qua nhiều cầu trung gian thì lãi suất càng đẩy lên cao, nhưng  dù lãi suất cao bao nhiêu cũng không làm kẻ huy động và cho vay sợ hãi do hy vọng vào ...

Hơn nữa, dù có thể nhận thức được phần nào sự rủi ro có thể đến với mình khi chấp nhận "cuộc chơi", nhưng nhiều người tham gia tín dụng "đen" lại dễ có tâm lý mình sẽ chỉ tham gia lướt sóng, ngắn hạn, kiểu "ăn non" và rút ra an toàn trước khi thị trường bị vỡ... nên vẫn "liều nhắm mắt đưa chân, thử xem con tạo xoay vần đến đâu" và cuối cùng thì "lãnh đủ" những hệ quả mà trước đó họ khó có thể hình dung hết.

Thậm chí, có người còn tự huyễn hoặc mình hoặc do người khác kích động làm mờ mắt về những cơ hội trời cho gắn với cơ duyên hay những quan hệ đặc biệt của mình với đối tác, từ đó cho rằng không tham gia tín dụng đen lần này là sự thiếu khôn ngoan, sợ bị mất cơ hội trời cho nên càng dễ "say và phê" khi tìm đến tín dụng đen.

Đặc biệt, trước cánh cửa "đóng băng" hạn ngạch và "rừng" thủ tục của các dòng  tín dụng ngân hàng trong thời buổi khủng hoảng kinh tế-tài chính lan rộng toàn hiện nay, ngày càng nhiều cá nhân có nhu cầu bất khả kháng về tiêu dùng phi sản xuất, hay những doanh nghiệp kẹt vốn kinh doanh sản xuất thực sự và đáo nợ ngân hàng đang "nhắm mắt đưa chân", tìm đến tín dụng "đen" như một giải thoát cuối cùng. Trong quá trình này, thậm chí  "người trong cuộc" còn có thể có sự tiếp tay của một số nhân viên ngân hàng và nhân viên công lực địa phương...

Thứ hai, ngộ nhận về uy tín và thế chấp trong tín dụng "đen"...

Trong hoạt động tín dụng "đen", do các mối quan hệ gần gũi hoặc từ kinh nghiệm hấp dẫn hay choáng ngợp trước những chiêu đánh bóng tên tuổi quá hoành tráng của những con nợ, khiến nhiều chủ nợ đặt hết niềm tin vào người đi vay và nhất là vào khả năng tiềm lực mạnh đến mức không thể thất bại của con nợ. Cũng có người cẩn thận "nhìn giỏ bỏ thóc", thấy con nợ có tới mấy cái nhà và ô tô lớn, thì cho rằng các khoản tiền mình cho con nợ vay chả thấm tháp gì với cơ ngơi con nợ. Họ không biết rằng, trên thực tế những tài sản đó có thể đã được thế chấp nhiều lần ở ngân hàng hoặc chúng trở thành hết sức nhỏ nhoi trong tổng nợ mà con nợ huy động từ tín dụng đen.

Vòng xoáy nợ nần từ tín dụng đen. Ảnh minh họa.

Người vay ngày càng đối diện với sự gia tăng chóng mặt đến kinh hoàng của món nợ phái trả tích cóp theo năm tháng do "lãi mẹ đẻ lãi con" và viễn cảnh bị phá sản, bị xiết nợ đầy bạo lực luôn treo lơ lửng trên đầu con nợ...

Người cho vay hay làm trung gian huy động vốn với lãi suất cao, quy mô lớn thường chỉ nhận được chút lộc ban đầu khá ngọt ngào, rồi bỗng chốc mất trắng đầy cay đắng do đột ngột con nợ bị "vỡ nợ kỹ thuật" với nhiều lý do mùi mẫn và ly kỳ, hay đơn giản là do con nợ biến mất không tung tích,mà chỉ có cơ quan pháp luật nhà nước đôi khi cũng khó tìm, còn việc thu hồi nợ là khó hơn mò kim đáy bể...

