Offline CLB CLB Phân tích Kỹ thuật tháng 8 - TPHCM
Chứng khoán Việt Nam: Đắt hay rẻ?
(Vietstock) - Sẽ là sai lầm khi cho rằng P/E của thị trường Việt Nam bằng 7-9 là hấp dẫn hơn P/E của sàn chứng khoán Down Jones 12-14. Nhà đầu tư không nên so sánh PE của Việt Nam với các nước mà so sánh với các kênh khác như gửi tiết kiệm để có được hoạt động đầu tư tốt nhất.
Thông tin được tiến sỹ Nguyễn Ngọc Huy, Giảng viên Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Luật chia sẻ tại buổi Offline CLB Phân tích Kỹ thuật định kỳ tháng 8 do Vietstock tổ chức ngày 13/08 tại TPHCM.
Thời gian qua, thanh khoản thị trường sụt giảm nghiêm trọng, mô hình Candlesticks không phát huy tác dụng và nhóm chỉ báo động lượng và xu hướng đều yếu khiến nhà đầu tư hoang mang mất phương hướng.
Chương trình Offline CLB Phân tích Kỹ thuật tháng 8 tại Hà Nội:
- Chủ đề: Sóng Elliott
- Diễn giả: Ông Trương Minh Huy - Giảng viên PTKT tại Vietstock - Chuyên viên Phân tích Đầu tư, CTCP Chứng khoán Chợ Lớn
- Thời gian: 09h00 Chủ nhật, ngày 14/08/2011
- Địa điểm: Sàn Giao dịch Chi nhánh CTCP Chứng khoán Công nghiệp Việt Nam - Tầng 2, 108 Lò Đúc, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội. |
Theo tiến sỹ Huy, thông thường trên thị trường thứ cấp, để đánh giá sự rẻ hay đắt của cổ phiếu người ta dùng chỉ số P/E. Bởi P/E phản ánh sự kỳ vọng của thị trường về sự tăng trưởng của cổ phiếu trong tương lai.
Tuy nhiên, P/E cũng có nhược điểm là không chỉ ra được vấn đề để làm ra được 1 đồng lợi nhuận cho cổ đông thì công ty đã sử dụng cơ cấu vốn như thế nào (vốn chủ sở hữu và vốn vay), nhưng lợi nhuận làm ra thì rõ ràng là chia cho vốn chủ sở hữu.
Chính vì nhược điểm của P/E như vậy nên nhà đầu tư cần lựa chọn cổ phiếu có EPS ổn định hoặc tăng trưởng.
Bên cạnh đó, P/E còn có 1 ý nghĩa khác là nhà đầu tư bỏ ra số tiền P mua cổ phiếu với mức P/E (ví dụ là 8) thì nếu như công ty duy trì được giá trị E (EPS) hàng năm không đổi, thì sau khoảng thời gian P/E(8) năm nhà đầu tư sẽ được khoảng lợi nhuận bằng số tiền P ban đầu bỏ ra. Như vậy P/E càng nhỏ thì thời gian hoàn vốn càng nhanh.
Trong thực tế, giá trị P/E thay đổi theo 2 biến số: Giá trị thị trường hàng ngày P và E(EPS) được thống kê thay đổi sau mỗi quý. Nhưng nhà đầu tư cần tránh lựa chọn cổ phiếu mà P/E dần dần nhỏ do P và EPS càng ngày càng nhỏ.
Ông Huy nhấn mạnh, EPS là chỉ tiêu quan trọng bậc nhất trong việc ra quyết định đầu tư và là một chỉ số đầu vào quan trọng trong việc tính chỉ số P/E. Nhà đầu tư cần lựa chọn cổ phiếu có EPS tương lai dự đoán tăng.
Khi dùng chỉ số này nhà đầu tư nên xem xét liệu có khả năng bị ảnh hưởng bởi các chính sách hoặc ước tính kế toán hay sự cố tình bóp méo lợi nhuận của doanh nghiệp. Theo đó, nhà đầu tư có thể điều chỉnh lợi nhuận thuần của doanh nghiệp và tính lại EPS theo những điều chỉnh của mình.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần quan tâm đến forward EPS để dự báo thay đổi của giá thị trường
Với những phân tích trên, tiến sỹ Huy lưu ý, sẽ là sai lầm khi cho rằng P/E của thị trường Việt Nam bằng 7-9 là hấp dẫn hơn P/E của sàn chứng khoán Down Jones 12-14.
Để chứng minh điều này ông đưa ra công thức lấy giá trị của 1/PE, rồi so sánh với mức bình quân lãi suất huy động của ngân hàng thương mại. Như vậy khi so sánh E/P với lãi suất huy động ngân hàng thương mại của từng nước chúng ta sẽ đánh giá được sự đắt hay rẻ của TTCK, hấp dẫn hay không hấp dẫn nhà đầu tư.
Hiện nay, sự chênh lệch và ảnh hưởng quá lớn của nhóm 20 cổ phiếu lớn đã làm nhiều nhà đầu tư không chuyên nghiệp bán tháo nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ.
Theo đó, nhà đầu tư cần quan tâm đến nhóm cổ phiếu có E/P >20% (lớn hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng). Đồng thời, để đảm bảo EPS duy trì ổn định và tăng trưởng, cần xem xét tỷ lệ hệ số vốn vay trên vốn chủ sỡ hữu. Ngoài ra, thanh khoản là điều tối ưu cần quan tâm.
Tuy nhiên, xu hướng thị trường là quan trọng bậc nhất. Nhà đầu tư tham gia thị trường cần quan tâm đến phân tích kỹ thuật và sử dụng tiêu chí E/P để chọn các cổ phiếu đáng quan tâm đưa vào danh mục theo dõi và đầu tư.
Thanh Nụ
|