Thứ Năm, 18/11/2010 16:55

Thị trường chứng khoán: Vào hay ra?

Với kinh nghiệm nghiên cứu thị trường cùng với các yếu tố vĩ mô không sáng sủa, giới chuyên gia đã đưa ra cảnh báo là vùng hỗ trợ 440 sẽ bị phá vỡ chỉ còn là vấn đề thời gian.

Giá vàng tiếp tục biến động mạnh trong những ngày vừa qua càng làm tăng thêm sự lưỡng lự cho các nhà đầu tư (NĐT), nên khả năng dòng tiền có thể chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác. Các tuyên bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng như Ủy ban Tài chính Quốc gia nhằm cố gắng kiềm chế các cơn sốt vàng cũng như ngoại hối trong thời gian hiện tại vẫn chưa đủ giúp thị trường bình ổn hơn.

Trong khi đó, các dự báo về sự trượt giá của đồng tiền vô tình đẩy tỷ giá ở thị trường không chính thống lên cao hơn, gây ra các mối quan ngại lớn cho thị trường hiện tại. Và hơn nữa, lạm phát cũng đang khiến NĐT phải tiếp tục lo lắng.

Thị trường xấu đi

Lấy phiên giao dịch ngày 9/11 làm ví dụ: khi giá vàng đột nhiên tăng vọt lên hơn 38 triệu đồng/lượng cũng là thời điểm thể hiện tâm lý dao động của thị trường khi áp lực bán mạnh đã xuất hiện trong phiên điều chỉnh.

Tuy nhiên, thị trường trở nên tồi tệ hơn khi việc cơ cấu doanh mục đầu tư của khối ngoại đã làm cho thị trường sụt giảm rất mạnh về cuối phiên. Thanh khoản tăng vọt chủ yếu là của các NĐT ngoại và vì vậy đây chưa phải là lực cầu bắt đáy mạnh của thị trường. Thanh khoản thực của thị trường vẫn ở mức thấp (khoảng 600 tỷ đồng) và chưa có dấu hiệu hồi phục mạnh.

Điều đó giải thích vì sao hầu hết các nghiên cứu đều cho rằng về trung và dài hạn, thị trường sẽ tiếp tục đi ngang trong xu hướng giảm điểm do yếu tố hạn chế của dòng tiền ở thời điểm từ đây đến cuối năm. Tuy nhiên, với mức P/E khá thấp, việc mua bán có thể duy trì với mức lợi nhuận 10-15%. Trên thực tế, thị trường đã đi vào chu kỳ giảm trung và dài hạn từ cuối tháng Bảy.

Các nhà phân tích của Công ty Chứng khoán SBS nói rằng, về mặt kỹ thuật, chu kỳ giảm hiện tại vẫn sẽ tiếp tục và chưa thể kết thúc cho đến nửa đầu tháng Mười một. Tuy nhiên, với chu kỳ giảm chính hiện tại, vẫn có thể chứng kiến nhiều xu hướng tăng thứ cấp và chỉ số VN - Index trong tuần này có thể kết thúc chu kỳ củng cố và xác lập xu hướng mới khi mô hình tam giác đối xứng đang sắp hoàn tất.

Nói như thế vì hiện nay các chỉ số kỹ thuật đang quay lại xu hướng do dự. STO vẫn đang đi vào vùng quá mua trong khi đó RSI và MACD bắt đầu đi ngang cho tín hiệu mâu thuẫn. Giá vẫn không thể vượt qua đường 50 EMA trong hơn một tháng qua. Cần quan sát thị trường thêm vài ngày tới để xác định xu hướng hiện tại.

“Vùng giao dịch hiện tại là 440 - 460 và trong bối cảnh thị trường rất khó đoán và giá đang bắt đầu giảm mạnh trở lại, chúng tôi khuyến nghị giải pháp kiên trì quan sát thị trường trong vài phiên tới để khẳng định xu hướng tăng hoặc giảm.

Như vậy, quyết định mua bán trong ngắn hạn sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro về chu kỳ T+4, do đó giải ngân cho mục đích đầu tư giá trị và dài hạn là hợp lý hơn khi P/E một số mã blue chip đang ở mức khá hấp dẫn. NĐT nên tăng tỷ lệ tiền mặt trong các phiên tăng sát vùng kháng cự quanh 460 và mua vào khi thị trường giảm sâu về vùng hỗ trợ quanh 440”, ông Đỗ Trí Lệnh, chuyên viên phân tích của SBS nói.

Rủi ro ngắn hạn

Có lẽ với biến động dao động hẹp, kéo dài, những NĐT nắm giữ lượng lớn cổ phiếu đang là những người chịu thiệt thòi và dường như họ đang dần chấp nhận bán ở mức giá thấp hơn, tạo điều kiện giao dịch thành công cho những NĐT khác đang đợi mua vào. Hiện kỳ vọng tăng giá hạn hẹp sẽ sớm kết thúc bằng việc VN-Index giảm xuống dưới ngưỡng hỗ trợ 440 điểm.

Theo PSI, với cơ cấu sản xuất và tiêu dùng hiện tại, thông tin tỷ giá tăng mạnh sẽ khiến lạm phát tăng cao. Mặt khác, việc tỷ giá tăng mạnh trong năm nay sẽ gây e ngại không nhỏ đối với NĐT nước ngoài khi danh mục của họ tính theo USD đang giảm nhanh. Do đó, khả năng thị trường có thể tăng trưởng bền vững trong ngắn hạn sẽ khó xảy ra và việc mua vào sẽ đem lại rủi ro lớn đối với những nhà đầu cơ ngắn hạn.

Nhóm phân tích kỹ thuật của BSI cũng khuyên các NĐT nên hạn chế tham gia lướt sóng trong thời điểm hiện nay, vì rủi ro cao trong khi lợi nhuận không nhiều. Việc mua vào chỉ nên thực hiện khi xu hướng tăng được xác lập, tương ứng với việc VN-Index vượt vùng kháng cự 467-470, thanh khoản thị trường tăng. Còn việc bán ra có thể xem xét nếu VN-Index không giữ được ngưỡng hỗ trợ 440, vì đây là ngưỡng cắt lỗ kỹ thuật.

Tương tự, khuyến nghị của Công ty Chứng khoán SHS, trong trung và dài hạn, NĐT có thể xem xét mua và nắm giữ trong những phiên điều chỉnh giảm mạnh. Đối với các NĐT ngắn hạn, cần tập trung vào các cổ phiếu đang có trong danh mục hoặc các cổ phiếu có sức cầu mạnh, hạn chế mua đuổi giá quá trễ. Cần giải ngân từng phần kết hợp với việc theo dõi những biến động tiếp theo của chỉ số để quyết định hợp lý.

Nguyễn Thanh Hải

DOANH NHÂN SÀI GÒN

Các tin tức khác

>   UPCoM-Index tăng 0,89 điểm (18/11/2010)

>   Cổ phiếu rẻ hơn vé số (18/11/2010)

>   Chứng chỉ quỹ: Đi tìm sự nhìn nhận (18/11/2010)

>   Đến lượt VF1 bị tuýt còi do bán chui cổ phiếu (18/11/2010)

>   Bốn lực mua và cơ hội tại ngưỡng hỗ trợ 420 điểm (18/11/2010)

>   Chờ tia sáng cuối đường hầm! (18/11/2010)

>   Cơ hội không chia đều! (18/11/2010)

>   Thị trường ngày 18/11 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (17/11/2010)

>   Tìm 'điểm tựa' cho thị trường chứng khoán (17/11/2010)

>   UPCoM-Index giảm nhẹ 0,01 điểm (17/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật