Thứ Tư, 23/02/2011 11:11

ODA vay được là vay – Tư duy nguy hiểm!

Với mức cam kết xấp xỉ 10% GDP đạt được mỗi năm thông qua Hội nghị thường niên các nhà tài trợ, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (Official Development Assistance – ODA) đã và đang phát huy vai trò một trong những công cụ tài chính quan trọng, đóng góp tích cực vào công cuộc đối mới kinh tế tại Việt Nam thông qua các chương trình, dự án rất đa dạng (từ xoá đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng đến hỗ trợ xây dựng thể chế, đào tạo nguồn nhân lực...).

Tuy nhiên, từ cách đây khá lâu, xung quanh câu chuyện tiếp nhận, sử dụng vốn ODA ở Việt Nam, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều, rất nhiều cảnh báo được các chuyên gia tài chính - kinh tế lưu ý, kiến nghị, thế nhưng đến nay, vẫn còn không ít vấn đề trong số đó chưa được quan tâm đúng mức về việc tìm ra hướng khắc phục, thậm chí có cả những vấn đề đã và đang “rơi vào thinh không”.

“Nguồn lực” quan trọng

Để hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá vào năm 2020, Việt Nam đang tích cực huy động mọi nguồn lực đa dạng trong và ngoài nước, đặc biệt là nguồn lực tài chính, khoa học, công nghệ...

Xét riêng khía cạnh tài chính, cũng như các nước đang phát triển khác, ngoài nguồn lực có thể huy động tại chỗ (từ nguồn vốn tự tích luỹ, từ nguồn vay từ dân chúng thông qua phát hành trái phiếu chính phủ...), nguồn vay từ nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế, thì việc huy động nguồn vốn ODA được xem là một trong những chính sách ưu tiên của Chính phủ Việt Nam.

Hiện Việt Nam đã được  các nhà tài trợ mở các kênh vốn vay ưu đãi như vốn vay thông thường (OCR) của ADB, vốn vay của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển (IBRD) thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), vốn vay phát triển của Cộng hoà Liên bang Đức, Pháp, Nhật Bản…

Công tác thu hút và sử dụng ODA của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua được cộng đồng quốc tế đánh giá về cơ bản là có hiệu quả. Chỉ tính từ năm 1993 đến năm 2005, cộng đồng tài trợ quốc tế đã cam kết viện trợ cho Việt Nam 32,53 tỷ USD, trên thực tế đã ký kết 22,6 tỷ USD và đã giải ngân 15,9 tỷ USD.

Năm 2008, Việt Nam giải ngân được 2,253 tỷ USD vốn ODA và năm 2009 đạt con số kỷ lục là 4,1 tỷ USD (bao gồm cả các khoản giải ngân nhanh). Với con số này, nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Nhật Bản đánh giá cao mức độ giải ngân vốn ODA của Việt Nam trong năm 2009.

Đây cũng là lý do để các nhà tài trợ cam kết tài trợ ODA cho Việt Nam mấy năm nay luôn theo xu hướng năm sau cao hơn năm trước, và đặc biệt ấn tượng là năm 2010 đã có số vốn ODA cam kết lên tới hơn 8 tỷ USD. Năm 2010, dự kiến Việt Nam sẽ giải ngân khoảng 3,5 tỷ USD vốn ODA.

Ưu điểm của ODA là lãi suất thấp (dưới 20%, trung bình từ 0,25%năm); thời gian cho vay cũng như thời gian ân hạn dài (25 - 40 năm mới phải hoàn trả và thời gian ân hạn 8 - 10 năm); trong nguồn vốn ODA luôn có một phần viện trợ không hoàn lại, thấp nhất là 25% của tổng số vốn ODA.

Đừng xem nhẹ rủi ro tỷ giá!

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều phải đối mặt với vấn đề rủi ro tỷ giá các dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Tuy nhiên, ở Việt Nam, "bài toán" này có vẻ như "nan giải” hơn rất nhiều so với các quốc gia khác.

Chia sẻ với phóng viên Tài chính điện tử, TS. Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) phân tích khá rõ bản chất rủi ro tỷ giá dự án ODA ở Việt Nam.

Thông thường, các quốc gia cho Việt Nam vay ODA thường dùng đồng tiền của quốc gia mình, chẳng hạn Nhật Bản cho vay bằng đồng Yên, Châu Âu cho vay bằng đồng Euro. Thế nhưng khi hạch toán thì Việt Nam thường dùng đồng Đô la Mỹ (USD).

Tới kỳ trả nợ, nếu đồng Việt Nam mất giá so với đồng ngoại tệ thì Chính phủ Việt Nam sẽ phải bỏ ra một lượng tiền lớn hơn rất nhiều để trả khoản nợ đó.

Một rủi ro rất lớn khác là cả trong thực tế và trong lý thuyết, khi thanh toán đều thường phải quy ra USD (ví dụ xuất khẩu sang Nhật Bản thì phía Nhật Bản không thu bằng đồng Yên mà dòng tiền thực sự đều tính bằng USD, hoặc phía Châu Âu cũng không cho thanh toán bằng Euro), dẫn tới nảy sinh rủi ro chéo - rủi ro giữa đồng tiền thực tế vay mượn và đồng tiền quy ra để hạch toán nợ.

Chẳng hạn, đồng Yên lên giá so với USD, khi đó, quy mô nợ phải thanh toán không chỉ cộng thêm khoản “trội” do tăng tỷ giá giữa đồng Việt Nam với USD mà còn “cộng hưởng” thêm khoản “trội” do tăng tỷ giá giữa đồng Yên với USD. “Đơn cử như vừa qua, khi tỷ giá giữa Yên với USD tăng từ 85Yên/1USD lên 80 Yên/1USD, tự nhiên khối lượng nợ của Việt Nam lại tăng vọt”, TS Vũ Đình Ánh nêu dẫn chứng.

Liên quan đến “tỷ giá” thì còn một “câu chuyện” đáng lưu ý khác nữa là sự “vênh” nhau giữa tỷ giá hạch toán do Bộ Tài chính ban hành với tỷ giá kinh doanh của các ngân hàng thương mại, và tỷ giá kinh doanh của các ngân hàng thương mại lại cũng không khớp với thị trường tự do. Đến kỳ phải trả nợ, nếu lấy từ ngân sách ra để trả thì không có vấn đề gì vì sẽ hạch toán theo kiểu tỷ giá nội bộ. Nhưng nếu lấy từ nguồn ngân hàng thương mại hoặc phải mua “đô” trên thị trường tự do thì sẽ không thể hạch toán được.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, “muốn giảm thiểu rủi ro tỷ giá của các dự án ODA thì trước hết phải điều chỉnh lại kết cấu nợ. Khi vay nợ bao giờ cũng phải xác định, dự tính được nguồn ngoại tệ thu hồi trong tương lai sẽ được lấy từ đâu. Trong trường hợp kết cấu nguồn thu vênh với kết cấu nợ thì lại phải có chính sách để điều chỉnh tỷ giá hối đoái chéo giữa các đồng tiền nhằm giảm hệ luỵ của rủi ro của tỷ giá tác động đến quy mô trả nợ (nói nôm na là “gánh nặng nợ”)”.

Nhìn nhận một cách khách quan thì rủi ro tỷ giá hối đoái là rủi ro thường trực trong bất kể hoạt động tài chính quốc tế nào. Vấn đề cốt yếu ở chỗ có lường được rủi ro để giảm thiệt hại xuống mức thấp hay không mà thôi. Thậm chí, nếu biết tính toán tốt thì còn có thể biến rủi ro tỷ giá thành cơ hội “kiếm lời. Chẳng hạn như nếu dự đoán được vào thời điểm trả nợ trong tương lai, đồng tiền nào sẽ xuống giá, rồi vay bằng đồng tiền đó thì sẽ “dôi” thêm khoản chênh lệch tỷ giá.

“Quản lý nợ của một quốc gia có quy mô lớn, tính chất rất phức tạp, nhưng tư duy cần phải hoàn toàn theo tư duy thị trường tài chính”, TS. Vũ Đình Ánh nhấn mạnh. Về lý thuyết, trong điều hành tỷ giá hối đoái thì bao giờ cũng phải chú ý tới 2 “mảng” là thương mại, và đầu tư, và hai “mảng” này lại thường “ngược chiều” nhau (ví dụ phá giá đồng tiền thì theo sẽ kích thích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, đồng thời làm tăng quy mô nợ, cả nợ khu vực công và khu vực tư nhân đối với đồng ngoại tệ điều chỉnh tỷ giá). Ở các nước, khi điều chỉnh tỷ giá phải cân đối cả thương mại và đầu tư. Thế nhưng ở Việt Nam, điều chỉnh tỷ giá vẫn chủ yếu chỉ liên quan tới chuyện thương mại chứ không đề cập tới chuyện đầu tư và chuyện nợ.

Bàn thêm về vấn đề đơn vị nào chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề xử lý rủi ro tỷ giá các dự án ODA cho vay lại, TS. Vũ Đình Ánh chia sẻ thêm rằng hiện tại, các khoản vay ODA đang có sự tham gia của đa Bộ, ngành. Trong đó, đơn vị đứng ra ký vay vốn ODA là Ngân hàng Nhà nước; “người chia phần” vốn vay để thực hiện theo tiến độ là Bộ Kế hoạch & Đầu tư; còn “người” quản lý, giám sát trả nợ là Bộ Tài chính; và đơn vị “hưởng thụ” vốn vay là các Bộ chuyên ngành (ví dụ với các dự án liên quan tới giao thông thì đơn vị tiếp nhận vốn là Bộ Giao thông Vận tải). Nhiều “mối” thế song không thể quy ra ai là người chịu trách nhiệm chính. Hiện rất cần có 1 đầu mối quản lý thống nhất, có địa vị pháp lý đủ tầm và một thiết chế quản lý hữu hiệu cho vấn đề rủi ro tỷ giá các dự án ODA cho vay lại.

Vay được là vay – Tư duy nguy hiểm!

Trên thực tế, đã có những nước từ chối vay ODA vì xét thấy rủi ro lớn hoặc điều kiện quá chặt chẽ (ví dụ, vay của Nhật Bản thì phải sử dụng các nhà thầu của Nhật Bản, vật liệu xây dựng, thiết kế, tư vấn giám sát cũng phải của Nhật Bản). Điển hình như Hàn Quốc không nhận ODA, FDI mà lựa chọn mô hình đi vay - trả sòng phẳng theo cơ chế thị trường (không cần biết sẽ làm thế nào để trả nợ, miễn sao trả được nợ).

Trong khi đó, ở Việt Nam, một số chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo về tư duy “cứ vay được là vay, bất cần tính toán”. Nhìn vào hiện trạng nợ vay nước ngoài nói chung, nếu so với các quốc gia khác trên thế giới, tỷ lệ nợ vay của Việt Nam thấp hơn song lại kém an toàn hơn. Cụ thể, tỷ lệ vay nợ nước ngoài của Việt Nam hiện chỉ chiếm 40% GDP, trong khi Nhật Bản đang có tỷ lệ khoảng 120 – 130%GDP, nhưng khoản nợ của Việt Nam vẫn bị đánh giá là “xấu” hơn so với khoản nợ của Nhật Bản (Nhật Bản vay nợ nước ngoài trong bối cảnh dân Nhật không chịu chi tiêu, thế nên Chính phủ đứng ra vay để huy động vốn rồi chi tiêu hộ. Khoản nợ này được dành để duy trì nền kinh tế và sự vận động của dòng tài chính. Còn Việt Nam vay để dành một phần bù đắp thâm hụt ngân sách).

Quay lại với “câu chuyện” ODA Việt Nam, các chuyên gia khẳng định hiện rất khó biết chính xác khoản nợ của Việt Nam là bao nhiêu, lộ trình trả nợ như thế nào. Cần lưu ý rằng song hành với ưu điểm đã kể ở phần đầu của bài viết, ODA cũng đi kèm với không ít bất lợi. Cụ thể, các nước giàu khi viện trợ ODA đều gắn với những lợi ích và chiến lược như mở rộng thị trường, mở rộng hợp tác có lợi cho họ, đảm bảo mục tiêu về an ninh - quốc phòng hoặc theo đuổi mục tiêu chính trị... Vì vậy, họ đều có chính sách riêng hướng vào một số lĩnh vực mà họ quan tâm hay họ có lợi thế (những mục tiêu ưu tiên này thay đổi cùng với tình hình phát triển kinh tế - chính trị - xã hội trong nước, khu vực và trên thế giới).

Ví dụ, về kinh tế, nước tiếp nhận ODA phải chấp nhận dỡ bỏ dần hàng rào thuế quan bảo hộ các ngành công nghiệp non trẻ và bảng thuế xuất nhập khẩu hàng hoá của nước tài trợ. Nước tiếp nhận ODA cũng được yêu cầu từng bước mở cửa thị trường bảo hộ cho những danh mục hàng hoá mới của nước tài trợ; yêu cầu có những ưu đãi đối với các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài như cho phép họ đầu tư vào những lĩnh vực hạn chế, có khả năng sinh lời cao

Nguồn vốn ODA từ các nước giàu cung cấp cho các nước nghèo cũng thường gắn với việc mua các sản phẩm từ các nước này mà không hoàn toàn phù hợp, thậm chí là không cần thiết đối với các nước nghèo. Ví như các dự án ODA trong lĩnh vực đào tạo, lập dự án và tư vấn kỹ thuật, phần trả cho các chuyên gia nước ngoài thường chiếm đến hơn 90% (bên nước tài trợ ODA thường yêu cầu trả lương cho các chuyên gia, cố vấn dự án của họ quá cao so với chi phí thực tế cần thuê chuyên gia như vậy trên thị trường lao động thế giới).

Nguồn vốn viện trợ ODA còn được gắn với các điều khoản mậu dịch đặc biệt nhập khẩu tối đa các sản phẩm của họ. Cụ thể là nước cấp ODA buộc nước tiếp nhận ODA phải chấp nhận một khoản ODA là hàng hoá, dịch vụ do họ sản xuất.

Nước tiếp nhận ODA tuy có toàn quyền quản lý sử dụng ODA nhưng thông thường, các danh mục dự án ODA cũng phải có sự thoả thuận, đồng ý của nước viện trợ, dù không trực tiếp điều hành dự án nhưng họ có thể tham gia gián tiếp dưới hình thức nhà thầu hoặc hỗ trợ chuyên gia.

Ngoài ra, tình trạng thất thoát, lãng phí; xây dựng chiến lược, quy hoạch thu hút và sử dụng vốn ODA vào các lĩnh vực chưa hợp lý; trình độ quản lý thấp, thiếu kinh nghiệm trong quá trình tiếp nhận cũng như xử lý, điều hành dự án… khiến cho hiệu quả và chất lượng các công trình đầu tư bằng nguồn vốn này còn thấp... có thể đẩy nước tiếp nhận ODA vào tình trạng nợ nần.

Ngọc Mai

EFinance

Các tin tức khác

>   Bộ Công thương: CPI tháng 2 tăng khoảng 2% (23/02/2011)

>   Tỉnh táo để thanh lọc và xử lý tin đồn (23/02/2011)

>   Bà Phạm Chi Lan: "Cần cải thiện chính sách tài khóa" (23/02/2011)

>   Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Thắt chặt tài khóa, giảm chi tiêu công..." (22/02/2011)

>   TPHCM thống nhất với quy hoạch cảng hàng không Long Thành (22/02/2011)

>   Bộ Tài chính nói gì về tăng giá điện, xăng, tỷ giá (22/02/2011)

>   Tự cứu trước “bão giá” (22/02/2011)

>   Đầu tư công: Hiện tượng “sao chổi” (22/02/2011)

>   TP.HCM: Dự báo CPI tháng 3 tiếp tục tăng cao (22/02/2011)

>   Bốn góc nhìn và đề xuất của chuyên gia (22/02/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật