Thứ Bảy, 26/02/2011 11:37

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT: Cắt giảm đầu tư công, loại bỏ dự án kém hiệu quả

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc

Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, các địa phương triển khai việc cắt giảm đầu tư công, rà soát và loại bỏ các dự án kém hiệu quả năm 2011.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc để tìm hiểu về vấn đề này.

- Thưa Bộ Trưởng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc kiểm tra và thực hiện không ứng vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu năm 2012 cho các dự án kém hiệu quả, cũng như rà soát các dự án kém hiệu quả của năm 2011, công việc này sẽ được triển khai như thế nào?

Bộ Trưởng Võ Hồng Phúc: Ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ và sau cuộc giao ban trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các địa phương, các ngành, thì ngay chiều 24/2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức họp để triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Bộ sẽ tổ chức khoảng 10 đoàn đi kiểm tra, trong đó 8 đoàn đi kiểm tra các địa phương và 2 đoàn đi kiểm tra các doanh nghiệp Nhà nước. Bên cạnh đó, các vụ theo dõi bộ chuyên ngành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ đi kiểm tra các bộ chuyên ngành. Sau khi có kết quả kiểm tra, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý.

Về phần đầu tư từ ngân sách và đầu tư từ trái phiếu Chính phủ, tổng đầu tư ngân sách trong năm nay của chúng ta vào khoảng 152.000 tỷ đồng và trái phiếu Chính phủ là 45.000 tỷ. Tổng cộng hai nguồn này 197.000 tỷ đồng. Vấn đề lớn nhất không phải là cắt giảm nguồn này.

Trong Nghị quyết của Chính phủ đã nêu rất rõ là đối với nguồn đầu tư từ ngân sách chưa đặt vấn đề cắt giảm mà chỉ bố trí, sắp xếp để đầu tư hiệu quả hơn bởi nguồn vốn này chủ yếu phục vụ các mục tiêu: xóa đói, giảm nghèo, Chương trình 135, đầu tư cho các vùng sâu, vùng xa, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cũng như đầu tư cho các lĩnh vực giáo dục, y tế.

Đây chính là những lĩnh vực đang là ưu tiên của Chính phủ, vì vậy, chúng ta chỉ xem xét bố trí hợp lý hơn. Như vậy, sẽ tập trung đầu tư vào các công trình có hiệu quả, những công trình có thể hoàn thành ngay trong năm 2011 hoặc đầu năm 2012 để sớm đưa vào sử dụng, đóng góp cho sự phát triển kinh tế.

Hiện nay, vấn đề lớn nhất trong lạm phát thời kỳ này là tăng trưởng tín dụng quá cao. Tổng tăng trưởng tín dụng của năm 2010 là 31%, trong khi tăng trưởng tín dụng ở mức an toàn chỉ khoảng 23% đến 25% hàng năm. Mục tiêu đặt ra là tăng trưởng tín dụng vào khoảng dưới 20%. Như vậy, sẽ phải cắt giảm khoảng 11% so với con số tăng trưởng tín dụng của năm 2010 và các khoản này tập trung chủ yếu từ nguồn tín dụng đầu tư cho doanh nghiệp nhà nước.

Ngoài ra, khi xem xét vốn đầu tư sẽ tính đến các nguồn vốn đem ra đầu tư ở nước ngoài, bởi chuyển nguồn vốn ra nước ngoài trong giai đoạn hiện nay sẽ gây ảnh hưởng xấu cho nền kinh tế. Trong việc điều chuyển cắt giảm vốn sẽ khuyến khích các địa phương tăng cường giải ngân các nguồn vốn ODA bởi đây là nguồn bổ sung ngoại tệ cho đất nước, giúp cân bằng nguồn ngoại tệ chung.

- Việc cắt giảm đầu tư tại các địa phương và doanh nghiệp Nhà nước sẽ động chạm đến lợi ích và tăng trưởng của các địa phương và doanh nghiệp. Kinh nghiệm năm 2008 cho thấy thực hiện vấn đề này không đơn giản, vậy Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có phương án nào để triển khai hiệu quả vấn đề trên?

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Đúng vậy, khi cắt giảm đầu tư sẽ làm giảm độ tăng trưởng. Mục tiêu của Chính phủ đã nêu rõ việc duy trì tốc độ tăng trưởng phù hợp để thực hiện nhiệm vụ chống được lạm phát. Hai mục tiêu này phải đảm bảo song hành. Vì vậy, chỉ đạo trong thời gian tới đây sẽ không đặt mục tiêu tăng trưởng là chính mà chỉ là thứ yếu. Mục tiêu hàng đầu vẫn là vấn đề chống lạm phát.

- Giữa hai mục tiêu tăng trưởng và chống lạm phát để ổn định được đời sống nhân dân, tại sao Chính phủ lại chọn việc cắt giảm đầu tư công và giảm tăng trưởng tín dụng để chống lạm phát, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Vấn đề chính của lạm phát được chỉ ra là tăng trưởng tín dụng và tăng chi phí đầu tư công. Có thể nói, trong vấn đề lạm phát không chỉ có chi đầu tư mà có cả chi thường xuyên nữa. Nhìn chung lại là phải giảm chi và giảm bội chi ngân sách.

Muốn giảm bội chi cần phải giảm chi thường xuyên và giảm cả chi đầu tư. Trong chi thường xuyên có chi lương nhưng khoản này không thể giảm được vì nếu giảm sẽ ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và người làm công ăn lương.

Để đạt mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát đi kèm với đảm bảo đời sống nhân dân sẽ phải triển khai thực hiện bằng cả các chính sách xã hội. Vì khi chống lạm phát thì tăng trưởng sẽ chậm lại và phần nào đó ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Tuy nhiên, cũng phải xem xét lại bộ phận dân cư nào cần phải quan tâm hơn. Theo quan điểm của Chính phủ, tầng lớp người làm công ăn lương, người nghèo là những thành phần Nhà nước cần phải hỗ trợ. Do đó, Chính phủ sẽ có những chính sách an sinh cho họ.

- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Vietnam +

Các tin tức khác

>   Hà Nội tăng tốc hàng loạt dự án lớn (26/02/2011)

>   Nghị quyết số 11: Siết chặt tiền tệ và đầu tư, tạo ổn định để tăng trưởng dài hạn (26/02/2011)

>   Bàn về lời giải cho bài toán lạm phát 2011 (26/02/2011)

>   UB Giám sát Tài chính Quốc gia: Bức tranh kinh tế không “tối” như mọi người nghĩ (25/02/2011)

>   FDI hai tháng đầu năm: Giải ngân 1,15 tỷ USD (25/02/2011)

>   Dự án sản xuất thép lớn nhất Bắc Kạn đổi chủ đầu tư (25/02/2011)

>   Bộ KH&ĐT sẽ rà soát việc đầu tư vốn nhà nước năm nay (25/02/2011)

>   Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: "Cần dập cơn khát đầu tư" (25/02/2011)

>   Bài 2: Chính sách đòn bẩy và tự thân vận động (25/02/2011)

>   Đề nghị dừng dự án 250 tỉ USD của tập đoàn Sama Dubai (24/02/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật