Bàn về lời giải cho bài toán lạm phát 2011
Để kiềm chế lạm phát, cần cắt giảm mạnh đầu tư để hạ nhiệt nền kinh tế, kéo giảm lãi suất ngân hàng. Trên cơ sở đó, thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt làm giảm lạm phát từ đó bình ổn tỷ giá.
Nghị quyết của Chính phủ về việc thực hiện những giải pháp tập trung kiềm chế lạm pháp, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội trong năm 2011 với mục tiêu chính là tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát đã khá rõ ràng và dứt khoát.
Có thể nhận thấy đây là một quyết tâm rất lớn của Chính phủ và toàn thể xã hội trong mục tiêu kìm giữ lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô thông qua các giải pháp đồng bộ. Lạm phát cao có tác hại rất lớn vì sẽ làm xoá bỏ những thành tựu kinh tế và làm bất ổn xã hội. Lãi suất cao làm giảm hoạt động kinh tế sản xuất dịch vụ dẫn đến giảm tăng trưởng.
Do đó, rất cần thiết phải nhanh chóng giảm lạm phát và kéo giảm lãi suất cao thông qua việc cắt giảm mạnh tổng tín dụng đầu tư của cả khối nhà nước và tư nhân.
Để các chủ trương và chính sách kiềm chế lạm phát đem lại hiệu quả tốt nhất thì việc thắt chặt tài chính phải thực hiện hết sức quyết liệt, đồng bộ nhịp nhàng và nhất quán trong toàn bộ nền kinh tế. Về thứ tự thực hiện các giải pháp, cần ưu tiên cắt giảm mạnh đầu tư để hạ nhiệt nền kinh tế, kéo giảm lãi suất ngân hàng. Trên cơ sở đó, thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt làm giảm lạm phát từ đó bình ổn tỷ giá.
|
Nhu cầu vốn từ DN vẫn rất lớn, cung không đủ cầu. |
Khó giảm lãi suất nếu nhu cầu vốn vẫn cao
Chính phủ và các tỉnh phải nghiêm túc thực hiện chính sách tài khoá thắt chặt bao gồm giảm 10% chi tiêu công, giảm bội chi ngân sách dưới 5%, cắt giảm các dự án đầu tư công sẽ làm giảm đáng kể nhu cầu tín dụng. Kiên quyết thực hiện chính sách thắt chặt tài chính - tín dụng - đầu tư sẽ cho phép giảm nhu cầu vốn đầu tư khối nhà nước và tư nhân. Từ đó sẽ cho phép kéo giảm lãi suất ngân hàng và trái phiếu chính phủ.
Trong thực tế, mặc dù lãi suất lên rất cao nhưng nhu cầu vốn từ DN vẫn rất lớn, cung không đủ cầu, do đó rất khó kéo giảm lãi suất nếu nhu cầu vốn vẫn còn quá cao như hiện nay.
Cắt giảm mạnh mẽ đầu tư thông qua trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp. Chỉ cấp vốn cho các dự án đang triển khai dở dang hay thật cấp bách, ngừng đầu tư các dự án mới hay mở rộng dự án. Đầu tư thông qua trái phiếu sẽ đem lại cạnh tranh lãi suất rất cao cho hệ thống tài chính tín dụng do lãi suất trái phiếu thường phải cao hơn lãi suất ngân hàng.
Hơn nữa, lượng trái phiếu lớn có khả năng làm tăng lạm phát khi các NHTM thế chấp trái phiếu để rút vốn ra kinh doanh, gây khó khăn cho mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng và giảm tổng phương tiện thanh toán.
Giảm bội chi USD
Ổn định tỷ giá VND/USD thông qua cắt giảm nhu cầu USD cho các hoạt động đầu tư và tiêu dùng của toàn xã hội. Khi ổn định được tỷ giá và hết nhập siêu, thì giá cả hàng hoá nhập khẩu sẽ ổn định và không gây ra lạm phát. Nếu tiếp tục giữ mức bội chi USD cao như hiện nay sẽ gây áp lực thường trực lên tỷ giá VND/USD và tiếp tục làm mất giá VND như hiện nay.
Các biện pháp giảm bội chi USD gồm: giảm mạnh nhập siêu, hỗ trợ hoạt động kiều hối và nhanh chóng giải ngân các dự án ODA, FDI.
Phải giảm tổng mức đầu tư xã hội xuống còn 30-35% GDP (tương đương 200.000 tỷ VND) trên cơ sở cắt giảm tối đa các dự án đầu tư công có hệ số sử dụng vốn ICOR cao. Dành nguồn vốn đầu tư cho các lĩnh vực có hệ số tăng trưởng cao như tín dụng xuất khẩu, tín dụng nông nghiệp, tín dụng sản xuất và cấp thêm vốn cho các quỹ bình ổn giá cả.
Thông qua cắt giảm tổng mức đầu tư khoảng 200.000 tỷ VND sẽ làm giảm bội chi ngoại hối 4 tỷ USD tương ứng với nhập siêu chỉ còn 8-10 tỷ USD (tương đương 10% kim ngạch xuất khẩu). Số ngoại tệ USD tiết kiệm được cần đưa vào Quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia (tương đương khoảng 20-25% GDP bao gồm ngoại tệ và vàng). Trên cơ sở dự trữ đó, giá trị VND và tỷ giá VND/USD sẽ được ổn định vững chắc.
Tổng cung tiền tệ giảm chủ yếu thông qua tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ làm giảm cung tiền theo hệ số nhân tiền tệ tương ứng. NHNN bắt buộc phải nắm chính xác tỷ lệ dự trữ hiện tại của các NHTM và đưa ra mức dự trữ cần thiết. Tăng trưởng tín dụng dưới 20% và giữ mức tăng phương tiện thanh toán dưới 15% để giảm sức ép lạm phát. Tuỳ theo tình hình thanh khoản của các ngân hàng có thể cho phép giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc làm tăng lượng tiền lưu thông. Sau khi đã giảm hết các khoản dự trữ mới cho phép tăng phương tiện thanh toán lên trên 15%. Phải đảm bảo còn dự trữ tăng trưởng phương tiện thanh toán trong trường hợp NHNN phải mua vào trái phiếu mà không gây lạm phát.
Thông qua giảm cắt giảm đầu tư và bội chi ngân sách xuống dưới 5% sẽ góp phần kéo giảm lạm phát xuống 1-2%. Việt Nam hiện đang nhập siêu khá lớn, lên đến 18% kim ngạch xuất khẩu, vì vậy sẽ bị ảnh hưởng nặng nề khi giá cả thế giới tăng cao. Giảm nhập siêu xuống 8-10 tỷ USD sẽ làm giảm lạm phát thêm 1-2% nữa. Theo tính toán trên, với mức kéo giảm lạm phát (là mức tăng giá chung) xuống 2-4% thì chỉ số CPI trong năm 2011 sẽ vào khoảng 8-10%, từ mức 12% của năm 2010.
|
Triển khai mạnh hoạt động bình ổn giá trên phạm vi cả nước sẽ làm giảm đáng kể chỉ số giá tiêu dùng CPI và lạm phát. |
Hỗ trợ các mặt hàng cần bình ổn giá
Để làm giảm tác động của lạm phát và lãi suất cao lên nền kinh tế, cần thực hiện các biện pháp quản lý hành chính giá cả, kiểm soát chặt chẽ ngoại hối và tăng cường các hoạt động kinh tế:
Triển khai hỗ trợ tín dụng sản xuất cho các mặt hàng chiến lược cần bình ổn giá cả. Thông qua việc cung cấp tín dụng hỗ trợ sản xuất và hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp kinh doanh các hàng hoá thiết yếu này sẽ làm tăng cung tổng hàng hoá, giữ cho chỉ số giá cả các hàng hoá CPI ổn định và làm giảm lạm phát.
Các chương trình tín dụng phục vụ xuất khẩu và phát triển nông nghiệp được tăng cường sẽ đem lại hiệu quả cao làm gia tăng sản phẩm nông nghiệp và tăng cường xuất khẩu đem lại USD làm giảm nhập siêu. Tỷ trọng giá trị USD trong các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chỉ vào khoảng 20-30% so với tỷ trọng 40-60% giá trị của các sản phẩm xuất khẩu khác, sẽ đem lại hiệu quả xuất khẩu cao và làm giảm nhu cầu USD.
Thực hiện mở rộng các chương trình bình ổn giá cả làm giảm chỉ số hàng tiêu dùng. Hiệu quả của các chương trình bình ổn giá cả đã được chứng minh trong năm 2010. Chương trình bình ổn tại TP.HCM và Hà Nội làm chỉ số CPI tăng thấp so với các nơi khác.
Do đó triển khai mạnh hoạt động bình ổn giá trên phạm vi cả nước sẽ đem lại hiệu quả cao hơn nữa, góp phần làm giảm đáng kể chỉ số giá tiêu dùng CPI và lạm phát. Nguồn tài chính cho các chương trình tín dụng xuất khẩu, tín dụng nông nghiệp, tín dụng sản xuất và quỹ bình ổn giá sẽ lấy từ khoản 200.000 tỷ VND cắt giảm tín dụng đầu tư.
Các giải pháp tài chính thắt chặt phải thực hiện đồng bộ và kiên quyết nhất quán từ cấp chính phủ, địa phương và các doanh nghiệp. Trong đó, các công tác cắt giảm đầu tư, chi tiêu của chính phủ, chính sách tiền tệ của NHNN cần được thực hiện đồng bộ để đem lại hiệu quả tác động cao nhất. Tại các địa phương, công tác giải ngân cho các dự án ODA, FDI cần được đẩy mạnh để nhanh chóng đưa các nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế.
Doanh nghiệp, hiệp hội cần chú ý theo dõi diễn biến giá cả thế giới và dự báo giá cả của các tổ chức thông tin chuyên ngành để có giá cả xuất khẩu cao nhất.
Tạm hoãn cấp vốn đầu tư cho các dự án đầu tư ra nước ngoài, các dự án đầu tư mới của DNNN trừ khi tìm được nguồn vốn trái phiếu USD huy động từ các tổ chức tín dụng quốc tế.
Nhiệm vụ tăng giá điện, than, xăng dầu nên được thực hiện một cách linh hoạt và có phạm vi giãn cách lớn - khoảng 03 tháng - tránh gây áp lực cùng một lúc lên hệ thống kinh tế có thể gây mất ổn định vĩ mô. Trong thực tế, với giá năng lượng đầu vào rẻ như hiện nay thì việc tăng giá các mặt hàng này cũng thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên mức tăng giá cả nên vừa phải và chấp nhận được với nền kinh tế còn đang yếu như hiện nay.
Cơ hội sàng lọc doanh nghiệp yếu kém
Kinh tế Việt Nam sẽ trải qua một năm 2011 nhiều khó khăn với các doanh nghiệp khi các nguồn vốn và nhu cầu thị trường bị thu hẹp. Trong hoàn cảnh này, chỉ có các doanh nghiệp mạnh với hệ thống quản trị tốt, tài chính lành mạnh, có thị trường và khách hàng ổn định mới có thể tồn tại và phát triển. Từ đó sàng lọc ra được những doanh nghiệp thật sự tốt.
Đặc biệt đối với khối DNNN, sẽ bộc lộ rõ những yếu kém khuyết điểm mà trong điều kiện kinh tế bình thường sẽ khó thấy. Trên cơ sở đó, các biện pháp tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả của khối DNNN sẽ được đề ra một cách mạnh mẽ và toàn diện.
Hiệu quả tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt và cắt giảm đầu tư sẽ có kết quả rõ ràng nhất vào cuối quý III/2011. Từ đó có thể xem xét giảm dần lãi suất trong quý IV/2011 để có nguồn vốn cho hoạt động sản xuất dịch vụ sẽ tăng mạnh vào cuối năm 2011.
Những khó khăn và bất ổn trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay thực chất đã được tích luỹ từ nhiều năm qua, nhất là trong giai đoạn 2007-2010. Do đó chính phủ cần tập trung nỗ lực để giải quyết trong năm 2011 với lòng quyết tâm và kiên định cao nhất. Kinh nghiệm trong năm 2010 cho thấy, khi chính sách tài khoá tiền tệ được nới lỏng, thì cuối năm lạm phát và lãi suất đã tăng vọt lên. Phải chấp nhận hy sinh tăng trưởng trong ngắn hạn để điều chỉnh vĩ mô cho nền kinh tế: giảm lạm phát, lãi suất, tỷ giá, tăng dự trữ ngoại tệ và điều chỉnh giá cả năng lượng để giữ được ổn định an sinh xã hội.
Với tất cả những khó khăn khách quan của kinh tế thế giới, khi USD có thể tăng giá và các nguồn vốn đầu tư bị rút về, những thách thức của nền kinh tế Việt Nam trong việc đảm bảo ổn định vĩ mô, giữ lạm phát thấp một con số và kéo giảm lãi suất thì tăng trưởng GDP 5-6% sẽ là một thành công trong công tác điều hành kinh tế năm 2011.
Nguyễn Anh Tiến
DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM
|