Thứ Tư, 02/11/2011 06:48

Không thể xảy ra tấn công tiền tệ qua thị trường vàng

Trên TBKTSG mới đây có đăng một bài viết vạch ra nguy cơ tấn công tiền tệ qua thị trường vàng ở Việt Nam. Chúng ta cùng xem xét các giả định và khả năng biến thành hiện thực của các giả định đó nêu ra trong bài viết trên.

Giả định 1 (và là Bước 1 trong cuộc tiến công tiền tệ) - Các nhà đầu cơ vay lượng lớn tiền đồng để mua vàng sau đó gửi vàng vào ngân hàng giữ hộ.

Bình luận: Liệu chuyện vay lượng tiền đồng với quy mô lớn nhằm mục đích là mua vàng có thể xảy ra ở Việt Nam được hay không? Rất khó. Có thể có nhà đầu cơ nào đó vẽ ra được một số dự án sản xuất kinh doanh "ma" để "lừa" ngân hàng và có thể vay được một số vốn nhất định. Có thể nhà đầu cơ vay tiền với mục đích là tiêu dùng cá nhân..v.v... Nhưng để làm được những việc đó, thường họ phải có tài sản thế chấp. Liệu họ có đủ tài sản thế chấp để vay một lượng vốn gọi là "lớn" để có thể khuynh đảo thị trường vàng (và ngoại tệ) không? Liệu nhà đầu cơ có đủ "lực", đủ "lì", đủ "khôn" để tính toán được thời điểm khi đồng nội tệ bị phá giá ở quy mô lớn không (nói thêm ở dưới đây), trong khi vẫn phải chịu lãi vay trên 20%/năm? Họ có chắc rằng mức phá giá tiền đồng (nếu có) sẽ đủ lớn (trên 20%/năm) để thu lãi sau khi trả vốn và lãi vay cho ngân hàng không?

Giả định 2 (và là Bước 2) - Các điều kiện cho cuộc tiến công tiền tệ chín muồi (các bất ổn kinh tế vĩ mô xấu đi), dẫn đến kỳ vọng phá giá nội tệ lớn. Các nhà đầu cơ cùng một lúc tấn công trên cả 2 thị trường, thị trường vàng và thị trường ngoại tệ bằng cách gia tăng mua vàng và ngoại tệ, đồng thời rút vàng đã gửi từ hệ thống ngân hàng.

Khả năng cho một cuộc tấn công tiền tệ qua thị trường vàng là không thể có.

Bình luận: Theo Giả định 1, để gia tăng mua vàng và ngoại tệ thì nhà đầu cơ lại phải tiếp tục vay ngân hàng. Vậy tài sản thế chấp ở đâu ra nữa? Nếu không, họ có tiếp tục "lừa" ngân hàng được không? Nếu không thì tiền mặt (VND) ở đâu để tiếp tục đầu cơ? Hơn nữa, mua ngoại tệ từ hệ thống ngân hàng hiện nay hoàn toàn không đơn giản (tất nhiên nhà đầu cơ vẫn phải có những lý do "ma" mà không thể "lừa" được mãi, kéo dài được mãi, nếu không muốn làm thủ tục đi nước ngoài liên tục để được mua vài trăm đôla mỗi lần!). Nếu không mua được đôla một cách hợp pháp thì nhà đầu cơ chỉ còn cách ra Hà Trung mua vét đôla "chợ đen", nếu không may bị công an và thanh tra bắt quả tang thì bị tịch thu hết tiền vì vi phạm quy định quản lý ngoại hối hiện hành.

Giả định 3 (và là Bước 3) - Các nhà đầu cơ rút vàng đột ngột với số lượng lớn sẽ làm hụt lượng vàng tồn quỹ của ngân hàng, buộc ngân hàng mua vàng trên thị trường trong nước, gây khan hiếm cung trong nước, buộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải cho phép nhập vàng vật chất, càng làm tăng nạn khan hiếm ngoại tệ, dẫn đến tăng áp lực phá giá nội tệ.

Bình luận: Ngân hàng thương mại không có/bị quy định hoặc bắt buộc phải mua vàng để bổ sung quỹ (với mọi giá). Họ có thể làm thế khi thị trường thuận lợi hơn. Hoặc NHNN cũng hoàn toàn có thể phát hiện ra được nguy cơ nên yêu cầu các ngân hàng thương mại không mua vàng bổ sung quỹ nữa, để tránh làm căng thẳng thêm thị trường vàng. NHNN cũng hoàn toàn có thể KHÔNG cho phép nhập vàng vật chất nếu họ thấy không cần thiết, hoặc khi quỹ dự trữ ngoại hối không cho phép. Cực đoan hơn, NHNN cấm kinh doanh vàng miếng, chấm dứt mọi nhu cầu đầu tư vàng hợp pháp.

Tất nhiên, khi đã đến mức độ này thì áp lực phá giá nội tệ sẽ là đáng kể nhưng NHNN có và hoàn toàn có thể thực thi được các công cụ cần thiết có trong tay để hạn chế mức độ phá giá (các biện pháp cực đoan như kết hối ngoại tệ, cấm/hạn chế nhập khẩu..v.v... ).

Tóm lại, để một cuộc tấn công tiền tệ từ thị trường vàng như trên có thể xảy ra thì cần phải có một số điều kiện sau:

1. Các nhà đầu cơ sẽ phải là những "con cá mập" tài chính đúng nghĩa, với nhiều tài sản lớn trong tay, có thể liên tục và dễ dàng vay ngân hàng với lượng vốn "khủng" cho những dự án không có thật, có thể dễ dàng mua được đôla một cách hợp pháp với số lượng không hạn chế, có "nhạc trưởng" và một "dàn nhạc" hợp xướng phối hợp đồng đều để tạo đủ sức mạnh hủy diệt trong từng bước tấn công mà không sợ có kẻ "ăn non", phá đám.

2. Mức độ phá giá nội tệ phải được biết chắc chắn là rất lớn để có thể mang lại lợi nhuận đủ lớn để trả lãi vay cũng rất "khủng" và còn dư chút đỉnh.

3. Ngân hàng thương mại phải mua vàng bổ sung quỹ vàng bằng mọi giá. NHNN phải luôn cho nhập khẩu vàng khi cầu trong nước tăng.

4. NHNN phải luôn phá giá nội tệ và phá "hết cỡ" khi tỷ giá bị o ép mạnh. NHNN không có công cụ gì khác để kiểm soát thị trường vàng và chống đỡ áp lực phá giá mạnh.

Dễ thấy là nhiều trong số các điều kiện trên hoàn toàn có thể bị vi phạm, và trên thực tế đã bị vi phạm, nên khả năng cho một cuộc tấn công tiền tệ qua thị trường vàng là không thể có.

TS. Phan Minh Ngọc

DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM

Các tin tức khác

>   Tăng cường công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia (01/11/2011)

>   Cảnh báo từ nợ tư tăng mạnh (31/10/2011)

>   Đổ vỡ tín dụng và bất ổn thị trường tài chính (28/10/2011)

>   Ông Cao Sỹ Kiêm: Huy động tốt vàng trong dân sẽ tăng dự trữ ngoại hối (26/10/2011)

>   Rà soát tình hình vay vốn trong nước của doanh nghiệp FDI (26/10/2011)

>   Vụ in tiền polymer: Chưa phát hiện tham nhũng, tiêu cực (25/10/2011)

>   TS. Trần Du Lịch: "Thiếu đánh giá tác dụng phụ của chính sách tiền tệ" (24/10/2011)

>   Đã có kết quả xác minh bước đầu vụ in tiền Polymer (22/10/2011)

>   Thủ tướng bổ nhiệm thêm một phó thống đốc (22/10/2011)

>   Điều hành của Thống đốc: “Hãy để thời gian kiểm nghiệm” (20/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật