Thị trường sau lễ dưới góc nhìn công ty chứng khoán
(Vietstock) – Khi nhóm cổ phiếu đầu tàu của nhịp tăng điểm này tỏ ra kém hấp dẫn thì thị trường cần phải trải qua một nhịp điều chỉnh tích lũy. Sự luân phiên dẫn dắt của một số nhóm cổ phiếu khác thường không kéo dài lâu và tạo ra rủi ro T+ cho các nhà đầu tư giải ngân “theo đuôi”.
Rủi ro cao khi tham gia thị trường
Công ty Chứng khoán ACB (ACBS): TTCK Việt Nam đã có một tuần giao dịch khá thành công, bắt đầu bằng một phiên tăng rất mạnh bất chấp dư chấn của sự bất ổn từ TTCK thế giới trong tuần trước đó. Các phiên leo dốc sau đó cùng với khối lượng lớn (trung bình 96 triệu/phiên trên cả hai sàn, cao hơn 80% so với mức trung bình 54 triệu/phiên của tháng 8) cho thấy lực mua rất mạnh, bên mua sẵn sàng tham gia thị trường bằng mọi giá.
Tổng kết tuần, VN-Index tăng 30.88 điểm (7.6%), trong khi mức tăng của HNX-Index là 6.11 điểm (8.8%) so với mức đóng cửa tuần trước.
Trong tuần qua, ngành viễn thông là ngành có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất trong tuần qua trên sàn Hà Nội, với mức tăng 3.35%. Theo sau đó là các ngành tài chính (2.39%), công nghệ (2.26%), dầu khí (2.13%)…. Ở đầu ngược lại, nhóm ngành tài chính lại là nhóm ngành có mức sinh lời tốt nhất, tăng 2.36% sau một tuần giao dịch. Vị trí thứ hai thuộc về nhóm ngành dầu khí với mức tăng 2.17%. Nhóm mặt hàng thiết yếu xếp vị trí thứ 3 với mức tăng 2.16%.
Việc cho phép thực hiện giao dịch ký quỹ bắt đầu từ ngày 31/08 có khả năng làm tăng dòng tiền đi vào thị trường chứng khoán, tạo lực đỡ tích cực trong thời gian tới.
Các phiên tăng mạnh vừa qua cùng với khối lượng giao dịch lớn đang cho thấy sự bền vững. Trong các phiên tới, chỉ số VN-Index và HNX-Index có khả năng tiếp tục hồi phục về ngưỡng kháng cự tiếp theo là 450-460 và 82-83. Đây là ngưỡng kháng cự rất mạnh và nhiều khả năng sẽ chặn lại sóng tăng hiện tại của cả hai chỉ số.
Về mặt phân tích kỹ thuật, vùng giá hiện tại có rủi ro cao khi nhà đầu tư muốn tham gia thị trường. Tuy nhiên, với phân tích cơ bản, mua vào các cổ phiếu cơ bản tốt vẫn chưa quá muộn.
Khối lượng lên mức cao nhưng chưa nguy hiểm
CTCP Chứng khoán BIDV (BSI): Thị trường chứng khoán tiếp tục thể hiện xu thế tích cực trong ngắn hạn, chúng tôi cho rằng xu hướng này không biến mất đột ngột. Vì vậy nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng để tìm kiếm lợi nhuận. Khối lượng giao dịch đã được đẩy lên mức cao nhưng chưa có dấu hiệu nguy hiểm.
Bên cạnh xu hướng ngắn hạn tích cực, BSI vẫn có một số điểm lưu ý nhà đầu tư:
Thứ nhất, đợt hồi phục sẽ khó vượt đỉnh ngắn hạn thiết lập tháng 6 vừa qua một cách dễ dàng.
Thứ hai, xét trung hạn, dù với kịch bản lạc quan: thị trường đã chuyển sang xu thế tăng trung hạn, thị trường cũng còn một nhịp điều chỉnh đáng kể. Nhà đầu tư cần chú ý khi giá dần tiến tới các mức cao.
Thứ ba, dòng tiền hồi phục chưa đều. Những mã không có lịch sử thanh khoản tốt vẫn có khối lượng giao dịch thấp hơn thời kỳ trước đây và giá không tăng nhiều. Điều này cho thấy thị trường mới tăng chủ yếu do dòng tiền đầu cơ đi trước, nền tảng của xu hướng chưa được xác lập.
Cơ hội cho dòng tiền đầu tư dài hạn vẫn còn nhiều ở những mã chưa hồi phục mạnh trong khi chờ đợi đợt điều chỉnh. Đa dạng hóa danh sách các cổ phiếu quan tâm sẽ giúp nhà đầu tư dài hạn giữ bình tĩnh trước các biến động ngắn hạn của thị trường.
Nên chốt lời một phần danh mục
CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVS): Tín hiệu tăng giá ở nhóm cổ phiếu ngân hàng ngay lập tức thu hút sự chú ý của dòng tiền đầu cơ, tạo động lực chính đẩy chỉ số 2 sàn tăng điểm trong phiên cuối tuần. Một số cổ phiếu bluechips sàn Tp.HCM vẫn duy trì được đà tăng bền bỉ trong khi nhóm cổ phiếu mang tính đầu cơ, vốn hóa lớn bên sàn Hà nội dao động khá giằng co.
BVS cho rằng khi nhóm cổ phiếu đầu tàu của nhịp tăng điểm này tỏ ra kém hấp dẫn thì thị trường cần phải trải qua một nhịp điều chỉnh tích lũy. Sự luân phiên dẫn dắt của một số nhóm cổ phiếu khác thường không kéo dài lâu và tạo ra rủi ro T+ cho các nhà đầu tư giải ngân “theo đuôi”.
BVS khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn chốt lời một phần danh mục trong những đợt hồi phục trong phiên của thị trường và mua lại khi đợt điều chỉnh thực sự diễn ra. Đánh giá tác động của Thông tư 22 đối với TTCK và bất động sản, theo ước tính của BVSC, việc mặt bằng lãi suất ở mức thấp hơn (17-19%) sẽ mang đến nhiều thuận lợi cho TTCK và bất động sản. Tuy nhiên, để hai lĩnh vực này hồi phục thật sự mạnh mẽ, lãi suất sẽ phải giảm xuống mức sâu hơn nữa (13-15%).
Cần thêm thông tin vĩ mô hỗ trợ
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Với những thông tin vĩ mô tích cực, các chỉ số chứng khoán đã có sự khởi sắc rõ rệt. Với 3 tuần tăng điểm liên tiếp điều này đã khẳng định mức điểm 386 vừa qua đã là đáy của sóng giảm ngắn hạn tính từ đầu năm 2011. Tuy nhiên điểm cần chú ý đó là VN-Index vẫn đang nằm trong kênh giảm dài hạn tính từ cuối năm 2009 với độ rộng từ 380-500 điểm.
Theo FPTS, một sóng tăng bứt phá cần diễn ra theo hai nhịp. Nhịp đầu sẽ là sự hồi phục có tính kỹ thuật khi thị trường đã đạt điểm giao dịch “cạn kiệt” từ cả hai phía mua và bán. Nhịp thứ hai sẽ là bước nối tiếp với sự hỗ trợ tích cực của các thông tin giúp các chỉ số phá vỡ kênh giảm đã hình thành trước đó.
Hiện VN-Index đang trong giai đoạn của nhịp đầu và có thể coi như đã hoàn bù xong cho mức giảm mạnh trước đó. Đích đến gần nhất xoay quanh mức kháng cự ngắn hạn 445-450 điểm. Như vậy đang tồn tại rủi ro nếu như VN-Index không đủ động lực thực hiện nhịp tăng thứ hai. Hai yếu tố cần có để tạo nên sự bứt phá sắp tới đó là thông tin vĩ mô tích cực để hỗ trợ tâm lý thị trường và dòng tiền vào kênh chứng khoán được khơi thông.
Đối với nhà đầu tư ngắn hạn đã tham gia đợt sóng tăng trong 3 tuần vừa qua có thể xem xét chốt lời khi VN-Index đi xuyên vào khu vực 450 điểm. Việc tiếp tục đua mua giá trần trong tuần sau đem lại rủi ro khá cao khi rơi vào sóng điều chỉnh giảm. Do đó việc chờ đợi khi VN-Index thực hiện xong việc điều chỉnh và quay trở lại tăng điểm cùng khối lượng giao dịch tiếp tục tăng sẽ là chiến lược hợp lý tại thời điểm này.
Viết Vinh tổng hợp
|