Giải được bài toán lãi suất, TTCK sẽ bật mạnh
Ông Ong Seng Yoew, Giám đốc Nghiên cứu của Tập đoàn KimEng (Singapore) cho rằng, về mặt định giá, TTCK Việt Nam đáng được quan tâm, nhưng lãi suất tiền gửi còn hấp dẫn hơn. Một khi bài toán lãi suất có dấu hiệu được giải quyết thì đó là lúc TTCK bật mạnh trở lại.
Ông có nhận định thế nào về những nỗ lực kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô của Việt Nam thời gian qua?
Tôi đánh giá các chính sách hiện nay đều hướng vào mục tiêu thắt chặt tiền tệ và thực hiện khá mạnh tay. Tuy nhiên, hiệu quả có thể chưa thực sự như mong muốn vì mọi chính sách luôn cần thời gian để phát huy hiệu quả. Thoạt nhìn bề ngoài có vẻ gần đây lạm phát đang tăng dần theo tháng. Nhưng nếu tính toán dựa trên số liệu chỉ số lạm phát điều chỉnh bình quân (3 tháng/lần) thì tốc độ lạm phát đang có dấu hiệu cải thiện. Tôi thích sử dụng cách tính toán này nhằm mục đích loại bỏ các yếu tố lạm phát theo mùa vụ.
Trong phần thuyết trình của mình, ông có so sánh giữa lãi suất liên ngân hàng (VIBOR) và lợi nhuận từ việc đầu tư vào TTCK lần lượt là 13,5% và 10,1%. Do lãi suất VIBOR đang cao hơn, nên các NĐT dài hạn ưa thích cất tiền trong nhà băng. Theo ông, để cổ phiếu đủ hấp dẫn trở lại thì TTCK Việt Nam cần giảm tiếp hay lãi suất phải hạ xuống?
Theo tính toán của tôi, hiện nay khoảng cách giữa lợi suất đầu tư từ TTCK (dựa trên nghịch đảo hệ số P/E = 9,9 lần) là -3,4% so với lãi suất VIBOR (khoảng 13,5%). Trong quá khứ, mỗi khi chênh lệch giữa lợi suất đầu tư và VIBOR là số dương, thì tương ứng đó là thời điểm đáy của thị trường. Chẳng hạn, tháng 2/2009 khoảng cách này là +2,1%. Lợi suất đầu tư trên TTCK hiện hấp dẫn nhưng chênh lệch với lãi suất VIBOR vẫn là số âm (-3,4%). Vì vậy, về mặt định giá, TTCK Việt Nam đáng được quan tâm, nhưng lãi suất tiền gửi còn hấp dẫn hơn. Một khi bài toán lãi suất có dấu hiệu được giải quyết thì đó là lúc TTCK bật mạnh trở lại.
Ông đã kiến nghị NĐT mua vào có chọn lọc một số cổ phiếu. Vậy theo ông, TTCK Việt Nam đang ở đâu?
Tôi đã so sánh và thấy chỉ số P/E kỳ vọng của Việt Nam hiện đang rất thấp so với một số nước trong khu vực. Đồng thời, nếu quan sát VN-Index trong dãy P/E band từ lúc đạt đỉnh năm 2007 đến nay thì có thể thấy rằng, các đáy của VN-Index luôn gần sát dãy P/E 10 và hiện nay P/E của Việt Nam đang là 9,9 lần. Còn nếu dựa trên lý thuyết xác suất thống kê, chúng tôi đã xem xét sự dao động của P/E thị trường quanh mức trung bình trong giai đoạn từ đỉnh năm 2007 đến nay. Dữ liệu cho thấy rằng, P/E của thị trường hiện đang tiệm cận mức -1 độ lệch chuẩn. Mỗi khi chạm mức -1 độ lệch chuẩn thì P/E sẽ có xu hướng tăng lại (TTCK đảo chiều). Cần nói thêm, đây cũng là cách tiếp cận của các NĐT tổ chức tôi đã gặp qua khi tìm hiểu định giá về một thị trường mà họ sẽ đầu tư.
Điều này có liên quan đến việc NĐT tổ chức nước ngoài đẩy mạnh giao dịch trong thời gian gần đây?
Các chỉ số chứng khoán lớn như DJIA, S&P… đã phục hồi khá mạnh trong 2 năm qua. Vì vậy, hiện nay nhiều NĐT lớn đang kỳ vọng mức độ tăng trưởng tốt hơn tại các thị trường mới nổi. Việt Nam là một thị trường khá hấp dẫn về mặt định giá, nhưng lại đứng ngoài xu thế phục hồi này. Rõ ràng, đây đang là một cơ hội với các NĐT quốc tế ưa thích đầu tư vào các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, để thu hút hơn nữa nguồn vốn quốc tế, trước hết Việt Nam cần giải quyết hai thách thức trước mắt là lạm phát và ổn định tỷ giá.
Ông khuyến nghị mua vào 4 ngành trong đó có ngành ngân hàng và BĐS. Điều này trái ngược hoàn toàn với các khuyến nghị từ các nhà phân tích khác tại thời điểm hiện nay. Xin ông lý giải rõ hơn về quan điểm này?
Tôi cho rằng, trong ngắn hạn thì hai ngành ngân hàng và BĐS vẫn chưa có nhiều khả quan. Tuy nhiên, đây là hai ngành hiện đang chiếm tỷ trọng rất cao trong "rổ" VN-Index. TTCK Việt Nam trầm lắng khá lâu nên một khi con gấu ngủ đông được đánh thức dậy thì đây sẽ là hai nhóm ngành dẫn dắt thị trường. Ở Trung Quốc hay Thái Lan… điều tương tự cũng đã xảy ra.
Giang Thanh thực hiện
đầu tư chứng khoán
|