Đầu tư công: Hiện tượng “sao chổi”
Mấy năm gần đây, với hàng nghìn công trình trên cả nước, tổng vốn đầu tư ban đầu là 226.000 tỷ đồng, nhưng đến nay theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, đã lên đến 556.000 tỷ đồng. Đó là nhận định của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội khi đề cập vấn đề giảm tỷ trọng đầu tư công trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2011.
Ông Chủ nhiệm Ủy ban đã ví von đầu tư công ở nước ta giống như “ngôi sao chổi”, đầu nhỏ nhưng đuôi của nó không biết bao giờ sẽ chấm dứt. Trong vòng 3 năm qua, nguồn vốn huy động thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ tăng mạnh, từ mức chỉ chiếm 1,3% tổng vốn đầu tư xã hội của năm 2007 đã tăng lên 6,5% vào năm 2009 và lên tới 8,5% năm 2010.
Theo ông Chủ nhiệm, phát hành trái phiếu Chính phủ là rất cần thiết và cấp bách. Nếu không có vốn này thì sẽ khó giải quyết được những vấn đề theo Nghị quyết của Đảng, coi đầu tư cơ sở hạ tầng là một cú đột phá. Tuy vậy, điều mà ông Chủ nhiệm băn khoăn là sự “phình to” quá mức của trái phiếu dường như không có điểm dừng. Hiện tượng “sao chổi” trong đầu tư công đáng lo ngại là tình trạng “té nước theo mưa”.
Tất nhiên có thể cho phép điều chỉnh về tổng mức đầu tư vốn trái phiếu, song không thể điều chỉnh đến mức làm cho tổng mức đầu tư tăng quá cao so với khả năng cân đối của ngân sách. Chẳng hạn như việc điều chỉnh dự án vì tăng giá có thể cho phép tăng giá khoảng 46-50%, cùng lắm thì tăng tới 100%. Nhưng thực tế, có những dự án điều chỉnh tăng lên đến trên 2-3 lần, thậm chí 4-5 lần.
Qua giám sát của Ủy ban Tài chính ngân sách, ở một số địa phương xảy ra tình trạng, một tuyến đường đáng lẽ chỉ cần mở rộng 9m, nhưng dựa vào nguồn vốn trái phiếu nên tuyến đường được nâng cấp, mở rộng quy mô. Không ít công trình, nguồn trái phiếu Chính phủ chỉ đối ứng 20%, còn 80% là ngân sách địa phương.
Khi địa phương trình lên thì quy mô vốn của dự án, công trình thay đổi đến mức không ngờ. Công trình vốn 1.000 tỷ đồng được nâng lên tới 3.000 tỷ đồng và toàn bộ gánh nặng này trút lên trái phiếu. Thử hỏi nguồn vốn ngân sách lấy đâu ra để thỏa mãn toàn bộ “cơn khát” vốn đó?
Nếu như không đủ khả năng (điều này là chắc chắn) thì cả nước ta sẽ biến thành một “đại công trường”, nhưng là những công trình, dự án dở dang. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã cảnh báo rằng, nếu cứ với cách làm này thì nền kinh tế sẽ không chịu đựng nổi. Bản chất của trái phiếu Chính phủ cũng như vốn cân đối từ ngân sách là cấp phát, tức là mang tính chất bao cấp, không thu lại được.
Hiện nay các đơn vị, các địa phương lập ra dự án, đặt ra “bài toán” cho Trung ương phải bố trí vốn, trong đó có vốn trái phiếu Chính phủ. Ông Phó Chủ nhiệm đề nghị, nếu không thay đổi tư duy, cách làm trong đầu tư công, trong đó có đầu tư từ trái phiếu thì nền kinh tế chắc chắn sẽ oằn vai. Đầu tư công hầu như là cấp phát, “cho không” mà không có cách định chế tài chính đứng ra để đánh giá hiệu quả sử dụng vốn, thu hút nguồn vốn và cho vay lại thì đầu tư công không biết đi đến đâu.
Hiện tượng “sao chổi” trong vũ trụ được người ta đón chờ háo hức bởi vẻ đẹp kỳ vĩ của nó. Còn “sao chổi” trong đầu tư công ở Việt Nam, chẳng có gì đáng chiêm ngưỡng cả, ngược lại chỉ là “điềm báo” không lấy gì là tốt lành cho nền kinh tế.
Đan Thanh
An Ninh Thủ đô
|