Sàn giao dịch hàng hóa ảo SCX 2011: Hơn 100.000 giao dịch được khớp
Ngày 13/11/2011 tại Trường Đại học Kinh tế TP.HCM đã diễn ra chương trình “Sàn giao dịch hàng hóa ảo – SCX 2011 với sự tài trợ độc quyền của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam và sự hỗ trợ xây dựng hệ thống giao dịch của Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) Chương trình đã thu hút hơn 2.000 “nhà đầu tư cá nhân” và 50 “quỹ đầu tư”.
Chương trình bắt đầu từ 7h30 sáng đến 15h15 chiều với 07 phiên giao dịch liên tiếp, mỗi phiên kéo dài 30 phút. Hợp đồng cà phê kỳ hạn được niêm yết và giao dịch trên SCX 2011 được sử dụng theo đúng nguyên mẫu hợp đồng cà phê kỳ hạn niêm yết tại Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC), khối lượng mỗi lô là 2 tấn, bước nhảy giá 10 VNĐ/kg (20.000VND/lô) và phí giao dịch 40.000VND/lô và mức ký quỹ ban đầu là 10 triệu đồng/lô. Có 4 kỳ hạn hợp đồng được niêm yết và giao dịch (hợp đồng tháng 12, tháng 1, tháng 2, và tháng 3). Để “nhà đầu tư” có trải nghiệm sát với thực tế, kịch bản của ban tổ chức đưa ra với kỳ hạn tháng 12 được đáo hạn vào phiên thứ 4 đã tạo ra sự sôi động đột biến trên sàn giao dịch ảo.
SCX 2011 sử dụng Hệ thống phần mềm hiện đại, tiên tiến, với hệ thống khớp lệnh liên tục, báo cáo, theo dõi trực tuyến, được xây dựng phù hợp với thông lệ quốc tế về tổ chức và quản lý giao dịch kỳ hạn do Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) hỗ trợ. Đã có hơn 2.000 sinh viên tham gia sàn giao dịch hàng hóa ảo này, trong đó có một số nhóm sinh viên đăng ký lập thành 50 “Quỹ đầu tư ảo”
|
Ông Võ Thanh Châu – Phó Giám đốc Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) nhận xét: “Chương trình Sàn giao dịch hàng hóa ảo SCX 2011 đã diễn ra rất thành công với sự tham gia rất nghiêm túc và quyết liệt của các nhà đầu tư Sinh viên. Mỗi phiên chỉ kéo dài 30 phút nhưng có tới gần 20.000 hợp đồng được khớp. Đây là con số rất ấn tượng, phản ánh sự quan tâm thực sự của các nhà đầu tư tới sàn giao dịch hàng hóa vẫn còn rất mới mẻ trên thị trường. Chúng tôi đã hỗ trợ và xây dựng hệ thống giao dịch cho SCX 2011 theo đúng thực tế quản lý tại BCEC: khớp lệnh liên tục, có giới hạn biên độ giao dịch và báo cáo trực tuyến để các nhà đầu tư theo dõi tài khoản đầu tư của mình”.
Trong không khí sôi động của Sàn giao dịch hàng hóa ảo SCX 2011, Tiến sĩ Thân Thị Thu Thủy – Phó Chủ nhiệm Khoa Ngân hàng, Đại học Kinh tế T.P Hồ Chí Minh chia sẻ: “Với sự tài trợ Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) và Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Mê Thuột (BCEC), Sàn Giao dịch hàng hóa ảo do SCUE (Câu lạc bộ Chứng khoán SCUE) tổ chức đã diễn ra rất thành công. Về phía Khoa ngân hàng và ở vị trí là một giảng viên, tôi cho rằng Sàn giao dịch hàng hóa ảo này đã mang đến một sự trải nghiệm quý báu không chỉ cho hơn 2000 sinh viên trong ngày hôm nay mà còn cho tất cả sinh viên của Trường Kinh tế, từ học viên bậc cao học đến sinh viên bậc đại học cũng như sinh viên của các trường đại học bạn”. Trước đó, Câu lạc bộ Chứng khoán SCUE đã tổ chức thành công 16 sàn giao dịch ảo bao gồm chứng khoán, ngoại hối và vàng, nhưng đây là lần đầu tiên SCUE tổ chức sàn giao dịch hàng hóa ảo. Tiến sĩ Thủy cho biết thêm Khoa Ngân hàng đã có nhiều nghiên cứu về các sản phẩm tài chính phái sinh từ năm 2004, và mới đây đã chính thức đưa môn thị trường giao sau và quyền chọn vào giảng dạy cho cao học K15, và đưa môn thị trường chứng khoán phái sinh cho hệ đại học. Những nghiên cứu của nhà trường cho thấy tỷ lệ sử dụng các công cụ tài chính phái sinh trong các doanh nghiệp ở VN mới ở con số rất khiêm tốn, dưới 5%. Nguyên nhân chủ yếu là doanh nghiệp thiếu nhân sự, thiếu thông tin về sản phẩm và ứng dụng sản phẩm, và đa số doanh nghiệp VN là vừa và nhỏ nên việc tổ chức kinh doanh bài bản, ứng dụng các sản phẩm tiên tiến vẫn còn hạn chế”.
|
Đại diện cho nhà tài trợ độc quyền Techcombank, ông Nguyễn Ngọc Tú - Giám đốc Trung tâm Giao dịch hàng hóa và hợp tác sàn – Ngân hàng đầu tiên đưa hợp đồng phái sinh hàng hóa vào thị trường Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi thật sự rất vui và bất ngờ trước sự tham gia đông đảo của các bạn sinh viên cũng như cách vận dụng lý thuyết rất linh hoạt và thông minh của các bạn vào thực tế. Những kiến thức, thông tin về giao dịch hàng hóa kỳ hạn ở Việt Nam hiện còn rất mới mẻ và gần như chưa được đưa vào hệ thống đào tạo chính thức tại các trường đại học. Việc tham gia những hoạt động như thế này sẽ mang đến cho các bạn nhiều trải nghiệm thực tế giá trị và bổ ích, giúp các bạn thích ứng nhanh với môi trường làm việc thực tế trong tương lai, đặc biệt là ở lĩnh vực thị trường hàng hóa kỳ hạn”.
Trên thế giới, kênh giao dịch hàng hóa đã khá quen thuộc với các nhà đầu tư. Tại Việt Nam, vài năm gần đây, thị trường giao dịch hàng hóa cũng bắt đầu nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư bên cạnh các thị trường quen thuộc như chứng khoán, vàng, ngoại tệ…
Từ năm 2004, Techcombank là ngân hàng đầu tiên đưa sản phẩm hàng hóa phái sinh vào thị trường Việt Nam, cung cấp cho các doanh nghiệp kinh doanh XNK thực hiện bảo hiểm biến động giá. Và năm 2008, Techcombank đã được UBND tỉnh Đắk Lắk lựa chọn là đối tác chiến lược hỗ trợ và phát triển Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC). Việc giao dịch hàng hóa tập trung tại các Sở giao dịch hàng hóa không chỉ đem lại cơ hội cho các nhà đầu tư, mà còn đem lại lợi ích lớn cho các nhà sản xuất và kinh doanh. Những rủi ro đối tác như: thanh toán chậm, hủy hợp đồng, chậm giao… sẽ được loại bỏ hoàn toàn. Hơn nữa, với phương thức đấu giá tập trung công khai, các nhà sản xuất và kinh doanh sẽ được hưởng mức giá cạnh tranh và thông tin minh bạch. Nhưng trên hết, với các hợp đồng hàng hóa phái sinh, các nhà sản xuất và kinh doanh sẽ chủ động trong kinh doanh, loại bỏ được rủi ro về biến động giá và nắm bắt được nhu cầu và xu hướng giá của thị trường để có kế hoạch sản xuất kinh doanh hiệu quả nhất.
Việc đưa các kiến thức tài chính mới vào giảng dạy cho sinh viên – lực lượng lao động tương lai của đất nước, và việc gắn lý thuyết với các hoạt động ngoại khóa thực tế, sinh động như sự kiện Sàn giao dịch hàng hóa ảo SCX 2011 vừa qua, chắc chắn sẽ giúp lực lượng lao động Việt Nam có chuyển biến vượt bậc về chất và lượng, góp phần củng cố và phát triển nền kinh tế thị trường tại Việt Nam.
Thủy Tiên
|