Thị trường tuần 17 – 21/10 dưới góc nhìn công ty chứng khoán
(Vietstock) – Nhà đầu tư ngắn hạn nên đặc biệt chú ý đến động thái này của nhóm ngoại trong diễn biến tuần sau do nhóm có vốn hóa lớn sẽ tạo ra lực đỡ tích cực cho chỉ số VN-Index nói riêng và tâm lý chung của thị trường.
Tiếp tục giảm về vùng hỗ trợ
Công ty Chứng khoán ACB (ACBS): Cuối tuần trước, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nới tỷ giá USD liên ngân hàng lên thêm 10 đồng, nâng tỷ giá liên ngân hàng lên 20,688 đồng. Kết quả là tỷ giá chính thức niêm yết tại các ngân hàng thương mại cũng tăng thêm 10 đồng, lên 20,895 đồng. Tỷ giá VND/USD quy đổi từ các ngoại tệ khác (JPY và EUR) cũng tăng mạnh lên mức 21.501 đồng, mức cao nhất từ trước đến nay, cho thấy áp lực tỷ giá hiện nay là rất lớn.
Mặt khác, trong phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ hôm thứ 5 vừa qua, Bộ tài chính đã không thành công trong việc phát hành cả hai loại trái phiếu chính phủ 3 năm và 5 năm, mặc dù số tiền đăng ký đấu thầu cho cả hai trái phiếu này lên tới 1,100 tỷ đồng với lợi suất đăng ký thấp nhất là 12.4%. Việc phát hành không thành công với lợi suất đăng ký ở mức cao cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang ở trong tình trạng không ổn định.
Về mặt phân tích kỹ thuật, do cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index vẫn có khả năng giảm nhẹ từ từ về ngưỡng hỗ trợ tiếp theo ở mức 400 và 65, do đó nhà đầu tư nên tiếp tục đứng ngoài thị trường.
Kịch bản giảm chiếm ưu thế
CTCP Chứng khoán BIDV (BSI): Mức độ bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đã bớt quyết liệt hơn giai đoạn trước đây. Hiện tượng này có thể do giá các cổ phiếu đã ở mặt bằng thấp hơn, hoặc chỉ số bảo hiểm rủi ro vỡ nợ của VN (CDS) đã điều chỉnh đáng kể sau một thời gian tăng mạnh. Dù đã bớt tiêu cực nhưng vẫn chưa thể kỳ vọng sự tích cực sẽ sớm trở lại từ khối này.
Từ góc độ kỹ thuật, kịch bản giảm đã chiếm ưu thế. Kịch bản giảm mạnh liên tục ít khả năng xảy ra, vì vậy sau phiên giảm mạnh có thể xen kẽ những phiên hồi phục.
BSI cho biết vẫn giữ quan điểm không nên tranh mua mỗi khi thị trường hồi phục. Lợi nhuận chỉ có khi mua tại các mức giá thấp và bán ra khi thị trường kiểm tra khả năng tăng điểm. Tuy nhiên, dù vẫn có thể áp dụng với một số cổ phiếu cụ thể, với xu hướng giảm đã chiếm ưu thế, chiến thuật này cũng không có lợi thế đáng kể so với rủi ro bởi T+4. Với rủi ro tăng, nhà đầu tư nên chọn một mức giá an toàn hơn để tham gia.
Không cần bán bằng mọi giá
CTCP Chứng khoán Kim Eng Việt Nam (KEVS): Tổng hợp các thông tin trên cho thấy TTCK Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn khó khăn và việc “phá vỡ” 2 ngưỡng hỗ trợ quan trọng cho thấy xu thế giảm điểm của thị trường còn chiếm ưu thế, việc đảo chiều bật tăng mạnh (nếu có) sẽ thiếu sự bền vững. Tuy nhiên theo quan sát lực mua bắt đầu gia tăng ở những vùng giá thấp cho thấy việc giảm điểm sâu của thị trường sẽ bị ngăn cản.
Vì vậy các nhà đầu tư không cần thiết “bán ra bằng mọi giá” trừ những người có tỷ trọng chứng khoán lớn trong danh mục và cần cơ cấu lại danh mục trong lúc này thì phải giảm bớt tỷ trọng chứng khoán để thu về tiền mặt. Đối với các nhà đầu tư có tỷ trọng tiền lớn có thể giải ngân một phần tiền của mình, còn các nhà đầu tư thận trọng vẫn chờ đợi dấu hiệu mua sắp tới thật sự xuất hiện để có thể tham gia thị trường ở những vùng giá hấp dẫn.
Chú ý động thái của khối ngoại
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Sau 5 tuần giảm điểm liên tiếp, những dấu hiệu bắt đáy đã xuất hiện mặc dù không thực sự mạnh mẽ. Theo FPTS, thị trường hiện nay đã cân bằng hơn giữa bên bán mua và bên bán mặc dù các yếu tố bất ổn của nền kinh tế vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Kết quả kinh doanh không khả quan của doanh nghiệp niêm yết, giá vàng và tỷ giá tiếp tục trồi sụt bất thường là những nguyên nhân gián tiếp ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư chứng khoán.
Điểm nhấn tuần qua chính là phiên sụt giảm mạnh ngày 12/10 do thị trường liên tục đi ngang phía trên ngưỡng hỗ trợ 415 điểm và thiếu các thông tin hỗ trợ. Thay vào đó là công bố của hai sở giao dịch về danh sách cổ phiếu không được giao dịch ký quỹ đã tạo ra cú huých khá mạnh đối với bên bán trong tuần qua. FPTS đánh giá đây là liều thuốc thử cần thiết đối với bên bán. Thực tế cho thấy lực cung không quá mạnh, không xuất hiện bán tháo trên toàn thị trường mà chỉ mang tính nhất thời, tập trung tại một số nhóm cổ phiếu, đặc biệt là nhóm được khuyến cáo không áp dụng ký quỹ.
Ngoài ra sự hỗ trợ của dòng tiền khối ngoại sau chuỗi bán ròng cũng là lực hỗ trợ đáng kể trong hai phiên tăng điểm cuối tuần. Nhà đầu tư ngắn hạn nên đặc biệt chú ý đến động thái này của nhóm ngoại trong diễn biến tuần sau do nhóm có vốn hóa lớn sẽ tạo ra lực đỡ tích cực cho chỉ số VN-Index nói riêng và tâm lý chung của thị trường.
Như vậy, yếu tố quan trọng nhất đối với thị trường chứng khoán hiện nay đó là dòng tiền tạo thanh khoản và các thông tin hỗ trợ từ vĩ mô trong tuần tới. Trong hai tuần tới kết quả kinh doanh các doanh nghiệp niêm yết sẽ công bố nhiều hơn cùng với chu kỳ công bố về CPI các tỉnh thành. Nếu như CPI tiếp tục có tín hiệu tốt (tăng trưởng thấp so với tháng trước) sẽ đem lại yếu tố hỗ trợ tâm lý quan trọng cho bên mua, đặc biệt đối với dòng tiền nóng đã chốt lời tại đỉnh 475 điểm vừa qua đang đứng ngoài thị trường. Nhóm cổ phiếu có thị giá thấp, thanh khoản tốt và kết quả kinh doanh ổn định trong Quý 3/2011 có thể sẽ là nhóm được dòng tiền nóng hướng tới.
Viết Vinh tổng hợp
|