Chứng khoán tháng 2: Vẫn là ẩn số vĩ mô
Một số tổ chức đầu tư trong nước cho rằng hiện nay sức ép và lo ngại về kinh tế vĩ mô mới thực sự là ẩn số khiến nhà đầu tư quan tâm.
Khó điều chỉnh chính sách ngay
Xu hướng tăng điểm của thị trường chứng khoán tháng 1 và một vài phiên đầu tháng 2 được cho là dựa trên kỳ vọng điều chỉnh chính sách tiền tệ, mà cụ thể là hạ lãi suất khi mức tăng giá tiêu dùng (CPI) đã đạt đỉnh. Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Giàu cũng cho biết nếu mức tăng CPI tháng 2 dưới 1% sẽ sử dụng các biện pháp mạnh để giảm nhanh lãi suất. Nếu CPI tăng quanh 1,4% thì các giải pháp sẽ “mềm” hơn.
Tuy nhiên, Công ty chứng khoán SME cho rằng kịch bản lạm phát tháng 2 ở dưới mức 1.4% là kịch bản lạc quan trong ngắn hạn. Nếu kịch bản này thành hiện thực thì hy vọng giữ lạm phát năm 2011 ở mức một con số tương đối khả quan. Ngược lại, nếu lạm phát vẫn cao thì áp lực lên tỷ giá và lãi suất lại có tác dụng ngược đối với việc kiềm chế lạm phát và khả năng giữ lạm phát năm 2011 dưới hai con số sẽ rất khó khăn.
Ngay trong thời gian sau Tết, Cục Quản lý giá đã đưa ra dự báo lạm phát tháng 2 có khả năng ở mức 1,8% - 2,0% - đồng nghĩa với cơ hội để điều chỉnh các chính sách về lãi suất và tăng trưởng tín dụng ngay trong ngắn hạn sẽ giảm đi đáng kể. Nếu lạm phát từ tháng 3 ở mức dần ổn định thì tháng 2 sẽ đóng vai trò định hướng chính sách; lộ trình điều chỉnh của Ngân hàng nhà nước sẽ chỉ bị lùi lại 1 tháng so với dự kiến.
Đặc biệt, SME cho rằng có khá nhiều yếu tố tác động đến CPI nằm ngoài tầm kiểm soát của Ngân hàng nhà nước. Cụ thể là yêu cầu dần thả nổi giá một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, nước cho phù hợp với cung cầu và giá thế giới. Phân tích này cho rằng giá xăng dầu hiện đang được kiềm chế khá chặt trong khi tỷ giá và giá thế giới có dấu hiệu nhích lên gánh nặng của mặt hàng này đang vô tình tăng thêm thâm hụt ngân sách đáng kể. Cùng với khả năng điều chỉnh tỷ giá chính thức năm 2011 thì giá xăng dầu chắc chắn sẽ tăng trong một vài tháng tới. Để doanh nghiệp “hòa vốn” thì giá xăng dầu phải tăng tối thiểu từ 5% - 10%.
Việc điều chỉnh giá điện gần như là tất yếu, vấn đề còn lại là điều chỉnh bao nhiêu để dung hòa giữa EVN, chiến lược phát triển chung của ngành điện và tránh tạo cú sốc đối với nền kinh tế. Giá điện thường được điều chỉnh trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6.
Giá than gần đây cũng rục rịch tăng do giá bán cho 4 khách hàng lớn nhất thấp hơn giá thế giới tới 30% - 40%. Giá than tăng là một trong những nguyên nhân đẩy giá thép và chi phí đầu vào của các ngành sản xuất sử dụng than trong nền kinh tế. Ảnh hưởng gián tiếp tới CPI của giá than là không nhỏ.
“Nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng với các rủi ro vĩ mô trong 6 tháng đầu năm vì mâu thuẫn giữa chính sách tài khóa và tiền tệ là mâu thuẫn không thể xử lý trong ngắn hạn và để trung hòa được 2 chính sách này luôn phải hy sinh hiệu quả của một trong hai chính sách trong ít nhất vài tháng. Với lạm phát tháng 2 được dự đoán từ 1.8% - 2.0% thì khả năng lãi suất giảm ngay trong ngắn hạn là rất thấp. Ngân hàng nhà nước phải chờ diễn biến lạm phát của ít nhất tháng 3 và tháng 4 trước khi có điều chỉnh chính sách lãi suất phù hợp”, SME nhận định.
Áp lực tỷ giá
Đã có khá nhiều nhận định về khả năng điều chỉnh tỷ giá sẽ xảy ra trong năm 2011, chỉ khác biệt về thời điểm. Theo Công ty chứng khoán VCB, có ít nhất 3 yếu tố gây áp lực lên tỷ giá USD/VND.
Thứ nhất là chênh lệch về sức mua của đồng tiền do mức chênh lệch lạm phát lớn giữa Việt Nam và Mỹ cũng như kỳ vọng về mức chênh lệch này trong năm 2011 vẫn tiếp tục cao, dẫn đến áp lực phải điều chỉnh tỷ giá cao hơn nữa để giảm bớt mức chênh lệch này.
Thứ hai là thâm hụt thương mại kép tại Việt Nam tiếp tục gây ra những lo ngại về sự ổn định giá trị đồng tiền và hạn chế dòng vốn đổ vào Việt Nam. Mặc dù kiều hối, vốn đầu tư nước ngoài có thể sẽ tăng cao hơn năm 2010 nhưng không có gì đảm bảo tăng đủ để bù đắp thâm hụt thương mại khi giờ đây các nước đang phát triển không còn là điểm đến an toàn mang lại lợi nhuận vượt trội cho các khoản đầu tư nữa.
Thứ ba, dự trữ ngoại hối suy kiệt khiến khả năng can thiệp của Ngân hàng Nhà nước vào thị trường ngoại hối bị hạn chế rất nhiều.
SME lại cho rằng trong điều kiện chênh lệch giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá tự do đã ổn định ở mức xấp xỉ 7,7% trong thời gian dài thì khả năng điều chỉnh tỷ giá trong năm 2011 sau khi lạm phát ổn định là rất cao. Vấn đề quan trọng nhất là liệu việc điều chỉnh có tạo hiệu ứng đúng như mong muốn hay không, hay tỷ giá trên thị trường tự do lại tạo khoảng cách mới.
Lo ngại này không phải không có cơ sở vì đã nhiều lần tỷ giá được điều chỉnh nhằm cùng một mục đích, nhưng hiệu ứng đều chưa như mong muốn. Khi tỷ giá chính thức được điều chỉnh tăng, thị trường tự do bình ổn trong một thời gian để rồi lại gia tăng khoảng cách mới. Vòng xoáy này đã từng lặp lại mà chưa được giải quyết triệt để. Đó là chưa kể đến việc điều chỉnh tỷ giá sẽ tác động nhất định đến mức tăng CPI.
Việc điều chỉnh tỷ giá được xem là chất kích thích giúp dòng vốn nước ngoài vào thị trường chứng khoán mạnh hơn. Tuy nhiên thời gian qua, thị trường bị dẫn dắt bởi dòng tiền từ các quỹ ETF nên bản chất là dòng tiền ngắn hạn, chỉ đầu tư vào cổ phiếu niêm yết, có khả năng bơm vào/rút ra rất nhanh. Dòng tiền ngắn hạn có đặc điểm chung là tạo rủi ro lớn khi thị trường điều chỉnh nếu giá tăng không đi kèm với các thông tin cơ bản tích cực.
Để dòng tiền dài hạn vào thị trường trong năm 2011, vấn đề chính vẫn nằm ở sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô. Trong tuần đầu tháng 2, khoảng 7 tỷ USD đã bị rút khỏi các thị trường mới nổi do vĩ mô kém ổn định – lớn nhất trong 3 năm qua - là minh chứng cụ thể cho xu hướng này. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, hai yếu tố quan trọng tại thị trường Việt Nam là chính sách tỷ giá và lạm phát. Những vấn đề này có khả năng chỉ được ổn định từ nửa sau của năm 2011 nên chưa thể kỳ vọng vào sự xuất hiện của các quỹ đầu tư mới hay các đợt huy động vốn thành công ngay trong 6 tháng đầu năm.
Khánh Hà
TBKTVN
|