Thị trường “vô cảm” trước khuyến nghị mua
(Vietstock) – Trong bối cảnh thị trường giảm sâu và chưa có thông tin hỗ trợ, một số công ty chứng khoán vừa và nhỏ “can đảm” phát hành các báo cáo phân tích nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Nhưng với xu hướng chung của thị trường, hầu hết cổ phiếu được khuyến nghị mua đều lâm vào cảnh “chợ chiều”.
|
Thị trường giảm, khuyến nghị của chuyên gia có còn giá trị? |
Vietstock điểm qua một số báo cáo phân tích doanh nghiệp được các công ty chứng khoán công bố trong nửa đầu tháng 11/2010 vừa qua.
CTCP Chứng khoán Hà Thành (HASC) đưa ra khuyến nghị mua đối với OGC, SBT, STP với mức giá mục tiêu lần lượt là 35,026 đồng, 13,512 đồng và 29,150 đồng.
Theo HASC, giá thị trường hiện tại của OCG đang trở nên hấp dẫn 24,500 đồng (ngày 03/11) khi so với giá mục tiêu của OGC là 35,062 đồng. HASC dự kiến mức lợi nhuận nhà đầu tư có thể đạt được với cổ phiếu này lên đến 42% với mức EPS năm 2010 là 3,000 đồng/cp. Ngoài ra, trạng thái tài chính của OGC hiện nay khá tốt, công ty chủ động trong việc thanh toán nợ ngắn hạn. Sau đợt tăng vốn từ 1,968 tỷ đồng lên 2,500 tỷ đồng trong quý 1/2010 giúp OGC tăng tiềm lực tài chính, hiện hệ số thanh toán hiện hành đạt 1,369 lần.
Ngày 04/11, cổ phiếu SBT được khuyến nghị mua với mức giá kỳ vọng là 13,512 đồng/cp. Theo đánh giá của HASC, SBT có lợi thế hơn các doanh nghiệp cùng ngành nhờ được hưởng ưu đãi từ chính sách thuế của nhà nước. Bên cạnh đó, SBT là một trong số rất ít các nhà sản xuất đường tinh luyện của Việt Nam nên có lượng khách hàng khá ổn định. Với EPS năm 2010 có thể đạt được là 2,376 đồng, cổ phiếu SBT rất xứng đáng để đầu tư với kỳ vọng mức lợi nhuận 19.32%.
Trong báo cáo phân tích mã STP ra ngày 12/11, HASC khuyến nghị cổ phiếu mua này trong ngắn hạn. HASC đánh giá cao tính thanh khoản, tình hình tài chính cũng như chất lượng tài sản của STP đang tăng trong thời gian gần đây. Giá mục tiêu của STP mà HASC đưa ra là 29,150 đồng/cp (so với mức giá ngày 11/11 là 26,400 đồng), EPS năm 2010 dự tính có thể đạt được là 5,000 đồng tương đương mức lợi nhuận có thể đạt được trong 2 tháng cuối năm khoảng 19%.
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS) khuyến nghị nắm giữ hai cổ phiếu: MKP trong dài hạn và TDH trong ngắn hạn.
Cụ thể, ngày 01/11, VDS đưa ra khuyến nghị nắm giữ dài hạn cổ phiếu MKP với mức giá kỳ vọng đạt được là 59,200 đồng, cao hơn 21.8% so với tham chiếu ngày 01/11 (46,800 đồng/cp). Theo VDS, EPS năm 2010 giả định của MKP khoảng 7,748 đồng/cp, tương đương P/E khoảng 6.3 lần. Bên cạnh đó, MKP được đánh giá là doanh nghiệp có vị thế trong ngành dược, lợi nhuận năm 2010 của MKP được kỳ vọng cải thiện sau một khoảng thời gian chững lại và nhiều dự án của MKP có khả năng mang lại giá trị lớn cho công ty.
Vào ngày 08/11, VDS công bố báo cáo phân tích cổ phiếu TDH với khuyến nghị nắm giữ trong ngắn hạn. Tại thời điểm ra báo cáo, cổ phiếu này đang ở mức giá 31,000 đồng/cp, VDS kỳ vọng giá lên 38,700 đồng/cp. P/E và P/B vào thời điểm hiện tại của TDH lần lượt 6.5 lần và 1.5 lần, thấp hơn 15% so với mức trung bình ngành (7.6 và 1.8) là hợp lý. Tuy nhiên, với mức giá ngày 18/11 là 27,900 đồng/cp thì TDH vẫn còn cách mức kỳ vọng khá xa.
Đối với CTCP Chứng khoán Mê Kông (MSC), cổ phiếu NTP trở nên hấp dẫn khi giao dịch quanh mức giá 82,000 đồng/cp. Mức giá mục tiêu của NTP ở vào khoảng 103,000 đồng/cp. Tính từ khi MSC đưa ra khuyến nghị với NTP đến nay (18/11) cổ phiếu này vẫn lình xình chốt giá ở 82,600 đồng/cp.
Chứng khoán Mê Kông cũng đề xuất mua BMP (48,000 đồng/cp tại ngày 02/11) và mức giá mục tiêu có thể đạt đến là 54,500 đồng/cp. Còn CTCP Chứng khoán Kimeng Việt Nam (KEVS) khuyến nghị nắm giữ trong ngắn hạn với mức giá mục tiêu là 51,400 đồng/cp. Hiện nay BMP vẫn chỉ loay hoay ở 48,500 đồng/cp (ngày 17/11). Trước đó, trong khoảng thời gian từ 03-09/11, cổ hiếu BMP vọt ngay lên mức giá mục tiêu là 51,500 đồng/cp.
CTCP Chứng khoán VNDirect đưa ra báo cáo phân tích đối với hai mã HBC và CSM vào ngày 10/11 và ngày 12/11.
Theo đó, cổ phiếu HBC trở nên hấp dẫn để đầu tư khi giao dịch ở mức giá 44,600 đồng/cp (09/11), P/E và P/B ước tính là 5.7 và 1.1 lần cho năm 2010; và 5.0 và 1.0 cho năm 2011 - mức thấp so với các công ty trong ngành. Tuy nhiên đến cuối phiên 15/11, cổ phiếu này giảm còn 39,700 đồng/cp và chỉ tăng nhẹ trong một số phiên gần đây lên 40,900 đồng/cp (18/11).
Với mã CSM, VND cho rằng tại giá 28,000 đồng/cp (ngày 11/11), CSM đang được giao dịch với mức P/E và P/B 2010 khoảng 8.6 và 1.31 lần, không thực sự hấp dẫn so với mặt bằng chung của thị trường và trung bình ngành. Kết quả định giá năm 2011 có phần khả quan hơn với P/E khoảng 6.52 và P/B khoảng 1.12, là mức khá thấp so với thị trường chung. Nhưng khi xét đến các yếu tố rủi ro của CSM, đây lại là mức hợp lý đối với cổ phiếu CSM.
CTCP Chứng khoán TPHCM (HSC) đưa ra các báo cáo cập nhật kế quả kinh doanh quý 3/2010 và kết quả dự phóng đối với GMD, VNS, LIX, VIC, VNM, TRA. Tuy nhiên, HSC không đưa ra bất kỳ khuyến nghị nào đối với các mã này.
Nửa đầu tháng 11, thị trường liên tục có những phiên mất, tính đến 15/11 VN-Index đã giảm tổng cộng 4.21% xuống còn 433.54 điểm, HNX-Index mất đến 12.74% lùi sâu về mốc 98.48 điểm. Những doanh nghiệp được đánh giá có hoạt động kinh doanh hiệu quả, P/E và P/B thấp, kỳ vọng mang lại lợi nhuận tốt cho nhà đầu tư nhưng giá cổ phiếu vẫn không thoát khỏi tình trạng lình xình, thậm chí còn tụt dốc trong thời gian qua. Nhà đầu tư vẫn còn e ngại việc giải ngân khi các yếu tố vĩ mô chưa tích cực.
Viết Vinh
|