Thứ Hai, 03/01/2011 07:48

Những thói quen khiến dân chứng khoán trắng tay

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn non trẻ dù đã phải trải qua nhiều đợt thăng trầm. Và ở bất cứ thời điểm nào, lúc thị trường ảm đảm hay đang "thăng hoa" thì hầu như chưa lúc nào nhà đầu tư thôi mắc phải những cái bẫy chết người, mà đôi khi lại hình thành từ chính thói quen của họ.

Một nhà đầu tư lâu năm trên sàn chứng khoán Kim Long kể: “Từ lúc tôi mới bước chân vào thị trường cho đến nay, kể cả khi học môn lý thuyết thị trường chứng khoán trên giảng đường, lúc nào tôi cũng nghe phương châm "Đừng bao giờ bỏ trứng vào một rổ", nghĩa là nhà đầu tư nên đa dạng hóa danh mục cổ phiếu đầu tư. Điều này với các nhà đầu tư tổ chức hay cổ đông lớn thì có thể đúng, song với những người chơi nhỏ lẻ như tôi, thì đây có thể là một sai lầm. Vì khả năng và sự tập trung của mỗi người là giới hạn nên việc giám sát quá nhiều cổ phiếu mà mình dốc vốn vào cùng một lúc thì rủi ro sẽ tăng cao. Tôi nghĩ nhà đầu tư có vốn ít chỉ nên tập trung vào 1 hoặc 2 cổ phiếu và quan trọng nhất là phải biết chọn đúng cổ phiếu để đầu tư. Vì vốn đã ít mà nhà đầu tư lại chia nhỏ ra thì nếu một cổ phiếu trong số đó tăng, lợi nhuận sẽ giảm đi. Tôi biết có người "chia 5 xẻ 7" vốn, song lại dùng đòn bẩy tài chính để gom một cổ phiếu nào đó. Nếu họ nghĩ chắc chắn cổ phiếu này sẽ tăng giá trong thời gian tới (nên mới mạo hiểm) thì tại sao họ không dốc hết số tiền mình có vào đó để khỏi phải vay "nóng", mà vẫn ôm một số cổ phiếu khác?”.

Nhà đầu tư này chia sẻ, sai lầm trên anh từng mắc phải trước đây, dốc tiền vào đầu tư nhiều cổ phiếu một lúc. Sau khi bán được cổ phiếu A, thấy cổ phiếu B có vẻ hấp dẫn là "lòng tham" trỗi dậy, anh lại mua ngay chứ không đợi gom tiền thành một “mẻ” lớn rồi mua. Thế nên các khoản đầu tư của anh thường vụn vặt, sau này thống kê lại, thấy lợi nhuận có được chẳng là bao so với khi lỗ và so với thời gian cũng như công sức anh bỏ ra để quản lý từng ấy danh mục cùng lúc.

Còn một nhà đầu tư chứng khoán trên sàn HNX tên Hoàng cho biết, từng tiếp xúc và chuyện trò với phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán có tiếng, nơi anh mở tài khoản. Vị phó tổng này thường khuyên anh, nếu muốn có lợi nhuận lớn thì nên mạo hiểm đầu tư mang tính rủi ro cao, với quan điểm “kinh điển” trong “chứng trường” là lợi nhuận luôn đi kèm với rủi ro. Tuy nhiên, sau vài lần thua đau, anh Hoàng rút ra cho mình bài học, để có thể kiếm được lợi nhuận thì cần phải hạn chế rủi ro ở mức tối thiểu chứ không nên làm liều.

Theo anh Hoàng, một cổ phiếu X nếu khi rơi vào tình trạng rủi ro có thể bị trượt giá 50%, còn nếu thành công thì sẽ tăng giá 50 – 60% thì thà chọn cổ phiếu Y chỉ được kỳ vọng tăng giá 10 – 15% nhưng an toàn vẫn hơn. Những cổ phiếu nhiều khả năng tăng "nóng" thì cũng hay bị làm giá nhất, nếu mình nhắm mắt với rủi ro và “đu” theo thì thiệt hại có thể “gánh đủ”. Ngay cả khi nhà đầu tư đã phân tích, tìm hiểu thật kỹ và đưa ra kết luận khả năng thành công cao hơn thất bại, song sự tăng giảm của cổ phiếu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan, tâm lý thị trường diễn ra sau đó, nên không thể chắc được.

Anh Hoàng dẫn giải một trường hợp điển hình là vụ đánh lên một mã cổ phiếu ngành dầu khí hồi giữa năm vừa qua. Khi giá gần 19.000 đồng, anh Hoàng được một môi giới VIP “thủ thỉ” cổ phiếu này đang được các “đội lái” đánh lên 3x, thế là anh nhảy vào mua ngay. Ngay phiên sau đó, khi giá cổ phiếu gần chạm 2x thì thị trường rung lắc, do tâm lý và mối liên kết giữa các thành viên “đội lái” lỏng lẽo nên nhiều người bắt đầu đua nhau xả hàng. Ba phiên sau đó, khi cổ phiếu về tài khoản anh Hoàng, giá của nó đã xuống dưới 15.000 đồng.

Một thói quen với không ít nhà đầu tư khi chơi chứng khoán là chọn mua cổ phiếu dựa trên mức hấp dẫn của cổ tức. Thực ra, theo tiến sĩ Lê Thẩm Dương, chuyên gia chứng khoán, tiêu chí cổ tức hầu như không quan trọng chút nào. Trên thực tế, khi một công ty nào đó trả cổ tức càng cao thì khả năng công ty đó bị suy yếu đi càng lớn bởi vì họ phải trả lãi suất đi vay cao để bù đắp lại cho ngân quỹ đã bị hao hụt do việc trả cổ tức. Hơn nữa, chỉ cần thị giá cổ phiếu đó bị sụt trong 1 đến 2 ngày cũng có thể làm cho nhà đầu tư mất một khoản tiền tương đương số cổ tức mà mình mới được chia. Do vậy, nhà đầu tư cần nhìn nhận lại rằng cổ tức không phải là yếu tố quan trọng trong mỗi quyết định mua bán, mà hãy cân nhắc đến nhiều yếu tố khác như tỷ số P/E, tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của công ty.

Khi phân tích thói quen mua bán của một nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ, một lãnh đạo của công ty chứng khoán Hoàng Gia cho rằng, những nhà đầu tư nhỏ, chơi ngắn hạn và lướt sóng luôn đặt ra nguyên tắc về lợi nhuận để không bị tâm lý tham lam ảnh hưởng đến quyết định của mình. Họ thường đặt cho mình mức giới hạn lãi, lỗ để bán ra tùy vào từng cổ phiếu, song thường mức lãi chỉ trên dưới 20%, cao lắm là 30%. Thế nhưng thực tế đã chứng minh, có không ít cổ phiếu trong ngắn hạn có thể tăng hơn 50%, thậm chí 70% giá trị. Chẳng hạn, theo thống kê biến động giá cổ phiếu trên HoSE và HNX từ 17/11 đến 10/12, có thể thấy chỉ trong 3 tuần nhưng giá cổ phiếu BVS tăng 81,29%, LUT tăng 75,97%, SRC tăng tới 74,19%, DQC tăng 69,33%... và rất nhiều cổ phiếu tăng trên 50%. Việc nhà đầu tư quá thận trọng hoặc máy móc thực hiện các quy tắc đặt ra có thể khiến họ phải bán “lúa non” và bỏ lỡ những cơ hội kiếm lời lớn.

Theo chuyên gia chứng khoán Phạm Kinh Luân, thông thường các nhà đầu tư nhỏ lẻ ở Việt Nam hay đợi lúc thị trường có dấu hiệu sôi động thì mới nhảy vào mua cổ phiếu. Tuy nhiên, với những trường hợp một cổ phiếu đang có lực cầu tăng mạnh và nhà đầu tư nhảy vào mua theo, thì vẫn tiềm ẩn trong đó một cái bẫy rất tinh vi.

Khi có lượng cầu đột ngột gia tăng vào một cổ phiếu nào đó, lập tức các nhà đầu tư khác cũng tiếp sức bằng cách đua nhau đặt lệnh mua ở mức giá trần. Khi đó, nhà đầu tư không cần biết mã cổ phiếu đó tăng giá từ nguyên nhân gì hoặc sợ nếu tìm hiểu nguyên nhân xong thì không còn cơ hội mua. Vì vậy, trên thị trường có hiện tượng không ít cổ phiếu tăng trần liên tục với lượng cầu tưởng như không thể đáp ứng nổi, thậm chí có khi vượt cả lượng cổ phiếu phát hành của một công ty, trong khi đó lượng cung rất ít. Tuy nhiên, khi cổ phiếu bắt đầu mất trần hoặc giảm nhẹ, lượng cầu khổng lồ trước đó tự nhiên biến mất, đồng thời lượng cổ phiếu đăng ký bán ra xuất hiện ào ạt. Lúc đó, những ai nhảy vào mua sau cùng sẽ trúng bẫy và “ngậm trái đắng”. Ngay tại đợt khớp lệnh đầu tiên, những tổ chức hoặc nhà đầu tư lớn ào ạt tung ra các lệnh mua giá trần ngay ở một tài khoản, khiến cổ phiếu của họ đột ngột tăng trần và có hiện tượng hiếm, lập tức các nhà đầu tư chạy theo đám đông tiếp sức tranh mua bằng các lệnh giá trần. Khi đó, nhóm "làm giá" sẽ bán ra ở một tài khoản khác. Do quy định của thị trường, những lệnh mua lớn của khách VIP thường ưu tiên sau các lệnh ATO (mở cửa) hay ATC (đóng cửa), do vậy mặc dù đặt mua lượng lớn giá trần nhưng thường không được khớp. Sau đó, họ sẽ thao tác hủy lệnh của mình ngay đầu đợt khớp lệnh thứ 2, thời điểm mà lệnh giá trần của họ lại được ưu tiên khớp đầu.

Đan Thanh

đất việt

Các tin tức khác

>   Chủ tịch SSI: Khủng hoảng đem lại cơ hội đầu tư tốt (03/01/2011)

>   Chứng khoán: Kỳ vọng chuyển biến trong năm 2011 (03/01/2011)

>   Chọn sóng chứng khoán năm 2011 (02/01/2011)

>   Chứng khoán thất thủ (02/01/2011)

>   Cơ hội đầu tư năm 2011 (02/01/2011)

>   Nhà đầu tư nên 'đổ' tiền vào đâu trong năm 2011? (01/01/2011)

>   Những cổ phiếu đứng nhất năm 2010 (01/01/2011)

>   Chứng khoán 2010: Những mốc thăng trầm (01/01/2011)

>   UPCoM-Index vượt mốc 45 điểm (31/12/2010)

>   Mở cửa: Sắc xanh quay lại thị trường (31/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật