UB Giám sát Tài chính Quốc gia: Bức tranh kinh tế không “tối” như mọi người nghĩ
Tại cuộc đọa đàm “Tình hình kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ năm 2011” do Hiệp hội hàng tiêu dùng tổ chức ngày 25/2, các chuyên gia tài chính của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã đưa ra những thông điệp về bức tranh được cho là “không đến nỗi” như nhiều người nghĩ.
Cán cân thanh toán ngoại tệ luôn thặng dư
Tại buổi tọa đàm, ông Lê Đức Thúy khẳng định: “Những biện pháp về ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát của Chính phủ được đưa ra đã có một nền tảng kinh tế vĩ mô tốt hơn các đánh giá được đưa ra trước đó.”
Ông Thúy dẫn chứng, năm 2009, bội chi ngân sách là 9% GDP và đến năm 2010 con số ày chỉ còn là 6% GDP, trong khi đó các khoản chi tiêu ngân sách vẫn không bị cắt giảm quá mức.
Chúng ta nói rằng, VND mất giá, ngoại tệ liên tục lên giá do cung không đáp ứng đủ cầu. Tuy nhiên, theo số liệu mà Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cung cấp thì trong vòng 5 năm qua, cán cân thanh toán ngoại tệ của Việt Nam cơ bản vẫn luôn thặng dư. Song chúng ta lại đưa ra những con số mà theo tính toán tổng thể lâu nay của chúng ta thì cán cân thanh toán lại thâm hụt, nguyên nhân vẫn được xác định là do nhập siêu.
Ông Thúy thừa nhận, đúng là nhập siêu có tăng lên qua các năm, còn thâm hụt tài khoản cán cân vãng lai thì giảm dần - từ năm 2008 thâm hụt 9 tỷ USD, đến năm 2010 xuống còn 5,8 tỷ USD.
Theo ông Thúy, nếu nhìn nhận thâm hụt vãng lai như một chỉ số đáng quan ngại về sự lành mạnh của cán cân thanh toán thì mức thâm hụt đó lên đến khoảng trên 10% GDP mới đáng lo ngại. Nhưng năm 2010, mức thâm hụt này ở Việt Nam vào khoảng 5% GDP, xét về cả tuyệt đối lẫn tương đối là tương đối lành mạnh. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là việc tính toán dòng tiền vào không chỉ bù đắp được thâm hụt vãng lai đó mà nó còn thặng dư, hay nói một cách khác là số tiền ngoại tệ đang tồn tại ở Việt Nam còn nhiều hơn cả số tiền ngoại tệ “chạy” ra ngoài.
Ông Thúy cho biết thêm, tình hình xuất khẩu đã phục hồi ấn tượng và tốc độ xuất khẩu năm 2010 là 26%, trong khi nhập khẩu xuống chỉ còn 18%. Theo Nghị quyết của Chính phủ thì cùng với việc đẩy mạnh xuất khẩu Việt Nam sẽ dần đưa mức nhập siêu xuống mức dưới 16%, điều này hoàn toàn có thể làm được, ông Thúy khẳng định.
Về vấn đề dự trữ ngoại hối, mặc dù không công bố con số cụ thể nhưng theo ước tính hiện nay dự trữ ngoại hối của Việt Nam vẫn còn khoảng một nửa so với năm 2007. Mặc dù có kém hơn so với trước đó, nhưng khi cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực diễn ra năm 1997 thì dự trữ ngoại hối của nước ta chưa được 1 tỷ USD.
Mặc dù vậy, ông Thúy cũng không tránh khỏi băn khoăn, giới đầu tư, dân chúng đặc biệt là nước ngoài nhìn nhận tình hình Việt Nam quá bi quan, họ đánh giá tiêu cực hơn mức thực tế. Chính vì vậy, lãi suất cho vay bằng đồng USD của Việt Nam hiện khoảng 8%, huy động là 5%, trong khi lãi suất đồng đô trên thị trường Libor (lãi suất chuẩn cho hầu hết các thị trường liên ngân hàng trên thế giới) cũng chỉ có hơn 1%, chênh lệch rất lơn nhưng vốn ngoại lại không đổ vào Việt Nam, vì họ chưa tin tưởng vào thị trường của chúng ta.
Tuy nhiên, theo ông Thúy, "họ cũng có cái nhìn chưa đúng." Mặc dù Việt Nam còn phải nỗ lực rất nhiều để cơ cấu lại nền kinh tế, gia cố lại nền tảng cần thiết cho sự phát triển bền vững và đó là công việc làm hết sức tốn kém cả về trí tuệ, tiền của, thời gian, nhưng ít nhất những nỗ lực cho đến nay của Việt Nam cũng đã tạo ra thế và lực mới.
CPI sẽ dưới 10%
Cũng tại buổi tọa đàm, TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ nghiệm Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, theo dự kiến của Ủy ban Giám sát CPI năm nay sẽ dưới 10% chứ không lên cao như năm ngoái.
