Thứ Năm, 17/11/2011 06:50

Luật phòng chống rửa tiền: Đừng làm 'cho có'

Luật phòng chống rửa tiền, khi được ban hành và thực thi nghiêm túc, sẽ mang lại những lợi ích thiết thực. Ngược lại, nếu chỉ là làm ra để cho có, để đối phó với các yêu cầu của quốc tế, kết quả cũng sẽ chẳng được đến đâu.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang tổ chức lấy ý kiến đóng góp xây dựng Luật phòng chống rửa tiền. Về mặt nội dung, có thể nói rằng bản dự thảo Luật phòng chống rửa tiền của NHNN đã được soạn thảo một cách khá gần, khá giống với các chuẩn mực quốc tế, và chắc đây là kết quả của quá trình tham khảo các chuẩn mực này cũng như các chuyên gia quốc tế.

Có điều, trong Bản thuyết minh chi tiết dự thảo Luật phòng chống rửa tiền, NHNN dường như chưa nhận thức được đầy đủ sự cần thiết ban hành Luật này. Điều này thể hiện ở việc NHNN chỉ nêu ra 3 lý do tại sao phải xây dựng và ban hành Luật phòng chống rửa tiền, bao gồm: (i) khắc phục bất cập của các quy định pháp luật hiện hành (cụ thể, bất cập về hiệu lực pháp lý của văn bản luật hiện hành, về đối tượng báo cáo và các biện pháp phòng chống rửa tiền); (ii) đáp ứng các yêu cầu của quá trình hội nhập (cụ thể các quy định hiện hành chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, và do đó làm ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam, tạo tâm lý e ngại cho nhà đầu tư nước ngoài, gây khó khăn cho cá nhân và tổ chức Việt Nam kinh doanh tại nước ngoài..v.v... ); và (iii) đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế (cụ thể, các quy định hiện hành chưa nội luật hóa được các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên..v.v... ).

Với những lý do hạn chế như trên, vô hình trung NHNN coi Luật phòng chống rửa tiền chỉ là một hành động đáp ứng các yêu cầu và đòi hỏi từ bên ngoài mà không xác định được rằng, Luật phòng chống rửa tiền nếu được ban hành và thực thi nghiêm túc thì sẽ còn mang lại những lợi ích thiết thực cho chính Chính phủ, các tổ chức, và cá nhân Việt Nam. Nếu không xác định được như vậy, Luật phòng chống rửa tiền sẽ rốt cuộc chỉ là làm ra để cho có, để đối phó với các yêu cầu của quốc tế, nên kết quả cũng sẽ chẳng được đến đâu. Điều đó giống như thừa nhận của các cơ quan hữu trách rằng trong 6 năm kể từ khi ban hành Nghị định 74 về phòng chống rửa tiền họ không phát hiện được vụ rửa tiền nào.

Đã có khá nhiều nghiên cứu và đánh giá của các tổ chức tài chính đa phương như IMF, WB và ADB về tác động tiêu cực của rửa tiền lên các mặt kinh tế xã hội của các quốc gia. Và vì thế, các quốc gia cần phải nỗ lực và chủ động tiến hành các hoạt động đề phòng, phát hiện, đấu tranh và loại trừ các hoạt động rửa tiền trong phạm vi quốc gia và phối hợp với các nước trong khu vực và quốc tế để làm tốt công tác này ở phạm vi xuyên quốc gia, tất cả cho chính lợi ích của mình.

Cụ thể hơn:

Rửa tiền sẽ làm suy yếu hệ thống tài chính và do đó làm xói mòn việc tích tụ vốn trong nước

- Rửa tiền sẽ làm suy yếu bản thân các tổ chức tài chính. Bên trong các tổ chức này thường có mối tương quan giữa rửa tiền và các hoạt động gian lận của nhân viên của mình. Nếu ở mức độ lớn, hoạt động rửa tiền sẽ làm cho cả hệ thống tài chính ở các nước đang phát triển trở nên dễ bị tổn thương bởi tham nhũng và sự kiểm tỏa của các đối tượng tội phạm tìm cách khống chế hơn nữa các kênh rửa tiền hợp pháp của chúng.

- Đặc biệt là ở các nước đang phát triển, lòng tin của khách hàng là điều thiết yếu cho sự phát triển của các tổ chức tài chính lành mạnh. Nếu người gửi tiền và các nhà đầu tư nhận thức được rằng rủi ro đã tăng lên vì tham nhũng và gian lận một cách có tổ chức thì họ sẽ nhanh chóng đánh mất lòng tin này.

Ngược lại, bằng cách bảo vệ và ngăn ngừa các tổ chức tài chính khỏi các tác động tiêu cực của rửa tiền, các chính sách chống rửa tiền của Chính phủ cũng như của từng ngân hàng, tổ chức tài chính phi ngân hàng và thị trường chứng khoán sẽ củng cố được các tập quán quản trị đúng đắn rất cần thiết cho sự phát triển của các tổ chức có vai trò quyết định đến tăng trưởng kinh tế này.

Không phải là những điều xa lạ, các chính sách chống rửa tiền cơ bản như Biết về khách hàng của mình (Know Your Customer, hay KYC) và kiểm soát nội bộ chặt chẽ là những nguyên tắc căn bản trường tồn trong giám sát, chế tài và hoạt động của các tổ chức tài chính một cách đúng đắn, đứng từ cả góc độ của cơ quan quản lý nhà nước (ví dụ NHNN, Bộ Tài chính) cũng như của từng ngân hàng và tổ chức tài chính phi ngân hàng.

Rửa tiền sẽ làm suy yếu nền kinh tế thực

Rửa tiền có tác dụng tiêu cực trực tiếp và lớn hơn lên tăng trưởng của nền kinh tế thực thông qua việc chuyển hướng các nguồn lực khan hiếm đến các khu vực/hoạt động ít hiệu quả hơn. Tiền sau khi "rửa" thường được đầu tư vào những nơi không tạo ra thêm (nhiều) giá trị thặng dư như bất động sản, đồ cổ, tác phẩm nghệ thuật, đồ trang sức và ô tô sang. Nhập khẩu những mặt hàng xa xỉ này hay đầu tư vào những ngành không tạo giá trị thặng dư có tác động tiêu cực đến tăng trưởng.

Rửa tiền sẽ kích thích sự phát triển của nạn hối lộ và phạm tội trong nước, từ đó làm suy yếu tăng trưởng kinh tế. Tội phạm rửa tiền có thể biến các doanh nghiệp lành mạnh thành nơi phục vụ chủ yếu mục đích rửa tiền chứ không phải là theo đuổi mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận hợp pháp, dẫn đến giảm tăng trưởng. Ngược lại, các bằng chứng thực tế cho thấy công tác phòng chống rửa tiền hữu hiệu sẽ giúp giảm nạn tham nhũng và tỷ lệ tội phạm.

Rửa tiền sẽ tác động tiêu cực đến thương mại và lưu chuyển vốn

Rửa tiền có thể dẫn đến sự méo mó về ngoại thương, với nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ tăng mạnh nhờ tiền đã được rửa. Rửa tiền còn dẫn đến chảy máu vốn ra nước ngoài (capital flight) dưới bàn tay điều khiển của các tổ chức tài chính nội địa và/hoặc nước ngoài trong các đường dây rửa tiền xuyên quốc gia, dẫn đến khan hiếm vốn ngoại tệ thiết yếu cho các hoạt động kinh tế nội địa.

Thay cho kết luận, NHNN phải nỗ lực tuyên truyền và có các chế tài hợp lý cho việc áp dụng và thực thi của Luật, cũng như tự bản thân mình phải nhận định đúng đắn và đầy đủ hơn về ý nghĩa và mục đích của phòng chống rửa tiền ở phạm vi quốc gia và trong các nỗ lực hợp tác quốc tế.

Chỉ khi nào phòng chống rửa tiền được coi không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn được hiểu rõ là quyền lợi, lợi ích sát sườn của từng cá nhân, tổ chức có liên quan thì lúc đó việc cho ra đời Luật phòng chống rửa tiền mới có ý nghĩa và mới mong được thực thi một cách nghiêm túc, hiệu quả.

TS. Phan Minh Ngọc

Diễn đàn kinh tế Việt Nam

Các tin tức khác

>   Rửa tiền: “Đọc luật là lách được ngay” (16/11/2011)

>   Sàn giao dịch hàng hóa ảo SCX 2011: Hơn 100.000 giao dịch được khớp (16/11/2011)

>   Tội phạm rửa tiền: Băng ngầm chưa lộ sáng (14/11/2011)

>   Bà Phạm Chi Lan: 'Tiền bẩn' dễ thành 'tiền sạch' (14/11/2011)

>   Giải pháp ngăn chặn tín dụng đen: Hình sự hay chính sách kinh tế (13/11/2011)

>   Tiền nhàn rỗi, nên đầu tư vào đâu (12/11/2011)

>   Công ty tài chính 100% vốn nước ngoài đã chính thức hoạt động (11/11/2011)

>   Những ngộ nhận về tín dụng đen (11/11/2011)

>   BĐS và ngân hàng: Từ cảnh báo của đại biểu Quốc hội (10/11/2011)

>   Rửa tiền ở ta quá dễ (10/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật