Kịch bản nào cho thị trường tháng 5?
(Vietstock) – Dựa vào những diễn biến của nền kinh tế và thị trường tài chính trong 4 tháng đầu năm, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDS) đã đưa ra những giả định và dự báo cho thị trường trong tháng 5 này.
VDS cho rằng, các biện pháp thắt chặt tiền tệ đã và đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực thi một cách tích cực song hiệu quả vẫn chưa thể kiểm chứng. Các động thái tiếp theo của NHNN sẽ phụ thuộc vào kết quả CPI tháng 5 và 6.
Do đó, khả năng chỉ số CPI tăng thấp là khó xảy ra và kỳ vọng chính sách tiền tệ vẫn sẽ duy trì ổn định trong một vài tháng tới. Các yếu tố vĩ mô khác như lãi suất, tỷ giá và cán cân thương mại có thể sẽ không tác động nhiều đến thị trường.
VDS giả định chỉ số CPI tháng 5 sẽ tăng chậm hơn mức đột biến của tháng 4/2011; lãi suất huy động dao động trong khoảng 16% - 17%; tỷ giá ổn định và tiếp tục có diễn biến tích cực hơn; nhập siêu sẽ xoay quanh mức 1.3 tỷ USD.
Về diễn biến của thị trường chứng khoán, VDS đưa ra ba kịch bản có thể xảy ra như sau:
Thứ nhất, VN-Index sẽ dao động trong vùng 465 – 500 điểm và với HNX-Index là từ 82 - 92 điểm.
Theo VDS, trong tháng 4, thị trường chứng kiến xu hướng trái ngược của hai chỉ số. Trong khi lực nâng đỡ từ một số cổ phiếu trụ cột cá biệt đã giúp VN-Index hồi phục đáng kể thì sự đi xuống của các nhóm cổ phiếu đầu cơ lại khiến HNX-Index suy giảm mạnh so với tháng 03/2011 và vượt ra ngoài dự báo.
Trong tháng 05/2011, khả năng các thông tin tiêu cực tiếp tục được công bố như chỉ số CPI, NHNN cho phép điều chỉnh tăng lãi suất huy động và nhập siêu còn ở mức cao. Tuy vậy, về mặt ngắn hạn, các thông tin này sẽ ít tác động xấu đến thị trường. Ngoài ra, với sự hấp dẫn về cơ bản của các cổ phiếu niêm yết, đặc biệt trên sàn HNX – giá phần lớn cổ phiếu đã tiệm cận mốc cũ của năm 2009 - tâm lý bắt đáy có thể sẽ xuất hiện. Bên cạnh đó, diễn biến tích cực về các chính sách điều hành tỷ giá có thể giảm áp lực đối với tốc độ tăng lãi suất của VND.
Tuy nhiên, để thị trường có được sự tăng trưởng mạnh cần có yếu tố hỗ trợ của dòng tiền – yếu tố khó xảy ra trong ngắn và trung hạn nên xác suất xảy ra kịch bản 1 là cao trong thời điểm hiện tại.
Ở kịch bản thứ hai, VDS cho rằng, thị trường tiếp tục diễn biến tiệu cực và xuống dưới 450 điểm đối với VN-Index và 80 điểm đối với HNX-Index.Tuy nhiên, theo VDS kịch bản này khó xảy ra sau khi quan sát diễn biến thị trường thời gian vừa qua. VN-Index được dẫn dắt bởi các cổ phiếu lớn nên việc phá vỡ mốc 450 rất khó và tâm lý bắt đáy trên sàn HNX khi chỉ số này tiệm cận mốc cũ sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực.
Và kịch bản cuối cùng, VDS dự báo thị trường có thể khởi sắc và vượt qua mức 510 điểm đối với VN-Index và 92 điểm đối với HNX-Index. Mặc dù vậy, để thị trường tăng trưởng mạnh và bền vững, cần có một d.ng tiền đủ lớn - yếu tố khó có thể thành hiện thực trong điều kiện chính sách tiền tệ đang bị thắt chặt, đặc biệt đối với lĩnh vực phi sản xuất.
Trong bối cảnh này, VDS cho rằng những diễn biến kinh tế trong thời gian tới vẫn còn nhiều phức tạp nên việc hiện thực hóa lợi nhuận đối với nhà đầu tư là hợp lý nếu các chỉ số đạt đến vùng điểm này. Một rủi ro có thể gặp phải trong kịch bản này là sự biến động của nhóm cổ phiếu lớn có thể tác động đến điểm số của VN-Index.
Vì vậy, VDS lưu ý nhà đầu tư trên sàn HOSE cần xem xét thêm diễn biến chung của phần lớn cổ phiếu còn lại để có thể quyết định mức lợi nhuận kỳ vọng. Việc mua và nắm giữ lúc này là phù hợp đối với các nhà đầu tư dài hạn khi các chỉ số cơ bản như P/E, P/B của các doanh nghiệp ở mức khá hấp dẫn.
Đối với nhà đầu tư ngắn hạn việc mua vào lúc này chỉ nên thực hiện khi VN-Index giảm về mức 460 – 465 điểm và HNX-Index về mức 80 - 82 điểm. Ngoài ra, nhà đầu tư ngắn hạn nên chú ý quan sát các mã cổ phiếu dẫn dắt thị trường để có cái nhìn chính xác hơn về cục diện thị trường.
Cũng theo VDS, trong điều kiện thị trường hiện tại, việc hiện thực hóa lợi nhuận khi chỉ số VN-Index tiệm cận mốc 500 điểm và HNX-Index là 92 điểm là một lựa chọn hợp lý. Các ngành có triển vọng tốt mà nhà đầu tư có thể theo dõi và giải ngân trong thời gian tới là cao su, phân bón, dầu khí và một số cổ phiếu thuộc ngành thực phẩm.
Viết Vinh (theo VDS)
|