SCIC không thoái vốn bằng mọi giá
Trong bối cảnh TTCK còn nhiều khó khăn do những tác động từ kinh tế vĩ mô, kế hoạch bán vốn nhà nước tại 420 doanh nghiệp (DN) của SCIC trong 2 năm 2011-2012 sẽ tác động thế nào đến TTCK?
Trao đổi với ĐTTC xoay quanh vấn đề này, ông LÊ SONG LAI , Phó Tổng giám đốc TCT Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), cho biết:
Tính đến ngày 30-6-2011, SCIC đã bán vốn tại 512 DN (trong đó bán hết vốn tại 466 DN) trên tổng số 933 DN đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, với giá trị sổ sách bán vốn 1.274 tỷ đồng, thu về 2.767 tỷ đồng, đạt tỷ lệ trung bình gấp 2,17 lần so với mệnh giá.
Trong năm 2011 và 2012, theo kế hoạch đã được Hội đồng thành viên phê duyệt, SCIC dự kiến bán vốn nhà nước tại 420 DN. Phần lớn DN mà SCIC dự kiến bán vốn trong năm 2011 và 2012 có quy mô nhỏ và vừa, hoạt động trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế và thuộc đối tượng Nhà nước không cần nắm giữ vốn, trong đó tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực tư vấn, xây dựng, giao thông, công nghiệp thực phẩm…
Số tiền bán vốn dự kiến tiếp tục thu về đến năm 2012 khoảng 7.800 tỷ đồng. SCIC sẽ sử dụng số tiền này để đầu tư vào các dự án trong các ngành, lĩnh vực then chốt, các dự án lớn, quan trọng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đầu tư linh hoạt để tăng trưởng nguồn vốn nhà nước.
- Thưa ông, hiện nay TTCK đang gặp nhiều khó khăn, SCIC sẽ tính toán thời điểm thoái vốn theo những nguyên tắc nào để không ảnh hưởng cũng như mang lại lợi ích tốt nhất cho cổ đông Nhà nước?
- Khi thực hiện bán vốn, bên cạnh các yêu cầu tuân thủ pháp luật, công khai, minh bạch, SCIC luôn đặt lên hàng đầu yêu cầu bảo toàn vốn nhà nước và hiệu quả đầu tư. SCIC không chủ trương thoái vốn bằng mọi giá mà tùy vào điều kiện thị trường để xem xét.
Để tăng tính hấp dẫn của việc bán vốn, chúng tôi sẽ tập trung nâng cao chất lượng công bố thông tin, đa dạng hóa các phương thức bán vốn, đẩy mạnh hoạt động tiếp thị và tìm kiếm nhà đầu tư, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng để sớm giải quyết các khó khăn về cơ chế, chính sách phát sinh trong quá trình bán vốn, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến xác định giá trị DN…
Trên thực tế việc bán vốn của SCIC sẽ được tiến hành và điều chỉnh theo lộ trình phù hợp, theo sát diễn biến thị trường để tối đa hóa giá trị bán vốn.
- Theo ông, có khó khăn trong quá trình thoái vốn tại các DN?
- Từ thực tiễn thoái vốn trong 5 năm qua cũng như dự báo xu hướng thị trường trong thời gian tới, chúng tôi dự kiến việc bán vốn có một số thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Cụ thể, tình hình kinh tế vĩ mô và TTCK diễn biến không thuận lợi đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tính hấp dẫn của việc bán vốn. Riêng trong năm 2010 đã có tới 78 DN bán đấu giá không thành công, phải giảm giá khởi điểm để tổ chức đấu giá lại nhưng vẫn chưa bán được (52 DN đã tổ chức bán đấu giá 1 lần, 21 DN đã tổ chức bán đấu giá 2 lần, 3 DN đã tổ chức bán đấu giá 3 lần, 2 DN đã tổ chức bán đấu giá 4 lần).
Bên cạnh đó, một số vướng mắc về cơ chế, chính sách nhất là các quy định liên quan đến định giá DN có đất đai, phương thức thoái vốn, việc thoái vốn tại một số DN có tính chất công ích, nông - lâm trường… cần sớm được tháo gỡ để đảm bảo sát với điều kiện thị trường và thực trạng DN. Ngoài ra, một số địa phương, DN chưa ủng hộ hoặc đề nghị SCIC tạm dừng bán vốn tại một số DN, do chưa nhất quán trong nhận thức về chủ trương của Chính phủ đối với những DN nhà nước cần nắm giữ trên 50% tổng số CP. Thí dụ, ngày 4-3 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 14 về tiêu chí, danh mục phân loại DN nhà nước, trong đó có quy định về các DN công ích.
Tuy nhiên, khi triển khai bán vốn, một số địa phương đề nghị giữ lại các DN chưa đáp ứng đủ điều kiện về DN công ích theo quyết định của Thủ tướng. Cùng với đó là một số người đại diện vốn nhà nước tại DN sẽ khó khăn trong việc bố trí công việc sau khi đã thoái hết vốn nhà nước tại DN.
- Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của SCIC còn một số điểm chưa phù hợp: cơ chế bán vốn nhà nước có những điểm bất cập như bán vốn tại DN thua lỗ, DN sử dụng nhiều đất; cơ chế quản lý vốn nhà nước, cơ chế đại diện chủ sở hữu... SCIC sẽ xử lý những bất cập đó như thế nào?
- Để tháo gỡ khó khăn và giải quyết những bất cập này, SCIC đã phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định về đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước và điều lệ (sửa đổi) về tổ chức và hoạt động của SCIC. Chúng tôi tin tưởng rằng sau khi được ban hành, những văn bản pháp lý quan trọng này có thể giúp giải quyết một cách căn bản và khá toàn diện những khó khăn, vướng mắc SCIC gặp phải trong thời gian qua.
Tuy nhiên, để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, SCIC sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu, cổ phần hóa các DN, nâng cao hiệu quả công tác bán vốn nhà nước tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ để tăng cường tích tụ, tập trung vốn, tối ưu hóa danh mục đầu tư với số lượng hợp lý, trong đó, tập trung vào các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng. Chuyển dần trọng tâm hoạt động từ bán vốn sang hỗ trợ và tăng cường quản trị tại các DN chiến lược, đẩy mạnh đầu tư vào những ngành nghề then chốt, đòi hỏi có sự tham gia góp vốn của Nhà nước.
- Xin cảm ơn ông.
Quang Minh (thực hiện)
sài gòn đầu tư tài chính
|