Thứ Hai, 28/02/2011 07:13

Khó giữ lạm phát ở mức 7%

Với tỷ giá tăng 9,3%, giá điện tăng 15,28%, xăng tăng hơn 18%, cùng đợt tăng lương vào tháng 5 tới, nhiều ý kiến cho rằng lạm phát năm nay khó giữ được ở mức 7%.

CPI tháng 3 vẫn cao

Theo dự báo mới nhất của Cục Quản lý giá, tác động của đợt điều chỉnh giá xăng, giá điện lần này khiến bánh xe lạm phát không quay theo quy luật, khi ngay trong tháng 3 chỉ số giá tiêu dùng sẽ vẫn tăng cao và khó có thể thấp hơn tháng 2 (2,09%).

Cũng theo thống kê của cục này, giá nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống nửa đầu tháng 2 đã giảm so với thời điểm giáp Tết Nguyên đán nhưng mức giá phổ biến vẫn cao so với giá của cả tháng 1.2011. Giá thịt lợn hơi ở miền Bắc phổ biến khoảng 33.000 - 37.000 đồng/kg, tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg; miền Nam giá phổ biến trong khoảng 34.000 - 37.000 đồng/kg, tăng khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg. Thịt lợn mông sấn ở miền Bắc giá phổ biến khoảng 65.000 - 80.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg; miền Nam giá phổ biến khoảng 60.000 - 70.000 đồng/kg, ổn định…

Người dân đang trông chờ vào các giải pháp an sinh xã hội của Chính phủ giúp họ bớt khó khăn khi giá cả tăng cao.

Nguyên nhân khiến chỉ số CPI tháng 2 tăng 2,09% được Cục Quản lý giá nhìn nhận, do gánh trọn tháng Tết Nguyên đán nên nhu cầu mua sắm, tiêu dùng tăng cao. Đặc biệt, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng hơn 6%. Ngoài ra, nhiều mặt hàng bị kìm giữ giá lâu ngày không tăng để thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường thời gian cuối năm 2010 và tết như phân bón, thép xây dựng, giấy in, giấy viết đã tăng ngay sau tết. Bên cạnh đó, tâm lý lo ngại lạm phát cao khi giá vàng liên tục tăng và điều chỉnh tỷ giá làm cho các doanh nghiệp tăng giá đón đầu.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, cho biết hiện nay giá cả thế giới vẫn đang có xu hướng đi lên. Việc điều chỉnh tỷ vừa qua cũng tác động dây chuyền đến các mặt hàng nhập khẩu và có nguồn gốc nhập khẩu. Đặc biệt, việc tăng giá điện và xăng dầu sẽ khiến giá thành tất cả hàng hóa tăng, do chi phí đầu vào tăng tác động không nhỏ tới CPI tháng 3. Riêng việc điều chỉnh giá xăng sẽ tác động làm tăng CPI trực tiếp vòng 1 là 0,65%; điều chỉnh giá điện tác động trực tiếp tăng CPI khoảng 0,38% (chưa tính được tác động của vòng tiếp theo và yếu tố tâm lý). Như vậy, 2 mặt hàng này sẽ tác động vòng 1 đến CPI trên 1%.

Mục tiêu 7%

Ông Thỏa nhận định mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 7% năm 2011 rất khó thực hiện. TS Lê Đình Ân, Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, cho biết CPI của tháng 2 không cao hơn so với dự báo khoảng 1,8-2%, nhưng ông cho rằng, với mức tăng khá mạnh của các mặt hàng lương thực, thực phẩm, ăn uống trong tháng tết tới hơn 6%, chắc chắn con số thống kê CPI chưa sát với thực tế thị trường. Ngoài ra, quyền số của nhóm hàng lương thực - thực phẩm chiếm khoảng 40% trong rổ hàng hóa CPI, khi giá lương thực thực phẩm tăng sẽ khiến CPI tăng tương ứng rất mạnh.

Theo TS Ân, CPI năm nay khó có thể giữ dưới 7% vì chỉ sau 2 tháng mức tăng đã là 3,87%. Để đảm bảo mục tiêu này, trong 10 tháng còn lại, mỗi tháng chỉ được tăng 0,3% trong khi tỷ giá tăng 9,3%, giá xăng hơn 18%, giá điện hơn 15%; cùng cơn bão khủng hoảng lương thực - thực phẩm trên thế giới… có thể nói, áp lực lạm phát là quá lớn. Ông Ân cho rằng, CPI tháng 3 năm nay sẽ có một điểm nhấn khác với quy luật hằng năm là tháng sau tết CPI sẽ giảm và chỉ đứng ở mức từ 0,1-0,5%. Do điều chỉnh về giá, nên CPI tháng 3.2011 sẽ tăng ít nhất 1,5%. “Mục tiêu giữ 7% dường như là không thể”, ông Ân nhấn mạnh.

Theo tính toán của TS Lê Xuân Nghĩa - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia,  điều chỉnh tỷ giá hối đoái có thể làm cho CPI tăng lên khoảng 1,1%/năm, tăng giá xăng có thể làm cho CPI tăng khoảng 0,54%/năm, giá điện tăng làm cho CPI tăng thêm 0,71%. Nếu cộng lại thì CPI sẽ tăng thêm khoảng trên dưới 2,5%/năm. Cộng cả 3 yếu tố trên cùng các giải pháp giảm tổng cầu, giảm cung tiền của Chính phủ đã và đang thực thi, ông Nghĩa dự đoán lạm phát năm nay vào khoảng 9%.

Về giải pháp kiểm soát lạm phát, TS Nghĩa khuyến cáo lạm phát hiện tại chủ yếu do cung tiền vì vậy cần phải kiên trì mục tiêu giảm tín dụng xuống 20%, phương tiện thanh toán 15-16%. “Rút bài học từ năm 2010, không nên duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ trong quý 1, rồi nới lỏng trong quý 2, 3 để sau đó hứng chịu lạm phát cao lên tới gần 12%”, TS Lê Xuân Nghĩa nói.

Trong khi đó, theo một lãnh đạo của Bộ Tài chính, để tránh việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu theo giá xăng, điện, Cục Quản lý giá sẽ rà soát và tính toán thật kỹ “đơn” xin tăng giá của các doanh nghiệp. Trước mắt, mức thuế nhập khẩu xăng dầu sẽ vẫn được giữ ở mức 0%, cùng với đó trong năm 2011 chỉ tăng giá bán than cho điện 5%, bằng khoảng 70% giá thành than trong năm 2010. “Tuy nhiên, bộ ngành khác, cùng các cơ quan quản lý thị trường tại địa phương, cần tăng cường thanh kiểm tra thực hiện quy định về giá, chống đầu cơ, găm giữ. Kiên quyết xử phạt thật nặng khi phát hiện vi phạm”, lãnh đạo này nói.

Anh Vũ

THANH NIÊN

Các tin tức khác

>   Rề rà siết đầu tư công (28/02/2011)

>   TS Trần Du Lịch: Phải quyết tâm thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế (28/02/2011)

>   GE cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển (27/02/2011)

>   Bộ trưởng kinh tế bốn nước thảo luận cơ chế hợp tác (27/02/2011)

>   Bộ trưởng Bộ KH&ĐT: Cắt giảm đầu tư công, loại bỏ dự án kém hiệu quả (26/02/2011)

>   Hà Nội tăng tốc hàng loạt dự án lớn (26/02/2011)

>   Nghị quyết số 11: Siết chặt tiền tệ và đầu tư, tạo ổn định để tăng trưởng dài hạn (26/02/2011)

>   Bàn về lời giải cho bài toán lạm phát 2011 (26/02/2011)

>   UB Giám sát Tài chính Quốc gia: Bức tranh kinh tế không “tối” như mọi người nghĩ (25/02/2011)

>   FDI hai tháng đầu năm: Giải ngân 1,15 tỷ USD (25/02/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật