Dòng tiền và thanh khoản quay trở lại thời kỳ tích lũy?
Thị trường kết thúc tháng 12 tương đối sôi động nhưng những phiên giao dịch cuối cùng lại trong xu hướng giảm cả về chỉ số và thanh khoản. Đây không phải là tín hiệu tích cực cho thị trường tháng 1 với kỳ nghỉ lễ kéo dài.
Khi không được hỗ trợ bởi các yếu tố vĩ mô và vi mô cùng với sự trầm lắng của thị trường cuối tháng 12, tâm lý NĐT sẽ chuyển dần từ hưng phấn sang thận trọng
Thiếu các yếu tố hỗ trợ đủ mạnh
Theo SMES, thị trường tháng 1 chịu ảnh hưởng của các yếu tố cơ bản sau: thứ nhất, thị trường còn chịu áp lực của chính sách tiền tệ điều chỉnh tháng 11 cho tới ít nhất cuối tháng 2/2011 do lạm phát và tỷ giá thường căng thẳng nhất trong thời kỳ trước Tết. Chính sách thắt chặt tiền tệ không mang lại nhiều cơ hội hỗ trợ thị trường ngắn hạn. Lạm phát tháng 1 đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng kỳ vọng của NĐT về lạm phát năm 2011 nên số liệu thực tế nếu cao hơn hoặc thấp hơn tương đối so với mục tiêu đề ra đều có khả năng tác động đến thị trường lớn hơn so với tháng 11-12/2010. Việc tỷ giá trên thị trường tự do chênh lệch tới 7,7% so với tỷ giá niêm yết sẽ tiếp tục tạo ra nhiều khó khăn trong doanh nghiệp và gián tiếp tác động đến lạm phát khi chi phí nhập khẩu nguyên liệu của doanh nghiệp tăng và việc điều chỉnh giá thường diễn ra đồng loạt đầu năm. Chưa có tín hiệu gì về mặt bằng lãi suất sẽ giảm ngay trong tháng 1 khi VND chịu nhiều sức ép mất giá và lạm phát 2010 gần chạm ngưỡng 12%. Cũng giống như lạm phát, không kỳ vọng thị tiền tiền tệ sẽ được cải thiện ít nhất cho tới cuối tháng 2. Về tăng trưởng tín dụng, với định hướng ưu tiên kiềm chế lạm phát năm 2011, tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục bị kiểm soát và có khả năng giảm so với 2010. Tuy nhiên con số ít có khả năng thấp hơn 20% và đây vẫn là mức tăng cao gấp hơn 2 lần trung bình khu vực. Tăng trưởng tín dụng được dự đoán sẽ ưu tiên cho 6 tháng cuối năm hơn 6 tháng đầu năm.
Thứ hai, dòng tiền và thanh khoản quay trở lại thời kỳ tích lũy?. Về cuối tháng 12, xu hướng thanh khoản giảm càng rõ ràng và có thể chu kỳ dòng tiền đổ mạnh vào thị trường như tháng 12 đã kết thúc; thị trường đang bước vào giai đoạn tích lũy mới trong tháng 1. Thanh khoản tháng 1 có xu hướng tiếp tục giảm và được nhận định ở mức trung bình do một số nguyên nhân: các kỳ nghỉ lễ kéo dài, NĐTNN không còn nhiều động cơ ‘đỡ’ NAV khi năm tài chính đã kết thúc, thị trường vẫn thiếu tín hiệu hỗ trợ đủ mạnh nên chưa có cơ sở hỗ trợ NĐT quyết định mua vào với giá cao hơn giá tham chiếu.
Mặc dù vậy, nhìn vào lịch sử giao dịch của các chỉ số trong những năm qua, KLGD của tháng 1 không hoàn toàn thưỡng xuyên thấp hơn tháng 12 nên cơ hội vẫn mở nếu các thông tin hỗ trợ mới đủ mạnh xuất hiện.
Thứ ba, tác động của kết quả kinh doanh Quý IV và năm 2010. Sau ngày 15/1 tới tháng 3, các doanh nghiệp sẽ lần lượt công bố kết quả hoạt động kinh doanh quý IV và cả năm 2010. Kết quả kinh doanh 2010 không hứa hẹn nhiều đột biến khi mặt bằng lãi suất cao cả năm, tỷ giá leo thang và thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng. Chỉ một số ít các nhóm ngành được hưởng lợi như cao su tự nhiên, hàng tiêu dùng/dịch vụ tiêu dùng cơ bản, công nghệ thông tin, … còn lại hoặc không đạt được mục tiêu tăng trưởng hoặc chỉ đủ hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra. Nhóm ngành bị ảnh hưởng trực tiếp và rõ nhất từ TTCK 2010 là nhóm ngành chứng khoán, đầu tư tài chính và một phần của nhóm ngành ngân hàng. Với điều kiện TTCK đi xuống và thanh khoản trung bình thấp, hoạt động kinh doanh có lãi có thể được ghi nhận là thành công trong năm 2010.
Thứ tư, tác động của Đại hội Đảng toàn quốc XI đối với TTCK?. Cùng với sự tăng trưởng và hội nhập của thị trường, đây hứa hẹn là một trong các ẩn số của TTCK trong tương lai. Ngay trong tháng 1, nhân sự khóa mới của Chính phủ sẽ được quyết định trong Đại hội Đảng toàn quốc XI.
Tóm lại, thị trường tháng 1 không có nhiều yếu tố hỗ trợ cả về vĩ mô và vi mô có khả năng cải thiện chỉ số hoặc thanh khoản. Loại trừ một vài mã bluechip gồm VIC, BVH, MSN đang có những tác động lớn đến chỉ số, VN-Index và HNX-Index nhìn chung sẽ giao dịch xung quanh ngưỡng kết thúc năm 2010. Thị trường không thiếu dòng tiền nhưng dường như đã kết thúc chu kỳ tăng trưởng trong tháng 12 và đang bước vào giai đoạn tích lũy mới.
Từ hưng phấn chuyển sang thận trọng
Khi không được hỗ trợ bởi các yếu tố vĩ mô và vi mô cùng với sự trầm lắng của thị trường cuối tháng 12, tâm lý NĐT sẽ chuyển dần từ hưng phấn sang thận trọng. Với chi phí sử dụng dịch vụ tài chính hơn 20% hiện nay, thanh khoản thấp là rủi ro rất lớn. Tâm lý NĐT tháng 1 mang những đặc điểm sau: Tâm lý hạn chế giao dịch khi thị trường bước vào giai đoạn nghỉ Lễ dài để rút một phần vốn về và giảm rủi ro khi thị trường trong nước đóng cửa nhưng thị trường thế giới vẫn giao dịch trong khoảng 1 tuần; Tâm lý thận trọng không mua giá cao hơn giá tham chiếu do thị trường thiếu thông tin hỗ trợ, nguồn cung cổ phiếu vẫn dồi dào và lực cầu không quá mạnh; Tâm lý chờ đợi của một bộ phận NĐT trước sự thay đổi của nhân sự chính phủ mới và định hướng chính sách rõ ràng hơn trong năm 2011.
Tăng điểm mạnh trong nửa đầu tháng 12 và bất ngờ trở lại xu hướng lình xình trong hai tuần giao dịch cuối cùng của năm 2010, hai chỉ số VN-Index và HNX-Inden sau khi chinh phục thành công các ngưỡng cản trong ngắn hạn, hiện đang phải đối mặt với các ngưỡng cản trên quan trọng lần lượt là 496 và 116 điểm.
Đối với VN-Index, hiện chỉ số này đang phải đối mặt với ngưỡng cản quan trọng là 496 điểm, đây là ngưỡng kháng cự quyết định xu hướng của sóng 5 tăng điểm trong ngắn hạn. Yếu tố khối lượng giao dịch và chỉ số kỹ thuật khác đang có xu hướng ủng hộ đà tăng điểm của VN-Index, khối lượng giao dịch sau khi giảm mạnh so với đỉnh vào giữa tháng 12 đang có xu hướng tạo đáy, trong khi đó các chỉ số như RSI, MACD đều đang giảm dần về các mức hấp dẫn. Bên cạnh đó, chỉ số Momentum tăng trở lại và cắt ngưỡng 100 đi lên, đây là tín hiệu củng cố xu hướng lên điểm của thị trường, tuy nhiên chúng tôi vẫn bỏ ngỏ khả năng không chinh phục thành công ngưỡng 496 điểm trong tháng 1/2011 nếu như khối lượng giao dịch không thể tạo đáy và tăng trở lại. Dữ liệu lịch sử cũng cho thấy, khối lượng giao dịch trong tháng giáp Tết thường ở mức thấp hơn mức trung bình của tháng giao dịch trước đó. Tình hình diễn ra tương tự đối với HNX-Index, hiện chỉ số này đang đối mặt với ngưỡng cản 116 điểm, tuy nhiên các tín hiệu kỹ thuật đang cho thấy khả năng phá vỡ ngưỡng cản 116 và hướng tới ngưỡng cản trên 125-130 của chỉ số này là rất cao.
Phòng Phân tích và Đầu tư CTCK SMES
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|