Tái cấu trúc kinh tế TPHCM
Bài 2: Chính sách đòn bẩy và tự thân vận động
Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX nhiệm kỳ 2011-2015 đã xác định 6 chương trình đột phá để kinh tế thành phố tăng trưởng theo chiều sâu. Một trong 6 chương trình đó là hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2011-2015. Đây là một trong chương trình mang tính tổng hợp, do vậy để thực hiện hiệu quả phải có lực đẩy từ chính sách vĩ mô.
* Bài 1: Định hướng đúng, kiên trì cách làm
|
Sản xuất các sản phẩm điện tử chất lượng cao đang được ưu tiên tại TPHCM. Ảnh: Sản xuất tivi LCD nhãn hiệu VTB. |
Hướng đến trung tâm dịch vụ của cả nước
Trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển giai đoạn 2011-2015, TPHCM xác định tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chiều sâu, lấy chất lượng tăng trưởng làm động lực chủ yếu để phát triển các ngành, lĩnh vực có hàm lượng khoa học và công nghệ có giá trị gia tăng cao, ít gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nhân lực chất lượng cao và hướng tới phát triển kinh tế tri thức. Cơ cấu kinh tế phải hướng vào các điều kiện tạo ra thế và lực mới cho sự phát triển sau này khi bước vào giai đoạn công nghiệp hóa theo hướng hiện đại để xây dựng TPHCM trở thành TP xã hội chủ nghĩa, văn minh, hiện đại về kết cấu hạ tầng, công nghệ, nhân lực, tri thức.
Đối với cơ cấu ngành, tiếp tục thực hiện chuyển dịch theo hướng ngành dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Phát triển mạnh các ngành dịch vụ để TPHCM trở thành trung tâm về dịch vụ - thương mại - tài chính lớn của cả nước và của khu vực. Tiếp tục tập trung vào 9 ngành dịch vụ đã được xác định từ Đại hội Đảng bộ lần thứ VIII (gồm tài chính, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm; thương mại; vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng; bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin - truyền thông; kinh doanh tài sản - bất động sản; dịch vụ thông tin tư vấn, khoa học - công nghệ; du lịch; y tế; giáo dục - đào tạo).
Trong lĩnh vực công nghiệp, tiếp tục tập trung phát triển 4 ngành công nghiệp (gồm điện tử và công nghệ thông tin; cơ khí chế tạo; hóa, dược, nhựa cao su; chế biến tinh lương thực và thực phẩm) có hàm lượng khoa học công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn, đồng thời lựa chọn một số công đoạn có giá trị gia tăng cao trong các ngành công nghiệp truyền thống để đầu tư, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu... Trong lĩnh vực nông nghiệp, tập trung phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng công nghệ cao, hiện đại, bền vững gắn với du lịch sinh thái.
Với chương trình này, TPHCM kỳ vọng sẽ góp phần đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2015 bình quân đạt 12%/năm. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng bình quân 13%/năm; công nghiệp - xây dựng tăng 11%/năm; nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản tăng 5%/năm. Cơ cấu kinh tế đến năm 2015, dịch vụ chiếm 57%; công nghiệp và xây dựng 42%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản 1%.
Cần lực đẩy từ chính sách
Có thể thấy, mục đích cuối cùng của việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế là TPHCM sẽ hướng đến một trung tâm dịch vụ có hàm lượng tri thức cao của cả nước và khu vực trong tương lai. Theo TS Nguyễn Xuân Thành, Phó Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nếu TPHCM thực hiện thành công cơ cấu kinh tế chuyển sang khu vực dịch vụ thì ngoài vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế của cả nước trong những năm bình thường, kinh tế TP còn đóng vai trò là vùng đệm cho tăng trưởng trong giai đoạn bất ổn, khủng hoảng. Vì các ngành dịch vụ là những ngành trụ vững trước tác động của bất ổn vĩ mô trong nước và khủng hoảng kinh tế thế giới.
Vấn đề đặt ra là bắt đầu từ đâu và thực hiện như thế nào? Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, chuyển đổi mô hình kinh tế hay tái cấu trúc phải đặt trọng tâm vào việc cải thiện môi trường kinh doanh của cả nền kinh tế. Đối với Trung ương, đó là nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước, đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp (DN) nhà nước và đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm. Đối với TP, đó là tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng đô thị và môi trường.
TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cũng cho rằng: “Để đột phá thể chế mà lấy địa phương ra để đổi mới như thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước là không thể. Muốn đổi mới phải có những chính sách từ bên trên, dưới làm. Với các chính sách vĩ mô ban hành, nếu địa phương nào có điều kiện phù hợp sẽ thúc đẩy phát triển. Nói cách khác, chuyển dịch cơ cấu kinh tế là một chương trình tổng hợp nên rất cần lực đẩy từ chính sách vĩ mô, tự thân mỗi địa phương không thể làm được. TPHCM không thể cải cách được, nếu không thể thay đổi từ Trung ương”.
Liên quan đến 9 lĩnh vực dịch vụ và 4 ngành công nghiệp trọng điểm trong chương trình chuyển đổi, Th.S Cao Minh Nghĩa, Phó trưởng phòng Nghiên cứu phát triển, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho rằng bên cạnh việc chọn ngành theo thứ tự ưu tiên đã có, TPHCM cần tiếp tục điều chỉnh cơ cấu vốn đầu tư đồng thời mở rộng quyền cho các DN, hướng tới rút ngắn khoảng cách giữa các khu vực DN để tạo sân chơi bình đẳng hơn. Phải tập trung và đầu tư quyết liệt để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ mới có thể hỗ trợ, tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp mang lại hàm lượng giá trị gia tăng cao.
TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, nhìn nhận TPHCM hoàn toàn có thể là một trung tâm logistics (vận tải hàng hóa, cảng biển, dịch vụ hải quan, kho bãi và bảo quản hàng hóa, dịch vụ phân phối…) kết nối các vùng xung quanh. Muốn vậy, phải giải cho được các điểm nghẽn về hạ tầng giao thông.
Theo TS Trần Du Lịch, trong giai đoạn 2011-2015, TPHCM có 2 vấn đề cần phải làm, đó là nâng cao chất lượng tăng trưởng và xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng. Chỉ khi nào TP hoàn chỉnh được kết cấu hạ tầng mới có thể tạo đường băng để kinh tế TP cất cánh. Để thực hiện được, TPHCM một mặt phải triển khai mạnh phần việc trong thẩm quyền của mình và phải tiếp tục kiến nghị với trung ương về các chính sách tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp và lĩnh vực dịch vụ phát triển.
Thúy Hải
SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
|