Thứ Sáu, 19/11/2010 08:46

Chứng khoán: cơ hội nào cho đầu tư dài hạn?

Sự èo uột từ đầu năm đến nay của thị trường chứng khoán như đang thử thách lòng kiên nhẫn của giới đầu tư.

Phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hôm 17.11 của tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas) chỉ bán được hơn 64% lượng chào bán với giá đấu bình quân 31.000 đồng/CP. Việc trở thành chủ nhân của ngành công nghiệp khí Việt Nam, ngành mũi nhọn và có tính quyết định đến sự tăng trưởng và phát triển của các ngành công nghiệp khác như điện, đạm, sắt, thép… ở PVGas là niềm ao ước của nhiều nhà đầu tư. Như ông Andy Ho, giám đốc đầu tư của VinaCapital, nói rằng tham gia được vào các tổng công ty nhà nước là cơ hội không dễ có. Tuy nhiên, trong 1.057 nhà đầu tư trúng giá, có 12 tổ chức và 1.045 cá nhân, nhà đầu tư nước ngoài mua được hơn 4,244 triệu cổ phần trong tổng số gần 61 triệu cổ phần bán được.

Cạn tiền

Nhiều công ty đấu giá trong 2 – 3 tháng nay chỉ bán được 6 – 10% lượng cổ phần đem ra đấu giá. Mới đây nhất là cuộc đấu giá hơn 7,32 triệu cổ phần của công ty cổ phần Kinh doanh khí hoá lỏng miền Bắc đầu tháng 11, chỉ có năm nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua 0,6% khối lượng.

Ngoài yếu tố không thuận lợi là thời điểm đấu giá không thuận lợi, như PVGas đấu giá khi thị trường ảm đạm và giá bán khởi điểm cao hơn mức bình quân của thị trường, theo ông Huỳnh Anh Tuấn, tổng giám đốc công ty chứng khoán SJC, dòng tiền trên thị trường đang khan hiếm, khó khăn nên nhà đầu tư trở nên thận trọng.

Cái khó khăn nhất của thị trường hiện nay là dòng tiền bị cản trở chảy vào vì nhiều yếu tố. Ông Tuấn cho rằng, chưa có nhiều kỳ vọng đầu tư trung hạn, vì thị trường đang đòi hỏi giải quyết những vấn đề vĩ mô, các đợt sốt giá vàng, USD; và chờ đợi CPI của tháng 11. Lãi suất ngân hàng gia tăng gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư không dám vay cầm cố cổ phiếu.

Ngoài ra, áp lực tăng vốn tổng cộng 45.000 tỉ đồng vào cuối năm của các ngân hàng là một thách thức trong khi các ngân hàng vẫn đang chạy đua tăng huy động vốn. Giám đốc một công ty chứng khoán cho hay, giá cổ phiếu nhiều ngân hàng đang giao dịch dưới mệnh giá, trong khi giá cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu bằng mệnh giá nên hầu hết cổ đông không chịu mua. Bên cạnh đó, hàng loạt các doanh nghiệp đã được cấp giấy phép phát hành cổ phiếu, nhưng họ không thể chốt danh sách do cổ đông không chịu nộp tiền, phải lùi ngày chốt; hoặc doanh nghiệp được cấp phép đã lâu vẫn không công bố ngày chốt danh sách, cho thấy nhà đầu tư không chịu bỏ thêm tiền vào cổ phiếu.

Cơ hội nào?

Tin từ một vài công ty chứng khoán là một số quỹ, tổ chức đã lên kế hoạch giải ngân. Những phiên VN-Index đi xuống gần đây nhưng khối lượng và giá trị giao dịch tương đối cao hơn so với các phiên khác cho thấy dấu hiệu này. Đơn cử trong tháng 10, quỹ VF1 đã giải ngân, giảm tỷ lệ tiền mặt từ 10% còn 7% NAV, và bán hết trái phiếu trong danh mục đầu tư, VF4 cũng giải ngân, tỷ lệ tiền mặt và tài sản khác cũng giảm từ 7,2% xuống 2,4%.

Dù vậy, theo ông Tuấn, các tổ chức trong nước giải ngân vì giá rẻ, song họ cũng nhìn thấy khả năng bất ổn, và khả năng chịu đựng thị trường của họ là giới hạn. “Hiện tại, họ không dám tiêu mạnh tay. Lực chính trên thị trường chứng khoán vẫn là nhà đầu tư cá nhân, với giá trị giao dịch chiếm 80%”, ông nói.

Từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng trên 10.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 500 triệu USD. Theo phân tích của công ty chứng khoán Âu Việt (AVSC), quy mô này không lớn vì trước đây, riêng quý 1 năm 2008, họ đã lỗ trên thị trường chứng khoán Việt Nam đến 1,3 tỉ USD. Từ đầu năm đến nay, họ còn bị thua lỗ kép vì vừa mất chi phí cơ hội khi chứng khoán thế giới tăng trong khi chứng khoán Việt Nam giảm, và đồng tiền các nước khác tăng giá so với USD trong khi tiền đồng lại giảm giá.

Nhưng tại sao họ lại bền bỉ mua ròng? Theo AVSC, chiến lược đầu tư của khối ngoại là dài hạn (3 – 5 năm), nên mặc dù họ lỗ ngắn hạn nhưng chưa thể đánh giá xác đáng về chiến lược đầu tư của họ. Mặt khác, họ có thể tự bảo vệ bằng việc mua hợp đồng kỳ hạn trên thị trường quốc tế.

Trung tâm của những khuyến nghị vẫn là nên duy trì tỷ lệ tiền mặt cao, song, nhiều ý kiến cho rằng, nhà đầu tư có dòng tiền nhàn rỗi có thể nghĩ đến việc đầu tư trung dài hạn, sẽ đón được làn sóng thị trường lên nhờ dòng tiền nóng từ 600 tỉ USD bơm vào nền kinh tế của Mỹ sẽ chảy phần nào đó vào thị trường Việt Nam.

AVSC cho rằng, những yếu tố hỗ trợ thị trường trong thời gian tới là giá cổ phiếu giảm sâu trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn có kết quả hoạt động kinh doanh tốt. P/E thị trường Việt Nam thấp nhất trong khu vực. Thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm chưa tăng trở lại, trong khi các thị trường nước khác đã hồi phục, và được kỳ vọng sẽ còn tăng tiếp. Ngoài ra, khi vàng, ngoại tệ lập đỉnh thì dòng tiền sẽ từ các kênh này chảy sang kênh chứng khoán.

Hồng Sương

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Gánh nặng lãi suất và chứng khoán (19/11/2010)

>   Thị trường ngày 19/11 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (18/11/2010)

>   Thị trường chứng khoán: Vào hay ra? (18/11/2010)

>   UPCoM-Index tăng 0,89 điểm (18/11/2010)

>   Cổ phiếu rẻ hơn vé số (18/11/2010)

>   Chứng chỉ quỹ: Đi tìm sự nhìn nhận (18/11/2010)

>   Đến lượt VF1 bị tuýt còi do bán chui cổ phiếu (18/11/2010)

>   Bốn lực mua và cơ hội tại ngưỡng hỗ trợ 420 điểm (18/11/2010)

>   Chờ tia sáng cuối đường hầm! (18/11/2010)

>   Cơ hội không chia đều! (18/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật