Không nên điều chỉnh giá vào ngày giao dịch không hưởng cổ tức
Không điều chỉnh giá tham chiếu có thể sẽ khiến rất nhiều NĐT quan tâm đến những cổ phiếu của các DN tuyên bố sắp trả cổ tức, nhưng chưa chắc hút được các NĐT dài hạn, mà sẽ khuyến khích các hoạt động đầu cơ ngắn hạn.
* Lấy lại niềm tin TT: Vì sao, cho ai và bằng cách nào?
* Nhà đầu tư mua cổ phiếu để làm gì?
Bài báo Nhà đầu tư mua cổ phiếu để làm gì? đăng ngày 07/10/2011, tác giả Khắc Hiển có nêu một đề xuất đáng chú ý là không điều chỉnh giá tham chiếu vào ngày giao dịch không hưởng cổ tức. Xin lưu ý là bài báo không nói rằng, cách điều chỉnh giá tham chiếu là sai, mà chỉ cho rằng đề xuất đó sẽ mang lại được mấy điều sau: giúp cho quảng đại quần chúng trở lại với TTCK chứ không chỉ NĐT chuyên nghiệp, khiến họ trở thành NĐT dài hạn và các DN niêm yết cũng có chính sách cổ tức đúng đắn hơn. Mục tiêu rất tốt đẹp, tuy nhiên tính khả thi của đề xuất này ra sao?
Không điều chỉnh giá tham chiếu có thể sẽ khiến rất nhiều NĐT quan tâm đến những cổ phiếu của các DN tuyên bố sắp trả cổ tức, nhưng chưa chắc hút được các NĐT dài hạn, mà sẽ khuyến khích các hoạt động đầu cơ ngắn hạn. Đề xuất trên có phần là giống với một đề xuất "lạ" từng được đưa ra trong năm 2008 là áp biên độ lệch, ví dụ như cho tăng 5%, nhưng chỉ cho giảm 2%. Tuy nhiên, giá tham chiếu vốn có mục đích quan trọng là cơ sở để tính giá trần sàn và hầu hết các nước có TTCK phát triển hơn Việt Nam, nhưng họ vẫn áp biên độ giá, tức là vẫn dùng giá tham chiếu. Khi đã áp biên độ, thường là lấy giá tham chiếu làm trung điểm, tức là trần tăng 5% thì sàn cũng giảm 5%, vì như thế sẽ đảm bảo tính công bằng, giá cổ phiếu có thể lên hay xuống theo dự báo về sức khỏe DN mà đã dự báo thì tốt xấu xác suất ngang nhau. Hiện chưa từng thấy TTCK nào áp biên độ lệch trong điều kiện giao dịch bình thường cả.
Đầu tư cổ phiếu, nếu so với tiết kiệm hay mua trái phiếu thì luôn có tỷ suất lợi nhuận cao hơn nhiều, nhưng cũng không hề an toàn để yên tâm nhận lãi hàng năm và rút gốc khi đáo hạn hay khi không đầu tư nữa. Giá cổ phiếu luôn dao động theo sức khỏe của DN, lúc kinh tế khó khăn, DN làm ăn sa sút, thua lỗ thì nhiều cổ phiếu rớt giá xuống dưới mệnh giá là chuyện thường. Mỗi NĐT cổ phiếu là một cổ đông, góp vốn cho DN kinh doanh chứ không phải là gửi tiết kiệm hay làm chủ nợ cho DN vay. Do đó, đã đầu tư vào cổ phiếu là phải chấp nhận có lời có lỗ, có thể mua máy bay mà cũng có thể chịu mất trắng. Đặc biệt, để đầu tư dài hạn tính theo số năm thì chỉ có thể là những NĐT có trình độ và hiểu biết về tài chính, chứ rất khó có thể khuyến khích quảng đại quần chúng tham gia. Trên thế giới cũng không có nước nào có số đông nhân dân trực tiếp đầu tư dài hạn vào chứng khoán. Ở những nơi đó đa số dân chúng sẽ đầu tư gián tiếp qua các tổ chức như các dạng quỹ đầu tư.
Tóm lại, mục tiêu "thu hút NĐT quay trở lại TTCK" mà bài viết nêu ra là rất tốt đẹp, nhưng về đề xuất trên có lẽ… không khả thi. Để hút NĐT quay trở lại với TTCK Việt Nam, nhất là vào lúc này, cần tập trung vào mấy mục tiêu cơ bản. Thứ nhất, nâng cao tính minh bạch, đề cao sự công bằng bằng việc xử thật nặng các hành vi gian dối, lừa đảo, dìm hàng đạp giá, làm báo cáo láo, biến báo sổ sách… của bất kỳ DN niêm yết, CTCK hay NĐT nào. Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung cơ chế công bố thông tin, làm sao để NĐT khi đọc báo cáo tài chính là thấy được sức khỏe thực sự của DN (chứ không sơ sài như hiện nay) và đã đọc là tin (chứ đừng có báo cáo sai, đến khi kiểm toán ra thì … đính chính).
Lấy trường hợp DVD làm ví dụ. Nếu chỉ đọc BCTC, thì ngay cả giới chuyên môn cũng không thể hiểu nổi là làm sao với báo cáo tài chính quý IV/2010 "bình yên" như thế (tức là không có điểm gì bất thường), mà chỉ 9 tháng 10 ngày sau, DVD… phá sản. Đó đang là một vấn đề nghiêm trọng của chứng khoán Việt Nam, là nguyên nhân trực tiếp khiến NĐT cạn kiệt niềm tin vào thị trường.
Theo Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Môi giới CTCK MHB
Đầu tư chứng khoán
|