Thứ Hai, 27/12/2010 18:46

Gốc rễ của lạm phát

Với mức 11,75%, lạm phát năm nay đang trở thành tâm điểm để các chuyên gia kinh tế “mổ xẻ”, tìm nguyên nhân đích thực.

Con số 1,98% là mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 12 năm nay so với tháng trước. Đây là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm tới nay, thậm chí là kể từ tháng 6/2008 - thời điểm lạm phát đang là nỗi ám ảnh của nền kinh tế Việt Nam. Còn nếu so với mức tăng CPI của các tháng 12 kể từ năm 1993 trở lại đây, thì CPI của tháng 12 năm nay về nhì, chỉ đứng sau mức tăng 2,91% của tháng 12/2007 - điểm khởi nguồn của “cơn sốt” lạm phát nửa đầu năm 2008. Rõ ràng, mức tăng 1,98% của CPI tháng 12/2010 là rất cao. Tương tự, lạm phát năm vọt lên 11,75% cũng là điều đáng quan ngại, cho dù đúng là con số này vẫn thấp hơn mức 12,63% của năm 2007 và 19,89% của năm 2008.

Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này? Rất nhiều yếu tố đã được nhắc tới, như vừa do nhập khẩu lạm phát và do chủ động điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng; rồi chuyện tăng đầu tư, nhiều lễ hội, thiên tai, dịch bệnh; giá vàng tăng vùn vụt, tỷ giá biến động lớn... Yếu tố tâm lý cũng là một trong những tác nhân quan trọng ảnh hưởng tới lạm phát. Sự cộng hưởng của tất cả các nguyên nhân này đã khiến lạm phát năm nay đứng ở mức cao. Đặc biệt, việc giá lương thực tăng cao được cho là một trong những tác nhân lớn ảnh hưởng đến lạm phát.

Đúng là giữ quyền số cao nhất (khoảng 39%) trong rổ hàng hóa tính CPI, nên việc giá lương thực, thực phẩm tăng 16,18% so với năm ngoái đã “góp phần” rất lớn đẩy lạm phát của cả năm lên cao. Lạm phát cơ bản (đã loại trừ việc tăng giá lương thực, xăng dầu), theo thông tin từ ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, là khoảng 7,32%. “Con số này cho thấy, lạm phát do chính sách tiền tệ là tương đối thấp, ở mức chấp nhận được”, ông Nghĩa nhận định.

Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, CPI tăng cao không liên quan đến chính sách tiền tệ, vì Việt Nam không dư thừa vốn. “CPI tăng là do bất cập của chính sách tài khóa, chúng ta đã tung quá nhiều tiền ra để đầu tư, nhưng lại kém hiệu quả”, ông Thành nói. Ông Thành nhận định rằng, mặc dù xuất phát điểm là do chính sách tài khóa, nhưng việc chính sách tiền tệ điều hành chưa hợp lý, việc các ngân hàng đẩy lãi suất lên quá cao cũng đã tác động mạnh đến mức tăng CPI và gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên, chuyện “lạm phát do hiệu quả đầu tư kém” được nhắc tới. Năm 2007, khi dư nợ tín dụng tăng chóng mặt, nhiều quan điểm cho rằng, đó là nguyên nhân khiến lạm phát của năm này lên tới 12,63%. Điều này là đúng, nhưng các chuyên gia kinh tế vẫn thường nhắc tới một nguyên nhân sâu xa khác - đó là đầu tư công tràn lan, kém hiệu quả. Vấn đề không phải là tiền nhiều hay ít, mà là đưa vào đâu và hiệu quả thế nào. Đó là điều luôn được dư luận lên tiếng.

Năm nay, lại một lần nữa câu chuyện này được đề cập. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá cho rằng, mặc dù tất cả các nguyên nhân trên đều đúng, nhưng chưa đủ, thậm chí chưa phải là phần gốc của vấn đề. “Gốc rễ của lạm phát là đầu tư công kém hiệu quả”, ông Giá nói.

Số liệu thống kê cho thấy, nhiều khả năng, năm nay, tổng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ bằng khoảng 41%. Với GDP dự kiến tăng trưởng khoảng 6,7%, cao hơn kế hoạch đề ra, thì ICOR vẫn ở mức khá cao - khoảng trên 6. Con số này đã phần nào phản ánh hiệu quả đầu tư của Việt Nam ra sao.

Có thể có nhiều quan điểm khác nhau về nguyên nhân dẫn tới lạm phát. Nhưng tất cả những yếu tố này có thể tác động tới tỷ lệ lạm phát trong quý đầu năm 2011.

Vì thế, theo ông Bùi Kiến Thành, ngay từ bây giờ, phải tìm cách để kéo lạm phát xuống. “Phải tìm ra những tác nhân làm CPI tăng, để từ đó có chính sách phù hợp giải quyết”, ông Thành nói và cho rằng, năm tới, cần xem xét, đánh giá lại để điều hành chính sách tiền tệ hợp lý hơn.

Trên một khía cạnh khác, khi bàn về vấn đề lạm phát tại Việt Nam, các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, cần phải nhìn nhận từ cả gốc độ lịch sử, đó là Việt Nam luôn có tỷ lệ lạm phát cao hơn các nước láng giềng. Theo họ, khi nền kinh tế trở nên phức tạp hơn, hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, thì Việt Nam sẽ cần phải có những chính sách thân thiện với thị trường hơn để đạt được mục tiêu bình ổn giá.

Rõ ràng, kiềm chế lạm phát không chỉ cần những giải pháp ngắn hạn, mà cũng cần những giải pháp dài hạn hơn. Nếu coi gốc rễ lạm phát là do hiệu quả đầu tư thấp, thì không thể không tiếp tục cải thiện và nâng cao hiệu quả đầu tư.

Hà Nguyễn

đầu tư

Các tin tức khác

>   CPI Hà Nội tháng tới dự báo tăng 1,3-1,5% (27/12/2010)

>   Nên đặt mục tiêu lạm phát năm 2011 dưới 6% (27/12/2010)

>   Dự án tỷ đô và chuyện thống kê FDI (27/12/2010)

>   Việt Nam nỗ lực thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình (27/12/2010)

>   Nguyên thống đốc ngân hàng chia sẻ về khát vọng làm giàu (27/12/2010)

>   Lạm phát cao do tăng trưởng dựa vào vốn (27/12/2010)

>   Lạm phát cơ bản 7,5% là do chính sách tiền tệ (27/12/2010)

>   Kinh tế TP.HCM năm 2010: Tăng trưởng nhưng không ổn định! (27/12/2010)

>   Đáng lo (27/12/2010)

>   Việt Nam năm 2010: Góc nhìn của họ (26/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật