Thứ Hai, 28/02/2011 06:54

Rề rà siết đầu tư công

Chúng ta trông đợi một thái độ dứt khoát, những quyết định mạnh mẽ và lạnh lùng để tạo ra sự đột phá mới về chất lượng và hiệu quả cho đầu tư công. Để giải pháp cũ sẽ đưa lại đột phá mới.

Vừa qua, một loạt biện pháp nhằm cắt giảm chi tiêu công đã được Chính phủ đề ra: rà soát toàn bộ các công trình, dự án đầu tư năm 2011 - vốn được nuôi nấng nhờ "bầu sữa mẹ"; xác định đúng địa chỉ các công trình, dự án cần ngừng, đình hoãn, giãn tiến độ thực hiện trong năm...

Chính phủ cũng sẽ rà lại danh mục đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để xóa bớt các dự án đầu tư kém hiệu quả, dàn trải... Các công trình, dự án mới không thật sự cấp thiết xin tạm thời "nghỉ ngơi".

Ngay sau đó, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã làm việc với các Bộ ngành, địa phương để cụ thể hóa chủ trương chi tiêu công hợp lý, đúng mực, đúng chỗ, tiết kiệm.

Lần này, Chính phủ đã hạ quyết tâm triển khai các giải pháp trên khi 9 đoàn kiểm tra lập tức đồng loạt ra "ra quân" thực hiện yêu cầu trên của Thủ tướng.

Có lẽ, Chính phủ sáng suốt đã nhìn thấy nguy cơ từ việc đầu tư ồ ạt, mỗi năm một nhiều lên, thậm chí phải bảo lãnh vay trong, ngoài nước để phục vụ các dự án đầu tư công.

Có lẽ, những bài học thấm thía về sự đầu tư ngoài kế hoạch, sự "vung tay quá trán" trong khi hiệu quả sử dụng vốn kém, dẫn tới thua lỗ, phá sản...Rồi chỉ số ICOR ngày càng tăng cao, hiệu quả đầu tư công đứng cao nhất... "từ dưới lên" so với các khu vực kinh tế khác.

Việc đầu tư trái tay, không hiệu quả của các DNNN cũng là cách chi tiêu lãng phí ngân sách.

Thế mới có chuyện, báo cáo hàng năm tổng hợp về các công trình dự án đầu tư bằng Ngân sách Nhà nước, người ta đã quá quen và cảm thấy như là chuyện thường thấy trước các cụm từ "chậm tiến độ", "chìa tay" xin bổ sung tăng vốn... Mà lạ là, trong số đó, không ít công trình thuộc nhóm A, các dự án cấp bách có ý nghĩa quyết định đối với đất nước - chậm vẫn hoàn chậm, kém vẫn hoàn kém.

Lại nữa, dù kêu gọi đầu tư tránh dàn trải trong khi ngân sách eo hẹp nhưng số lượng các dự án đầu tư công ngày càng phình lên. Chiếc bánh vốn đã nhỏ nay lại bị "chia năm sẻ bảy", thế nên điệp khúc chậm, đói vốn lại được nhắc tới.

Thực tế, siết chặt đầu tư công, ngừng, đình hoãn, giãn tiến độ các dự án chưa cấp bách, không hiệu quả để chống lạm phát không phải là mới. Năm 2008, khi đối mặt khủng hoảng kinh tế, giải pháp này đã được đưa ra nhưng kết cục... "mong đợi ngậm ngùi".

Thời gian cứ trôi, số các dự án cứ tăng, trong khi ngân sách cứ vơi dần. Bức tranh đầu tư công vẫn còn mảng tối của sự lãng phí và kém hiệu quả.

Trong tình huống khó khăn hiện nay, một lần nữa, biện pháp này lại được đưa ra. Chấp nhận cắt giảm đầu tư, có thể làm giảm tăng trưởng nhưng sẽ đạt được mục tiêu cấp thiết nhất là kiềm chế lạm phát. Tuy không phải là mới, nhưng đây là một biện pháp đúng đắn.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn chỉ ra rằng, gốc rễ của căn bệnh trầm kha về lạm phát ở nước ta chính là chính sách tài khóa, ngoài các nguyên nhân khách quan.

Một chính sách tài khóa lành mạnh hơn, cân đối hơn là vô cùng cần thiết trong thời điểm này. Chính sách tài khóa tốt, dựa trên nguyên tắc tiết kiệm và hiệu quả, sẽ làm nhẹ đi áp lực lạm phát như "tảng đá" đang đè nặng lên nền kinh tế.

Muốn làm được điều này, cần phải giảm mạnh đầu tư công để đầu tư tư nhân trong, ngoài nước tăng nhanh, hiệu quả đầu tư cũng tăng lên. Đây là yếu tố quyết định thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh mà không gây ra lạm phát.

Đầu tư công chỉ nên tập trung vào các dự án mang lại hiệu quả thật sự cả về kinh tế lẫn tài chính.

Chúng ta hy vọng vào một cách thức thực hiện mới, quyết liệt, thực chất và hiệu quả hơn, để biến những yêu cầu trên giấy tờ, những giải pháp bàn bạc trong các hội nghị được thực hiện triệt để trên thực tế.

Đừng để những chính sách đề ra luôn đúng và đầy đủ, nhưng khi triển khai lại nửa vời, không trọn vẹn.

Tuy nhiên, việc cắt giảm dự án, siết chặt đầu tư... chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều đối tượng. Lẽ thông thường, ai cũng muốn tiền vốn và công trình, dự án về với mình vì nó luôn mang lại những lợi ích cho cả chung và riêng.

Vì thế, sẽ có đầy đủ lý do để bảo vệ và chứng minh sự cần thiết và cấp bách của bất cứ dự án nào để nó tồn tại, cũng như có đủ nguyên nhân và lý lẽ để chứng minh cho khó khăn khách quan khi dự án chậm tiến độ, không có hiệu quả như mong muốn.

Chúng ta trông đợi một thái độ dứt khoát, những quyết định mạnh mẽ và lạnh lùng để tạo ra sự đột phá mới về chất lượng và hiệu quả cho đầu tư công. Để giải pháp cũ sẽ đưa lại đột phá mới.

Lê Khắc

DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM

Các tin tức khác

>   TS Trần Du Lịch: Phải quyết tâm thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế (28/02/2011)

>   GE cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển (27/02/2011)

>   Bộ trưởng kinh tế bốn nước thảo luận cơ chế hợp tác (27/02/2011)

>   Bộ trưởng Bộ KH&ĐT: Cắt giảm đầu tư công, loại bỏ dự án kém hiệu quả (26/02/2011)

>   Hà Nội tăng tốc hàng loạt dự án lớn (26/02/2011)

>   Nghị quyết số 11: Siết chặt tiền tệ và đầu tư, tạo ổn định để tăng trưởng dài hạn (26/02/2011)

>   Bàn về lời giải cho bài toán lạm phát 2011 (26/02/2011)

>   UB Giám sát Tài chính Quốc gia: Bức tranh kinh tế không “tối” như mọi người nghĩ (25/02/2011)

>   FDI hai tháng đầu năm: Giải ngân 1,15 tỷ USD (25/02/2011)

>   Dự án sản xuất thép lớn nhất Bắc Kạn đổi chủ đầu tư (25/02/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật