Chống lạm phát: Đừng nén như lò xo
Chống lạm phát phải là biện pháp lâu dài từ gốc chống lên, tức là điều chỉnh độ đàn hồi của lò xo cho phù hợp chứ không phải là nén nó lại. Nếu ép chặt quá, đến khi không chịu được nữa thì phải thả ra. Khi đó, nó còn bung mạnh hơn.
LTS: Chính phủ đặt mục tiêu cao nhất trong năm 2011 là chống lạm phát. Một nghị quyết bao gồm các nhóm giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu này đã được ban hành. Chính phủ cũng đã họp bàn triển khai với các địa phương, bộ ngành.
Nén rồi bật như lò xo
Giá đầu vào tăng 1 thì giá đầu ra tăng 2-3, vì hàng hóa còn phải qua quá trình sản xuất và lưu thông phân phối. Xăng tăng 20%, điện tăng 15%, từ đó dễ thấy giá bán lẻ các mặt hàng tăng ở mức nào. Đó là chưa kể tình trạng "tát nước theo mưa", tăng giá đón đầu.
Chống lạm phát là làm cho giá cả tăng chậm hơn tốc độ tăng trưởng. Hy sinh tăng trưởng để kiềm chế lạm phát, nhưng lạm phát ở mức thấp mà tốc độ tăng trưởng còn thấp hơn thì làm sao chống được lạm phát? Chống như vậy cũng có thể ví như ta ép chặt cái lò xo không cho nó bung, đến khi không chịu được nữa thì phải thả ra và nó còn bung mạnh hơn.
Chống lạm phát phải là biện pháp lâu dài từ gốc chống lên, tức là điều chỉnh độ đàn hồi của lò xo cho phù hợp chớ không phải là nén nó lại. Cơ chế nào chưa tạo được sự bình đẳng thì phải làm cho nó bình đẳng. Cơ chế nào chưa có sự minh bạch thì phải làm cho nó minh bạch. Đó chính là chống từ gốc. Nhà nước tăng tỷ giá rồi mới thắt chặt tiền tệ thì không khác nào tạo ra lạm phát rồi mới chống lạm phát. Tại sao không dùng cũng những biện pháp hiện nay trước khi điều chỉnh tỷ giá thì tỷ giá sẽ bớt nóng và giá cả hàng hóa không có sự đột biến? Giá đầu vào vẫn tăng, nhưng không tăng đến mức đó.
Cuối năm 2010 - và năm nào cũng vậy, lẽ ra nên nới lỏng chính sách tiền tệ, bởi đó là thời điểm nhu cầu ngoại tệ tăng rất cao để thanh toán giao dịch. Nới VND mà không nới USD thì tất nhiên, tỷ giá thị trường rất nóng. Bây giờ khi nới USD và thắt chặt VND thì nhu cầu ngoại tệ không còn cao nữa vì đã qua giai đoạn nóng nhất, còn hơn nửa năm nữa giai đoạn ấy mới quay trở lại.
|
Nhập siêu kéo theo cả lạm phát. |
Cơ chế bình đẳng và minh bạch
Ở các nước tiên tiến, cơ chế bình đẳng và minh bạch là rất chặt chẽ nên khi điều chỉnh các công cụ tài chính thì hiệu quả sẽ là tức thời mà không cần phải có "độ trễ".
Việt Nam không phải là chưa từng chống lạm phát. Chúng ta đã chống lạm phát lần 1 vào lúc mới "mở cửa" thị trường bằng biện pháp giải tỏa sự "ngăn sông cấm chợ". Chúng ta chống lạm phát lần 2 vào năm 2001 để ngăn chặn ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính Thái Lan 1997-1999 bằng biện pháp thắt chặt xuất nhập khẩu vàng. Và lần này, chúng ta chống lạm phát bằng công cụ tài chính. Cả thế giới lạm phát vì đồng USD mất giá, các nước phải in thêm tiền để neo vào đô. Các khoản nới lỏng định lượng của Mỹ chỉ chiếm 2% tổng lượng đô la toàn cầu và được tiến hành chia thành nhiều đợt sao cho mỗi đợt không vượt quá 2%. Chúng ta bị lạm phát tới gần 12% thì không thể đổ cho sự nới lỏng định lượng này được.
Nếu chúng ta điều hành tiền tệ khớp với nhu cầu vốn của thị trường thì tỷ giá vẫn tăng nhưng tăng chậm do nhập siêu mà thôi. Nhưng rất khó để làm được điều đó, vì khi một bên cần vốn để duy trì hoạt động (chưa nói đến phát triển mở rộng) phải vay vốn với lãi suất cao, thậm chí không vay được và một bên xảy ra tình trạng gần như cứ cần là có, xin là cho. Do vậy, tạo ra cơ chế bình đẳng và minh bạch thì mới giữ cho lạm phát thấp dưới tốc độ tăng trưởng lâu dài được.
XK bằng mọi giá sẽ không kiểm soát được nhập siêu
Nhập siêu là yếu tố bên ngoài nghiêm trọng nhất tạo ra lạm phát. Chúng ta nhập siêu 20%/năm thì sau 5 năm, mọi nguyên liệu đầu vào đều tăng giá 100%. Nhập siêu 20%/năm là mỗi năm ta mất đi 20% ngoại tệ, tức là tỷ giá tăng 20%. Đây mới là cộng từng năm lại cho dễ tính, lẽ ra phải cộng dồn.
Thực tế tỷ giá không tăng đến mức ấy là do đâu? Là do các nguồn ngoại tệ khác như kiều hối, ODA, FDI vào Việt Nam làm giảm tốc độ tăng giá ngoại tệ. Khi FDI chuyển lãi về nước, ODA đến hạn phải trả nợ và kiều hối (thực ra là vốn "nóng") không có chỗ để đầu tư do sự bất bình đẳng ở trên thì tốc độ tăng giá ngoại tệ tăng lên. Chúng ta thu hút FDI và ODA năm sau cao hơn năm trước thì khi đến thời điểm trả lãi, ngoại tệ ra khỏi Việt Nam cũng sẽ năm sau nhiều hơn năm trước cộng với nhập siêu không giảm tạo thành sức ép dồn lên tỷ giá.
|
Có người cho rằng lạm phát như một thứ thuế đánh vào người nghèo |
Việt Nam nhập siêu cũng đồng thời là nhập khẩu luôn cả lạm phát của nước xuất khẩu và nước nhập khẩu hàng. Những nước vốn đang bị lạm phát sẽ càng gia tăng sức ép hơn nữa. Chúng ta xuất khẩu nhiều hay ít là do họ muốn mua nhiều hay ít chớ không phải do hàng của ta có tính cạnh tranh cao. Nếu ta không biết rõ điều đó và tự hài lòng với sự sắp xếp này thì sẽ đến lúc ta sẽ không xuất khẩu được gì, trừ... tài nguyên thô.
Hàng sản xuất gia công đem xuất khẩu là ta xuất khẩu sức lao động chớ không phải là xuất khẩu hàng hóa. Hàng gia công chỉ mang lại lợi thế nhất định khi công lao động rẻ + năng suất cao.
Tiền lương luôn thấp hơn hoặc bằng năng suất lao động. Năng suất lao động tăng mà lương không tăng thì hàng nhiều hơn tiền và tạo ra giảm phát (ngược với lạm phát), tạo ra bất bình đẳng trong thu nhập và khủng hoảng thừa (hàng rẻ nhưng người ta không có tiền để mua). Giảm phát thì kinh tế đình đốn vì hàng làm ra không bán được, mất thanh khoản dây chuyền từ ngành này sang ngành kia, tốc độ tăng trưởng âm, thất nghiệp gia tăng và... nợ công tăng vọt (nợ tăng không phải do đầu tư không hiệu quả mà là do không có nguồn để chi trả vì giảm phát). Nhật và EU chính là đang bị giảm phát.
Tiền lương bằng hoặc cao hơn năng suất lao động thì tạo ra lạm phát. Và Việt Nam đang bị hiện tượng này. Như vậy ta có thể thấy dù lạm phát hay giảm phát đều không tốt. Chính vì vậy trong mấy chục năm qua, các nước tiên tiến, các nền kinh tế mới nổi trong đó có Trung Quốc, luôn chọn làm sao giữ được đồng tiền ổn định càng lâu càng tốt trong khi Việt Nam đang tư duy "giảm phá đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu".
Để giảm nhập siêu thì phải kiểm soát được nhập siêu chứ không phải là nói chung chung là giảm bao nhiêu %. Kiểm soát được nhập siêu là ta biết lượng nhập khẩu của từng loại mặt hàng chi tiết đến từng chủng loại và giá cả, nhập để làm gì, vì sao phải nhập và cuối cùng là có làm lợi cho kinh tế không.
Nếu không làm lợi cho kinh tế Việt Nam, nếu có thể sản xuất được từ trong nước thì kiên quyết không cho nhập.
Song song với kiểm soát nhập siêu là kiểm soát xuất khẩu. Nếu xuất khẩu bằng mọi giá thì sẽ không kiểm soát được nhập siêu vì hàng xuất khẩu cũng phải làm từ nguyên liệu nhập khẩu. Tương tự kiểm soát nhập siêu, kiểm soát xuất khẩu là ta phải biết tỷ lệ GTGT của hàng xuất khẩu, cơ cấu tỷ trọng nguyên liệu ngoại nhập của từng mặt hàng. Từ đây sẽ biết hàng nào của ta yếu ở khâu nào, công đoạn nào để đề ra chính sách cụ thể cho phát triển kinh tế theo chiều sâu.
Nhà nước sẽ ra chính sách khuyến khích đầu tư cải tiến công nghệ vào những khâu yếu ớt ấy để tăng GTGT đồng thời cũng là để giảm giá trị nhập khẩu. Chỉ cần 1 doanh nghiệp sản xuất ngành hàng ấy (bất kể doanh nghiệp nào) thành công trong việc tạo GTGT ở khâu đó thì Nhà nước đưa ra luật pháp về tỷ trọng GTGT đối với ngành hàng ấy. Hàng có tỷ trọng GTGT thấp dưới quy định của Nhà nước thì kiên quyết không cho xuất. Điều luật này buộc các doanh nghiệp trong nước phải tái cơ cấu sản xuất để tăng GTGT tối thiểu là theo ý muốn của Nhà nước. Tỷ trọng GTGT càng cao thì tỷ trọng nguyên liệu nhập càng giảm, trong thời gian rất ngắn (theo tôi là không đến 5 năm), chúng ta sẽ cân bằng được thương mại tiến tới thặng dư thương mại.
Thặng dư thương mại là đều kiện tiên quyết để tăng dự trữ ngoại tệ. Thặng dư thương mại thì ngoại tệ do ta kiếm được không phải vay mượn của ai sẽ nhiều hơn VND và làm nội tệ tăng giá. Để kìm giá thì phải in tiền để mua ngoại tệ do chính mình làm ra. Đó chính là lý do vì sao Trung Quốc có lượng dự trữ ngoại tệ khổng lồ như thế. Dự trữ ngoại tệ càng lớn thì vốn vay ODA càng giảm. Tỷ trọng GTGT càng cao thì thu hút FDI càng giảm. Đến một lúc nào đó, chính Việt Nam sẽ là nước cho vay ODA và đầu tư FDI ra nước ngoài.
Nói như vậy hóa ra ta vi phạm luật của WTO. Nhưng giờ các cũng dựng lên đủ thứ hàng rào để bảo hộ hàng của họ. Thay vì ký Hiệp định thương mại đa phương chúng ta nên nghiên cứu ký Hiệp định thương mại song phương đối với từng nước một. Rất nhiều nước đã bắt đầu đóng cửa thương mại từng phần và nếu ta không có biện pháp tương tự, ta sẽ lãnh đủ.
Chúng ta ký Hiệp ước kinh tế đa phương với từng khối và song phương với từng nước lớn. Từng nước và từng khối ấy có điều kiện và tình trạng kinh tế khác nhau. Nhìn vào cả WTO là một mớ bòng bong lộn xộn nhưng nhìn vào từng khối hay từng nước thì rất rõ ràng, và ta phải có chính sách riêng với từng nơi như thế. Theo nhận định riêng của tôi, WTO đang đi vào giai đoạn cuối của sự tồn tại của nó và ta không cần phải tham gia vào 1 tổ chức kinh tế, đang đứng trước nguy cơ tan rã, bằng mọi giá.
Đó chính là mục tiêu của bài viết này. Chống lạm phát và giảm nhập siêu không thể chỉ dựa vào công cụ tài chính vốn có tính nhất thời chớ không phải là lâu dài.
Phan Bảo Lâm
DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM
|