Nâng chuẩn niêm yết không chỉ ở đầu vào
Để đảm bảo chất lượng hàng hóa niêm yết, ngoài việc kiểm soát đầu vào, cần bổ sung các quy định để DN duy trì được chất lượng hoạt động sau khi niêm yết.
Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung đang được Bộ Tài chính "chuẩn hóa" để trình Chính phủ ban hành. Trong đó, quy định liên quan đến tiêu chuẩn niêm yết của DN được nâng cao theo hướng chặt chẽ hơn, thể hiện định hướng tăng chất cho thị trường. Đây cũng là nội dung được các chuyên gia chứng khoán quan tâm và thể hiện nhiều quan điểm khác nhau về tiêu chuẩn niêm yết và giải pháp nâng cao chất lượng hàng hóa hiện nay.
Ông Huy Nam - Chuyên gia chứng khoán
Trong khi Việt Nam căn cứ vào vốn điều lệ thì đa số các TTCK trên thế giới lấy tiêu chí tổng tài sản để lựa chọn DN lên sàn. Tôi cho rằng, đây là khác biệt lớn nhất giữa TTCK Việt Nam và các thị trường khác. Tuy nhiên, cách lựa chọn của Việt Nam bộc lộ bất cập bởi nhiều DN vốn điều lệ thấp nhưng tổng tài sản lớn, trong khi đó có DN vốn điều lệ lớn nhưng tổng tài sản lại nhỏ. Nếu tiêu chí niêm yết là chọn DN quy mô lớn, hoạt động hiệu quả thì nên theo tiêu chí tổng tài sản. Các điều kiện niêm yết khác như lợi nhuận, mức độ đại chúng hóa, thời gian thành lập, hoạt động của DN… không có nhiều khác biệt.
Để đảm bảo chất lượng hàng hóa niêm yết, ngoài việc kiểm soát đầu vào, tôi cho rằng, cần bổ sung các quy định để DN duy trì được chất lượng hoạt động sau khi niêm yết. Hiện có tình trạng nhiều DN lên sàn, sau đó huy động vốn rất nhiều. Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh không tăng tỷ lệ thuận cùng với quá trình tăng vốn khiến giá trị cổ phiếu sụt giảm. Do đó, khi các NĐT nắm giữ cổ phiếu càng lâu thì lại càng thiệt thòi. Điều này không khuyến khích NĐT, ngay cả các NĐT tổ chức nắm giữ cổ phiếu dài hạn, thị trường mất tính ổn định. Để khắc phục điều này, cần nâng cao điều kiện phát hành, một mặt kiểm soát nguồn cung, mặt khác giúp giữ giá trị cổ phiếu.
Ông Tôn Tích Quý - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo chứng khoán
Sau một thời gian đặt mục tiêu thu hẹp thị trường tự do, mở rộng thị trường có quản lý, hiện đã đến lúc đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng hàng hóa. Trước đây, DN lãi một đồng cũng được coi là lãi và được lên niêm yết. Nay tiêu chí niêm yết mới đòi hỏi DN có lãi ở một mức độ nhất định và trong một giai đoạn, tạo niềm tin vững chắc hơn cho NĐT. Dự thảo Nghị định quy định, DN lên niêm yết trên cả hai Sở GDCK phải đảm bảo tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm gần nhất tối thiểu là 5%. Quy định này, theo tôi là hợp lý.
Để nâng cao chất lượng hàng hóa, tôi cho rằng cần có cơ chế để DN có vào, có ra trên sàn niêm yết. Thay vì DN 3 năm làm ăn thua lỗ mới phải hủy niêm yết, cần bổ sung các điều kiện như thanh khoản, tuân thủ công bố thông tin, quản trị DN… để duy trì việc niêm yết trên sàn tập trung.
Ông Huỳnh Anh Tuấn - Tổng giám đốc CTCK SJC
Tiêu chí niêm yết mới, rõ ràng đòi hỏi các DN có chất lượng cao hơn. Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề này cần làm rõ hơn ở một số nội dung. Với điều kiện niêm yết cao, rất nhiều đơn vị trên sàn hiện sẽ không đáp ứng đủ điều kiện và điều này sẽ ảnh hưởng đến quy mô vốn hóa thị trường. Trong khi đó, các NĐT nước ngoài, các quỹ đầu tư lớn lại chỉ quan tâm đến thị trường có quy mô vốn hóa lớn ở mức độ nhất định. Trong khi quy mô TTCK Việt Nam vẫn nhỏ bé, việc hạn chế DN lên niêm yết và loại bỏ DN nhỏ có phải là cách làm phù hợp trong bối cảnh hiện nay? Vấn đề thứ hai là các dịch vụ, sản phẩm cho thị trường phát triển đến mức nào. Rõ ràng, các sản phẩm, nghiệp vụ trên TTCK Việt Nam hiện nay rất nghèo nàn, chủ yếu là giao ngay, hạn chế các dịch vụ tài chính, sản phẩm phái sinh… là sự khập khiễng nếu yêu cầu hàng hóa chất lượng quá cao. Với điều kiện niêm yết cao thì điều gì khuyến khích DN niêm yết? Theo tôi, đó là tạo thanh khoản để huy động vốn, do đó cơ chế giao dịch, sản phẩm trên thị trường cần được cải thiện.
Hiện nay, chúng ta thường quan tâm đến yếu tố lợi nhuận khi chọn DN lên sàn và để đầu tư, nhưng theo tôi, điều quan trọng nhất là các tiêu chí để DN thể hiện sự minh bạch. DN có thể "phù phép" con số lợi nhuận bằng cách này cách khác, nên nếu không có cơ chế buộc DN thể hiện sự minh bạch thì dù DN có báo lãi nhiều, NĐT vẫn khó hiểu được đầy đủ chất lượng thực sự của DN.
Nguyên Thành thực hiện
|