Đặc biệt, hệ quả của những hoạt động đỏ vỡ trong các hoạt động tín dụng đen tính chất lừa đảo ngày càng lớn. Tín hiệu thông thường và phổ biến, đặc trưng cho những lừa đảo trong  tín dụng "đen" thường là lãi suất cao, trả lãi đều, uy tín trong thời gian đầu, đủ để người cho vay "ngấm, say và phê" trước lợi nhuận cao và dễ dãi ban đầu. Hô trợ cho màn trình diến này, nhiều kẻ chủ động lừa đảo trong tín dụng đen còn cố tình phô trương thanh thế bằng những chiều khuyến mãi, từ thiện và vung tiền chơi đẹp, hoành tráng, khiến đối tác choáng ngợp và bị thôi miên trước "chiếc nồi Thạch sanh" tiền của vô tận và tài năng xuất chúng, cùng thương hiệu "uy tín đầy mình" của kẻ chủ mưu giăng bẫy...

Thứ ba, ngộ nhận về tính chất không thể kiểm soát và không cần kiểm soát đối với tín dụng "đen"...

Do "Tín dụng đen" không tuân thủ đầy đủ những quy tắc tín dụng và sự kiểm soát của hệ thống ngân hàng hoặc không có chứng nhận và thẩm định của cơ quan có thẩm quyền (đối với những khối tài sản lớn) như thủ tục trong giao dịch dân sự về việc cho, mượn, vay, tặng..., đúng luật, nên về thực chất, đó là một loại giao dịch dân sự vô hiệu một phần, và chúng khó nhận được sự bảo hộ đầy đủ của Nhà nước như những giao dịch tín dụng thông qua ngân hàng  có đăng ký hợp pháp khác.

Đó là chưa kể, người vay và hầu hết người cho vay cũng đều không muốn tiết lộ cho cơ quan chức năng biết, một phần vì tâm lý sợ bị phát hiện cho vay nặng lãi quá quy định có thể bị xử lý tù tới chung thân theo Điều 163 Bộ Luật Hình sự (theo đó, nếu cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên, có tính chất chuyên bóc lột hoặc thu lợi bất chính lớn  phạm vào tội cho vay lãi nặng...

Tuy nhiên, người dân không thể bị gọi là kẻ "chuyên bóc lột" và hoạt động chuyên nghiệp, lấy số lãi làm nguồn sống chính khi họ cho "đại gia" vay tiền với lãi suất cao, tự nguyện, không có sự ép buộc hay bắt chẹt...).

Đồng thời, nhiều cơ quan chức năng cho rằng tín dụng "đen" là những giao dịch dân sự tự nguyện, tự phát, không cần và không thể kiểm soát, bất chấp thực tế ở trên nhiều tỉnh thành lớn, cũng như miền quê nghèo trên cả nước đã, đang và sẽ còn tiếp tục  rộ lên những vụ vỡ tín dụng "đen" với quy mô ngày càng "khủng" từ vài trăm tới ngót nghét ngàn tỷ đồng và tác hại kinh tế-xã hội ngày càng khó đo lường...

Hơn nữa, nhiều cơ quan quản lý nhà nước do theo đuổi những mục tiêu vĩ mô tốt đẹp, cũng như các ngân hàng vì sự an toàn của mình nên, vô tình hay cố ý, thường tạo bờ đê ngăn cách người dân, doanh nghiệp với các dòng tín dụng chính thức, tạo khoảng trống, dư địa cho sự tồn tại của tín dụng "đen"... Đặc biệt, rừng thủ tục và điều kiện vay chặt chẽ của ngân hàng khiến nhiều doanh nghiệp ngại ngần, không muốn hoặc không thể tiếp cận được các nguồn vốn khác, do không thuyết phục được về mục đích và khả năng chi trả các khoản vay đúng hạn, cũng như không đủ kiên nhẫn chờ thủ tục thẩm định cần thiết của bên cho vay.

Thực tế cho thấy thành phần và nguyên nhân tham gia các hoạt động tín dụng "đen" ngày càng đa dạng, mở rộng và phức tạp, bao quát ngày càng rộng  các tầng lớp, giới và cả lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội: từ những sinh viên nghèo, cô  tiếp viên nhà hàng, những bà bán hàng rong, bà chủ kinh doanh nhỏ; cho đến những nhà đầu tư ưa lướt sóng trên thị trường chứng khoán, bất động sản và cả những doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh, những đại gia - chủ cửa hàng lớn, lâu ở các thành phố lớn và cả các  thiếu gia mới "phất" một cách đầy bí ẩn ở tỉnh lẻ; từ những người thân quen, họ hàng kể cả ruột thịt của nhau, cho tới những người xa lạ khi "xa cơ lỡ vận"; những  phần tử "xã hội đen" và cả những doanh nhân thành đạt và công, viên chức tại nhiệm; từ loại người quen "cáo mượn oai hùm", đến cả những vị quyền cao, chức trọng đầy mình hoặc người nhà của họ; thậm chí, nhiều nhân viên ngân hàng, lợi dụng uy tín, công việc của mình để huy động vốn, sau đó cho vay với lãi suất không đúng quy định của Nhà nước...

"Bẫy" tín dụng "đen" không khó nhận ra, nếu ai đó có kiến thức tối thiểu về kinh tế thị trường và không quá ham lời từ trên trời rơi xuống. Quy luật "lợi nhuận bình quân" đã, đang và sẽ tiếp tục tồn tại trong kinh tế thị trường; đồng thời, nó cũng là một trong các nguyên lý hàng đầu để nhận diện bẫy tín dụng "đen". Theo đó, không có lợi nhuận cao kéo dài trong kinh doanh có cạnh tranh đầy đủ thị trường, mà sẽ có sự cào bằng dần, thậm chí rất nhanh chóng các mức lợi nhuận để tiến tới mức lợi nhuận trung bình như nhau giữa các dạng, lĩnh vực kinh doanh, dù ban đầu có thể thu được lợi nhuận độc quyền cao. Vì vậy, bất cứ dạng hoạt động kinh tế nào mang lại hay hứa hẹn mang lại món lợi nhuận nào cao bất thường, đều luôn chứa đựng những rủi ro tiềm tàng và không thể kéo dài, bền vững. Nói cách khác, không nên tin chắc và đắm đuối chạy theo những khoản lãi suất cho vay cao bất thường, mà những người huy động vốn tín dụng "đen" đưa ra mời chào, dù với bất kỳ lý do nào. Phương ngôn từng có câu cảnh tỉnh khôn ngoan và không bao giờ lạc hậu: "Miếng phomat dễ kiếm nhất và không mất tiền chỉ có ở trên chiếc bấy chuột"!

Bên cạnh đó, cần có sự phát triển mạnh mẽ và đa dạng hơn thị trường tài chính-tín dụng có tổ chức, cả về chủng loại, quy mô, thủ tục và chất lượng sản phẩm tín dụng, để ngày càng bao quát và phủ sóng đáp ứng các nhu cầu tín dụng chính đáng của người dân và doanh nghiệp, không để cho tín dụng "đen" có nhiều lý do tồn tại và phát triển.

Đặc biệt, NHNN và các cơ quan chức năng cũng cần có sự quan tâm đúng mức hơn đến xây dựng và đồng bộ hóa các cơ sở pháp lý cho việc quản lý, ngăn chặn và xử lý các hệ quả nguy hiểm của tín dụng "đen", không để tín dụng "đen" phủ bóng đen và ngày càng trở thành nguy cơ tiềm tàng, trực tiếp và gián tiếp, trước mắt và lâu dài  gây thảm kịch cá nhân và cộng đồng, thậm chí đe dọa mất ổn định, hủy hoại đạo đức và lòng tin xã hội.

TS.Nguyễn Minh Phong

TUẦN VIỆT NAM

Các tin tức khác

>   BĐS và ngân hàng: Từ cảnh báo của đại biểu Quốc hội (10/11/2011)

>   Rửa tiền ở ta quá dễ (10/11/2011)

>   “Chính sách tiền tệ đừng để doanh nghiệp “chết oan”! (07/11/2011)

>   Thủ tướng yêu cầu theo dõi thông tin vụ tiền polymer (05/11/2011)

>   Tìm “thuốc” cho thị trường vốn (05/11/2011)

>   Rửa tiền: Cứ chia nhỏ là “thoát”? (04/11/2011)

>   Góc khuất tín dụng bất động sản (04/11/2011)

>   Tái cơ cấu DNNN: Không thể làm ngơ với cơ cấu nợ (04/11/2011)

>   TPHCM xử lý nghiêm “tín dụng đen” (02/11/2011)

>   Không thể xảy ra tấn công tiền tệ qua thị trường vàng (02/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật