Tội phạm rửa tiền: Băng ngầm chưa lộ sáng
Ngân hàng Thế giới (World Bank) cảnh báo: Việt Nam đang trở thành mục tiêu của hoạt động rửa tiền vì hệ thống thanh tra, giám sát, hệ thống kế toán và tìm hiểu khách hàng của các ngân hàng còn kém phát triển, mức độ sử dụng tiền mặt và các luồng chuyển tiền không chính thức khá lớn khiến cho việc kiểm soát các giao dịch, thanh toán trở nên khó khăn.
* Bà Phạm Chi Lan: 'Tiền bẩn' dễ thành 'tiền sạch'
Quốc hội đang xem xét dự án Luật Phòng, chống rửa tiền - đạo luật được kỳ vọng sẽ góp phần đẩy lùi vấn nạn tham nhũng và làm ăn phi pháp. Vậy hoạt động rửa tiền trên thế giới và ở Việt Nam diễn biến ra sao, tội phạm rửa tiền diễn biến như thế nào, thủ đoạn có gì đặc biệt? Vì sao đến nay nước ta chưa xử lý được vụ án rửa tiền nào?
Tội phạm rửa tiền hoạt động ra sao?
Tội phạm rửa tiền đã từng hoành hành ở nhiều quốc gia trên thế giới từ giữa, cuối thế kỷ trước. Phương thức rửa tiền khá đa dạng, có thể có thể lợi dụng các trung tâm giải trí, sòng bạc, xổ số, cá cược mà thực chất là dựa vào đó để phao tin trúng cờ bạc, xổ số nhằm biện minh cho nguồn gốc khối tài sản lớn của mình. Thủ đoạn nữa là thông qua thị trường chứng khoán với những đồng tiền phi pháp được dùng để mua cổ phiếu tại thị trường chứng khoán, sau đó bán cổ phiếu giá thấp, số tiền thu được thông qua hệ thống tài chính nên được xem là hợp pháp. Ngoài ra, tội phạm lợi dụng tổ chức tín dụng, hợp đồng thương mại, hóa đơn chứng từ, thông qua sổ tiết kiệm và các kênh đầu tư khác.
Tại Liên bang Nga, mỗi năm có hàng tỉ USD được tội phạm rửa tiền "tẩy rửa" bằng các thủ đoạn tinh vi. Những năm đầu thập niên 90 thế kỷ XX là giai đoạn mà tội phạm kinh tế nở rộ ở nước Nga. Thực tế đó khiến Nga đã ký với Hội đồng châu Âu bản công ước chống rửa tiền, tạo tiền đề cho sự ra đời của Bộ luật chống rửa tiền năm 2001. Theo quy định tại Bộ luật này, những trường hợp chuyển khoản từ 600.000 ruble (21.413 USD) trở lên phải thông qua kiểm soát.
Cơ quan quản lý tài chính Liên bang Nga (FSFM) có vai trò nòng cốt trong cuộc chiến chống rửa tiền, thu thập, xử lý và phân tích các thông tin về hoạt động chuyển khoản. Nếu có nghi ngờ, cơ quan này sẽ chuyển thông tin cho cơ quan pháp luật. Những biện pháp mạnh tay đẩy lùi hành vi rửa tiền tại quốc gia lớn nhất hành tinh, song theo Bộ Thương mại Nga, mỗi năm vẫn có 150-160 tỉ ruble (gần 6 tỉ USD) được rửa tại nước này.
Tại Việt Nam , tội phạm rửa tiền diễn biến như thế nào?
Luật các Tổ chức tín dụng năm 1997 đã có quy định về trách nhiệm của các tổ chức tín dụng đối với các khoản tiền có nguồn gốc bất hợp pháp nhưng khái niệm "rửa tiền" chưa xuất hiện. Chỉ khi Nghị định số 74/2005/NĐ-CP của Chính phủ ban hành năm 2005, rửa tiền mới được sử dụng. Theo Nghị định này, được hiểu khá hẹp, chỉ giới hạn trong 3 nhóm hành vi.
|
Sơ đồ đường đi của tội phạm rửa tiền. |
Trong khi đó, diễn biến tội phạm rửa tiền đã phức tạp trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang cơ chế thị trường. Một nghiên cứu cho thấy, các hoạt động buôn bán ma túy, buôn lậu, tham nhũng đã mang lại cho bọn tội phạm một lượng tiền bất chính khổng lồ. Hoạt động tẩy rửa tiền thường được phát hiện sau khi khởi tố và điều tra các vụ án khác, thông qua các biện pháp điều tra nghiệp vụ, cán bộ điều tra đã phát hiện hoạt động tẩy rửa tiền của bọn tội phạm (như vụ án Trương Văn Cam và đồng bọn, vụ án buôn bán ma túy của Trịnh Nguyên Thủy).
Với các vụ án tham nhũng, trong quá trình điều tra đã phát hiện các khối tài sản và tài khoản bí mật ở ngân hàng nước ngoài. Trong khi đó, các tài sản trong nước được hợp pháp hóa như biệt thự, đất nền, khu công nghiệp, nhà xưởng, khách sạn, nhà hàng… cũng được sở hữu hàng loạt và quá khó để làm rõ đâu là tài sản phi pháp, đâu là hợp pháp.
Vì lẽ đó, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã cảnh báo: Việt Nam đang trở thành mục tiêu của hoạt động rửa tiền vì hệ thống thanh tra, giám sát, hệ thống kế toán và tìm hiểu khách hàng của các ngân hàng còn kém phát triển, mức độ sử dụng tiền mặt và các luồng chuyển tiền không chính thức khá lớn khiến cho việc kiểm soát các giao dịch, thanh toán trở nên khó khăn.
Năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Nhóm châu Á-Thái Bình Dương về chống rửa tiền. Theo đó, Việt Nam phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thành viên của APG là phải thực hiện 40 khuyến nghị về chống rửa tiền và 9 khuyến nghị đặc biệt về chống tài trợ khủng bố của lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền.
Năm 2008, APG đã tiến hành đánh giá cơ chế phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố của Việt Nam theo 40+9 của FATF. Kết quả của cuộc đánh giá này cho thấy rằng, mặc dù Việt Nam đã có những nỗ lực trong công tác phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố, song mức độ tuân thủ và thực hiện các khuyến nghị mà FATF đề ra còn nhiều hạn chế.
Trên cơ sở kết quả đánh giá trên, APG đã đưa ra 138 kiến nghị mà Việt Nam cần thực hiện để hoàn thiện cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, trong đó có kiến nghị phải sửa đổi khung pháp lý của Việt Nam trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố cho phù hợp với các chuẩn mực quốc tế mà cụ thể là cần nhanh chóng ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Phòng, chống khủng bố.
Vì sao chúng ta khó khăn trong phát hiện, xử lý tội phạm rửa tiền?
Mấu chốt trong phòng, chống tội phạm rửa tiền là việc đưa ra các biện pháp đủ mạnh. Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền quy định tới 27 điều (từ Điều 8 đến Điều 34) chia làm 3 mục, quy định nội dung này. Đó là các quy định về các trường hợp nhận biết khách hàng, cập nhật thông tin khách hàng, biện pháp nhận biết khách hàng, khách hàng là cá nhân có ảnh hưởng chính trị, quan hệ ngân hàng đại lý.
Các giao dịch liên quan tới công nghệ mới và giao dịch không gặp mặt trực tiếp, bảo đảm tính minh bạch của pháp nhân và các thỏa thuận pháp lý, bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động của tổ chức phi lợi nhuận. Xây dựng quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, nghĩa vụ báo cáo và lưu giữ báo cáo, các biện pháp tạm thời, tịch thu tài sản khủng bố và xử lý vi phạm.
Ngân hàng Nhà nước giải thích, ở Việt Nam , trên thực tế, thị phần của khu vực ngân hàng chiếm phần lớn trên thị trường tài chính. Hoạt động rửa tiền chủ yếu được thực hiện thông qua các giao dịch ngân hàng, do vậy việc đặt cơ quan phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước - cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng là phù hợp.
Quan điểm như trên chưa thực sự thuyết phục đối với các chuyên gia tài chính cũng như tại nghị trường Quốc hội. Có thể thấy, các nhóm biện pháp được đưa ra về phòng, chống rửa tiền dù có tới 27 điều nhưng chủ yếu bằng phương thức kiểm soát qua hệ thống ngân hàng. Ở các nước tiên tiến, khi thói quen giao dịch qua ngân hàng đã phổ biến và hầu hết, thì việc ứng dụng này là khả thi.
Nhưng đời sống xã hội Việt Nam , việc giao dịch, sử dụng tiền mặt là phổ biến, từ thành thị tới nông thôn, từ người giàu tới người nghèo. Người ta có thể vác cả bao tải tiền đến nhà riêng để giao dịch mua bán bất động sản có giá trị lớn. Còn đối với các giao dịch khác, chủ yếu bằng tiền mặt hoặc quy ra vàng. Trong điều kiện đó, nếu chỉ áp dụng các biện pháp quản lý bằng ngân hàng, tín dụng, đó chỉ là phần nổi. Hơn nữa, khi luật pháp siết chặt kiểm soát qua giao dịch ngân hàng, các nhà đầu tư bằng đồng tiền phi pháp sẽ tìm cách "né" ngân hàng, giao dịch bằng kênh khác.
Có điểm nữa và cũng chưa thấy nhắc đến trong các phiên thảo luận ở Quốc hội. Đó là việc chuyển đổi tài sản, đồng tiền phi pháp bằng cách hoán đổi kiểu "cảm ơn". Ví dụ, tội phạm tham nhũng rửa tiền bằng cách biếu món quà là biệt thự, xe hơi, hay đất nền. Khối tài sản này không thông qua giao dịch ngân hàng, cũng không giao dịch tiền mặt mà được hợp pháp hóa ngay bằng các giấy tờ chuyển nhượng. Hình thức này diễn ra không ít ở nước ta.
Luật Phòng, chống tham nhũng quy định cán bộ lãnh đạo từ cấp phòng trở lên phải kê khai tài sản. Mục tiêu việc kê khai nhằm kiểm soát thu nhập của cán bộ lãnh đạo, sau từng năm nếu phát sinh tài sản lớn thì phải chứng minh nguồn gốc tài sản đó có từ đâu, cơ quan quản lý xem xét có dấu hiệu bất minh không. Quy định là vậy nhưng từ khi luật có hiệu lực tới nay đã 5 năm, chưa thấy trường hợp nào cơ quan chủ quản phát hiện tham nhũng qua kênh kê khai tài sản. Thực tế đó cho thấy tính khả thi của việc kiểm soát tài sản bất minh nhằm phát hiện hành vi rửa tiền qua kênh tài chính, ngân hàng hoàn toàn không dễ.
Theo ước tính của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) mỗi năm, số tiền mà bọn tội phạm tẩy rửa trên thế giới chiếm tới gần 2,5% tổng giá trị sản phẩm quốc nội toàn cầu, trong đó chỉ riêng thông qua các hoạt động rửa tiền, các băng đảng buôn bán ma túy bất hợp pháp đã thu lợi lên tới 300 tỷ USD/năm. Tháng 10-2008, Công an phát hiện bọn tội phạm đánh cắp tiền từ tài khoản nước ngoài rồi chuyển vào Việt Nam thông qua tài khoản tại hai ngân hàng thương mại, tổng giá trị quy đổi là 7,44 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay nước ta vẫn chưa có vụ án rửa tiền nào bị khởi tố điều tra. |
Đăng Trường
Công an nhân dân
|