Tháng 9, TTCK có cơ hội khởi sắc
Trong hai tuần qua, đặc biệt là những ngày gần kỳ nghỉ lễ 2/9, thị trường chứng khoán đã có phản ứng rất tích cực với những chuyển biến về chính sách tiền tệ. Liệu đây có phải là khởi đầu của một chu kỳ tăng điểm mới, ổn định hay không? ĐTCK xin giới thiệu một số ý kiến về vấn đề này.
“Tâm lý nhà đầu tư đỡ bi quan hơn”
Trần Văn Trọng, Phó Tổng giám đốc CTCK Kim Long (KLS)
Có nhiều quan điểm khác nhau về diễn biến TTCK mấy ngày qua. Có người mừng, có người lo. Với cá nhân tôi, thấy TTCK lên điểm sau một thời gian dài im lìm nên cảm giác đầu tiên là rất vui. Nhưng liệu sức nóng của TTCK có kéo dài và sẽ tiếp tục trong bao lâu thì không ai biết. Đó là lý do khiến tôi thấy mình cần cảnh giác.
Tôi cho rằng, diễn biến thị trường hiện tại có yếu tố tâm lý chi phối rất lớn. Thông tin NHNN hạ lãi suất tính ra chưa thể tác động lên TTCK nhưng với nhà đầu tư, chính sách vĩ mô đã có hướng mở sau cam kết hạ lãi suất. Các động thái khác của NHNN thời gian gần đây cũng khẳng định, cơ quan này đã thấy được nỗi niềm doanh nghiệp, của nhà đầu tư và đang nghĩ cách tháo gỡ. Nghĩa là những bức xúc, nỗi khổ của các thành viên trong nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng đã được cơ quan quản lý chạm tới. Chính suy nghĩ này mà tâm lý nhà đầu tư bớt bi quan hơn, niềm tin của NĐT cũng tăng lên.
“TTCK đã bị dồn nén quá lâu”
Ông Trịnh Hoài Giang, Phó Tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HSC)
TTCK đang lạc quan, thể hiện qua đà tăng liên tục. Diễn biến này ít nhiều xua đi không khí buồn tẻ vốn kéo dài quá lâu. Tuy nhiên, muốn trả lời câu hỏi, trong tháng 9 này, liệu TTCK có thể giữ được nhiệt hay không thì rất khó nói. Vì tuy có những dấu hiệu tích cực hơn cho thị trường, nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định một xu hướng.
Rõ ràng, chính sách đã có sự cởi mở theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận vốn thông qua cam kết hạ lãi suất cho vay xuống 17-19%/năm, bơm vốn qua thị trường mở, không giới hạn ngân hàng cho vay ở mức 80% vốn huy động… TTCK- kênh đầu tư chịu tác động trực tiếp của chính sách đã có lý do để vui hơn. Ngoài ra, yếu tố TTCK đã bị o ép quá lâu, nay có dịp “thở” nên càng bung mạnh. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, tôi cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ như câu chuyện giảm tổng cầu, tăng hiệu quả đầu tư ở khu vực công...
TTCK kỳ vọng ở sự nới lỏng của chính sách tiền tệ. Nhưng tôi nghĩ, chính sách tiền tệ không phải thuốc tiên để chữa bá bệnh. Muốn TTCK giữ nhiệt lâu, vẫn phải chờ thêm những đổi thay tích cực liên quan đến chính sách tài khóa. Chỉ cần đi cùng với hạ lãi suất là chính sách hạn chế trong đầu tư công, tăng hiệu quả sử dụng vốn ở khu vực Nhà nước (vì tôi nhận thấy doanh nghiệp tư nhân sử dụng vốn tương đối ổn), tôi tin, chúng ta không chỉ giảm được lãi suất mà còn khống chế được lạm phát.
“Chỉ nên lạc quan vừa phải”
Nguyễn Hắc Hải, Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư CTCK Rồng Việt (VDS)
Tôi cho rằng, TTCK nếu có lạc quan cũng chỉ nên lạc quan vừa phải. Bởi sự thay đổi trong chính sách thực ra là không nhiều lắm. Chẳng hạn, mức lãi vay nếu có hạ, theo như tân Thống đốc NHNN tuyên bố, sẽ chỉ là điều chỉnh từ 20-22%/năm về 17-19%/năm. Với mức này, doanh nghiệp vẫn chưa thể vui được. Trên thực tế, ít ai dám vay với tỷ lệ 18-19%/năm để đầu tư và kinh doanh.
Trong khi đó, lãi suất huy động không có tín hiệu gì cho thấy sẽ xuống quá thấp. Nếu lãi vay về 17-19%/năm thì lãi suất huy động sẽ ở mức 14-15%/năm. Như vậy doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn không cần làm gì, chỉ cần gởi tiết kiệm là có thể hưởng lãi, lại an toàn. Xung quanh câu chuyện hạ lãi suất còn là vấn đề lãi suất sẽ hạ trong bao lâu. Chừng nào thắc mắc này còn lơ lửng, nhà đầu tư khó có thể yên tâm.
Một yếu tố khác mà nhà đầu tư cần chú ý là lạm phát ở Việt Nam vẫn đang cao và dự báo sẽ còn cao trong những tháng cuối năm. Khi lạm phát trở nên khó kiểm soát, tâm lý chung là nhà đầu tư sẽ không mạnh dạn bung tiền. Dòng vốn ngoại cũng chưa có tín hiệu gì sẽ ồ ạt vào thị trường do nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang nhìn vào diễn biến kinh tế vĩ mô với cái nhìn lo ngại.
Không lâu nữa, mùa công bố BCTC quý III/2011 sẽ đến. Nhưng căn cứ diễn biến ở 2 quý trước, cộng với khó khăn chung của thị trường, nhà đầu tư chưa dám hy vọng doanh nghiệp sẽ công bố những con số đẹp.
Trong dài hạn, TTCK vẫn còn chờ những tác động của cả 3 yếu tố: lạm phát, lãi suất, tỷ giá. Lạm phát, lãi suất cao đã đành, tỷ giá dự báo cũng sẽ tăng. Với những phân tích kể trên, đà tăng vừa qua của TTCK vẫn chưa có gì bền vững.
“Thị trường đang trở mình”
Nguyễn Hữu Việt, Giám đốc Khối Nghiên cứu phân tích CTCK IRS
Những phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8 đã đi qua trong sự hồ hởi của giới đầu tư chứng khoán. Hai tuần liên tiếp tăng trưởng cả về điểm số lẫn thanh khoản, thị trường chưa thể ”hoàn lại” cho nhà đầu tư những gì đã mất sau gần 2 năm liên tục sụt giảm. Nhưng dẫu sao, việc cổ phiếu của các nhóm ngành “hot” như bất động sản, chứng khoán, rồi đến ngân hàng lần lượt tạo sóng ấn tượng cũng đang gợi mở ra những dự cảm tốt lành cho TTCK Việt Nam trong tháng 9 này.
CPI cả nước tháng 8 tăng 0,93%, thấp nhất sau 11 tháng, nhưng còn quá sớm để nói CPI đã tạo đỉnh khi mà xăng dầu mới chỉ giảm nhẹ và có thể tăng lại bất cứ lúc nào theo xu hướng của thị trường thế giới. Cũng còn quá sớm để nói lãi suất chắc chắn sẽ giảm khi mà vẫn đang có những ngân hàng huy động với mức lãi suất trên 18%/năm. Nhưng đó là những tín hiệu ban đầu, tạm thời thay thế cho hàng loạt những thông tin tiêu cực trước đây.
Trên thực tế, TTCK vốn nhạy cảm và được cho là thường đi trước các diễn biến vĩ mô. Do vậy, VN-Index và HNX-Index đều đã tăng trên 10% chỉ trong 2 tuần cuối tháng 8. Phía trước còn nhiều mốc kháng cự tâm lý quan trọng như 440 với VN-Index và 80 với HNX-Index.
Tuy nhiên, giá các cổ phiếu tăng mạnh cho thấy niềm tin đã được phản ánh vào thị trường, thanh khoản tăng mạnh cho thấy dòng tiền đã trở lại với chứng khoán. Với tốc độ tăng giá nhanh trong một khoảng thời gian ngắn, sẽ không bất ngờ nếu những đợt điều chỉnh sẽ xuất hiện trong các phiên giao dịch mở tháng 9. Nhưng khi mà cổ phiếu của các nhóm ngành bất động sản, chứng khoán và ngân hàng vẫn đang phát đi những tín hiệu tích cực trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8, có thể kỳ vọng rằng thị trường mới chỉ đang trở mình, để trỗi dậy mạnh hơn nữa trong thời gian sắp tới.
“Sóng đã xuất hiện”
Hồ Bá Tình, chuyên gia chứng khoán
Thị trường đã khởi sắc hơn so với trước đó. Có khả năng đà tăng của TTCK sẽ còn tiếp tục trong tháng 9 này. Thị trường không tự nhiên tăng điểm. Có nhiều yếu tố để TTCK vui trở lại, trong đó, phải kể đến thông tin các ngân hàng sẽ hạ lãi suất cho vay ngay trong tháng 9, từ mức trung bình 20-22%/năm xuống khoảng 17-19%/năm.
Có ý kiến cho rằng, mức hạ này, nếu xảy ra vẫn không đáng kể và không thể làm thay đổi gì so với thực trạng trước đó. Tuy nhiên, ở góc độ thị trường, tôi nhận thấy đây là một tin quan trọng. Quan trọng vì nó tạo được hiệu ứng tâm lý, giúp tâm lý nhà đầu tư phấn chấn hơn. Ít ra, nhà đầu tư cũng thấy rằng, đã có sóng trở lại trên TTCK chứ không chìm ngỉm như hai ba tháng trước đây. Những phiên có tăng có giảm sẽ tạo hấp dẫn để nhà đầu tư hy vọng rằng, họ có thể kiếm lời nếu đầu tư khôn khéo. Trên cơ sở đó, dòng tiền có lý do để quay lại với TTCK.
Cùng với hạ lãi suất, NHNN còn dự kiến sẽ bơm tiền ra thị trường, giúp “nới van” tín dụng đã siết chặt bấy lâu nay. Các ngân hàng, doanh nghiệp có hy vọng sẽ tiếp cận và được hỗ trợ từ dòng vốn cho vay mới. Những khoản cho vay mới, với lãi suất mới, nếu triển khai sẽ vẫn chưa thể phản ánh ngay trong kết quả kinh doanh năm nay. Dù vậy, nó sẽ giúp doanh nghiệp giảm nợ, đảo nợ, tạo thanh khoản và tránh rủi ro cho dòng tiền công ty.
Cũng cần phải nói, TTCK đã giảm quá lâu, nhà đầu tư cũng thua lỗ quá nhiều nên tháng 9 là thời điểm được trông đợi các tổ chức đầu tư sẽ vào cuộc. Chẳng hạn, trong quý I, quý II, CTCK đã rút vốn về khá nhiều. Muốn tạo lợi nhuận, tháng 9 là thời điểm lý tưởng để CTCK gom mua.
Tuy nhiên, trong dài hạn, những con sóng trên TTCK có thể sẽ tan đi vì TTCK không thể bền vững khi kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều mảng tối.
Chu kỳ tháng 9 từ 2000 - 2010
Ngọc Thuỷ - Anh Việt thực hiện
đầu tư chứng khoán
|