Thứ Sáu, 12/08/2011 15:17

Sống chung với khủng hoảng

Những bất ổn của kinh tế toàn cầu gần đây đặt ra nhiều lo ngại. Phản ứng của giá vàng, thị trường chứng khoán trong và ngoài nước đang thu hút sự chú ý của công chúng đầu tư. Có những suy tính đặt ra, liệu tình hình kinh tế hiện nay có xấu như khủng hoảng năm 2008?

Tháng 9/2008, ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới Lehman Brothers sụp đổ, đánh dấu điểm bùng nổ của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Với anh Mạc Quang Huy, người nhiều năm làm việc cho tập đoàn này tại thị trường Nhật Bản và Australia, những trải nghiệm và cảm xúc về sự kiện đó đến giờ vẫn còn tươi mới.

Lehman Brothers đóng cửa, sang năm 2009, Mạc Quang Huy (ảnh) đầu quân cho tập đoàn tài chính Nomura, tại Australia. Năm 2010, anh trở về Việt Nam làm việc, với vị trí công việc hiện tại là Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Thăng Long (TLS).

VnEconomy xin giới thiệu với bạn đọc cảm nhận của anh Mạc Quang Huy về những biến động của thị trường thời gian gần đây.

Chu kỳ kinh tế ngày càng ngắn hơn

Chào anh Huy, đã tròn ba năm kể từ sự kiện Lehman Brothers tuyên bố phá sản. Nhớ lại thời khắc ấy, anh cảm thấy thế nào, có “nhẹ nhàng” như khi xuống phố mua mấy lon bia chia tay đồng nghiệp trong ngày chấn động đó?

Việc nhìn lại sự việc đã xảy ra trong quá khứ rất khác với cảm giác của người trong cuộc tại thời điểm nó xảy ra. Thú thực là đến nay tôi đã quen với những thăng trầm của thị trường và có thể nhìn nhận những sự kiện này một cách khá “nhẹ nhàng”. Tôi tin rằng rất nhiều nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã quen như vậy.

Nhìn bối cảnh kinh tế Việt Nam những năm gần đây, có lẽ sống chung với khủng hoảng, với khó khăn cũng đã là “thói quen” và có thể là tố chất cần có với nhiều người chứ không chỉ riêng nhà đầu tư…

Tôi nghĩ là như vậy.

Chúng ta có một thời hoàng kim ngắn trong giai đoạn 2006 - 2007 nhờ chính sách kích thích tăng trưởng, sự kiện Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và thu hút dòng vốn ngoại, nhưng ngay sau đó phải chịu thời kỳ khó khăn do lạm phát cao trong suốt 2008, tiếp đó là khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Năm 2009 - 2010, cuộc sống dễ thở hơn nhờ gói kích cầu, nhưng đến 2011 chúng ta lại rơi vào vòng xoáy lạm phát cao và khủng hoảng nợ công quốc tế. Tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp hiện nay có thể nói là rất khó khăn.

Rời hãng kiểm toán KPMG, Lehman Brothers và sau đó là Nomura, anh đầu quân cho TLS. Vì sao anh có thay đổi này? Công việc của anh hiện thế nào khi thị trường chứng khoán trong nước khó khăn kéo dài như vậy?

Quãng đường trải nghiệm 14 năm làm cho các tổ chức nước ngoài đã cho tôi nhiều kiến thức và trải nghiệm quan trọng. Tuy nhiên, tôi vẫn còn thiếu những trải nghiệm tại một môi trường doanh nghiệp thuần chất Việt Nam, và đó là lý do chính thôi thúc tôi đến với TLS.

Vạn sự khởi đầu nan, tôi cho rằng như vậy. Nhưng những khó khăn hiện tại cũng là những khó khăn chung của các doanh nghiệp trong ngành đầu tư tài chính, chứng khoán.

Khó khăn hiện tại của thị trường cũng là cơ hội để các điểm yếu của mô hình kinh doanh hiện tại được bộc lộ, và chúng tôi đang tập trung vào các công việc đổi mới quy trình cung cấp dịch vụ cũng như phát triển các sản phẩm mới theo hướng chuyên nghiệp hơn.

Đã có nhiều trải nghiệm, đặc biệt là đã từng sống trực tiếp trong cơn bão khủng hoảng năm 2008, anh cảm nhận thế nào về tình hình kinh tế thế giới lúc này, nhất là những bất ổn tại Mỹ với vấn đề nợ công và sự kiện Standard & Poor's hạ bậc tín nhiệm đầu tàu kinh tế này mới đây?

Tôi cảm nhận rằng kinh tế thế giới ngày càng bất ổn hơn và chu kỳ kinh tế ngày càng ngắn hơn.

Nếu như năm 2001 kinh tế Mỹ bắt đầu suy thoái khi xảy ra cuộc khủng hoảng dot.com cùng với sự kiện 11/9, sau đó nhanh chóng phục hồi vào năm 2003 và có 5 năm để phát triển thì giờ đây nền kinh tế thế giới chỉ có được 2 năm phục hồi và lại đang gặp phải tình trạng tăng trưởng chậm lại.

Thị trường đã rơi vào trạng thái hoảng loạn

Còn với phản ứng của thị trường những ngày gần đây thì sao? Hiếm khi người ta được chứng kiến các chỉ số chính của Phố Wall sụt giảm tới 5% - 7% như trong sự chao đảo tuần này, hay thị trường chứng khoán Hàn Quốc phải ngừng giao dịch, hay giá vàng liên tục leo thang…

Thị trường trong những biến động đó không còn là phản ứng nữa mà đã rơi vào trạng thái hoảng loạn (panic).

Các nhà đầu tư toàn cầu đã hoảng loạn bán mạnh các loại tài sản có độ rủi ro cao khi lo sợ rằng nền kinh tế toàn cầu lại rơi vào khủng hoảng. Theo ước tính thì sự sụt giảm này đã lấy đi khoảng 1.350 tỷ USD giá trị thị trường của các nhà đầu tư trên toàn cầu.

Sự tương tác với thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường vàng và chứng khoán, theo anh nên nhìn nhận ở những góc độ nào?

Khủng hoảng nợ công quốc tế đã tác động mạnh lên giá vàng quốc tế và do đó tác động đến giá vàng trong nước. Khi nền kinh tế bất ổn, lạm phát cao thì người dân sẽ ưu tiên đưa tiền của mình vào những tài sản có ít độ rủi ro hơn như vàng.

Giá vàng trong nước sau một thời gian được kiểm soát chặt chẽ lại có cơ hội tăng mạnh và vượt giá vàng thế giới. Tâm lý đám đông và yếu tố đầu cơ là một trong số nguyên nhân gây nên tình trạng sốt vàng trong nước trong tuần qua.

Thị trường chứng khoán trong nước có lẽ không bị ảnh hưởng nhiều mặc dù chứng khoán thế giới chao đảo. Có thể thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua trong giai đoạn điều chỉnh sâu, giá chứng khoán và thanh khoản gần như xuống rất thấp nên thị trường cũng tương đối trơ lì với các tin tức bên ngoài.

Trong bối cảnh đó, có lúc nào anh nghĩ mình là một trong dòng người xếp hàng chen mua vàng tại Hà Nội như đầu tuần này không? Và vì sao?

Chắc chắn là không. Vì thứ nhất tôi đang ngồi ở Sài Gòn (cười... ). Thứ hai, thực sự tôi không có nhiều hiểu biết về thị trường vàng. Tôi chỉ đầu tư vào cái gì tôi biết và có thể hiểu được. Hơn nữa, tôi cũng không còn nhiều tiền mặt mà vay ngân hàng lúc này thì rất là khó.

Ngân hàng Nhà nước cho nhập vàng, thị trường có phản ứng tức thì. Là một người hoạt động trong lĩnh vực đầu tư tài chính, anh thấy thế nào khi vừa mới trước đó các doanh nghiệp ồ ạt xuất khẩu vàng, nay lại xếp hàng xin hạn ngạch nhập? Những ngày qua có một số bình luận liên quan đến sự kiện này, kiểu như trong đầu tư chứng khoán vẫn có câu “mua đỉnh, bán đáy”…

Về mặt đầu tư, tôi thấy chuyện này cũng bình thường. Tại sao không nhìn nhận việc xuất vàng thời gian vừa qua là hành động chốt lời của những lần nhập trước đó với giá nhập thấp hơn?

Việc nhập khẩu lần này tất nhiên sẽ làm giá vốn đầu tư cao hơn đối với một số nhà đầu tư, nhưng họ chấp nhận cuộc chơi trong bối cảnh giá vàng thế giới đang lên.

Còn về tổng quan nền kinh tế, theo các con số trên phương tiện đại chúng, số vàng trong dân khoảng 300 - 500 tấn. Mấy tháng qua, Việt Nam xuất 40 tấn và vừa rồi cho nhập 5 tấn thì số nhập mới cũng chưa phải nhiều.

Về cơ bản, tôi ủng hộ các chính sách quản lý chặt kinh doanh và đầu tư vàng trong nước trong thời gian qua của Ngân hàng Nhà nước, góp phần hạn chế tích trữ tài sản vào vàng, hạn chế nhập siêu.

Tình hình không tệ như năm 2008

Điểm lại, trong các dòng chảy thông tin tuần này là sự bùng nổ của giá vàng, sự chao đảo của chứng khoán thế giới. Hai kênh đầu tư này vốn nhạy cảm với triển vọng của nền kinh tế nói chung. Vậy theo cảm nhận của anh, tình hình có tệ đến mức như từng xẩy ra trong năm 2008, mà một số người vẫn liên tưởng?

Quan điểm của tôi là tình hình không tệ như năm 2008.

Sự hoảng loạn lần này là xuất phát từ các khoản nợ của các quốc gia, về bản chất là khác với cuộc khủng hoảng tín dụng dưới chuẩn diễn ra ba năm trước. Ở góc độ khủng hoảng nợ công thì tôi cho rằng các quốc gia có thế chủ động hơn trong việc kiểm soát tình hình.

Tất nhiên, cuộc khủng hoảng nợ công lần này xảy ra cùng lúc đối với các nền kinh tế lớn nhất của thế giới như châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Nhật Bản cũng vừa trải qua thảm họa sóng thần và khủng hoảng hạt nhân với tổn thất vô cùng lớn. Do đó, sẽ cần sự nỗ lực của các nền kinh tế lớn trong việc cắt giảm chi tiêu để đưa tình hình tài chính vào khuôn khổ.

Việc đặt giả thuyết đưa ra các gói kích thích kinh tế lúc này là rất khó, cũng như hệ quả tiêu cực của các gói kích cầu cũng là không nhỏ.

Thế còn cảm nhận đó đối với nền kinh tế Việt Nam thì sao?

Vấn đề nóng bỏng của nền kinh tế Việt Nam lúc này vẫn là lạm phát, lãi suất và tỷ giá. Nợ công cũng là một vấn đề quan trọng bởi đây là một nguyên nhân căn bản gây ra các bất ổn kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu đầu tư công rất lớn nhưng thiếu hiệu quả của Việt Nam.

Tôi hy vọng các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ tháo gỡ những nút thắt về thị trường, để vừa kiềm chế lạm phát nhưng vẫn có thể khai thông các nguồn vốn cho sự phát triển của nền kinh tế.

Và với những trải nghiệm của mình, anh có thể dự báo hay kỳ vọng vào những chuyển động mới của kinh tế thế giới và Việt Nam nói riêng trong ngắn hạn?

Thật sự sẽ rất khó khăn để dự báo trong ngắn hạn vì kinh tế đang phải đối mặt với nhiều vấn đề. Trong thời điểm này tôi cho rằng nên theo dõi sát những hành động cụ thể về giải quyết nợ của các quốc gia lớn.

Đối với Việt Nam, tất cả các nhà đầu tư đều nhìn vào lạm phát và lãi suất. Chừng nào lạm phát được khống chế thì nền kinh tế mới có triển vọng phát triển bền vững.

Minh Đức

tbktvn

Các tin tức khác

>   Andy Ho: Rất khó đánh giá sự thành công của quỹ khi thị trường bất lợi (12/08/2011)

>   Thống đốc NHNN: TTCK "xanh đỏ" theo chính sách tiền tệ là sai (12/08/2011)

>   Thị trường ngày 12/08 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (11/08/2011)

>   Thị trường ngày 11/08 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (10/08/2011)

>   Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng: Chứng khoán lúc này xấu thật! (10/08/2011)

>   Đầu tư chứng khoán dài hạn: Ai là người dũng cảm? (10/08/2011)

>   Thị trường ngày 10/08 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (09/08/2011)

>   Thị trường ngày 09/08 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (08/08/2011)

>   Thị trường tuần 08-12/08 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (07/08/2011)

>   Ông Dominic Scriven: Cơ hội đầu tư không thiếu (06/08/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật