TTCK: Những ngày dài trước mắt
Với phiên giao dịch giảm mạnh về thanh khoản trên cả hai sàn, tâm lý dè dặt của các nhà đầu tư (NĐT) đã quay trở lại khiến nhiều mã cổ phiếu có giá trị giao dịch giảm mạnh.
Thị trường về cơ bản vẫn chưa có nhiều nguồn tin hỗ trợ mạnh, qua đó xu hướng giảm trung hạn vẫn đang là chủ đạo. Tuy nhiên, với mức giá cổ phiếu khá thấp ở thời điểm hiện tại, lực đỡ từ khối ngoại sẽ tiếp tục giúp chỉ số VN-Index không rơi vào trạng thái giảm sâu.
Xu hướng tăng yếu dần
Thực vậy, thị trường Việt Nam đã đi vào chu kỳ giảm trung và dài hạn từ cuối tháng Bảy. Do đó, về mặt kỹ thuật, chu kỳ giảm hiện tại vẫn sẽ tiếp tục và chưa thể kết thúc cho đến nửa đầu tháng 11/2010.
Song cũng không thể phủ nhận rằng, với chu kỳ giảm chính hiện tại, chúng ta vẫn có thể chứng kiến nhiều xu hướng tăng thứ cấp và chỉ số VN-Index hiện đang hình thành vùng giao dịch mới trong khoảng 440-460 và có thể duy trì cho đến cuối tháng 10/2010.
Có thể thấy, sau phiên giảm điểm với áp lực bán mạnh, chỉ số VN-Index mở cửa phiên giao dịch những ngày cuối tuần quay lại trạng thái dè dặt bao trùm. Lực bán dường như cũng không còn khi thị trường giảm mạnh và lực cầu tiếp tục ở trạng thái phòng thủ.
Vùng kháng cự quanh 460 vẫn là vật cản quá lớn của chỉ số VN-Index tại thời điểm này khi dòng tiền không đủ tự tin để bứt phá. Các mã pennies không còn duy trì được màu xanh mà thay vào đó là hàng loạt các lệnh bán được đặt ra trong mấy ngày vừa qua.
Kênh xu hướng giảm phía trên đang cho thấy vai trò rất lớn của một kênh xu hướng giảm đúng nghĩa khi giá đều quay đầu đi xuống khi chạm biên trên của kênh này.
Hiện tại, thị trường đang trông chờ vào nỗ lực của NĐT nước ngoài. Đó cũng là lý do mà giới phân tích kỹ thuật khuyên các NĐT nên tăng tỷ lệ tiền mặt khi thị trường tăng và tránh đua trần các mã làm giá khi rủi ro T+4 là khá lớn. Nói như thế bởi xu hướng giảm có thể quay lại trong phiên ngày mai khi các chỉ số vẫn cho tín hiệu do dự. Vùng giao dịch của VN-Index vẫn là 440 - 460.
Phòng thủ?
Có thể thấy tâm lý phòng thủ của nhiều NĐT đã quay lại, thể hiện qua sự sụt giảm mạnh về thanh khoản trên sàn Hose. Nguyên nhân được giới này lý giải là do tâm lý thận trọng đeo bám, lo ngại về xu hướng giao dịch bất ổn gần đây của thị trường khiến họ tỏ ra chưa sẵn sàng giải ngân, thanh khoản sẽ tiếp tục là mối lo ngại trong những phiên tới đây.
Quả thực, vấn đề tỷ giá giữa VND/USD leo thang, chênh lệch với mức trần quy định của ngân hàng nhà nước khá cao và chưa có dấu hiệu dừng lại là một trở ngại không nhỏ đối với nền kinh tế.
Cộng thêm tác động của giá cả các mặt hàng quý IV có chiều hướng tăng lên ảnh hướng lớn tới tốc độ tăng CPI của hai tháng cuối năm. Do vậy, vấn đề tỷ giá, lạm phát, lãi suất... là những điểm nóng thời gian gần đây, gia tăng nỗi lo cho NĐT mặc dù khối ngoại tiếp tục làm bệ đỡ hãm đà giảm sâu của thị trường.
Song, cũng có những nhận định trái chiều về sự lo lắng của NĐT trong thời gian qua. Vì với họ, ngoài tín dụng, các yếu tố khác như lạm phát, tỷ giá hay mặt bằng lãi suất cho vay... cũng được xem là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thị trường lình xình như hiện nay. Thực tế, những yếu tố này đều không “mạnh” như lo ngại.
Đơn cử như lạm phát, chỉ số CPI tháng 10/2010 cao vượt dự đoán, nhưng vẫn chỉ ở mức trung bình trong mười năm trở lại đây. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất vẫn có thể điều chỉnh được nếu Chính phủ mạnh tay, do lợi nhuận của các ngân hàng vẫn ở mức cao.
Còn tỷ giá đang có xu hướng trở về với tình trạng cân bằng. Mặt khác, tỷ giá không mang yếu tố quyết định đến xu hướng tăng trưởng của nhiều thị trường trên thế giới, điển hình như thị trường Mỹ...
Như vậy, có thể nói, mặc dù hiện nay thị trường chứng khoán đang đối mặt với một số tin tức không tích cực và rủi ro trong ngắn hạn, khả năng giảm điểm vẫn tồn tại.
Đây vẫn là kênh đầu tư khả thi nhất so với vàng hay bất động sản. Nếu căn cứ trên diễn biến chung hiện nay, muộn nhất là đầu năm 2011, thị trường tài chính được hứa hẹn tiềm ẩn nhiều cơ hội lớn đối với NĐT trung và dài hạn.
Đỗ Minh Anh
DOANH NHÂN SÀI GÒN
|