Nghị quyết số 11: Siết chặt tiền tệ và đầu tư, tạo ổn định để tăng trưởng dài hạn
Nghị quyết về các giải pháp chống lạm phát, ổn định vĩ mô với hàng loạt biện pháp siết chặt tiền tệ và đầu tư, có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng trước mặt, nhưng là cần thiết nhằm tạo cơ sở ổn định để tăng trưởng bền vững về dài hạn.
Những ngày qua, dồn dập các thông tin về lạm phát và tăng giá. Ngày 23/2, Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2011 tăng 2,09% so với tháng 1. Cùng ngày, Thủ tướng ký quyết định tăng giá điện lên thêm 165 đồng, giá điện bình quân đạt 1.242 đồng/KW. Ngày 24/2, giá xăng cũng điều chỉnh tăng thêm 2.900 đồng/lít lên mức cao nhất từ trước đến nay là 19.300 đồng.
Trước tình hình đó, ngày 24/2, Chính phủ chính thức ban hành Nghị quyết số 11 về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, nhấn mạnh Việt Nam đang đối mặt với giá cả tăng cao, nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô. Tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách.
Hy vọng mới từ giải pháp cũ
Bảy nhóm biện pháp của Chính phủ đề ra chủ yếu tập trung vào: thắt chặt chính sách tiến tệ với trọng tâm là kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán 15 - 16%. Điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, nhất là các loại lãi suất và lượng tiền cung ứng. Điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối phù hợp thị trường; kiểm soát chặt chẽ kinh doanh vàng...
Bên cạnh đó là việc ưu tiên vốn phát triển sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa; giảm cho vay khu vực phi sản xuất, nhất là bất động sản, chứng khoán.
|
Việt Nam đang đối mặt với giá cả tăng cao. |
Chính sách tài khóa chặt chẽ với trọng tâm là siết chặt đầu tư công. Điều dễ nhận thấy nhất chính là ngừng, đình hoãn, giãn tiến độ trong năm 2011. Kiểm tra, rà soát lại đầu tư của các DN nhà nước để loại bỏ các dự án kém hiệu quả, đầu tư dàn trải.
Các bộ, cơ quan, địa phương chưa khởi công các công trình, dự án mới sử dụng vốn nhà nước. Đồng thời rà soát, cắt giảm, sắp xếp lại để điều chuyển, tập trung vốn để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án quan trọng, cấp bách, hoàn thành trong năm 2011.
Đi kèm với đó là chính sách thắt thặt chi tiêu 10% đồng thời tăng cường các biện pháp để tăng thu ngân sách. Giảm bội chi ngân sách.
Nghị quyết ra đời cùng những giải pháp rõ ràng và cụ thể đến từng địa chỉ đã được đón nhận và đánh giá cao. Đi cùng với đó, là một quyết tâm thực hiện của Chính phủ thể hiện qua các chỉ đạo và điều hành đối với các bộ ngành và địa phương đã tạo ra một niềm tin trong thách thức mới.
Thực tế, đây là những chính sách không mới. Còn nhớ năm 2008, khi bước vào giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới với nhiều tác động đến Việt Nam, Chính phủ cũng đã có một nghị quyết để ngăn chặn lạm pháp, hạn chế tác động khủng hoảng. Những biện pháp chính được áp dụng vẫn là chính sách tiền tệ thắt chặt với công cụ chính là lãi suất lên cao, nguồn tiền bị thu hút về làm nảy sinh khủng hoảng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng.
Trong khi đó, một chương trình lớn về rà soát, tạm ngừng, giãn, hoãn đầu tư các dự án từ ngân sách nhà nước cũng được tiến hành trên cả nước. Đi cùng đó là lời kêu gọi tiết kiệm chi tiêu công được đưa ra...
Kết quả cuối cùng thì Việt Nam cũng đã vượt qua năm 2008 một cách tốt đẹp. Nhưng nhìn lại việc thực thi các giải pháp dường như người ta nhận thấy chưa có sự đồng bộ cao trong phối hợp chính sách.
Chúng ta đã quá thiên về sử dụng chính sách tiền tệ thắt chặt với lãi suất dâng cao và nguồn vốn hạn hẹp khiến cho ngân hàng và DN chịu nhiều tác động. Trong khi đó, việc giãn, hoãn, ngừng đầu tư các dự án dường như không có nhiều hiệu quả. Đặc biệt, dù kêu gọi siết chặt nhưng đầu tư công vẫn mở rộng qua từng năm, chỉ số ICOR tăng cao.
Trong khi đó, việc kêu gọi tiết kiệm chi tiêu đã thành thường lệ hằng năm nhưng chi phí vẫn tăng cao. Cấm mua ô tô, nhưng xe mới vẫn tăng lên. Cấm xây trụ sở, nhưng nhiều văn phòng công quyền vẫn ngày một to đẹp... Điều đó khiến cho hiệu quả của các chính sách bị giảm hiệu quả.
Những chính sách lần này cũng không có gì mới. Những điều mong đợi nhất chính là sự phối hợp đồng bộ, thực hiện quyết liệt và có hiệu quả thực sự. Nói như ông Ngô Trí Long - Phó Giáo sự Ngô Trí Long cho rằng, các giải pháp của Chính phủ thì đã đầy đủ rồi nhưng vấn đề thực hiện, quyết tâm và hiệu quả là một vấn đề khác.
Đưa ra rồi nhưng còn dựa vào sự điều hành, chính sách, giải pháp để các giải phát phát huy hiệu quả trên thực tế. Bao giờ cũng đưa ra rất là tròn trĩnh, rất đẹp, nhưng tính khả thi và việc điều hành phụ thuộc vào năng lực và quyết tâm của Chính phủ và các bộ ngành
Tuy nhiên, ông Trần Đình Thiên lại lưu ý, khi thực thi các biện pháp này, cần có tính đồng bộ các biện pháp như: chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ phối hợp với bên thị trường, rồi câu chuyện điều hành tỷ giá để tương đương với cắt giảm tổng cầu, để cân bằng giá trong nước và thế giới, tỷ giá thế giới.
Tất cả phụ thuộc vào câu chuyện phối hợp chính sách. Hai là, đụng đến câu chuyện nhóm lợi ích bởi vì cắt giảm chi tiêu ngân sách, giảm cung tiền thì thể nào cũng đụng đến những lợi ích của DN hoặc là lợi ích của những ông chủ dự án đầu tư.. Vì thế, nếu mà không kiên quyết thì khó có thể đạt được mục tiêu.
|
Tăng trưởng và ổn định không nhất thiết phải mâu thuẫn và đánh đổi với nhau. |
Cơ sở cho phát triển dài hạn
Theo các chuyên gia, việc thực hiện thắt chặt và cắt giảm một số chỉ tiêu để chống lạm phát sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng 2011. Tuy nhiên, Chính phủ đã thể hiện rõ quan điểm không đặt vấn đề 20110 tăng trường bao nhiều mà tập trung để ổn định vĩ mô.
Ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, việc siết chặt tài khóa sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng, nhưng chúng ta không nên đưa ra những mục tiêu quá cao như tăng trưởng 7% để phải gánh chịu những rủi ro. Vì thế, bên cạnh các giải pháp ngắn hạn, cần tập trung tái cơ cấu kinh tế, sửa căn nguyên của bất ổn để tạo sự phát triển về dài hạn.
Theo các chuyên gia, những năm qua, Việt Nam vẫn ưu tiên tăng trưởng trong khi nền kinh tế có nhiều bất ổn về cơ cấu và hiệu quả nên đã dẫn đến nguy cơ bất ổn của ngày hôm nay khi những điểm yếu của cơ cấu bên trong mà ngày càng bộc lộ.
Do vậy, cần tập trung cho mục tiêu ổn định, tức là kiểm soát lạm phát hơn là cố gắng năng cao tăng trưởng. Việt Nam đã quen với tăng trưởng cao nên khi nghe GDP tăng 5% cảm thấy thấp. Nhưng cần nên nhớ rằng, chúng ta kiểm soát lạm phát, ổn định được vĩ mô sẽ tạo ra được sự phát triển mạnh mẽ trong dài hạn.
Ông Thiên nhấn mạnh, Việt Nam còn nghèo nên cần tăng trưởng cao đẻ tránh tụt hậu. Tuy nhiên, không phải là tăng trưởng với bất kỳ giá nào, gây nên mất cân đối vĩ mô, làm mất ổn định nền kinh tế. Những biện pháp hiện nay có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng năm 2011 nhưng dài hạn nó sẽ là cơ sở cho tăng trưởng bền vững.
Cùng quan điểm này, tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cuối năm 2010, ông Ayumi Konishi - Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho rằng, những khó khăn mà Chính phủ VN đang gặp phải cho thấy một bài học quan trọng: "Không có ổn định kinh tế vĩ mô thì Việt Nam không thể phát triển nhanh và có tăng trưởng dài hạn".
Quỹ Tiền tệ Quốc tế khẳng định: "Tăng trưởng và ổn định không nhất thiết phải mâu thuẫn và đánh đổi với nhau. Hoàn toàn có thể đạt được tăng trưởng thông qua ổn định. Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn. Điều đó đúng nhưng cần dựa trên nền tảng ổn định".
Ngọc Sơn
DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM
|