Thứ Năm, 24/02/2011 06:39

Tái cấu trúc kinh tế TPHCM: Định hướng đúng, kiên trì cách làm

Tái cấu trúc kinh tế là đòi hỏi cấp bách của TPHCM trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Đây là việc phải làm để TPHCM tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước và thực sự là thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015, sớm hơn 5 năm so với các địa phương khác trong cả nước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện không hề đơn giản.

Phát triển đúng hướng

Định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP theo hướng nâng cao tỷ trọng những nhóm ngành công nghiệp, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao trong cơ cấu sản phẩm đã được TPHCM triển khai thực hiện từ 10 năm qua (2001 - 2010). Trong giai đoạn 2006 - 2010, TPHCM tiếp tục định hướng 4 nhóm ngành công nghiệp (gồm cơ khí; điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin; hóa chất - nhựa - cao su; chế biến tinh lương thực - thực phẩm) và 9 nhóm ngành dịch vụ (gồm tài chính - ngân hàng - tín dụng - bảo hiểm; thương mại; vận tải, dịch vụ cảng - kho bãi; bưu chính - viễn thông; công nghệ thông tin; kinh doanh tài sản, bất động sản; tư vấn, khoa học - công nghệ; du lịch; y tế, giáo dục và đào tạo)ï để thúc đẩy tốc độ phát triển tăng trưởng cao hơn so với mức tăng bình quân của các nhóm hàng hóa khác.

Theo nhận định của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, những năm qua, cơ cấu kinh tế trên địa bàn TPHCM đã chuyển dịch theo hướng tích cực, đúng hướng. Cơ cấu kinh tế chia theo thành phần kinh tế cũng chuyển biến theo hướng tăng dần tỷ trọng thành phần kinh tế tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài; giảm dần tỷ trọng thành phần kinh tế nhà nước. Bình quân giai đoạn 2001 - 2009, GDP trên địa bàn TPHCM có tốc độ tăng khá cao (11,01%/năm), cao hơn so với cả nước (7,31%/năm, tính theo giá so sánh 1994). Chương trình đã thực hiện di dời, tái bố trí 1.261 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường (đạt 89,94% kế hoạch) ra các khu công nghiệp và vùng phụ cận, đồng thời hoàn thành quy hoạch tổng thể tài nguyên nước TP đến năm 2015.

Trong 4 nhóm ngành công nghiệp, tỷ trọng đã nâng lên từ 45% lên gần 60% tổng giá trị sản phẩm công nghiệp toàn TP. Bất chấp suy giảm kinh tế giai đoạn 2008 - 2009, dịch vụ thương mại vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng rất cao, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế của TPHCM với 54,8% năm 2009, năm 2010 tiếp tục tăng lên 55,2%. Điều này cho thấy chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung và cơ cấu các ngành dịch vụ, công nghiệp tiếp tục theo đúng định hướng gồm dịch vụ - công nghiệp và xây dựng - nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản.

Cần tạo bước đột phá

Bên cạnh những mặt tích cực, sự chuyển dịch cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế diễn ra chậm, tỷ trọng các ngành dịch vụ và công nghiệp có giá trị gia tăng cao còn thấp, hiệu quả đầu tư thấp biểu hiện qua chỉ số ICOR cao. Mặt khác, các thành phần kinh tế phát triển chưa đồng bộ, khả năng cạnh tranh của các DN, nhất là DN nhỏ và vừa còn yếu. Điều này chứng tỏ nền kinh tế TP vẫn phát triển chủ yếu theo chiều rộng, chưa phát triển mạnh theo chiều sâu, chất lượng tăng trưởng chưa cao.

Biểu hiện rõ nhất là GDP của các ngành dịch vụ cao cấp trong những năm qua vẫn chiếm tỷ trọng thấp. Trừ ngành tài chính và tín dụng đã tăng nhanh tỷ trọng (từ 3,18% năm 2000 lên 12,01% năm 2009), những ngành khác đều tăng chậm, thậm chí giảm tỷ trọng. Điển hình là ngành khoa học và công nghệ chiếm tỷ trọng rất nhỏ và giảm từ 0,31% năm 2000 xuống còn 0,23% năm 2009; ngành kinh doanh tài sản và tư vấn giảm từ 8,66% năm 2000 còn 5,95% năm 2009.

Trong lĩnh vực công nghiệp, giá trị sản xuất các ngành công nghiệp thâm dụng lao động (may mặc, da giày) chiếm tỷ trọng cao; sản phẩm có giá trị gia tăng và tỷ lệ nội địa hóa thấp. Điển hình là ngành may mặc mới chỉ chiếm tỷ trọng 7,13% (năm 2009) tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP. Giá trị sản xuất các ngành công nghiệp công nghệ kỹ thuật cao, sản phẩm có giá trị gia tăng cao (điện tử, công nghệ thông tin) chiếm tỷ trọng thấp, như ngành sản xuất radio, tivi, thiết bị truyền thông chỉ chiếm 4,07% (năm 2009).

Ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển đã làm giảm khả năng cạnh tranh của các sản phẩm và hiệu quả sản xuất - kinh doanh của các DN. Một hạn chế khác là trình độ công nghệ của hầu hết các DN trong nước đạt mức trung bình, công tác đổi mới công nghệ và ứng dụng công nghệ cao còn chậm, dẫn đến năng suất lao động của các ngành công nghiệp thấp.

Nói như TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, 10 năm qua TPHCM đã thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu để tạo giá trị gia tăng cao, nhưng thực chất các ngành công nghiệp vẫn rơi vào vòng luẩn quẩn. Công nghiệp điện tử, viễn thông chưa thực sự phát triển. Tỷ trọng các DN sản xuất sản phẩm cơ khí chính xác, các máy công cụ chuyên dùng, các loại trang thiết bị điện tử sử dụng công nghệ, thiết bị kỹ thuật cao chưa nhiều. Hoạt động nghiên cứu và phát triển tại các DN chưa thực sự được đầu tư đúng mức. Các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may đã có chuyển dịch dần ra các tỉnh nhưng vẫn chưa phát triển theo chiều sâu, như khâu thiết kế tạo mẫu, xây dựng thương hiệu thời trang.

Theo TS Trần Du Lịch, có 3 lý do khiến chương trình chuyển dịch kinh tế của TPHCM bị chậm.

Thứ nhất, để kinh tế chuyển dịch phải tùy thuộc rất lớn vào sách kinh tế vĩ mô như thuế, tín dụng, ngoại hối. Chính sách điều chỉnh sẽ tác động và thúc đẩy đến DN. Nói cách khác, nhà nước tác động thông qua chính sách; chính sách tác động đến thị trường và thị trường tác động đến DN. Doanh nghiệp luôn đi theo hướng là mang lại lợi nhuận cao nhất. Trên thực tế chính sách kinh tế vĩ mô chưa hiệu quả.

Hai, về chủ quan chuyển dịch cơ cấu kinh tế đô thị, nó tùy thuộc vào quy hoạch phát triển đô thị. Nếu làm tốt hạ tầng, kết cấu giao thông tốt thì hệ thống cảng sẽ phát triển nhanh, kéo theo sự phát triển các ngành kinh tế. Chúng ta định hướng đầu tư triển khai khu nông nghiệp kỹ thuật cao, khu công nghệ cao nhưng tiến độ thực hiện chậm, chủ yếu là do hạ tầng đô thị chưa phát triển đồng bộ.

Ba, nguồn nhân lực, TP đang hướng đến các ngành kỹ thuật cao nhưng nguồn nhân lực kỹ thuật cao lại bị thiếu và yếu. Sự kết hợp giữa TP với các đơn vị đào tạo để tạo nguồn lao động phù hợp chưa tốt. Cả 3 nguyên nhân này đã kéo lùi sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP trong giai đoạn qua.

Thúy Hải

Sài Gòn Giải phóng

Các tin tức khác

>   Mô hình PPP: Kinh nghiệm quốc tế (23/02/2011)

>   Đối tác Hàn Quốc xin đầu tư đường cao tốc (23/02/2011)

>   Phó chủ tịch Quốc hội: 'Vợ tôi cũng kêu ca về lạm phát' (23/02/2011)

>   Thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư Dự án Khu liên hợp thép Cà Ná (23/02/2011)

>   TS. Trần Du Lịch: Giảm tổng cầu, chống đầu cơ ngoại tệ để ổn định vĩ mô (23/02/2011)

>   TS Võ Trí Thành: "Kiểm soát lạm phát cần nhất quán và nhẫn nại" (23/02/2011)

>   CPI tháng 2 tăng gần 2,1%: “Chỉ ở mức trung bình” (23/02/2011)

>   ODA vay được là vay – Tư duy nguy hiểm! (23/02/2011)

>   Bộ Công thương: CPI tháng 2 tăng khoảng 2% (23/02/2011)

>   Tỉnh táo để thanh lọc và xử lý tin đồn (23/02/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật