Thứ Sáu, 07/01/2011 09:24

Năm 2011: Chứng khoán, bất động sản “bất động” theo ngân hàng?

Áp lực vốn đối với ngân hàng sẽ khiến cho thị trường chứng khoán và bất động sản khó khởi sắc

(Vietstock) - “Bộ đôi” chứng khoán và bất động sản sẽ khởi sắc trong năm 2011 nếu thanh khoản của hệ thống ngân hàng trở nên dồi dào. Khi đó, các ngân hàng sẽ mạnh tay bơm vốn cho 2 thị trường này.

* VNI: Các ngành có triển vọng đầu tư trong năm 2011

Ngân hàng cần 50,000 tỷ đồng để tăng vốn

Đại diện Ngân hàng Đầu tư Standard Chartered chia sẻ một số nhận định về ngành ngân hàng trong năm 2011. Theo đó, dự báo ngành này vẫn còn nhiều thách thức trong năm, chủ yếu là áp lực tăng vốn pháp định sẽ phải được tiến hành trong năm nay chứ không thể trì hoãn thêm nữa. Theo ước tính, trong giai đoạn 2011-2012, yêu cầu tăng vốn lên 3,000 tỷ đồng đối với các ngân hàng thương mại sẽ khiến cho toàn hệ thống ngân hàng cần nguồn vốn lên đến 50,000 tỷ đồng.

Về lâu dài, quy định tăng vốn góp phần giúp cho hệ thống ngân hàng phát triển bền vững nhưng trong ngắn hạn sẽ khiến tỷ số lợi nhuận trên vốn sụt giảm.

Tuy nhiên, theo tiến sỹ Alan Pham, Trưởng Kinh tế gia của CTCK Vina (VinaSecurities), nếu lạm phát năm nay được kiểm soát tốt, lãi suất giảm thì dòng vốn ngoại vẫn có khả năng chảy vào hệ thống ngân hàng, đặc biệt là các nhà băng lớn như Vietcombank, Techcombank…

Rủi ro khan hiếm vốn với chứng khoán và bất động sản

Đánh giá về thị trường chứng khoán và bất động sản trong năm 2011, vị tiến sĩ này cho rằng hai lĩnh vực phi sản xuất trên đang đối mặt với rủi ro khá cao. Nguyên nhân do thị trường chứng khoán và bất động sản sẽ gặp lực cản khan hiếm vốn một khi ngân hàng giữ lại lượng vốn để phục vụ cho hoạt động kinh doanh.

Dù vậy, “giải ngân vào chứng khoán và bất động sản vẫn có thể có lợi nhuận cao và vẫn hấp dẫn nếu các nhà đầu tư chấp nhận được rủi ro”, ông nói.

Kỳ vọng ổn định vĩ mô

Ông Alan Pham kỳ vọng trong năm 2011 Chính phủ sẽ hoạch định các chính sách rõ ràng hơn, tập trung vào ổn định vĩ mô hơn là mục tiêu tăng trưởng. Lạm phát năm nay ở vào khoảng 8.5-9%, thâm hụt thương mại khoảng 14 tỷ USD. Theo dự báo, lạm phát tiếp tục tăng trong quý 1/2011 do rơi vào mùa tiêu dùng cao điểm Tết Nguyên đán. Ông cho rằng điều cần làm lúc này là chính sách tiền tệ nên thắt chặt hơn nữa để hiệu quả có thể nhận thấy rõ trong quý 2 này.

Theo ông, chính sách tiền tệ sẽ bị thắt chặt từ nay đến quý 2/2011 và nới lỏng phần nào trong quý 3/2011, tỷ giá sẽ điều chỉnh trong khoảng 5-7%, lãi suất cơ bản tăng lên 10% trong nửa đầu năm 2011 và tăng tiếp lên 11% vào nửa cuối năm. Tỷ giá liên ngân hàng khoảng 20,500 VND vào cuối năm 2011 so với mức 19,500 VND hồi cuối năm 2010.

Khép lại năm tăng trưởng kinh tế trong lo âu

Nhìn nhận về kinh tế Việt Nam năm vừa qua, ông  Alan Pham cho rằng, kinh tế năm 2010 khá thành công với mức tăng trưởng GDP 6.78%, vượt mức kế hoạch 6.5%, cao hơn con số mở rộng 6.2% trong năm 2008 và 5.3% trong năm 2009. Ngoài ra, các tác nhân tăng trưởng chính như các ngành công nghiệp và dịch vụ đều diễn biến khá tốt.

Tuy nhiên, kinh tế nước ta còn đối mặt với hàng loạt khó khăn. Chính sách nới lỏng tiền tệ nửa sau năm 2010 đã làm lạm phát tăng mạnh từ tháng 10 đến tháng12, kích lạm phát cả năm lên hai con số (11.75%). Ngoài ra, thâm hụt thương mại trong năm qua ở mức cao 12.4 tỷ USD, chiếm khoảng 17.3% tổng giá trị xuất khẩu. Dù vậy, con số thâm hụt này vẫn nằm trong vùng có thể bù đắp được nhờ vào lượng kiều hối (8 tỷ USD), lượng FDI giải ngân (11 tỷ USD), vốn vay ODA (3.5 tỷ USD) và vay nợ nước ngoài (1 tỷ USD).

Một loạt các quan ngại khác cũng làm cho nền kinh tế vĩ mô trở nên bất ổn. Theo phân tích, mức tăng trưởng GDP cao song vẫn phụ thuộc vào tỷ lệ đầu tư (42% - 45% trên GDP), hiệu quả đầu tư thấp thể hiện qua hệ số ICOR cao (6-7x). Thêm vào đó, chính sách tiền tệ trong năm qua chưa ổn định, chuyển từ chính sách thắt chặt ở nửa đầu năm 2010 thành nới lỏng vào nửa cuối năm. Mặc dù Chính phủ và NHNN đã có những nỗ lực hạ lãi suất nhưng lãi suất trên thị trường vẫn cao.

Một thông tin bất lợi khác là việc 3 tổ chức tín nhiệm quốc tế đồng loạt hạ mức tín nhiệm của Việt Nam trước mối lo ngại lạm phát cao, tiền đồng bất ổn, cán cân thanh toán yếu ớt và các khoản nợ của một số doanh nghiệp Nhà nước khiến cho niềm tin của giới đầu tư ngày càng giảm sút.

Kể từ tháng 11/2009 đến nay, tỷ giá đã được điều chỉnh 3 lần. Có thể thấy, từ tháng 10-12/2010, thị trường ngoại hối trải qua giai đoạn bất ổn do nhu cầu USD cao dẫn đến tiền đồng mất giá.

Cũng trong năm qua, giá vàng liên tiếp lập kỷ lục với mức cao nhất 38.5 triệu đồng/lượng vào tháng 11, tăng vọt 44.68% so với giá đóng cửa cuối năm 2009. Chính sự chênh lệch giá vàng trong và  ngoài nước đã làm phát sinh hiện tượng nhập khẩu vàng trái phép, dẫn đến cầu USD tăng cao và thị trường ngoại hối khá hỗn độn từ giữa tháng 10 đến tháng 12.

Bội Mẫn

Các tin tức khác

>   UPCoM-Index bất ngờ tăng 1,75% vào cuối phiên (06/01/2011)

>   Thị trường ngày 07/01 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (06/01/2011)

>   Ngày 06/01: 3.5 tỷ đồng lấy lại màu xanh cho VN-Index (06/01/2011)

>   17/06: Bản tin 20 giờ qua (17/06/2011)

>   Chứng khoán: Liệu có “sóng” kết quả kinh doanh? (05/01/2011)

>   UPCoM-Index đi ngang, giao dịch giảm mạnh (05/01/2011)

>   Thị trường ngày 06/01 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (05/01/2011)

>   Bài toán bảo vệ lợi nhuận năm 2011 (05/01/2011)

>   Công ty chứng khoán: Phút nhìn lại chính mình (05/01/2011)

>   Huy động vốn qua TTCK: Cửa vẫn mở (05/01/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật