Tiêu chuẩn niêm yết mới, đừng để TTCK chệch hướng
Cần từng bước cải thiện bộ mặt thị trường để giữ vững định hướng TTCK thành một kênh huy động vốn và giữ vốn dài hạn, chứ không để nó phát triển "chệch đường" thành một kênh lướt sóng ngắn hạn trong nền kinh tế.
Theo dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán, tiêu chuẩn niêm yết của DN có xu hướng được nâng cao như yêu cầu cao hơn về vốn điều lệ tối thiểu, quy định tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu... Có ý kiến lo ngại rằng, nếu siết chuẩn niêm yết quá chặt thì TTCK sẽ ảm đạm do thiếu hàng hóa. Bài viết này xin chia sẻ một số quan điểm về việc nâng chuẩn niêm yết hiện tại và sự cân bằng giữa một chuẩn niêm yết chặt chẽ hơn với nguồn cung hàng hóa cho thị trường.
Đầu vào vẫn có thể chặt chẽ hơn
Như đã đề cập, dự thảo quy định về niêm yết chứng khoán tại Việt Nam lần này đã nâng cao các chỉ tiêu định lượng đầu vào và kiểm soát chặt chẽ hơn vấn đề nợ quá hạn cũng như số cổ đông tối thiểu không phải là cổ đông lớn. Dù vậy, so với các chuẩn niêm yết tại Mỹ và châu Âu, cũng cần chú ý thêm là các chuẩn niêm yết tại những thị trường này quan tâm nhiều đến việc quy định mức tài sản tối thiểu để niêm yết, ngoài ra còn đặt ra yêu cầu tối thiểu về thu nhập từ hoạt động kinh doanh, lợi nhuận trước thuế, hay giá trị vốn hóa trước khi niêm yết, thậm chí là có cả mức giá tối thiểu trong lần giao dịch đầu tiên.
Nhìn chung, những chỉ tiêu này có ý nghĩa tương tự như chỉ tiêu vốn điều lệ tối thiểu là nhằm đảm bảo công ty niêm yết có một quy mô nhất định để duy trì chất lượng niêm yết lẫn khả năng thanh khoản. Tuy nhiên, so với vốn điều lệ thì những chỉ tiêu như tổng tài sản, doanh thu, lợi nhuận trước thuế hay thu nhập từ hoạt động kinh doanh cho thấy bức tranh rõ ràng hơn nhiều về quy mô hoạt động của công ty.
Vì vậy, nên chăng dự thảo cần được cân nhắc thêm vào những điều kiện như chỉ tiêu tối thiểu về tổng tài sản, lợi nhuận trước thuế, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, hay dòng tiền, để đảm bảo phản ánh rõ ràng hơn về quy mô của công ty. Tất nhiên, nếu đem chuẩn niêm yết của nước ngoài so sánh với chuẩn niêm yết của Việt Nam là một sự so sánh khập khiễng, vì điều kiện thị trường khác nhau. Nhưng việc thêm một quy định về tổng tài sản tối thiểu để niêm yết (nếu thấy yêu cầu các chỉ tiêu tối thiểu về lợi nhuận trước thuế hay mức vốn hóa là không phù hợp hay chưa cần thiết trong điều kiện Việt Nam) thì cũng không phải quá khó khăn. Đồng thời, nó còn giúp thực hiện việc nâng chuẩn niêm yết được chặt chẽ hơn theo đúng tinh thần của dự thảo là DN phải có quy mô tối thiểu nhất định thì mới được niêm yết.
Qui định về giai đoạn hậu niêm yết: Vẫn chưa thấy đột phá
Dù đã có những bước tiến, dự thảo này chỉ mới chú trọng đến những chỉ tiêu định lượng ở giai đoạn đầu vào (admission to listing), mà chưa có sự đột phá trong những quy định về nghĩa vụ công ty niêm yết phải tuân thủ để đảm bảo được tiếp tục niêm yết (continuing obligations), trong đó tất nhiên có vấn đề về công bố thông tin (disclosure standards) và quản trị công ty (corporate governance). Nói cách khác, trong những quy định về việc hủy niêm yết, phần lớn chỉ liên quan đến các chỉ tiêu định lượng đầu vào như vốn điều lệ, kết quả kinh doanh và số cổ đông nắm giữ cổ phiếu, chứ không đề cập đến vấn đề là nếu không tuân thủ các quy chế về quản trị công ty hay vi phạm quy định về công bố thông tin thì cũng có thể bị hủy niêm yết, hoặc phải bị "chuyển nhà" sang sở giao dịch thấp hơn.
Cần nhận thấy một điều là nếu công ty được quản trị kém thì lợi ích của cổ đông sẽ dễ bị tổn hại và bản thân các chỉ tiêu tối thiểu đầu vào cũng có thể bị "phù phép" để đáp ứng chuẩn niêm yết tối thiểu. Chẳng hạn, quy định về vấn đề nợ quá hạn hay quy định DN bị hủy niêm yết nếu kết quả kinh doanh lỗ 3 năm liên tiếp hoặc lỗ lũy kế vượt quá vốn chủ sở hữu rất dễ bị "lách" bằng các kỹ thuật tinh vi về kế toán và báo cáo tài chính. Như vậy, các quy định định lượng sẽ không có ích gì nếu như không có quy định chặt chẽ hơn về các nghĩa vụ tuân thủ công bố thông tin và quản trị công ty (hay nói cách khác là nghĩa vụ "đối xử tốt" với các cổ đông). Trong những năm gần đây, những vướng mắc trong việc nộp báo cáo tài chính, độ tin cậy của báo cáo tài chính hay chuyện công ty vi phạm lợi ích của cổ đông thiểu số gần như không có chuyển biến gì đáng kể, cho dù được báo chí nhắc tới thường xuyên.
Tiêu chuẩn niêm yết mới cần phải nhắm đến việc tạo lập lại niềm tin của các cổ đông, trong đó tiêu chuẩn về minh bạch thông tin, công bố thông tin và đặc biệt là quản trị công ty phải được chú trọng và thực thi nghiêm túc.
Nhìn vào điều kiện niêm yết của các thị trường bảng chính của Anh hay Mỹ, người ta đều có thể thấy những yêu cầu về chuẩn mực công bố thông tin và yêu cầu về tuân thủ bộ quy tắc cơ bản về quản trị công ty nằm ngay trong các yêu cầu để được tiếp tục niêm yết. Bản thân trong quy định nghĩa vụ của công ty niêm yết của Sở GDCK TP. HCM cũng đề cập tới nghĩa vụ tuân thủ quy định về quản trị công ty, tuy nhiên nếu công ty niêm yết không tuân thủ nghĩa vụ này thì chế tài ra sao lại không được quy định rõ ràng. Nếu tiếp tục để việc chế tài đối với các vi phạm về công bố thông tin mập mờ, không được quy định gắn liền với các điều kiện cơ bản để niêm yết, thì công ty niêm yết cứ việc vi phạm rồi bị cảnh cáo, kiểm soát rồi lại… thôi. Như vậy thì liệu nâng chuẩn niêm yết có thật sự giúp khôi phục lại niềm tin của nhà đầu tư vào TTCK, hay đó chỉ là một cách làm nửa vời về mặt hình thức?
Để tránh những quy định mới về niêm yết không chỉ là những thay đổi nửa vời về mặt hình thức thì đi kèm với những tiêu chuẩn niêm yết mới về các chỉ tiêu định lượng, cần có quy định rõ ràng về mặt chế tài các công ty niêm yết khi không thực hiện được các yêu cầu để được tiếp tục niêm yết, trong đó cốt lõi là vấn đề công bố thông tin và hành xử với cổ đông. Bên cạnh đó, cần phải rà soát lại bộ quy tắc cơ bản về quản trị công ty để thêm vào những chỉ dẫn mới phù hợp với điều kiện thị trường hiện tại, cũng như tương thích với sân chơi quốc tế trong vấn đề đối xử với cổ đông. Chỉ như vậy thì các bộ quy định về quản trị công ty mới trở nên hữu ích, chứ không phải là những quy định chung chung, không bảo vệ được cổ đông.
Từ những phân tích trên cho thấy, việc thay đổi quy định về niêm yết lần này có thể mới chỉ là một bước đầu trong tiến trình nâng cao chất lượng niêm yết của TTCK Việt Nam. Tiến trình nâng chuẩn vẫn cần phải được tiếp tục với việc rà soát lại những thành phần có liên quan như chuẩn mực báo cáo và công bố thông tin, các bộ quy tắc ứng xử tốt nhất trong quản trị công ty và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để nhanh chóng chế tài các hành vi thiếu minh bạch và trục lợi ở những công ty niêm yết, trong đó bao gồm việc sẵn sàng hủy niêm yết những công ty vi phạm.
Chuẩn niêm yết quá chặt liệu có khiến thị trường mất tính hấp dẫn?
Có thể dự thảo đã không quy định chặt hơn về vấn đề hủy niêm yết hay các trách nhiệm phải thực hiện sau khi niêm yết vì lo ngại rằng, nếu siết chuẩn niêm yết quá chặt thì TTCK sẽ ảm đạm do thiếu hàng hóa. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận lại từ thực tế thị trường là trong thời gian qua, tuy số lượng cổ phiếu niêm yết trên hai Sở GDCK tăng mạnh, nhưng khối ngoại lại chỉ tập trung vào một số công ty, trong đó đa số các cổ phiếu blue-chip. Điều này khiến nhà đầu tư than phiền về tình trạng "xanh vỏ đỏ lòng", nhưng đồng thời nó cũng phản ánh một thực tế là nhà đầu tư nước ngoài, nhất là những quỹ đầu tư, chủ yếu chỉ nhắm tới những DN có quy mô và tính thanh khoản nhất định.
Cần nhận thấy rằng, không phải chợ bán hàng nhiều là người ta đến mua nhiều. Người ta có thể "ham vui" đến coi cho biết nhưng không ai mua gì cả. Với thực tế được phản ánh gần đây là với những quy định về thực hiện margin thì không có nhiều công ty có thể đáp ứng được đủ điều kiện thực hiện, câu hỏi đặt ra là nếu thị trường muốn thực hiện những sản phẩm cao cấp hơn như quyền chọn, vốn dĩ cũng đòi hỏi một nền tảng nhất định về thanh khoản và số cổ phiếu trôi nổi trên thị trường, bao nhiêu cổ phiếu sẽ đáp ứng đủ yêu cầu? Trong một cái chợ mà phần lớn sản phẩm không đáp ứng nổi yêu cầu về mẫu mã và chất lượng để được bán trong siêu thị, thì dù có nâng cấp bề ngoài cái chợ đó thành siêu thị cao cấp rồi đi quảng cáo để thu hút khách sang trọng tới, người mua cũng chỉ dạo chợ coi qua rồi bỏ đi mà thôi.
Tương tự như vậy, muốn TTCK phát triển hơn nữa và nâng tầm thị trường thì cần phải sàng lọc lại nguồn cung. Tất nhiên, đây chỉ là điều kiện cần, vì để thị trường phát triển mạnh, cần nhiều yếu tố khác như có các định chế đầu tư nội địa vững mạnh, khả năng quảng bá thị trường với nhà đầu tư quốc tế và một nền tảng vĩ mô bền vững, cũng như thay đổi cấu trúc dòng vốn vào chứng khoán từ dòng vốn nóng lướt sóng thành dòng vốn ổn định hơn. Những yếu tố kể trên chỉ có thể đạt được từ những chính sách kinh tế vĩ mô và tái cấu trúc nền kinh tế đúng hướng, vốn dĩ nằm ngoài tầm kiểm soát của những nhà hoạch định TTCK. Tuy nhiên, khi chưa có điều kiện đủ như vậy thì cũng cần từng bước cải thiện bộ mặt thị trường để giữ vững định hướng TTCK thành một kênh huy động vốn và giữ vốn dài hạn, chứ không để nó phát triển "chệch đường" thành một kênh lướt sóng ngắn hạn trong nền kinh tế.
Hồ Quốc Tuấn, Nghiên cứu sinh tiến sĩ, Đại học Manchester, Anh
đầu tư chứng khoán
|