Dòng vốn vào Việt Nam có thể bị ảnh hưởng
Gần đây, sự kiện nước Mỹ bị Standard & Poor’s (S&P) hạ một bậc tín nhiệm từ AAA xuống còn AA+ và bị đánh giá triển vọng là tiêu cực đã làm cho thị trường tài chính thế giới chao đảo; hầu hết các thị trường chứng khoán đều rơi tự do; giá vàng tăng vọt và có lúc đã vượt 1.800 đô la Mỹ/oz. Điều này cho thấy định mức tín nhiệm đóng vai trò quan trọng như thế nào trên thị trường tài chính.
Ngày 9-8-2011 hãng định mức tín nhiệm Fitch Ratings công bố mức tín nhiệm nợ dài hạn của Việt Nam vẫn là B+ và đánh giá triển vọng ổn định (stable). Trước đó, ngày 29-7-2010 hãng này đã hạ mức tín nhiệm nợ quốc gia của Việt Nam từ hạng BB- xuống B+.
Sự kiện Fitch Rating giữ nguyên mức tín nhiệm của Việt Nam có thể xem là một tín hiệu tích cực hơn là tiêu cực vì so với thời điểm Fitch Rating hạ mức tín nhiệm của Việt Nam vào năm 2010 thì tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay có chiều hướng xấu hơn. Tính cho đến tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã lên tới 22,16% so với cùng kỳ năm trước, trong khi vào thời điểm đó (tháng 8-2010) CPI mới chỉ tăng 8,18%. Ngoài ra, cũng theo đánh giá của Fitch Ratings nợ xấu tính theo tiêu chuẩn quốc tế của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay vào khoảng 13%. So sánh các chỉ số vĩ mô khác như tỷ giá, nợ công, lãi suất và vấn đề thâm hụt thương mại của Việt Nam vào thời điểm hiện nay cũng chưa có nhiều cải thiện.
Ngoài Fitch Ratings, hai hãng tín nhiệm lớn khác là Moody’s và (S&P) cho đến nay vẫn chưa công bố việc đánh giá lại tín nhiệm của Việt Nam. Trước đó, tháng 12-2010 S&P đã hạ tín nhiệm nợ của Việt Nam từ BB xuống còn BB-, còn Moody’s từ Ba3 xuống còn B1, với triển vọng tín nhiệm là tiêu cực (negative).
So sánh với các quốc gia khác và tiêu chuẩn xếp hạng thì tín nhiệm nợ của Việt Nam hiện nay là khá thấp. Theo số liệu từ trang Guardian.co.uk, Fitch Ratings xếp Việt Nam là một trong 23 nền kinh tế có thứ hạng thấp nhất trong tổng cộng 103 nền kinh tế được xếp hạng, còn theo xếp hạng của S&P đối với 123 nền kinh tế thì Việt Nam là một trong 41 nền kinh tế có thứ hạng thấp nhất.
Trong khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam được đánh giá cao hơn Campuchia (Lào chưa được xếp hạng) nhưng thấp hơn khá nhiều so với các nước còn lại. So với các nước trên thế giới Việt Nam được xếp hạng tương tương với các nước Venezuela, Kenya, Zambia, cao hơn các nước như Argentina, Ukraine… và nước xếp hạng thấp nhất là Hy Lạp (CCC).
Khi đánh giá định mức tín nhiệm của một quốc gia, các hãng căn cứ vào các tiêu chí như triển vọng tăng trưởng, chính sách vĩ mô, thâm hụt ngân sách, nợ công, thâm hụt cán cân vãng lai, sức khỏe hệ thống ngân hàng… Các nhà đầu tư quốc tế và các định chế tài chính thường xem định mức tín nhiệm là một tiêu chí quan trọng đối với các quyết định đầu tư của mình.
Với mức tín nhiệm hiện nay Chính phủ hay các doanh nghiệp Việt Nam muốn vay vốn nước ngoài sẽ phải chịu mức bù rủi ro rất cao. Chẳng hạn theo mức tín nhiệm mà Moody’s xếp cho Việt Nam thì mức bù rủi ro quốc gia khoảng 4 điểm phần trăm. Điều này có nghĩa là với một loại khoản vay hay trái phiếu cùng kỳ hạn các nhà đầu tư quốc tế yêu cầu lãi suất đối với Chính phủ Việt Nam phải có lợi suất cao hơn 4 điểm phần trăm so trái phiếu của chính phủ có định mức tín nhiệm cao nhất.
Thực tế, đầu năm 2010 Việt Nam đã phát hành thành công 1 tỉ đô la Mỹ trái phiếu quốc tế nhưng với lãi suất lên đến 6,95%, tương đương mức bù rủi ro thời điểm đó là 3,327%. Mới đây tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) huy động trái phiếu quốc tế cũng phải chịu mức lợi suất lên đến gần 10%.
Với định mức tín nhiệm quá dưới 4 bậc khuyến cáo đầu tư cũng sẽ ảnh hưởng mạnh đến dòng vốn đầu tư vào Việt Nam. Trong thời gian qua dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam cũng đã suy giảm khá mạnh. Số liệu thống kê cho thấy từ đầu năm 2011 đến nay nhà đầu tư nước ngoài mới chỉ mua vào ròng trên thị trường chứng khoán khoảng 3.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại.
Hồ Bá Tình
tbktsg
|