Thứ Sáu, 06/05/2011 08:56

Cơ hội nào từ cổ phiếu hủy niêm yết?

Câu hỏi đặt ra là một nhà đầu tư bình thường làm sao có thể tận dụng cơ hội từ hiện tượng hủy niêm yết cổ phiếu này nếu xảy ra đại trà trong tương lai?

Hủy niêm yết: Tự nguyện và bắt buộc

Cuối tháng 4/2011, thị trường chứng kiến liên tiếp hai công ty thuộc đại gia đình “họ Đặng” là CTCP Khoáng sản Sài Gòn Quy Nhơn (HNX: SQC) và CTCP Công Nghệ Viễn Thông Sài Gòn (HoSE: SGT) thông báo chủ trương hủy niêm yết khỏi sở giao dịch chứng khoán.

Trước đây, chúng ta liên tục chứng kiến các doanh nghiệp đua nhau niêm yết trên thị trường chứng khoán. Vậy tại sao lại xảy ra “cơ sự” hủy niêm yết này?

* Theo dòng sự kiện:

- Cổ phiếu đại gia họ Đặng xin hủy niêm yết

- SQC: Thêm một cổ phiếu nhà họ “Đặng“ hủy niêm yết

- Ông Đặng Thành Tâm: 'Rút niêm yết vì sự sống còn của doanh nghiệp'

- DN thoái niêm yết dưới cách nhìn của cơ quan quản lý

Trước tiên, cần phải phân biệt giữa hủy niêm yết tự nguyện (Voluntary Delistings) và hủy niêm yết bắt buộc (Forced Delistings). Các sở giao dịch chứng khoán thường có các yêu cầu tối thiểu, thường là về quy mô vốn, lợi nhuận, … để một công ty có thể niêm yết. Nếu không đáp ứng các yêu cầu này, công ty sẽ không được niêm yết hay sẽ bị hủy niêm yết. Đây là trường hợp hủy niêm yết bắt buộc.

Ngược lại, doanh nghiệp cũng hoàn toàn có thể yêu cầu được xin hủy niêm yết. Và lý do duy nhất để giải thích cho việc hủy niêm yết tự nguyện này là lợi ích không còn tương xứng với chi phí bỏ ra (trong hiện tại và cả tương lai). 

Ai cũng biết nhiều doanh nghiệp mong muốn được niêm yết để thu được những lợi ích như cải thiện tính thanh khoản cho cổ phiếu, huy động vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng cường quảng bá thương hiệu, tăng hiệu quả quản trị nhờ minh bạch hóa và chịu sự kiểm soát thị trường...

Tuy nhiên, thực tế nhiều doanh nghiệp khi niêm yết không phải bao giờ cũng thu được lợi ích tốt đẹp do thị trường chứng khoán mang lại. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế vĩ mô có nhiều khó khăn, giá cổ phiếu sụt giảm và thanh khoản thấp thì những yếu kém của doanh nghiệp nhanh chóng được bộc lộ và trở thành những bất lợi đối với doanh nghiệp.

(1) Thanh khoản quá thấp và kéo dài: Với những cổ phiếu chỉ được giao dịch lèo tèo vài nghìn cổ phiếu mỗi phiên thì mục đích cải thiện tính thanh khoản cho cổ phiếu đã bị triệt tiêu. 

(2) Giá giao dịch thấp hơn giá trị hợp lý: Giá cổ phiếu giao dịch thấp hơn giá trị hợp lý sẽ khiến việc huy động vốn gặp khó khăn. Ngoài ra, điều này còn ảnh hưởng đến uy tín của công ty niêm yết.

(3) Sợ bị thâu tóm: Đây là một nỗi sợ có thật của rất nhiều doanh nghiệp hiện nay. Đặc biệt là trong bối cảnh giá cổ phiếu đang ở vùng rất thấp thì mối đe dọa bị thâu tóm càng dễ trở thành hiện thực.

(4) Giảm thiểu sự rắc rối do những quy định đối với doanh nghiệp niêm yết: Doanh nghiệp niêm yết luôn chịu những quy định khắt khe hơn bình thường. Trong trường hợp doanh nghiệp cần tái cấu trúc để thay đổi nhanh chóng thì những ràng buộc này có thể làm chậm quá trình tái cấu trúc này.

SQC và SGT: Tiên trách kỷ…

SGT cho rằng lý do chính khiến công ty quyết định hủy niêm yết là do thị trường đã mất đi vai trò kênh huy động vốn và giá cổ phiếu SGT đã giảm xuống mức quá thấp. Ngoài ra, doanh nghiệp muốn tái cơ cấu lại và không muốn “vướng chân” khi phải chờ hội đồng cổ đông thông qua các quyết định quan trọng.

Tuy nhiên, lý do sau cùng dường như là lý do chủ yếu nhưng cổ đông “đại chúng” sẽ khó bị thuyết phục khi đã lỡ mua hai cổ phiếu này. Thực tế, SQC và SGT có lẽ nên nêu lý do “tiên trách kỷ” khi đều có một số đặc điểm chung như sau và có thể trực tiếp dẫn đến quyết định hủy niêm yết:

Kết quả kinh doanh yếu kém: Cổ phiếu SGT được niêm yết vào 18/01/2008 và kể từ khi niêm yết đến nay, doanh thu và lợi nhuận của công ty liên tục sụt giảm. Lợi nhuận sau thuế từ mức 136 tỷ đồng năm 2007 đã giảm xuống chỉ còn 32 tỷ đồng vào năm 2010 và thua lỗ 10 tỷ đồng vào quý 1 năm 2011. Cần để ý vốn chủ sở hữu của SGT lên tới 765 tỷ đồng vào cuối quý 1/2011.

Trường hợp SQC cũng tương tự. Từ năm 2008 đến nay, doanh thu và lợi nhuận liên tục giảm mạnh dù vốn chủ sở hữu và tổng tài sản tăng mạnh. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế tương ứng từ mức 598 tỷ đồng và 49 tỷ đồng vào năm 2008, thì đến 2010 giảm xuống chỉ còn lần lượt là 129 tỷ đồng và 9 tỷ đồng, trên vốn chủ sở hữu 1,124 tỷ đồng. Trong quý 1/2011, SQC có khá hơn khi đạt lợi nhuận sau thuế 13 tỷ đồng.

Thanh khoản thấp và ít được sự quan tâm của nhà đầu tư: Cả SGT và SQC đều có thanh khoản rất thấp so với quy mô của doanh nghiệp và các cổ phiếu khác. Tổng giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên của 2 cổ phiếu này chưa đến 10,000 đơn vị. Thậm chí từ đầu năm 2011 đến nay, khối lượng giao dịch trung bình của SQC chưa đến 2,000 đơn vị mỗi phiên.

Tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng thấp: Một điểm dễ nhận thấy nữa là mã cổ phiếu SGT và SQC đều hoạt động theo kiểu “gia đình”. Hai cổ phiếu “họ Đặng” này đều có số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Đây cũng là lý do giải thích cho việc cổ phiếu này kém thanh khoản và ít được sự quan tâm của giới đầu tư.

Cơ hội nào từ các cổ phiếu hủy niêm yết?

Hiện tượng “chỉ số xanh, cổ phiếu giảm” kéo dài dai dẳng đã đẩy hơn 34% cổ phiếu đang niêm yết giao dịch dưới mệnh giá và 66.7% về dưới giá trị sổ sách (theo số liệu của Vietstock). Ngoài ra, triển vọng kinh tế vĩ mô èo uột cũng khiến kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trở nên không mấy sáng sủa. Một tỷ lệ khá lớn cổ phiếu cũng đang có tính thanh khoản rất thấp.

Với bối cảnh như vậy, sẽ không có gì bất ngờ nếu có thêm nhiều doanh nghiệp tuyên bố hủy niêm yết. Dù vậy, chúng ta nên nhìn nhận đây là một hiện tượng bình thường trên thị trường chứng khoán và là một quá trình thanh lọc có ý nghĩa tích cực.

Câu hỏi đặt ra là một nhà đầu tư bình thường làm sao có thể tận dụng cơ hội từ hiện tượng này, nếu xảy ra đại trà trong tương lai?

Cơ hội sẽ xuất hiện đối với cổ phiếu mà công ty tin rằng có thể đang giao dịch dưới giá trị nội tại và Ban điều hành quyết định sẽ trở lại thành công ty tư nhân bằng cách mua lại cổ phần và giảm bớt số lượng cổ đông.

Ngoài động thái mua lại cổ phiếu quỹ, nhiều công ty cũng chọn cách phát hành quyền chọn, trái phiếu chuyển đổi… để thúc đẩy cổ đông ủng hộ cho quá trình thu hẹp cổ đông (tạm gọi là tư nhân hóa – privatisation) và hủy niêm yết.

Ở Mỹ, cổ đông có thể thu thập nhiều thông tin để đầu tư vào những cơ hội tương tự. Ngoài các tài liệu đại hội cổ đông thông thường, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) còn yêu cầu công ty công bố các thông tin như: 8-K Current Events (Công bố các sự kiện gần đây) giúp nhà đầu tư biết được thời điểm và lý do công ty muốn hủy niêm yết và thời gian sẽ công bố thông tin chính thức, hay S-1/F-1 Registration Statements công bố các thông tin về các loại chứng khoán có thể được phát hành sau khi hủy niêm yết bao gồm cổ phiếu ưu đãi, trái phiếu, chứng quyền… của công ty “mới”.

Với chất lượng công bố thông tin như hiện tại của thị trường chứng khoán Việt Nam, có vẻ như chỉ có “tay trong” mới có thể thu được lợi nhuận từ hiện tượng tương tự. Đối với cổ đông nhỏ, đề phòng thiệt hại sẽ là giải pháp khả thi hơn: hãy nói không với cổ phiếu thanh khoản thấp và bị chi phối bởi cổ đông “đại gia”.

Hồ Bá Tình, Phòng Nghiên cứu Vietstock

tbktsg

Các tin tức khác

>   Tháng 5: Bài toán thanh khoản (06/05/2011)

>   Thị trường ngày 06/05 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (05/05/2011)

>   Thị trường ngày 05/05 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (04/05/2011)

>   Biên độ giảm giá cổ phiếu sẽ không quá lớn (04/05/2011)

>   VN-Index vượt 500 là chuyện của năm tới? (04/05/2011)

>   Góc nhìn công ty chứng khoán sau kỳ nghỉ lễ (03/05/2011)

>   Nhà đầu tư nước ngoài “gom” chứng khoán (02/05/2011)

>   Hội nghị ADB: Cơ hội nào cho cổ phiếu ngân hàng? (30/04/2011)

>   Giải được bài toán lãi suất, TTCK sẽ bật mạnh (21/04/2011)

>   TS Võ Trí Thành “điểm mặt” các kênh đầu tư (20/04/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật