Năm 2011, công ty quản lý quỹ chuẩn bị cho chu kỳ mới
Năm 2010 có thêm 1 công ty quản lý quỹ được cấp phép thành lập, nâng tổng số lên 47 công ty. Sau diễn biến trầm lắng của TTCK năm qua, thị trường trong năm 2011 sẽ có triển vọng tích cực là nhận định chung của các công ty này, đồng thời chia sẻ kế hoạch hoạt động trong năm mới. Nhóm phóng viên thực hiện.
Ông Nguyễn Việt Cường, Phó giám đốc điều hành VinaCapital
Tình hình chính trị - xã hội ổn định, dân số trẻ, thị trường còn sơ khai và tiềm năng tiêu dùng tăng trưởng cao vẫn là các yếu tố thu hút cả dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài (FDI và FII) vào Việt Nam trong dài hạn.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, với tỷ giá chưa ổn định, lạm phát ở mức cao, các biện pháp khuyến khích nhà đầu tư cũ và mới tham gia thị trường chưa được thực hiện một cách mạnh mẽ đang là các yếu tố chính cản trở dòng vốn FII.
Môi trường kinh doanh Việt Nam ở mức xếp hạng 125 trong 128 nước theo nghiên cứu tháng 9/2010 của Tạp chí Forbes (Mỹ). Kết quả đánh giá này rất cần quan tâm để tìm hiểu vì sao Việt Nam lại bị xếp hạng thấp. Có thể là do những hạn chế của môi trường kinh doanh ở Việt Nam hay là có cả yếu tố nhà đầu tư nước ngoài còn thiếu thông tin về kinh tế Việt Nam.
Một khi các yếu tố vĩ mô nêu trên thay đổi tích cực và rõ rệt hơn, cùng với những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh liên tục đem lại kết quả, thì mức định giá P/E thấp của cổ phiếu Việt Nam hiện nay sẽ là động lực cho dòng vốn FII trở lại thị trường một cách mạnh mẽ và bền vững.
Ông Phan Anh, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ MB Capital
TTCK Việt Nam năm 2011 sẽ có xu hướng chung là đi lên, có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 20%.
Những khó khăn trước mắt như lạm phát cao, lãi suất cho vay cao, áp lực tỷ giá… thực sự là khá nặng nề đối với nền kinh tế và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ cố gắng để giải quyết những vấn đề này trong nửa đầu của năm 2011, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh trong nửa cuối của năm.
Các quỹ đầu tư và cả doanh nghiệp sẽ không dễ dàng trong việc huy động vốn. Tuy nhiên, điều này cũng là một yếu tố tích cực để nâng cao chất lượng và hiệu quả của các khoản đầu tư. Những ngành được đánh giá là có triển vọng phát triển khả quan bao gồm ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm, y tế, giáo dục, nguyên liệu cơ bản. Ngành tài chính - ngân hàng cũng sẽ có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong năm 2011 khi mà áp lực canh tranh từ các ngân hàng ngoại sẽ thực sự nhỏ hơn nhiều so với nhiều dự tính. Với xu hướng lãi suất giảm thì đầu tư vào trái phiếu cũng có thể là một sự lựa chọn tốt.
Ông Nguyễn Thế Lữ, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Saigon Assets Management (SAM)
Năm vừa qua, dù thị trường gặp khó khăn, nhưng chúng tôi cũng đã đạt được một số thành công nhất định. Thứ nhất là duy trì được sự tin tưởng từ phía các nhà đầu tư của SAM. Cụ thể, ngay sau khi chúng tôi tổ chức hội nghị gặp gỡ với các nhà đầu tư ở châu Âu, giá giao dịch của hai chứng chỉ quỹ VEH và VPH đều tăng đáng kể, giúp giảm tỷ lệ chênh lệch giữa giá giao dịch và giá trị tài sản ròng trên mỗi chứng chỉ quỹ xuống trung bình dưới 30% (so với trên 50% trước đó). Thứ hai là chúng tôi đã thành công trong việc đầu tư vào một số công ty tiềm năng, với mức giá hợp lý.
Chúng tôi cho rằng, năm 2011 vẫn còn nhiều thách thức đối với thị trường, do những ảnh hưởng trực tiếp lẫn gián tiếp từ vấn đề lãi suất, tỷ giá, lạm phát, nợ công, thâm hụt thương mại... Tuy nhiên, sau Đại hội Đảng, nhiều chủ trương, chính sách mới sẽ được ban hành trong nỗ lực bình ổn kinh tế vĩ mô của Nhà nước. Những chính sách này có lẽ sẽ phát huy hiệu lực và đưa vĩ mô dần ổn định trong nửa cuối năm 2011. Khi đó, thị trường sẽ thu hút nhiều dòng vốn đầu tư, giúp VN-Index tăng trưởng 15 - 20%.
Ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital
Năm 2010, các TTCK chính trên thế giới ở Mỹ, châu Âu, châu Á đều hồi phục và tăng trưởng tốt. Thị trường Việt Nam, theo nhận định của Dragon Capital, những yếu tố căn bản vẫn khá tốt: ước tính doanh thu và lợi nhuận của các DN niêm yết tăng lần lượt 35% và 24% trong năm qua. Trong khi đó, định giá cho thị trường hiện tại là khá rẻ, ở mức bình quân P/E là 9,5x, thấp hơn khoảng 50% so với các thị trường trong khu vực (16 - 22x).
Mặc dù những DN mà Dragon Capital đầu tư có mức tăng trưởng lợi nhuận thuộc nhóm cao nhất, nhưng giá cổ phiếu lại không chuyển động cùng hướng do sự suy giảm chung của thị trường...
Theo dự đoán của Dragon Capital, trong năm 2011, trung bình tăng trưởng lợi nhuận của các DN sẽ đạt 20 - 25%. Nếu xét về mặt giá trị thì TTCK Việt Nam rất hấp dẫn so với các thị trường khác trong khu vực. Tuy nhiên, chính yếu tố không ổn định của các vấn đề vĩ mô làm chứng khoán Việt Nam kém thu hút. Do đó, chỉ cần các vấn đề vĩ mô được bình ổn thì không có lý do gì mà thị trường không tăng trưởng mạnh trở lại.
Về vĩ mô, sẽ tốt hơn nếu chúng ta hy sinh một chút tăng trưởng để đẩy mạnh các biện pháp ổn định vĩ mô.
Ông Thomas Lanyi, Giám đốc Đầu tư Công ty Quản lý quỹ Mekong Capital
Triển vọng của các DN trong năm 2011 là rất tích cực. Trong nhiều ngành công nghiệp, cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là các ngành liên quan tới tiêu dùng, các công ty tư nhân tăng trưởng rất nhanh.
Mặc dù Việt Nam có lợi thế chi phí nhân công thấp, nhưng nhiều DN chưa có khả năng cạnh tranh với các đối thủ ở các quốc gia khác. Nguyên nhân chính là do các DN này hoạt động còn thiếu hiệu quả, chẳng hạn như có tỷ lệ phế phẩm cao, không sử dụng lao động hiệu quả, không định giá sản phẩm chính xác do không có hệ thống phân bổ chi phí phù hợp cho các sản phẩm, hoặc là sử dụng thời gian của các cán bộ quản lý để giải quyết các vấn đề không quan trọng, thay vì phát triển công ty.
Tuy nhiên, các vấn đề này sẽ giảm bớt khi các công ty hoàn thiện hệ thống quản lý và năng lực đội ngũ cán bộ quản lý của họ. Khi đó, tôi tin rằng, các DN sẽ tăng nhanh mức độ hiệu quả và có khả năng cạnh tranh ở cấp độ toàn cầu.
Việt Nam có tiềm năng để trở thành một động lực quan trọng trong nền kinh tế thế giới và các công ty tư nhân sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM)
Năm 2010, cả VN-Index và HNX-Index đều sụt giảm, trong khi TTCK các nước trong khu vực tăng điểm khá mạnh.
Bước sang năm 2011, sau khi các tín hiệu, dự báo về kinh tế vĩ mô được công bố, cộng với định hướng phát triển của Đảng và Chính phủ được xác định, thì chúng tôi tin rằng, kinh tế Việt Nam trong thời gian tới sẽ tốt hơn, TTCK khả quan hơn. Dòng vốn nước ngoài sẽ được hút vào TTCK nhiều hơn.
Để chuẩn bị cho một chu kỳ tăng trưởng mới, năm qua, VFM chúng tôi đã chủ động thực hiện chương trình tái cấu trúc, đầu tư phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao... Bên cạnh đó, việc chú trọng đẩy mạnh hợp tác với các đối tác chiến lược mới là các tổ chức có tiềm lực trong ngành tài chính khác, cộng với sự hậu thuẫn vững mạnh của Tập đoàn Dragon Capital sẽ giúp VFM tận dụng tối đa nguồn lực, chuyên môn và kinh nghiệm thị trường để phát triển hoạt động cốt lõi và nghiên cứu các sản phẩm phù hợp. Trước mắt, chúng tôi hướng tới mục tiêu cho ra đời sản phẩm quỹ mở đầu tiên trên thị trường sau khi Thông tư hướng dẫn về cơ chế hoạt động quỹ mở được ban hành, có thể trong năm nay.
Đầu tư chứng khoán
|