Thứ Hai, 03/01/2011 16:40

TTCK trước thềm 2011: “Bệ phóng” đã vững vàng

Sự tương tác giữa doanh nghiệp niêm yết và nhà đầu tư được nâng cao hơn trong năm 2010.

Năm 2010 khép lại với với những nền móng đã được thiết lập trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây chính là yếu tố cơ bản cho chặng đường phát triển mới của thị trường trong năm 2011 và các năm tiếp theo.

Sức mạnh từ khối ngoại

Điểm nổi bật của thị trường trong năm 2010 vừa qua là động thái mua vào khá tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài với việc mua ròng diễn ra liên tục trong nhiều tháng.

Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), trong suốt năm 2010, khối ngoại đã mua ròng gần 268 triệu chứng khoán tại HOSE, đạt giá trị hơn 15.000 tỷ đồng. Đặc biệt, tháng cuối cùng của năm 2010 chính là thời điểm “bùng nổ” trong hoạt động giao dịch của khối ngoại. Đây là tháng ghi nhận khối lượng mua ròng lớn nhất của các nhà đầu tư nước ngoài trong cả năm 2010.

Ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư (CTCK Rồng Việt) cho biết, động thái của các nhà đầu tư cho thấy, họ vẫn thể hiện niềm tin vào khả năng tăng trưởng của Việt Nam trong tương lai khi liên tục duy trì trạng thái mua ròng trong suốt năm 2010.

Theo phân tích của các nhà chuyên môn, việc các nhà đầu tư nước ngoài vẫn hướng sự chú ý đến thị trường chứng khoán Việt Nam là do họ có sự so sánh giữa chứng khoán Việt Nam và các nước khác trong khu vực. Theo đó, Chỉ số P/E (giá so với thu nhập) bình quân của Việt Nam khá thấp, hiện chỉ khoảng 9 lần, trong khi mức bình quân của các nước trong khu vực hiện vào khoảng 17 lần.

“Nâng cấp” công ty niêm yết

Giới chuyên môn cho rằng, một trong những bước tiến nổi bật của thị trường chứng khoán năm 2010 vừa qua là sự tương tác giữa doanh nghiệp niêm yết và nhà đầu tư đã nâng cao hơn. Động thái này được thể hiện rõ qua việc công bố thông tin và chất lượng quản trị công ty.

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), HNX đang triển khai dự án cho phép các công ty niêm yết cập nhật thông tin qua web với các công ty chứng khoán. Trong khi đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) và HOSE đều có kế hoạch riêng để nâng cấp quy trình công bố thông tin đến với nhà đầu tư. Theo đó, SSC đang xây dựng Hệ thống Công bố thông tin (IDS) thông qua việc hợp tác với Cơ quan Hợp tác Phát triển Luxembourg. Dự kiến thời điểm bắt đầu hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ là từ tháng 1/2011, thời hạn thực hiện là 120 ngày. Nhà cung cấp dịch vụ phải có mặt trong toàn bộ thời gian này và sẵn sàng làm việc tại Việt Nam. Ngân sách tối đa cho hợp đồng ước khoảng 150.000 Euro. Trong khi đó, từ giữa năm 2010, HOSE cũng đã tiến hành thử nghiệm phần mềm công bố thông tin đối với các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.

Theo ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó Tổng giám đốc HNX, một trong những vấn đề nổi cộm trên thị trường chứng khoán thời gian trước đây là việc đảm bảo quyền cổ đông. “Do đó, làm sao để cổ đông tham gia một cách có hiệu quả vào việc ra quyết định của công ty, tạo điều kiện để nâng cao hiểu biết của cổ đông về những quyền mà họ được hưởng”, ông Trung nói thêm.

Tháng 12/2010 vừa qua, SSI và Công ty Tài chính quốc tế (IFC) đã công bố Cẩm nang Quản trị Công ty do 2 cơ quan này hợp tác xuất bản. Cẩm nang Quản trị Công ty đã tập hợp và phân tích một cách có hệ thống, đầy đủ và toàn diện các quy định pháp luật hiện hành về quản trị công ty ở Việt Nam, đưa ra các chuẩn mực và thông lệ quốc tế phù hợp, đưa ra những khuyến nghị cho các cổ đông, doanh nghiệp và chính phủ trong việc thực hiện và giám sát các tiêu chuẩn quản trị tốt.

Bà Vũ Thị Kim Liên, Phó Chủ tịch SSC cho biết, các công ty cổ phần đại chúng, đặc biệt là các công ty đại chúng niêm yết cần có thêm kiến thức và kinh nghiệm nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức, vận hành công ty và nâng cao giá trị doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán.

Sự lớn mạnh của kênh trái phiếu

Năm 2010 vừa qua, sự quan tâm của doanh nghiệp đối với trái phiếu cũng là động thái được giới chuyên môn đánh giá cao. Theo đó, ngoài việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu cũng đã trở thành một trong những kênh huy động vốn được nhiều doanh nghiệp tận dụng khá hiệu quả.

Trước đây, đối tượng phát hành trái phiếu chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước lớn như các Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam… hoặc ngân hàng lớn như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam… Tuy nhiên, trong năm 2010, nhiều doanh nghiệp nhà nước và cả các doanh nghiệp tư nhân khác hoạt động trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, xây dựng… cũng phát hành trái phiếu, khiến cho đối tượng phát hành trở nên phong phú hơn trước rất nhiều.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam nhận xét, việc các doanh nghiệp quan tâm hơn tới thị trường trái phiếu là một tín hiệu tốt, tuy nhiên, thị trường vẫn cần có thêm những nền tảng cơ bản khác như việc chuẩn hoá thị trường trái phiếu Chính phủ, hình thành các tổ chức định mức tín nhiệm có uy tín… Theo ông, việc thành lập một công ty định mức tín nhiệm trong nước hiện rất cần thiết. Hiệp hội Thị trường Trái phiếu cũng có ý tưởng xin phép Bộ Tài chính cho thành lập một tổ chức định mức tín nhiệm thuộc hiệp hội này trong thời gian tới.

Chí Tín

đầu tư

Các tin tức khác

>   TTCK 2011: Sáng dần cùng yếu tố vĩ mô (03/01/2011)

>   Những thói quen khiến dân chứng khoán trắng tay (03/01/2011)

>   Chủ tịch SSI: Khủng hoảng đem lại cơ hội đầu tư tốt (03/01/2011)

>   Chứng khoán: Kỳ vọng chuyển biến trong năm 2011 (03/01/2011)

>   Chọn sóng chứng khoán năm 2011 (02/01/2011)

>   Chứng khoán thất thủ (02/01/2011)

>   Cơ hội đầu tư năm 2011 (02/01/2011)

>   Nhà đầu tư nên 'đổ' tiền vào đâu trong năm 2011? (01/01/2011)

>   Những cổ phiếu đứng nhất năm 2010 (01/01/2011)

>   Chứng khoán 2010: Những mốc thăng trầm (01/01/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật