Thứ Tư, 20/04/2011 06:46

TS Võ Trí Thành “điểm mặt” các kênh đầu tư

Dù ở thời điểm nào, dù lúc thị trường hưng hay suy, điều mà các nhà đầu tư trong lĩnh vực tài chính luôn quan tâm là: Nên rót tiền vào kênh đầu tư nào ? Chọn ngành hàng nào? Tỉ lệ giải ngân bao nhiêu?...

TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, đã có cuộc trò chuyện với DĐDN quanh chủ đề này.

Nguyên tắc thời điểm: Giữ tiền mặt

- Vàng, ngoại tệ, chứng khoán, bất động sản hay gửi tiết kiệm ngân hàng, nên đầu tư vào kênh nào ; Hình như đó cũng là câu hỏi mà ông thường được các nhà đầu tư “truy vấn” ở các cuộc hội thảo, tọa đàm ?

Tùy thuộc vào đặc điểm thị trường mà mỗi người sẽ có một chiến lược đầu tư riêng. Vì là nhát gan, nên nếu tôi là người có tiền, tôi sẽ gửi tiết kiệm ngân hàng lúc này, hưởng lãi suất 14%. Cho dù trừ đi yếu tố lạm phát, thì cũng chẳng còn bao nhiêu.

Với vàng và ngoại tệ, tôi có thể nói rằng trước mắt và lâu dài, theo đúng Nghị quyết 11 NQ-CP, hai thị trường này sẽ ở trong tầm kiểm soát của Nhà nước. Theo thông tin từ NHNN, đến cuối tháng 4/2011, những giải pháp về kiểm soát vàng miếng sẽ được ban hành cụ thể. Và các nhà đầu tư có thể yên tâm vì các giải pháp kiểm soát vàng miếng đó sẽ được đặt ra trên cơ sở đảm bảo quyền sở hữu tài sản hợp pháp của người dân, cũng như trên nguyên tắc tôn trọng thị trường.

Còn việc có nên đầu tư ngoại tệ hay không, thực chất, ta nên hiểu tình trạng USD và tồn tại thị trường USD chợ đen thời gian qua là hệ quả của những vấn đề vĩ mô, không thuộc về vi mô. Đó là một biểu hiện sinh động của thực tế. Vì vậy, nếu kinh tế vĩ mô ổn định, tất yếu sẽ không còn bất ổn từ USD và ngoại tệ cũng sẽ hết hấp dẫn các nhà đầu tư.

- Như vậy, dường như thời gian tới, các nhà đầu tư chỉ còn hai kênh để chọn là chứng khoán và bất động sản. Với chứng khoán, ông “mách nước” gì cho họ ?

Chứng khoán hiện nay chưa có dấu hiệu hoặc cơ sở nào để dự đoán là sẽ sớm hồi phục. Nhìn vào thanh khoản giảm ở mức thấp trong cả thời gian dài trên hai sàn là thấy rõ. Trong thời điểm này nhà đầu tư nên có chiến lược... giữ tiền mặt.

Theo tôi, trong trường hợp nền kinh tế vĩ mô ổn định thực sự, với sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, kiên quyết của chính sách tiền tệ và tài khóa, và nếu không có một cú sốc gì đặc biệt, thì hết quý 3, đầu quý 4, TTCK sẽ tốt hơn. Lúc đó, có thể đảo ngược giảm tỷ lệ nắm giữ tiền mặt và nhà đầu tư nên chọn các cổ phiếu phù hợp để giải ngân.

Một chiến lược đầu tư trung hạn lúc này là khôn ngoan và hợp lý.

“Tránh” DN có nợ vay/ vốn cao

- Vậy trong ngắn hạn và trung hạn, nhà đầu tư nên giải ngân vào các cổ phiếu ngành nào, thưa TS ?

Nếu đầu tư ngắn hạn, tôi cho rằng nhà đầu tư nên xem xét kỹ cơ cấu vốn của mỗi DN. Nếu DN có tỉ lệ nợ trên vốn cao, thì trong lúc này không nên chọn để đầu tư. Đơn giản là lãi suất vốn vay hiện rất cao, sẽ gây áp lực lên hoạt động kinh doanh của DN đó. Thứ hai, những ngành hàng thuộc về tiêu dùng thiết yếu, có mức cầu thực tế, luôn là những ngành đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận cho dù trong bối cảnh lạm phát.

Nhìn về trung và dài hạn, VN vẫn là nền kinh tế đang phát triển và cần được hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Do đó, các ngành điện, viễn thông, giao thông vận tải, logicstic tiếp tục phát triển. Những ngành chiếm tỉ trọng lớn/GDP của cả nước như dầu khí sẽ rất tiềm năng. Đây là những ngành ít chịu tác động từ những bất ổn vĩ mô và cũng sẽ sớm bật dậy hơn tất cả các ngành khác khi kinh tế vĩ mô ổn định, lấy lại đà tăng trưởng.

Thị trường bất động sản: Vấn đề không nằm ở vốn

- Năm 2011, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được đặt ra dưới 20% và tổng phương tiện thanh toán chỉ còn 16%. Tín dụng hẹp, thị trường bất động sản được dự đoán thanh khoản thấp. Nhưng trong bối cảnh các kênh đầu tư khác đều gặp khó, liệu dòng tiền có đổ vào thị trường này ?

Trong ngắn hạn, tôi chưa thấy có cánh cửa cho tăng trưởng bất động sản. Tín hiệu siết tín dụng dành cho đầu tư kinh doanh bất động sản của NHNN là rất rõ ràng. Đầu tư thứ cấp hay còn gọi là đầu cơ sẽ ít có cơ hội thao túng thị trường này. Ở một số phân khúc mà nguồn cung đã tăng quá cao và giá cả chưa “hạ cánh” về mức hợp lý, đặc biệt là nguồn cung căn hộ cao cấp, theo tôi thì mức độ cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn.

Hiệu quả đầu tư của nền kinh tế nói chung cũng như các kênh đầu tư tài chính nói riêng đang phụ thuộc không phải vào một, hai chỉ tiêu tiền tệ hay tài khóa.

Trong khi đó, vẫn có những phân khúc trên thị trường bất động sản hiện chưa được khai phá hoặc chỉ mới khai phá chút ít, nếu chủ đầu tư lẫn nhà đầu tư biết chọn lọc, ứng dụng khoa học kỹ thuật để hạ giá thành, vẫn có thể đầu tư được. Đó là những phân khúc địa ốc nhà ở trung bình thấp, logicstic, hậu cần...

Vấn đề của thị trường bất động sản VN, nếu nhìn rộng ra, sẽ không nằm ở chuyện vốn hay tín dụng, mà nằm trong tổng quan chung của nền kinh tế. Hiệu quả đầu tư của nền kinh tế nói chung cũng như các kênh đầu tư tài chính nói riêng đang phụ thuộc không phải vào một, hai chỉ tiêu tiền tệ hay tài khóa, mà là phụ thuộc nghệ thuật điều hành của các nhà quản lý và quyết tâm thực hiện Nghị quyết 11 NQ-CP. Nếu chúng ta thực hiện tốt, kiên nhẫn, hiệu quả nghị quyết, kinh tế vĩ mô trong nước sẽ nhanh chóng ổn định và sớm thoát khỏi những tác động lớn từ kinh tế thế giới.

- Xin cảm ơn ông !

Lê Mỹ thực hiện

Diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật