Bộ ba cổ phiếu bị “ghẻ lạnh” trên thị trường chứng khoán
Trong khi đa số cổ phiếu giảm dần bất chấp VN-Index đi ngang, một số blue-chip vẫn một mình một đường.
Giới đầu tư đang tỏ ra bức xúc với sự chi phối của một vài cổ phiếu lớn đến VN-Index. Thậm chí còn có những ý kiến “đòi” loại những mã này ra khỏi rổ tính, hoặc tính lại tỉ trọng trong rổ Index như trường hợp như với SQC tại HNX.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế là các trường hợp như với BVH, VIC hay MSN rất khác so với SQC. Tỉ lệ cổ phiếu trôi nổi có thể giao dịch cao hơn nhiều, dù nằm phần lớn trong tay nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư lớn. BVH, VIC, MSN vẫn là một yếu tố của thị trường nên những tác động của nó vẫn phải tính tới.
Câu chuyện của VIC, MSN, BVH nằm ở thanh khoản. Đây là những cổ phiếu thanh khoản rất thấp trong khi vốn hóa lại thuộc nhóm cao nhất thị trường. Do đó cả ba cổ phiếu này có lợi thế tự nhiên trong việc tác động đến chỉ số.
Trường hợp điển hình là MSN. Khối lượng giao dịch bình quân 20 phiên trở lại đây đạt khoảng hơn 43.000 đơn vị mỗi ngày. Tuy nhiên có tới một nửa là giao dịch dưới 10.000 cổ phiếu. Đặc biệt có những ngày giao dịch rất thấp, dưới 3.000 cổ phiếu. Tỉ trọng khối lượng rất lớn giao dịch hàng ngày của MSN thực hiện tại đợt đóng cửa. Trong phiên khớp lệnh liên tục, đa số các lệnh mua bán chỉ với lô tối thiếu 10 cổ phiếu. Cung cầu của MSN lại không được rải đều ở tất cả các bước giá nên giá khớp khá hỗn loạn, có khi nhảy tới vài phần trăm chỉ do một lệnh.
Chẳng hạn phiên hôm nay, MSN khớp khoảng 2.000 đơn vị với 28 lệnh trong đợt giao dịch liên tục. Trong đó, 18 lệnh chỉ với khối lượng 10 cổ phiếu, còn lại là các lệnh lẻ tẻ 20 cổ phiếu đến 500 cổ phiếu. Như vậy chi phí một lệnh tối đa cũng chỉ 38 triệu đồng, quá rẻ để “làm trò” với chỉ số!
BVH là trường hợp điển hình cho tác động do khối lượng giao dịch chi phối của nhà đầu tư nước ngoài. Lực mua của khối ngoại thường xuyên chiếm trên 90% khối lượng giao dịch của BVH hàng ngày, thậm chí nhiều phiên thanh khoản gần như nằm trong tay khối này, trên cả phương diện mua lẫn bán.
Với khối lượng giao dịch chiếm tỉ trọng cao, nhà đầu tư nước ngoài khá dễ dàng để tác động đến giá - dù không thể khẳng định một ý đồ đỡ giá có chủ đích. Việc sẵn sàng mua vào với mức giá nào đó vẫn có thể lý giải bằng nhu cầu đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào danh mục bám sát Index.
Có thể nói chiến thuật đầu tư này đã thắng lớn trong năm 2010. Giả sử nhà đầu tư có danh mục bao gồm VIC, BVH và MSN thì một năm qua, tỉ suất lợi nhuận là đột biến.
Nhóm 3 mã này thành một chỉ số chung - coi như chỉ số biểu diễn cho danh mục - thì độ mạnh hơn hẳn VN-Index, đặc biệt trong 4 tháng cuối năm. Thời điểm từ tháng 6 đến tháng 9, danh mục với 3 cổ phiếu này vẫn tăng bình quân 1,27%, trong khi VN-Index giảm 6,34%. Đặc biệt 3 cổ phiếu này thoát khỏi đợt sụt giảm mạnh tháng 8 của thị trường chung.
Từ tháng 9 đến tháng 11 là thời kỳ tăng trưởng rực rỡ nhất của danh mục này. VN-Index giảm 1,92% thì danh mục tăng trưởng tới 32,9%. MSN mạnh nhất trong danh mục thời gian này với mức tăng khoảng 42%.
Kể từ khi VN-Index xác lập đỉnh ngày 15/12 đến nay, chỉ số đã điều chỉnh 2,62% nhưng danh mục “hàng chiến” vẫn dương nhẹ. MSN vẫn là cổ phiếu cứu cho cả danh mục, trong khi VBH và VIC có điều chỉnh.
Không nhiều nhà đầu tư nhận thấy điều này để có được danh mục tốt như vậy. Cả ba cổ phiếu nói trên đều bị “ghẻ lạnh” và trong con mắt của đa số nhà đầu tư trong nước, không có lý do nào đủ tốt để sở hữu chúng. Tuy nhiên nếu chấp nhận một điều rằng thị trường luôn luôn đúng vào không có gì vô lý trong sự vận động của dòng tiền, thì rõ ràng nhà đầu tư nào nắm bắt được xu hướng đỡ Index của nhà đầu tư tổ chức vẫn có thể kiếm lời.
Việc sử dụng 3 cổ phiếu lớn nói trên để tác động đến VN-Index là điều ai cũng nhận thấy. Tuy nhiên chuyện chấp nhận thực tế sẽ tốt hơn thay vì bực tức với những diễn biến như vậy. Những hạn chế của luật chơi luôn là một phần của trò chơi và tốt nhất là tận dụng chúng.
Nguyễn Hoàng
TBKTVN
|