Ông Nghĩa lý giải: Theo tính toán, đợt điều chỉnh tỷ giá vừa qua đã làm cho CPI cả năm tăng thêm khoảng 1,1%, xăng tăng thêm 0,54%, giá điện tăng 0,71%. Như vậy cộng lại CPI có thể tăng thêm 2,5%.
Một yếu tố khác là giá lương thực thực phẩm đã tăng 6 tháng liên tục ở mức rất cao. Giá lương thực thực phẩm tăng vừa có tính mùa vụ, vừa có tính chu kỳ 4 năm của hiện tượng El Nino làm cả thế giới bị thảm họa thiên tai dẫn đến làm tăng giá lương thực thực phẩm. Dự kiến từ tháng 3 giá lương thực thực phẩm sẽ giảm mạnh và hiện một số mặt hàng đang giảm. Dự đoán cả năm giá lương thực thực phẩm sẽ giảm hoặc tốc độ tăng nhỏ giúp CPI giảm từ 2,5%-3%, như vậy sẽ bù được vào sức tăng của điện, xăng dầu và tỷ giá.
Lạm phát năm nay phụ thuộc nhiều vào cung tiền. Chính phủ quyết tâm hạ tổng phương tiện thanh toán năm 2010 từ 28% xuống 20% năm 2011, tín dụng cũng đưa từ 30% năm 2010 xuống 20% năm nay, như vậy giảm tổng cầu một cách mạnh mẽ, điều này có thể làm giảm lạm phát.
“Cộng 3 yếu tố tăng giá đầu vào, giảm giá nông sản, giảm cung tiền, nên chúng tôi dự đoán lạm phát năm nay chỉ ở khoảng 9%,” ông Nghĩa nhấn mạnh.
Lãi suất sẽ giảm vào cuối năm
Cả ông Thúy và ông Nghĩa đều khẳng định, lãi suất sẽ giảm vào cuối năm nay.
Theo ông Nghĩa, Chính phủ rút kinh nghiệm điều hành chính sách tiền tệ năm ngoái, đầu năm thì thắt chặt, quý II và III lại nới lỏng, đến quý IV lại thắt chặt. Mà chống lạm phát không kiên trì là không được vì lạm phát có tính tâm lý, muốn đè bẹp được tâm lý thì chính sách phải kiên trì, kiên quyết, tạo lập lại lòng tin của nhân dân.
“Năm nay Chính phủ sẽ phải kiên trì đến cuối năm với chính sách thắt chặt, như vậy từ quý 3 trở đi lạm phát có thể giảm, đây là cơ hội để giảm lãi suất,” ông Nghĩa nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, lãi suất cũng có cơ hội khác để giảm. Đó là, năm nay Chính phủ sẽ giảm mạnh đầu tư công. Năm 2010 chúng ta phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu kho bạc, trái phiếu của Ngân hàng Phát triển lên đến hơn 100.000 tỷ đồng, năm nay con số đó chỉ vào khoảng một nửa. Năm nay Chính phủ cũng dự kiến sẽ chuyển mạnh vốn từ khu vực công sang khu vực tư khiến vốn trên thị trường ở khu vực tư có thể dồi dào hơn vào những quý cuối cùng của năm nay.
"Một yếu tố khác nữa là năm ngoái chúng ta dùng nhiều tiền vào công trình và dùng đảo nợ từ gói kích thích kinh tế lớn nên năm nay có cơ hội giảm lãi suất. Nếu năm nay chưa giảm thì năm sau có thể giảm mạnh hơn nếu chúng ta kiên trì chống lạm phát," ông Nghĩa nói.
Tại cuộc tọa đàm, một số doanh nghiệp cũng băn khoăn, với tình hình đang diễn ra như hiện nay các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn cả đầu vào lẫn đầu ra. Các chuyên gia lưu ý doanh nghiệp, với tình hình hiện nay, các doanh nghiệp cần điều chỉnh giảm sản xuất xuống để duy trì thấp nhất chi phí khấu hao, lúc này không nên mở rộng sản xuất, tăng quy mô. Doanh nghiệp nên lấy điểm hòa vốn làm trọng tâm để điều chỉnh.
Đây là phản ứng bình thường của thị trường vì bất cứ ai tham gia vào sản xuất kinh doanh thì không thể nói giá xăng dầu tăng thì lạm phát tăng lên. Các chuyên gia đưa ra ví dụ, trên thế giới, giá xăng dầu tăng thoải mái mà không lạm phát vì Ngân hàng Trung ương giảm tiền xuống và trông lạm phát để điều hành tiền tệ.
Các chuyên gia nhấn mạnh, về những giải pháp thực hiện có thể là sẽ rất khác nhau nhưng nếu điều hành một cách linh hoạt và khôn khéo thì với những quyết sách mà Chính phủ đã ban hành, cùng với những nền tảng vĩ mô mà chúng ta đang và sẽ có thì chúng ta có thể đưa tình hình vĩ mô trở lại ổn định trong ngắn hạn. Từ đó, có những chính sách và cơ chế đầu tư thích hợp hơn cho những bước phát triển xa hơn./.
Minh Thúy
Vietnam +
|