Thông tư số 74: Cần chi tiết và thực tế
Thông tư số 74/2011/TT-BTC về hướng dẫn giao dịch chứng khoán cho phép một nhà đầu tư có thể mở nhiều tài khoản, cho phép hoạt động giao dịch ký quỹ (margin) và giao dịch cùng phiên đã chính thức có hiệu lực từ 1/8. Tuy nhiên, diễn biến của TTCK vẫn không có nhiều khởi sắc. DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc môi giới CTCK FPTS xung quanh vấn đề này.
- Nhiều ý kiến cho rằng, Thông tư này chưa đủ “sức nặng” để tạo ra cái mới cho thị trường. Còn đánh giá của ông ?
Theo tôi thì Thông tư 74 là một bước tiến lớn với nhiều điểm mới đối với TTCK VN. Tất nhiên không thể kỳ vọng là TTCK sẽ khởi sắc ngay sau khi Thông tư có hiệu lực được vì sự lên xuống của TTCK còn chịu tác động của rất nhiều yếu tố khác nữa, chẳng hạn như tình hình kinh tế vĩ mô trong nước, tình hình kinh doanh của đa số các DN niêm yết, tình hình kinh tế, xã hội trên thế giới,... Tôi vẫn tin Thông tư 74 sẽ là một văn bản pháp lý quan trọng giúp TTCK VN phát triển về mặt dài hạn.
- Một trong những vấn đề đang được các thành viên thị trường quan tâm đó chính là những quy định về giao dịch ký quỹ (margin). Vừa qua, UBCK đã có dự thảo công văn hướng dẫn thực hiện margin. Ông đánh giá thế nào về những quy định trong dự thảo?
Trong dự thảo có những quy định quá chặt chẽ do UBCK khá thận trọng đối với nghiệp vụ mới này. Ngoài ra, cũng có một số điểm chưa hợp lý mà UBCK sẽ chỉnh sửa trước khi đưa ra văn bản hướng dẫn chính thức.
- Liên quan đến thực tiễn triển khai margin, những khúc mắc nhiều nhất vẫn tập trung ở việc nên lấy tài sản ký quỹ như thế nào, làm thế nào để giám sát, tách biệt tài khoản và cách thức xử lý tài khoản giao dịch ký quỹ trong các nghiệp vụ...Ý kiến của cá nhân ông?
Trong buổi họp ngày 4/8/2011, đại diện UBCK đã đồng ý sẽ sửa đổi lại một số tiêu chí đối với chứng khoán được phép ký quỹ và Sở GDCK vẫn sẽ là đơn vị công bố danh sách chứng khoán đủ điều kiện ký quỹ. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân thì tôi thấy sẽ tốt hơn nếu UBCK hoặc Sở GDCK chỉ đưa ra các tiêu chí mà một cổ phiếu không được phép giao dịch ký quỹ, chẳng hạn như cổ phiếu thuộc diện cảnh báo, kiểm soát,... Còn lại danh mục chứng khoán được phép ký quỹ sẽ để cho từng Cty chứng khoán quyết định, miễn là họ đáp ứng được các yêu cầu về hạn mức cho vay ký quỹ được quy định trong quy chế.
Việc giám sát, tách biệt tài khoản cũng như cách thức xử lý tài khoản giao dịch ký quỹ thì là việc của các Cty chứng khoán. Các Cty chứng khoán cần xây dựng hệ thống và quy trình nghiệp vụ để làm việc này. Nếu Cty chứng khoán không làm tốt thì khách hàng sẽ không sử dụng dịch vụ của họ hoặc chính Cty chứng khoán phải gánh chịu thiệt hại.
- Vậy ông có đề xuất gì để Thông tư 74 nói chung và giao dịch margin đem lại hiệu quả thiết thực cho TTCK?
Theo tôi để đạt được hiệu quả thiết thực thì các văn bản cần quy định chi tiết và bám sát vào thực tế giao dịch để tạo ra cơ chế giao dịch thông thoáng hơn cho thị trường.
- Để margin được triển khai có hiệu quả thì các Cty chứng khoán phải đáp ứng được yêu cầu về công nghệ thông tin. FPTS đã chuẩn bị điều này như thế nào cho việc margin được triển khai trong thời gian tới?
Đúng là việc triển khai Margin rất cần sự hỗ trợ của hệ thống công nghệ. FPTS đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống công nghệ phục vụ cho nghiệp vụ mới này. Hệ thống này không chỉ giúp cho FPTS có thể quản lý tốt các hợp đồng ký quỹ mà quan trọng hơn nó giúp cho tất cả khách hàng có thể giao dịch thuận tiện, quản lý tốt mọi thông tin liên quan đến giao dịch và trả nợ từng phần hoặc toàn bộ các giao dịch ký quỹ của họ theo nhu cầu.
- Xin cảm ơn ông!
Phạm Lan thực hiện
Diễn đàn doanh nghiệp
|