Tiền nhàn rỗi, nên đầu tư vào đâu
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, BĐS vẫn hấp dẫn hơn chứng khoán nhưng đòi hỏi phải trường vốn, ít nhất cũng một vài năm. Phân khúc thị trường, thì nhà đất vẫn được đánh giá cao hơn phân khúc chung cư. Với những người cầu toàn, ông Thành khuyên, lựa chọn gửi NH là một giải pháp an toàn và mức sinh lợi cũng đáng kể và quan trọng là không phải đau đầu tính toán, không sợ may rủi.
Bất động sản (BĐS) đóng băng rồi tụt giá, vàng trồi sụt đầy may rủi, bong bóng chứng khoán chưa thể phục hồi, trong khi nhiều nghi ngại về một sự biến động tỷ giá đang khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) loay hoay tính toán. Thời buổi khó khăn, bỏ tiền vào đâu để không bị lỗ, không mất giá và có thể sinh lợi nhuận? Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương đưa ra một số phân tích để tham khảo.
Tùy tiền để biện lễ
Ngoài tiền trực tiếp sản xuất kinh doanh một mặt hàng nào đó, thì một lượng lớn tiền trong dân thuộc về nhiều cá nhân riêng lẻ và dù có nhiều kênh đầu tư, nhưng tập trung lại, có mấy kênh chính là BĐS, chứng khoán, vàng, ngoại tệ và gửi tiền Việt vào ngân hàng (NH) để hưởng lãi suất.
Việc đầu tiên khi nói đến chuyện đầu tư, mỗi người cần xác định rõ số vốn mà mình có, cũng như khả năng chấp nhận rủi ro của bản thân mình. Hay nói các khác, là phải xem có bao nhiêu tiền, và xem độ "liều" theo tính cách của từng người. Nếu có ít tiền, dĩ nhiên việc đầu tư vào kênh BĐS là không thể khả thi. Vậy chỉ còn 4 kênh: vàng, ngoại tệ, chứng khoán và gửi tiền Việt vào NH.
Có vốn, nhưng cần xác định khoản vốn đó sẽ nhàn rỗi trong bao lâu, từ đó xác định đầu tư vào kênh nào để đảm bảo thanh khoản (có thể mua - bán theo ý chí của mình). Nếu tiền chỉ có thể đầu tư trong một thời gian ngắn, thì nên chọn những kênh như gửi NH, vàng hay ngoại tệ, còn các kênh BĐS và chứng khoán, phải trường vốn, vì tính thanh khoản rất kém, lúc cần, mua bán đều không dễ.
Hơn nữa, ngoài tính thanh khoản kém ra, thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán thiếu thông tin tích cực hỗ trợ tăng giá cũng như tiếp tục chịu ảnh hưởng do định hướng giảm tỷ trọng cho vay phi sản xuất xuống 16% vào cuối năm. Giá trị giao dịch thấp, nhà đầu tư nản lòng. VN-Index khó đạt ngưỡng 485 điểm từ nay đến cuối năm như dự báo của nhiều công ty chứng khoán. Thị trường BĐS cũng không mấy sáng sủa và tình trạng này chắc còn kéo dài.
Tuy nhiên, nếu muốn lựa chọn một trong hai thì BĐS vẫn hấp dẫn hơn nhưng đòi hỏi phải trường vốn, ít nhất cũng một vài năm. Phân khúc thị trường, thì nhà đất vẫn được đánh giá cao hơn phân khúc chung cư, khi mà chất lượng, dịch vụ vẫn đang là điều bất cập ở nước ta, hơn nữa, thị trường lại đang dồi dào nguồn cung.
Mua bán vàng, ngoại tệ nhiều rủi ro
Theo Tiến sỹ Võ Trí Thành, nếu NĐT muốn đầu tư theo kiểu "lướt sóng" thì 2 kênh có thể lựa chọn là vàng hoặc ngoại tệ vì bất kỳ lúc nào cũng có thể mua, bán được. Tuy nhiên, việc mua ngoại tệ tại các NH sẽ rất khó khăn vì đòi hỏi phải có nhu cầu chính đáng chứ kênh này không dành cho những người đầu cơ.
Ngay cả việc bán ngoại tệ ở NH tuy dễ, nhưng giá cả nhiều khi cũng chưa hẳn đã đem đến lợi nhuận cho khách hàng. Còn việc mua bán ngoại tệ ở chợ đen là vi phạm pháp luật. Nếu trong tay có tiền USD, muốn giữ tài sản này, NĐT có thể lựa chọn gửi NH và hưởng lãi suất 2%/năm.
Đối với vàng, kênh này khá rủi ro nhất là trong thời điểm hiện nay. Giá vàng trong nước phụ thuộc vào hai yếu tố: sự lên xuống của giá vàng thế giới và sự làm giá của các doanh nghiệp và giới đầu nậu. Khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới thời gian qua là một ví dụ. Có lúc, giá vàng trong nước đứng cao hơn giá vàng thế giới tới 3 triệu đồng/lượng, nhưng cũng có lúc, lại kéo về trên dưới 1 triệu đồng.
Sự "chạy quá nhanh" của giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới sẽ là sự rủi ro thật sự cho các NĐT. Đối với thị trường vàng thế giới, có 3 yếu tố quyết định đó là: đầu nậu, sự kiện và dòng tiền. Với tiềm lực kinh tế của các quỹ đầu tư, các tổ chức kinh tế lớn trên thế giới, một quyết định mua vào hay bán ra của họ sẽ khiến cho giá vàng tăng giảm theo. Về yếu tố này, nếu nắm được các thông tin và có khả năng phân tích, NĐT có thể phán đoán để đưa ra quyết định mua bán chính xác ở một mức nào đó.
Còn với yếu tố sự kiện và dòng tiền, đây thực sự là bài toán không hề dễ tìm lời giải. Đùng một cái, động đất, sóng thần xảy ra ở Nhật Bản: thị trường vàng rúng động. Hay đột ngột, đến 3h sáng, vấn đề khủng hoảng châu âu, nợ công của Hy Lạp hay thất nghiệp ở Mỹ được giải quyết, ngay lập tức thị trường vàng sẽ phản ứng song song. Đấy là chưa kể dòng tiền đi vào thị trường lúc nhiều lúc ít, khó mà dự lường được. Bởi vậy, chơi vàng là chấp nhận may rủi nhiều hơn là khả năng tính toán.
Gửi tiền Việt: An toàn và hiệu quả
Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Võ Trí Thành cho rằng, nếu có tiền Việt, lựa chọn gửi NH là một giải pháp an toàn và mức sinh lợi cũng đáng kể và quan trọng là không phải đau đầu tính toán, không sợ may rủi. Lãi suất huy động VND đang được các NH áp dụng với mức trần 14%/năm cho các kỳ hạn từ 1 tháng trở lên. Nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng dưới 1,0%/tháng thì gửi tiết kiệm không chỉ là nơi "tạm trú" đối với nhiều NĐT, mà còn là kênh đầu tư hiện có lãi suất "thực dương".
Hiện nay, nhiều người lo lắng rằng, nếu để đồng tiền trong NH thì sợ bị mất giá, nếu tỷ giá USD/VND không giữ được dưới mức 1% như NHNN đề ra. Tuy nhiên, "tôi cho rằng có cơ sở để khẳng định việc giữ tỷ giá không quá 1% trong năm 2011 là khả thi và xin thưa, dù có mất giá, thì với lãi suất vẫn ở mức 14%, nếu tỷ giá có thay đổi, thì vẫn có lãi hơn, hoặc ngang bằng, và trong trường hợp xấu nhất thì cũng sẽ không lỗ nhiều", ông Thành khẳng định.
Hà An
Công an nhân dân
|